Nguyên nhân nổi mụn ở má và cách điều trị hiệu quả

Ngày 16/08/2024. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
5
(1)

Má là vùng da chiếm phần lớn diện tích trên khuôn mặt, đây cũng là vị trí dễ bị nổi mụn. Việc xuất hiện mụn ở hai bên má có thể gây ra nhiều khó chịu về mặt thẩm mỹ của gương mặt. Để có thể điều trị và phòng ngừa tình trạng bùng phát mụn trứng cá ở vùng da này một cách hiệu quả, hãy tham khảo bài viết sau đây.

Nguyên nhân nổi mụn ở má

Trong điều kiện bình thường, vi khuẩn P. acnes sống hòa hợp trên da. Tuy nhiên, khi tuyến bã nhờn hoạt động quá mức kết hợp với hiện tượng sừng hóa nang lông do tế bào chết, bụi bẩn tích tụ sẽ gây nên tình trạng bít tắc lỗ nang lông. Lỗ chân lông bị tắc nghẽn do tích tụ chất sừng và bã nhờn chính là nguyên nhân hình thành các loại mụn không viêm như mụn ẩn, mụn đầu đen và mụn đầu trắng.

Mặt khác, vi khuẩn P. acnes cũng có thể lợi dụng điều kiện này để “tấn công” làn da, kích thích phản ứng viêm, dẫn đến hình thành mụn viêm trên má. Sự tăng sản xuất dầu trên da có thể xảy ra vì nhiều nguyên nhân khác nhau như:

  • Yếu tố nội tiết như tuổi dậy thì, rối loạn nội tiết tố (như hội chứng buồng trứng đa nang, rối loạn tuyến giáp), thay đổi nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt.
  • Sử dụng sản phẩm chăm sóc da không phù hợp.
  • Thói quen sinh hoạt kém lành mạnh (hút thuốc lá, giấc ngủ kém, chế độ ăn uống).
  • Yếu tố di truyền.
  • Vấn đề về các bệnh lý như rối loạn hệ vi sinh đường ruột, bệnh lý tự miễn.
  • Căng thẳng kéo dài.

Bên cạnh những nguyên nhân đã đề cập, mụn trứng cá trên vùng má còn dễ xuất hiện hơn do đây là khu vực thường xuyên chịu tác động cơ học từ bên ngoài, hay còn gọi là mụn cơ học.

Mụn cơ học xuất phát từ sự ma sát liên tục trên da, dẫn đến kích ứng nang lông, gây viêm, bít tắc da và hình thành mụn. Các nguyên nhân phổ biến làm nổi mụn cơ học ở má thường liên quan đến lối sống và thói quen hàng ngày, bao gồm:

  • Thường xuyên chạm tay vào da, chống tay lên mặt.
  • Ngủ trên ga trải giường và vỏ gối bẩn.
  • Tiếp xúc với các sản phẩm chăm sóc tóc.
  • Không thường xuyên vệ sinh cọ trang điểm.
  • Áp điện thoại vào mặt khi nói chuyện điện thoại.
  • Ma sát do đeo khẩu trang thường xuyên.
nguyên nhân nổi mụn ở má
Mụn ở má (hình minh họa)

Các loại mụn thường nổi ở má

Vùng má có thể nổi nhiều loại mụn khác nhau bao gồm cả mụn không viêm và mụn viêm. Mỗi người có tình trạng và biểu hiện của mụn khác nhau.

Các loại mụn không viêm

  • Mụn đầu đen: là loại mụn trứng cá hở, có nhân mụn trồi lên bề mặt da và bị oxy hóa chuyển sang màu sẫm hơn.
  • Mụn đầu trắng: hay còn gọi là mụn trứng cá kín, là loại mụn li ti màu trắng, có nhân mụn đóng, không viêm.
  • Mụn ẩn: là loại mụn không viêm, không đầu có nhân, khác với mụn đầu đen và mụn đầu trắng, mụn ẩn khép kín và phát triển sâu bên dưới bề mặt da, thường không gây viêm. Mụn ẩn có thể phát triển thành mụn viêm hoặc mụn chai khi có tác động cơ học như nặn mụn.

Các loại mụn viêm

  • Mụn sẩn: là loại mụn viêm nhẹ nhất, gây sưng đỏ và đau.
  • Mụn mủ: là loại mụn viêm nhiễm nặng hơn mụn sẩn, có mủ trắng hoặc vàng.
  • Mụn bọc: là loại mụn viêm nhiễm sâu dưới bề mặt da, có thể sưng to, đau nhức và có nguy cơ cao để lại sẹo vĩnh viễn.
  • Mụn nang: là loại mụn viêm nhiễm nặng nhất, có nang sâu dưới da, đau nhức, nhiều mủ và thường để lại sẹo lõm sâu.

Mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá ở vùng má được đánh giá dựa vào các yếu tố như số lượng sang thương và mức độ viêm từ nhẹ, trung bình đến nặng. Không giống như vùng chữ T thường có mụn đầu đen và mụn đầu trắng, vùng má lại dễ bị mụn sẩn, mụn mủ, mụn bọc và mụn nang. Nhận biết và hiểu rõ các loại mụn này giúp bạn có thể tìm kiếm phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả hơn cho da.

các loại mụn thường nổi ở má
Một số loại mụn thường xuất hiện ở má

Cách điều trị mụn ở má

Phương pháp dùng thuốc bôi ngoài da

Để kiểm soát mụn trứng cá ở vùng má, các phương pháp dùng thuốc bôi ngoài da thường được lựa chọn. Thuốc bôi ngoài da có thể tác động trực tiếp trên da, ít gây ra tác dụng phụ toàn thân và dễ sử dụng. Dưới đây là các loại hoạt chất phổ biến được sử dụng trong các sản phẩm bôi ngoài da không kê đơn (OTC):

  • Benzoyl peroxide (BPO): là phương pháp điều trị được sử dụng rộng rãi cho mụn trứng cá nhẹ đến trung bình. Hoạt chất này tạo ra các gốc tự do phá vỡ thành tế bào của vi khuẩn P. acnes gây mụn. BPO cũng có đặc tính chống viêm và tiêu nhân mụn nhẹ, giúp ngăn ngừa sự phát triển của tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn. Nên chọn nồng độ thích hợp với làn da để benzoyl peroxide phát huy hiệu quả công dụng.
  • Salicylic acid: là một hợp chất beta-hydroxy, điều trị mụn bằng cách tẩy tế bào chết cho da và giữ cho lỗ chân lông thông thoáng, chống viêm nhẹ cho da. Salicylic acid có tác dụng tốt trong việc loại bỏ mụn đầu đen và mụn đầu trắng.
  • Azelaic acid: là một acid tự nhiên hoạt động như một chất tiêu nhân mụn, giúp ngăn ngừa tắc nghẽn lỗ chân lông, chống mụn, kháng khuẩn, chống viêm, điều hòa quá trình thay đổi tế bào da và chống oxy hóa. Ngoài ra, azelaic acid có thể sử dụng sau khi hết mụn để giảm tình trạng tăng sắc tố do mụn trứng cá để lại, làm sáng da.
phương pháp dùng thuốc bôi
Một số loại thuốc bôi giúp điều trị mụn ở má

Ngoài ra, có thể cân nhắc sử dụng các loại thuốc kê đơn để tăng hiệu quả điều trị mụn ở vùng má:

  • Retinoid tại chỗ: là loại thuốc dùng bôi trực tiếp lên da chẳng hạn như tretinoin, adapalene và tazarotene (thuốc kê đơn) hoặc retinol (thuốc không kê đơn). Các hoạt chất này đã được chứng minh là làm giảm các sang thương mụn trên da, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn. Tác dụng phụ thường gặp của retinoid tại chỗ là khô da, kích ứng, bong tróc, nóng rát và tăng độ nhạy cảm với ánh nắng mặt trời. Nên bắt đầu với nồng độ thấp, sử dụng đủ kem dưỡng ẩm và kem chống nắng để giảm tác dụng phụ. Retinoid bôi ngoài da không nên sử dụng cho phụ nữ có thai hoặc có kế hoạch mang thai do tiềm ẩn nguy cơ dị tật thai nhi.
  • Thuốc kháng sinh bôi ngoài da: là thành phần thường được kê đơn để điều trị tình trạng mụn trứng cá từ nhẹ đến trung bình, mang lại tác dụng chống viêm và kháng khuẩn. Các loại kháng sinh bôi ngoài da thường được kê đơn bao gồm clindamycin, erythromycin và minocycline. Nên kết hợp với benzoyl peroxide hoặc retinoid để tăng hiệu quả điều trị và giảm khả năng đề kháng kháng sinh. Khả năng điều trị của kháng sinh tại chỗ có thể nhìn thấy trong vòng 6 tuần, do đó cần kiên trì sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của Bác sĩ Da liễu, ngay cả khi tình trạng mụn đã cải thiện.

Các phương pháp điều trị toàn thân

Các phương pháp điều trị toàn thân cho mụn trứng cá được sử dụng trong các trường hợp mụn từ trung bình đến nặng, hoặc khi các liệu pháp tại chỗ không đủ hoặc không khả thi cho làn da.

  • Kháng sinh đường uống: là liệu pháp điều trị phổ biến và có hiệu quả nhanh chóng. Chúng hoạt động bằng cách giảm số lượng vi khuẩn P. acnes gây mụn. Tuy nhiên, kháng sinh đường uống không phải lựa chọn điều trị lâu dài vì việc dùng kháng sinh liên tục có thể làm giảm hiệu quả điều trị mụn và gây kháng thuốc ở một số chủng vi khuẩn. Vì vậy, cần có sự phối hợp điều trị với các phương pháp khác.
  • Isotretinoin đường uống: là thuốc kê đơn thuộc nhóm retinoid đường uống, được khuyến cáo sử dụng để điều trị mụn trứng cá nghiêm trọng và một số vấn đề da liễu khác. Isotretinoin giúp giảm sản xuất bã nhờn, giảm viêm, điều hòa quá trình sừng hóa nang lông (giảm lỗ chân lông bị tắc) và kháng khuẩn. Các tác dụng phụ thường gặp của isotretinoin là gây khô da, khô môi, khô mắt, đau nhức cơ, tình trạng phụ thuộc vào thuốc và tăng mức độ nhạy cảm với ánh sáng mặt trời của da. Bên cạnh đó, phụ nữ đang mang thai hoặc có ý định mang thai không được khuyến cáo sử dụng isotretinoin vì nó có thể gây hại đến sự phát triển của thai nhi. Bắt đầu điều trị với liệu lượng thấp có thể giúp giảm thiểu các đợt bùng phát mụn trứng cá ban đầu.
ca lâm sàng điều trị mụn có peel da
Ca lâm sàng điều trị mụn thành công tại Doctor Acnes

Các phương pháp điều trị chuyên sâu

Nếu tình trạng mụn ở má trở nên nghiêm trọng hơn, người bệnh cần đến gặp Bác sĩ Da liễu để được thăm khám và đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả hơn nhằm kiểm soát tình trạng mụn. Dưới đây là một số phương pháp điều trị tại Phòng khám:

Lấy mụn chuẩn y khoa: loại bỏ nhân mụn ra khỏi da có thể giúp xử lý tốt các loại mụn có nhân. Quy trình phải được thực hiện tại Phòng khám bởi các kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm, đảm bảo vô khuẩn, tránh để lại sẹo và thường được kết hợp các phương pháp khác như ánh sáng sinh học để giảm viêm.

Peel da: phương pháp này sẽ sử dụng khả năng bong tróc lớp sừng của các acid lành tính để tái tạo bề mặt da. Các tác nhân peel da được sử dụng phổ biến hiện nay là salicylic acid, glycolic acid và lactic acid.

Tiêm meso trị mụn: là phương pháp sử dụng kim tiêm để đưa thuốc điều trị trực tiếp vào tầng trung bì của da, giúp giảm viêm nhanh chóng và gom cồi mụn. Phương pháp này phù hợp cho các loại mụn viêm lớn, mụn viêm có hoặc không nhân, mụn nang.

Liệu pháp laser và ánh sáng:

  • Laser xung dài Nd:YAG 1064nm: là loại laser có bước sóng trong vùng hồng ngoại, có hiệu quả cao trong điều trị mụn trứng cá, có khả năng xâm nhập sâu vào lớp bì và tạo ra tác dụng nhiệt tác động lên tuyến bã nhờn. Laser Nd:YAG điều trị mụn trứng cá thông qua một số cơ chế bao gồm phá hủy tuyến bã nhờn, làm giảm lớp sừng quanh nang lông và giảm viêm.
  • Ánh sáng xung mạnh (IPL – intense pulsed light): là liệu pháp can thiệp không xâm lấn, sử dụng thiết bị tạo nguồn ánh sáng dạng xung (không liên tục) cường độ cao, hoạt động theo nguyên lý tương tự như liệu pháp laser. Khác với laser chỉ sử dụng ánh sáng đơn sắc, IPL sử dụng phổ ánh sáng rộng hơn với bước sóng từ 400-1200nm.
các phương pháp điều trị chuyên sâu
Một số phương pháp điều trị mụn tại Phòng khám Doctor Acnes

Xem thêm các bài viết liên quan

Phòng ngừa nổi mụn ở má

Để ngăn ngừa mụn ở má, ngoài việc kiên trì thực hiện phương pháp điều trị, cần thay đổi lối sống và hướng đến những thói quen lành mạnh:

  • Xây dựng lối sống cân bằng và lành mạnh: hạn chế chế độ ăn nhiều đường, đảm bảo ngủ đủ giấc và giảm căng thẳng để ngăn ngừa mụn trứng cá phát triển.
  • Giữ vệ sinh tốt cho da mặt: tránh chạm tay lên mặt. Thay vỏ gối và ga giường thường xuyên để hạn chế vi khuẩn. Làm sạch cọ trang điểm định kỳ để tránh đưa vi khuẩn lên da.
  • Khử trùng màn hình điện thoại di động: thường xuyên làm sạch điện thoại và tránh sử dụng trong nhà vệ sinh để ngăn vi khuẩn lây lan sang da mặt.
  • Điều chỉnh thói quen chăm sóc da: nếu sản phẩm hiện tại không hiệu quả, thử các sản phẩm khác hoặc tham khảo ý kiến Bác sĩ Da liễu để tìm ra lộ trình chăm sóc da phù hợp.
  • Hạn chế các ma sát trên da: thay khẩu trang thường xuyên và sử dụng loại không gây kích ứng để giảm bí da và ma sát gây mụn.
thăm khám bác sĩ để điều trị mụn
Thăm khám Bác sĩ Da liễu để được điều trị mụn một cách hiệu quả

Bảng giá dịch vụ điều trị mụn tại Phòng khám Doctor Acnes

 Phương pháp Giá Giá HSSV
⭐Lấy nhân mụn chuẩn y khoa 290.000 260.000
⭐Peel da với salicylic acid (10%, 20%, 30%) 600.000 550.000
⭐Peel với glycolic acid (20%, 35%, 50%) 600.000 550.000
⭐Peel da với salicylic acid và retinol 800.000 700.000
⭐Mesotherapy trị mụn (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) 700.000 600.000
⭐Laser 1064nm xung dài (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) 1.300.000 1.200.000
⭐IPL Cellec V trị mụn 600.000 550.000

Mụn trứng cá ở má khác nhau tùy vào tình trạng da của mỗi người và chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Phương pháp điều trị mụn viêm ở má được lựa chọn dựa trên mức độ nghiêm trọng của mụn. Để đảm bảo hiệu quả và tránh các tác dụng không mong muốn, việc tư vấn và tuân thủ hướng dẫn từ Bác sĩ Da liễu là rất quan trọng để kiểm soát tình trạng mụn trên vùng má. Hãy liên hệ ngay với Doctor Acnes để được thăm khám và nhanh chóng lấy lại làn da sạch mụn và tự tin.

Tài liệu tham khảo

  1. Kim HJ, Kim YH. “Exploring Acne Treatments: From Pathophysiological Mechanisms to Emerging Therapies“. Int J Mol Sci. 2024 May 13;25(10):5302. doi: 10.3390/ijms25105302. PMID: 38791344; PMCID: PMC11121268
  2. Ayer J, Burrows N. “Acne: more than skin deep“. Postgrad Med J. 2006 Aug;82(970):500-6. doi: 10.1136/pgmj.2006.045377. PMID: 16891439; PMCID: PMC2585707
  3. About Acne Mechanica: What It Is and How to Treat It“. Healthline
  4. How to Get Rid of a Blind Pimple“. Healthline
  5. Guidelines of care for the management of acne vulgaris“. JAAD
  6. “What to know about acne face maps“. MedicalNewsToday

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 5 / 5. Lượt đánh giá 1

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84