Mụn bọc ở má: nguyên nhân và cách điều trị mụn bọc ở má hiệu quả

Được đăng bởi Doctor Acnes vào ngày 09/08/2022

Mụn bọc là tình trạng mụn nặng được xếp vào cấp độ 4 hoặc 5 đặc trưng bởi những nốt sần sưng đỏ và viêm với đường kính > 1 cm và thường gặp ở các vị trí như má, cằm hoặc cổ. Khi nhắc đến mụn bọc ở má, chắc hẳn ai cũng có thể liên tưởng đến những nốt mụn có kích thước to, gây đau đớn và thường tạo thành sẹo sâu trên má ngay cả khi đã lành. Vì vậy, hôm nay hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu loại mụn mà chỉ nhắc đến thôi cũng cảm thấy nhức nhói này nhé!

Có mấy loại mụn bọc ở má?

Mụn bọc ở má rất đa dạng về hình thái, hiện nay được chia thành ba nhóm chính là mụn trứng cá kết cụm (acne conglobata), mụn trứng cá bộc phát (acne fulminans) và viêm da hoại thư sinh mủ (pyoderma faciale).

Có mấy loại mụn bọc ở má - Doctor Acnes (2)
Mụn bọc ở má rất đa dạng về hình thái, hiện nay được chia thành ba nhóm chính là mụn trứng cá kết cụm, mụn trứng cá bộc phát và viêm da hoại thư sinh mủ
  • Mụn trứng cá kết cụm: đặc trưng bởi các áp xe dạng nang, mọc thành cụm, tạo thành lỗ dò, khi lành để lại sẹo rất xấu.
  • Mụn trứng cá bộc phát: tổn thương dạng viêm có thể dẫn đến hoại tử, thường gây sốt, tăng bạch cầu và không đáp ứng với các chất kháng khuẩn.
  • Viêm da hoại thư sinh mủ: ít gặp nhất, triệu chứng điển hình là các nốt mụn sưng đỏ, kết cụm lại với nhau và rỉ dịch, gây hoại tử da nghiêm trọng.

Nguyên nhân gây nên mụn bọc ở má

Tương tự như mụn bọc ở cằm, mụn bọc ở má cũng là kết quả của sự biến động nồng độ hormone androgen khiến cơ thể tăng sản xuất bã nhờn, tăng sừng hóa cổ nang lông, tăng sinh vi khuẩn C. acnes và sau cùng gây khởi phát viêm.

Các nghiên cứu còn cho thấy những trường hợp bị mụn nặng như mụn bọc ở má đều có xu hướng di truyền trong gia đình. Bên cạnh đó, mụn bọc ở má có thể tái đi tái lại theo chu kỳ (như trước kỳ kinh nguyệt, mang thai, mãn kinh) hoặc do ảnh hưởng của một số loại thuốc kháng viêm như corticosteroid.

Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi không khoa học dễ khiến cơ thể rơi vào trạng thái lo âu và stress, những thực phẩm chứa nhiều đường, dầu mỡ, thức ăn cay nóng cũng kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh ở vùng da hai bên má và gây nên mụn bọc, làm cho stress nặng hơn. Việc chăm sóc da sai cách, không vệ sinh kỹ lưỡng hay các vật dụng cá nhân như khẩu trang, bao gối nếu không được giặt định kỳ cũng góp phần khiến những nốt mụn bọc ở má thêm phần khó chịu và đau đớn.

Điều trị mụn bọc ở má như thế nào?

Mụn bọc là thể mụn nặng với khả năng để lại sẹo cao, điều trị không đúng cách sẽ kéo dài dai dẳng và tái phát nhiều lần, mụn này lành sẽ hình thành mụn mới. Với mụn bọc ở má, việc dùng tay sờ nắn hoặc tự ý nặn mụn không chỉ làm lây lan sự viêm nhiễm sang vùng da bên cạnh mà còn tăng nguy cơ để lại biến chứng gây mất thẩm mỹ như sẹo lõm. Do vậy, khi cần điều trị mụn bọc ở má, bệnh nhân cần tìm đến những Phòng khám chuyên khoa Da liễu hoặc các cơ sở khám chữa bệnh uy tín, không tự tìm hiểu và tùy ý sử dụng các sản phẩm trị mụn để tránh hậu quả đáng tiếc về sau.

Khi đến với các Phòng khám chuyên khoa Da liễu, tùy theo tình trạng mụn nhẹ hay nặng mà các Bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp với từng bệnh nhân. Với các bệnh nhân bị mụn bọc ở má thể nhẹ, Bác sĩ thường chỉ định retinoid dạng bôi đơn trị hoặc kết hợp với tác nhân kháng khuẩn khác như benzoyl peroxid, kháng sinh, acid azelaic hoặc dapsone.

Ở những trường hợp nặng hơn, Bác sĩ sẽ phối hợp thêm kháng sinh hoặc retinoid dạng uống vào phác đồ. Ngoài ra, tiêm corticoid trực tiếp vào những nốt mụn bọc ở má giúp cũng ức chế C. acnes và giảm viêm. Isotretinoin là thành phần duy nhất có khả năng tác động vào hầu như toàn bộ cơ chế bệnh sinh của mụn, giảm sản xuất bã nhờn và hạn chế sự phát triển của C. acnes, điều chỉnh quá trình sừng hóa ở cổ nang lông và kháng viêm.

Thăm khám với Bác sĩ Da liễu Doctor Acnes
Thăm khám với Bác sĩ Da liễu Doctor Acnes

Trị liệu toàn thân

  • Kháng sinh đường uống: doxycycline, minocycline.
  • Isotretinoin đường uống.
  • Spironolactone đơn trị hoặc kết hợp với thuốc tránh thai/kháng sinh đường uống.
  • Thuốc tránh thai dạng uống kết hợp với thuốc kháng androgen hoặc retinoid dạng uống.

Trị liệu tại chỗ

  • Retinoid dạng bôi: retinol, isotretinoin.
  • Kháng sinh dạng bôi: clindamycin, erythromycin.
  • Acid azelaic (15 – 20%), dapsone (5%), BPO (2,5 – 10%).

Trị liệu hỗ trợ

  • Liệu pháp ánh sáng: laser, ánh sáng xanh và đỏ, ánh sáng xung cường độ cao (IPL), laser nhuộm xung (PDL) và liệu pháp quang động (PDT) thường được sử dụng để điều trị hỗ trợ cho các tình trạng mụn bọc ở má vì thời gian điều trị ngắn nên bệnh nhân dễ tuân thủ phác đồ của Bác sĩ hơn. Nghiên cứu cho thấy PDT cải thiện 68% tình trạng mụn viêm còn ánh sáng xanh và đỏ mang lại nhiều lợi ích khác nhau trên mụn. Ngoài ra, các loại laser xâm lấn và không xâm lấn giúp hồi phục đến 83% tình trạng sẹo lõm gây ra do mụn bọc ở má.
Liệu pháp ánh sáng giúp hỗ trợ điều trị mụn
Liệu pháp ánh sáng giúp hỗ trợ điều trị mụn
  • Thay da sinh học: acid glycolic (30, 35, 50 và 70%), acid salicylic (20 – 30%) và dung dịch Jessner được sử dụng rộng rãi để điều trị mụn nhẹ tới vừa ở người trưởng thành.
Peel da trị mụn
Thay da sinh học được sử dụng rộng rãi để điều trị mụn
  • Mỹ phẩm: các loại mỹ phẩm như sữa rửa mặt, kem dưỡng ẩm, kem chống nắng cũng góp phần hỗ trợ điều trị tình trạng mụn bọc ở má. Tuy vậy, cần lưu ý lựa chọn các sản phẩm dành riêng cho da dầu mụn với nhãn “non comedogenic”, “oil free” hoặc “for acne skin” để hạn chế tình trạng kích ứng xảy ra làm tăng thêm các tổn thương sẵn có.
Lưu ý lựa chọn các sản phẩm dành riêng cho da dầu mụn - Doctor Acnes
Lựa chọn các sản phẩm dành riêng cho da dầu mụn với nhãn “non comedogenic”, “oil free” hoặc “for acne skin” để hạn chế tình trạng kích ứng xảy ra làm tăng thêm các tổn thương sẵn có

Hậu quả của mụn bọc ở má

Theo một nghiên cứu thực hiện trên bệnh nhân bị mụn bọc ở Pháp năm 2015 – 2016 nhằm xác định những diễn tiến của mụn bọc cũng như biến chứng có thể gặp phải sau khi đã hết mụn. Nghiên cứu chỉ tiến hành trên các bệnh nhân đã bị mụn bọc từ trước nhưng không được điều trị, toàn bộ quá trình đều có sự tham gia và thăm khám của các chuyên gia da liễu. Kết quả cho thấy rằng, mụn bọc có thể chuyển thành một mụn bọc khác, mụn mủ (papules), tăng sắc tố sau viêm hoặc sẹo, đôi khi sẽ hết hoàn toàn.

Các con đường phát triển của mụn bọc - Doctor Acnes
Các con đường phát triển của mụn bọc

Quá trình lành vết thương sau khi bị mụn bọc có sự tham gia của nhiều enzyme khác nhau cùng tác động vào giai đoạn sinh tổng hợp collagen, làm cho lượng collagen trên da có thể quá nhiều hoặc quá ít. Collagen quá ít dẫn đến hình thành sẹo lõm.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có đến 77,3% mụn bọc gây nên sẹo lõm trong vòng 4 tuần và diễn tiến theo hai hướng chính là mụn bọc – mụn mủ – sẹo lõm hoặc mụn bọc chuyển trực tiếp thành sẹo lõm với tỉ lệ gần như tương đương. Thời gian bị mụn càng lâu, khả năng tạo sẹo sẽ càng lớn. Sẹo lõm được chia thành sẹo đáy nhọn, sẹo đáy tròn và sẹo đáy vuông.

  • Sẹo đáy nhọn (icepick scar): là những sẹo hẹp < 2 mm dạng hình chữ V, đường kính thu nhỏ dần từ bề mặt đến đỉnh sâu nhất của sẹo, dễ bị nhầm lẫn với lỗ chân lông to.
  • Sẹo đáy tròn (rolling scar): đường kính từ 4 – 5 mm, nền sẹo giống mà da bình thường, bờ sẹo nông và dốc, hình thành sau khi bị mụn nặng và kéo dài, gặp nhiều hơn ở nam giới.
  • Sẹo đáy vuông (boxcar scar): bờ thẳng đứng với dạng hình chữ U, đường kính từ 1 – 4 mm, sâu 0,1 – 0,5 mm, phổ biến nhất và gặp ở cả nam và nữ.
Phân loại sẹo lõm do mụn - Doctor Acnes
Phân loại sẹo lõm do mụn gây nên

Ngăn ngừa sẹo lõm do mụn bọc ở má như thế nào?

Sẹo lõm là biến chứng nặng và khó khắc phục nhất của mụn bọc ở má, vậy nên thay vì ngồi đợi mụn qua đi rồi để lại sẹo, sau đó mới trị sẹo thì chúng ta nên chủ động phòng tránh sẹo lõm ngay khi nốt mụn vừa hình thành. Trường hợp này có thể áp dụng các phương pháp sau.

  • Không tự ý sờ mó hay cố gắng nặn các nốt mụn bọc trên má để tránh khuếch đại tình trạng viêm.
  • Skincare khoa học với các sản phẩm phù hợp với làn da, vệ sinh da sạch sẽ, hạn chế trang điểm trong thời gian dùng thuốc, tránh sử dụng các sản phẩm có hoạt tính quá mạnh hoặc quá nhiều dầu, gây bít tắc lỗ chân lông làm tình trạng mụn nặng hơn.
Ngăn ngừa sẹo lõm do mụn ở má - Doctor Acnes
Thay vì ngồi đợi mụn qua đi rồi để lại sẹo, sau đó mới trị sẹo thì chúng ta nên chủ động phòng tránh sẹo lõm ngay khi nốt mụn vừa hình thành
  • Thường xuyên thay mới khẩu trang y tế, đinh kì giặt khẩu trang vải, bao gối và các vật dụng cá nhân có tiếp xúc với da mặt để hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn cho da, nhất là vùng da hai bên má.
  • Kiên trì với liệu trình điều trị được chỉ định, tuân thủ phác đồ, tái khám đúng hạn và liên hệ ngay với Bác sĩ nếu quá trình sử dụng thuốc và mỹ phẩm gặp bất cứ vấn đề nào.
  • Bổ sung ẩm cho da với những sản phẩm nền nước ít dầu, chống nắng kĩ càng, sử dụng các sản phẩm tẩy tế bào chết nhẹ dịu để tránh gây tổn thương da quá nhiều, tăng nguy cơ để lại sẹo lõm ở vùng da hai bên má.
  • Luôn giữ tâm thái vui vẻ, hạn chế stress, thực hiện chế độ ăn ít đường, ít dầu mỡ và thức ăn cay nóng, có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng thêm các dưỡng chất tốt cho làn da như vitamin C, vitamin E hay kẽm, nâng cao sức đề kháng cho da.
Ca lâm sàng mụn ở má - Doctor Acnes
Ca lâm sàng điều trị mụn thành công tại Doctor Acnes

Tương tự như mụn bọc ở cằm, mụn bọc ở má cũng là một bệnh da liễu rất thường gặp trong giai đoạn hiện nay, do chúng ta phải thường xuyên mang khẩu trang khi học tập, làm việc và xuất hiện ở nơi công cộng. Các vật dụng cá nhân như khẩu trang vải hay bao gối không được vệ sinh sạch sẽ và đúng cách sẽ là nơi khởi nguồn cho quá trình phát sinh mụn bọc trên da.

Bên cạnh đó, khẩu trang y tế kém chất lượng hoặc được tái sử dụng quá nhiều lần cũng khiến làn da bị bội nhiễm và trở thành ổ vi khuẩn gây mụn bọc ở má. Do vậy, mỗi người chúng ta cần lưu ý đến những vấn đề này để có một làn da sáng khỏe và sạch mụn.

Những ai đã và đang gặp tình trạng mụn bọc ở má nhưng vẫn chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu cho mình, hãy liên hệ trực tiếp với Doctor Acnes để được tư vấn cụ thể hơn nhé. Chúng tôi sẽ luôn bên cạnh và đồng hành trên hành trình tìm lại vẻ đẹp vốn có của làn da.

banner gruop facebook

Tài liệu tham khảo

  1. A Khammari, S Blanchet-Réthoré, V Bourdès, C Marty. “Evolution and duration of nodules in severe nodular acne on the back: results from a four-week non-interventional, prospective study”. J Eur Acad Dermatol Venereol. 2019 Mar;33(3):601-607
  2. B Dréno, A Layton, C C Zouboulis, J L López-Estebaranz. ” Adult female acne: a new paradigm”. J Eur Acad Dermatol Venereol. 2013 Sep;27(9):1063-70
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84