Mụn ở ngực: nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 14/11/2024. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
5
(2)

Mụn trứng cá ở vùng ngực là một vấn đề khá phổ biến, có thể gây ra sự khó chịu và làm giảm tự tin nhưng lại thường bị bỏ qua trong quy trình chăm sóc da hằng ngày. Hiểu rõ nguyên nhân cũng như phương pháp điều trị mụn ở ngực là bước quan trọng để duy trì làn da mịn màng và khỏe mạnh. Hãy cùng Doctor Acnes khám phá chi tiết trong bài viết này để tìm ra cách chăm sóc da ngực hiệu quả hơn nhé!

Các loại mụn thường gặp ở ngực

Mụn ở ngực thường được phân làm 2 nhóm chính gồm mụn viêm và mụn không viêm với các đặc điểm như sau:

  • Mụn không viêm thường là mụn đầu trắng và mụn đầu đen. Nếu đầu mụn đóng và có màu trắng được gọi là mụn đầu trắng (white head). Nếu đầu mụn mở, lâu dần bị oxy hóa chuyển sang màu đen gọi là mụn đầu đen (black head).
  • Mụn viêm ở ngực thường được phân thành ba loại chính là mụn đỏ hoặc mụn sẩn (viêm nhẹ, có màu đỏ hoặc nâu, không chứa mủ), mụn mủ (lớn hơn mụn đầu trắng và đầu đen, có mủ trắng hoặc vàng ở trung tâm) và mụn bọc (viêm sâu dưới da, chứa nhiều mủ, gây đau nhức).

Trong đó, mụn bọc là dạng nặng nhất, dễ để lại sẹo và có nguy cơ lây lan do nhiễm khuẩn nếu không được điều trị kịp thời​.

các loại mụn thường gặp ở ngực
Các loại mụn thường gặp ở ngực

Nguyên nhân gây mụn ở ngực

Có thể chia nguyên nhân gây mụn thành hai nhóm chính:

Mụn ở ngực do da bị bít tắc lỗ chân lông

  • Không làm sạch da đúng cách: vùng da ngực có tuyến bã nhờn và mồ hôi hoạt động mạnh. Khi mồ hôi, bụi bẩn và bã nhờn tích tụ do không được làm sạch kịp thời, chúng gây ra tình trạng bít tắc lỗ chân lông và dẫn đến mụn ở ngực. Đặc biệt với những người thường xuyên hoạt động ngoài trời, đổ nhiều mồ hôi.
  • Bỏ qua tẩy da chết: đa số sữa tắm thông thường không thể làm sạch tế bào sừng, dầu thừa một cách tối ưu cả trên bề mặt da hay trong lỗ chân lông, khiến nang lông tích tụ bui bẩn, trở nên bít tắc và thúc đẩy mụn có cơ hội xuất hiện trên vùng ngực. Ngoài ra, việc sử dụng các sản phẩm có chứa hương liệu hoặc thành phần không phù hợp cũng có thể kích ứng da, làm tăng nguy cơ nổi mụn ngực.
mụn ngực do bít tắc lỗ chân lông
Một số nguyên nhân gây bít tắc lỗ chân lông dẫn đến hình thành mụn ở ngực

Mụn ở ngực bởi tăng tiết bã nhờn do rối loạn nội tiết

Các yếu tố thúc đẩy tuyến bã nhờn hoạt động khiến dầu thừa tích tụ và làm tắc nghẽn lỗ chân lông, kết hợp với tế bào chết và bụi bẩn, tạo ra môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển gây ra mụn trứng cá, nhất là ở ngực, bao gồm: 

  • Thói quen ăn uống: chế độ ăn nhiều đường, thực phẩm có chỉ số đường cao hoặc sữa và các sản phẩm từ sữa có thể gây mụn do tăng tiết bã nhờn.
  • Thức khuya, căng thẳng: thường xuyên thức khuya, căng thẳng và lo lắng làm tăng hormone cortisol và androgen, dẫn đến tăng sản xuất bã nhờn và gây viêm da. 
  • Thay đổi nội tiết tố: sự thay đổi hormone trong các giai đoạn như dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt, mang thai hoặc mãn kinh làm mất cân bằng giữa hormone estrogen và androgen, gây tăng tiết bã nhờn và hình thành mụn nội tiết trên cơ thể bao gồm cả vùng ngực.
  • Bệnh lý liên quan: các bệnh như hội chứng buồng trứng đa nang, tiểu đường, đái tháo đường và bệnh tuyến giáp cũng gây ra rối loạn nội tiết, dẫn đến mụn ở ngực.
mụn ngực do tăng tiết bã nhờn
Một số nguyên nhân gây tăng tiết bã nhờn dẫn đến hình thành mụn ở ngực

Cách điều trị mụn ở ngực hiệu quả

Mụn trứng cá ở vùng da ngực được cho là khó điều trị bởi thường xuyên bị che phủ bởi quần áo và ẩm ướt do mồ hôi dễ dẫn đến tình trạng viêm. Do đó cần kiên trì trong việc chăm sóc da và áp dụng đúng phương pháp để loại bỏ mụn và ngăn ngừa mụn tái phát trở lại. 

Điều trị nội khoa

Phương pháp điều trị nội khoa bao gồm các sản phẩm không kê đơn (OTC) và kê đơn. 

Đối với mụn không viêm như mụn ẩn hoặc đầu đen, nên chọn lựa các loại sữa tắm dịu nhẹ, không gây kích ứng. Sử dụng sữa tắm, xà phòng hay các sản phẩm chứa AHA, BHA giúp làm sạch lỗ chân lông, loại bỏ tế bào chết, giảm tiết bã nhờn và hỗ trợ điều trị mụn ở ngực.

Đối với các loại mụn viêm, có thể sử dụng các sản phẩm chứa các hoạt chất như:

  • Benzoyl peroxide: là một thành phần giúp trị mụn rất hữu ích với cơ chế tiêu diệt vi khuẩn gây mụn, nên có thể làm khô các tổn thương mụn trứng cá và thúc đẩy bong tróc các lớp tế bào da chết. Hiệu quả cao đối với các tổn thương mụn trứng cá dạng viêm. 
  • Acid azelaic: có công dụng kháng viêm, diệt khuẩn và làm sạch lỗ chân lông. Ngoài ra còn có khả năng làm mờ vết thâm do mụn để lại và cân bằng sản xuất bã nhờn, từ đó giảm sự hình thành mụn ở ngực.
  • Tinh dầu từ cây trà: được tinh chế từ lá cây Melaleuca alternifolia, được chứng minh có hiệu quả như thuốc bôi chứa 5% benzoyl peroxide. Tinh dầu trà đã được sử dụng để trị mụn trong rất nhiều năm nhờ hoạt tính kháng khuẩn và giảm tiết bã nhờn hiệu quả.

Trong trường hợp ngực xuất hiện các nốt mụn viêm như mụn sẩn, mụn mủ, mụn bọc hoặc tình trạng mụn kéo dài và không thuyên giảm dù đã sử dụng các sản phẩm kể trên, Bác sĩ Da liễu có thể khuyến nghị sử dụng các loại thuốc như: 

  • Retinoid: là các dẫn xuất vitamin A, giúp điều trị cả mụn trứng cá viêm và không viêm theo cơ chế bình thường hóa quá trình sừng hóa nang lông, từ đó giúp giảm tắc nghẽn lỗ chân lông, ngăn ngừa hình thành mụn mới ở ngực. Các loại retinoid có thể sử dụng bao gồm adapalene, tretinoin đường bôi và isotretinoin đường uống. Isotretinoin được chỉ định trong các trường hợp mụn ở ngực nặng và không đáp ứng với các lựa chọn điều trị khác, đây là thuốc kê đơn và cần theo dõi điều trị bởi Bác sĩ Da liễu.
  • Thuốc kháng sinh: thuốc kháng sinh như doxycycline và minocycline, clindamycin (dạng bôi hoặc uống) giúp giảm viêm và kiểm soát sự lây lan của mụn trứng cá ở ngực.
  • Thuốc tránh thai: được chỉ định cho phụ nữ có rối loạn nội tiết tố gây ra mụn trứng cá, thường là loại chứa estrogen và progestin. Đây cũng là thuốc kê đơn và cần được Bác sĩ theo dõi.
thăm khám bác sĩ
Thăm khám Bác sĩ Da liễu để được tư vấn và điều trị các vấn đề về mụn

Điều trị bằng các phương pháp vật lý hóa học

Tại các cơ sở điều trị như Bệnh viện hay Phòng khám Da liễu, Bác sĩ có thể phối hợp thêm một số phương pháp như thay da sinh học hoặc sử dụng công nghệ cao giúp kiểm soát viêm và đẩy lùi tình trạng mụn nhanh chóng:

  • Peel da hóa học: phương pháp này sử dụng acid để lấy đi tế bào chết trên da, kích thích nhân mụn trồi lên để dễ dàng gom mụn. Ngoài ra peel da còn hữu ích trong việc giảm viêm với hoạt chất acid salicylic.
  • Laser và liệu pháp ánh sáng: laser sử dụng một chùm ánh sáng có bước sóng đơn lẻ và cường độ cao, nhắm chính xác vào các vùng da tổn thương hoặc viêm. Phương pháp này giúp điều trị sâu, hiệu quả trong việc giảm viêm mụn, làm mờ vết thâm và sẹo, đồng thời kích thích sản xuất collagen để tái tạo làn da. Trong khi đó, các liệu pháp ánh sáng như ánh sáng xanh hoặc IPL sử dụng nhiều bước sóng ánh sáng lan tỏa để tác động lên vi khuẩn gây mụn và sắc tố da. Phương pháp này ít xâm lấn hơn, thường được sử dụng để tiêu diệt vi khuẩn gây mụn, giảm viêm, cải thiện màu sắc da và làm đều bề mặt da một cách nhẹ nhàng.
  • Quang động trị liệu: là phương pháp điều trị mụn dựa trên sự kết hợp giữa chất nhạy cảm ánh sáng và nguồn ánh sáng sử dụng. Chất nhạy cảm ánh sáng có khả năng xâm nhập vào tuyến bã nhờn và nang lông, khi được chiếu sáng sẽ hấp thụ ánh sáng và sinh ra oxy hoạt tính. Oxy hoạt tính này giúp tiêu diệt vi khuẩn gây mụn C. acnes và làm giảm viêm, từ đó cải thiện tình trạng mụn ở ngực.

Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và lối sống

Ngoài việc sử dụng các phương pháp trị mụn nêu trên, việc điều chỉnh chế độ sinh hoạt lành mạnh cũng góp phần không nhỏ trong việc cải thiện mụn ở ngực.

Thay đổi chế độ ăn uống giàu vitamin A, C và E từ trái cây và rau xanh có thể cải thiện sức khỏe làn da và giảm viêm. Hạn chế thực phẩm nhiều đường, dầu mỡ, sữa và các sản phẩm chế biến sẵn sẽ giúp giảm bã nhờn và ngăn ngừa mụn. Uống đủ nước hằng ngày cũng quan trọng để duy trì độ ẩm cho da và loại bỏ độc tố.

Bên cạnh đó, lối sống lành mạnh đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tập thể dục đều đặn cải thiện tuần hoàn máu và giúp loại bỏ độc tố qua mồ hôi, nhưng cần vệ sinh da sạch sẽ sau khi tập. Giảm căng thẳng, ngủ đủ giấc và giữ quần áo, giường chiếu sạch sẽ cũng góp phần hỗ trợ điều trị mụn ngực hiệu quả.

điều chỉnh dinh dưỡng và lối sống ngừa mụn
Thay đổi chế độ ăn uống giàu vitamin A, C và E từ trái cây và rau xanh có thể cải thiện sức khỏe làn da và giảm viêm

Xem thêm các bài viết liên quan

Phòng ngừa mụn ở ngực

Để đề phòng mụn ở ngực xuất hiện, cần lưu ý những điều sau:

  • Giữ da luôn sạch sẽ và thông thoáng: tắm rửa sạch sẽ mỗi ngày, đặc biệt sau khi vận động ra nhiều mồ hôi. Thường xuyên tẩy tế bào chết 2 lần/ tuần giúp lỗ chân lông không bị tắc nghẽn, kích thích tái tạo tế bào da mới giúp làn da khỏe hơn. Tuy nhiên, không tẩy tế bào chết quá mức vì nó có thể làm khô da, từ đó kích ứng và tăng nguy cơ nổi mụn.
  • Dưỡng ẩm cho da: các sản phẩm trị mụn thường gây khô da, khi da khô quá mức, cơ thể sẽ kích hoạt tiết nhiều dầu hơn. Do đó, dưỡng ẩm cho da thường xuyên khi trị mụn là điều cần thiết. Lưu ý chọn các loại dưỡng ẩm có nhãn “oil-free” hoặc “non-comedogenic“.
  • Ăn uống khoa học: hạn chế sử dụng đồ uống có cồn, thuốc lá, đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ… Nên bổ sung các thực phẩm tốt cho da như rau xanh, hoa quả giàu vitamin C, E… và uống đủ nước với khoảng 2 – 2.5 lít nước/ngày.
  • Vệ sinh giường ngủ: hãy tạo thói quen vệ sinh giường ngủ thường xuyên, giặt sạch bọc nệm, chăn, bọc gối vì chỉ sau một tuần chúng sẽ chứa đầy da chết và các loại vi khuẩn. 
  • Chọn trang phục phù hợp: nên lựa chọn áo lót vừa vặn, không được quá chật hoặc quá lỏng, điều này sẽ làm cho mồ hôi tiết ra nhiều hơn và tạo môi trường thuận lợi cho mụn sinh sôi. Áo ngoài thì nên lựa chọn chất liệu thấm hút mồ hôi, rộng rãi, thoáng mát.
  • Không được nặn mụn: tránh cào gãi hay sờ tay bẩn lên vùng da bị mụn bởi nó dễ gây nhiễm trùng da, dẫn đến sẹo thâm và sẹo lõm sau mụn.
phòng ngừa mụn ở ngực
Một số biện pháp phòng ngừa mụn ở ngực

Tóm lại, việc điều trị mụn ở ngực đòi hỏi sự kiên nhẫn và áp dụng đúng phương pháp, từ việc sử dụng các sản phẩm điều trị đến điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống. Hãy bắt đầu với các sản phẩm phù hợp, kết hợp với chế độ dinh dưỡng và chăm sóc da hợp lý để ngăn ngừa mụn tái phát. Nếu tình trạng mụn vẫn không cải thiện, đừng ngần ngại liên hệ với Doctor Acnes để được tư vấn và điều trị hiệu quả!

Tài liệu tham khảo

  1. Hughes BR, Norris JF, Cunliffe WJ. “A double-blind evaluation of topical isotretinoin 0.05%, benzoyl peroxide gel 5% and placebo in patients with acne“. Clin Exp Dermatol. 1992 May;17(3):165-8. doi: 10.1111/j.1365-2230.1992.tb00196.x
  2. Leyden J, Stein-Gold L, Weiss J. “Why Topical Retinoids Are Mainstay of Therapy for Acne“. Dermatol Ther (Heidelb). 2017 Sep;7(3):293-304. doi: 10.1007/s13555-017-0185-2
  3. Ayer J, Burrows N. “Acne: more than skin deep“. Postgrad Med J. 2006 Aug;82(970):500-6. doi: 10.1136/pgmj.2006.045377
  4. Castillo DE, Keri JE. “Chemical peels in the treatment of acne: patient selection and perspectives“. Clin Cosmet Investig Dermatol. 2018 Jul 16;11:365-372. doi: 10.2147/CCID.S137788
  5. How to safely exfoliate at home“. AAD

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 5 / 5. Lượt đánh giá 2

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status