Mụn bọc ở cằm: nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 18/09/2024. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
0
(0)

Mụn bọc ở cằm thường gặp ở tuổi dậy thì và có thể để lại sẹo nếu không được điều trị đúng cách. Bài viết này từ Doctor Acnes sẽ giúp người đọc hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây mụn, các biện pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả, giúp kiểm soát tình trạng mụn bọc và đem lại cho bạn làn da mịn màng.

Mụn bọc ở cằm là gì?

Mụn bọc ở cằm là dạng mụn viêm nghiêm trọng, xuất hiện dưới dạng nốt sưng đỏ, đường kính >1cm, gây đau và nằm sâu dưới da. Loại mụn này không có đầu hở và không nên tự ý nặn, vì điều này có thể làm tình trạng viêm nhiễm nặng thêm và để lại sẹo.

Mủ bị giữ lại trong da gây khó chịu, kéo dài từ vài tuần đến hàng tháng nếu không được điều trị đúng cách. Mụn bọc thường gặp ở vùng cằm do ảnh hưởng của nội tiết tố, đặc biệt trong chu kỳ kinh nguyệt, dậy thì, hoặc căng thẳng. Tuy nhiên, mụn bọc vẫn có thể nổi ở các phần khác trên khuôn mặt như trán, má, cổ…

Nguyên nhân mụn bọc ở cằm - Doctor Acnes
Nguyên nhân gây ra mụn bọc ở cằm?

Nguyên nhân nào gây ra mụn bọc ở cằm?

Mụn bọc được xếp vào mụn trứng cá cấp 4 hoặc 5 theo thang điểm đánh giá thống kê toàn cầu của điều tra viên (Investigator’s Static Global Assessment scale). Các yếu tố sinh ra mụn bọc ở cằm gồm:

  • Nồng độ hormone thay đổi: khi bước vào tuổi dậy thì, nồng độ hormone androgen tăng cao kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh, dẫn đến dầu thừa bị tắc trong lỗ chân lông. Thêm vào đó, cổ nang lông tăng sừng hóa làm tế bào chết tích tụ, gây bít tắc lỗ chân lông.
    Vi khuẩn P. acnes, vốn thường trú trên da, sử dụng dầu làm thức ăn, phát triển mạnh và gây viêm nhiễm. Quá trình viêm diễn tiến nghiêm trọng làm mủ tích tụ nhiều, khiến mụn sưng to, cuối cùng tạo thành những nốt mụn bọc to ở cằm gây khó chịu và mất thẩm mỹ.
  • Di truyền: tuy vẫn chưa có bằng chứng cụ thể nhưng những tình trạng bị mụn nặng như mụn bọc ở cằm thường có xu hướng xuất hiện trong cùng gia đình.
  • Mất cân bằng hormone: hormone cortisol, estrogen, progesterone và testosterone dễ mất cân bằng do stress, cân nặng, chế độ luyện tập, chu kỳ kinh nguyệt, mang thai, mãn kinh hoặc một số loại thuốc như corticosteroid. Đặc biệt đối với nữ giới, trước khi bước vào chu kỳ kinh nguyệt, dễ bị bùng phát mụn, nhẹ thì mụn ẩn hoặc mụn đầu đen, nặng hơn có thể là mụn bọc và những nốt mụn này chủ yếu xuất hiện ở cằm.
  • Chăm sóc da không đúng cách: sử dụng các sản phẩm không phù hợp hoặc làm sạch da không kỹ có thể gây bít tắc lỗ chân lông, làm mụn bọc ở cằm phát triển.
  • Vật dụng cá nhân không sạch: các vật dụng như nón bảo hiểm, khăn choàng cổ, khẩu trang và bao gối nếu không được vệ sinh kỹ sẽ là nơi tích tụ vi khuẩn, khi tiếp xúc với da dễ gây mụn. Sau Covid-19, việc đeo khẩu trang liên tục, đặc biệt khi kết hợp với trang điểm, làm da vùng cằm bị bí, dễ đổ mồ hôi, dẫn đến mụn bọc ở cằm. Thói quen không thay khẩu trang mỗi ngày càng làm tình trạng tệ hơn.Nón bảo hiểm, khăn choàng cổ, khẩu trang, bao gối nếu không được vệ sinh kỹ sẽ là ổ tích tụ vi khuẩn, khi tiếp xúc với da dễ gây mụn - Doctor AcnesNón bảo hiểm, khăn choàng cổ, khẩu trang, bao gối nếu không được vệ sinh kỹ sẽ là ổ tích tụ vi khuẩn, khi tiếp xúc với da dễ gây mụn

Điều trị mụn bọc ở cằm như thế nào?

Mụn bọc ở cằm nếu không được điều trị đúng cách có thể để lại sẹo, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống. Vì vậy, người bệnh nên tìm đến bệnh viện hoặc Phòng khám Da liễu để được Bác sĩ tư vấn liệu trình phù hợp, tránh mụn diễn tiến nặng hơn.

Các phương pháp điều trị sau thường được Bác sĩ áp dụng linh hoạt nhằm mang lại hiệu quả tối ưu nhất và giảm tác dụng phụ.

cách trị mụn bọc ở cằm
Điều trị mụn ở thanh thiếu niên và người trưởng thành

Kháng sinh đường uống

Dùng cho các trường hợp mụn viêm vừa đến nặng, không đáp ứng điều trị tại chỗ và gặp vấn đề về rối loạn sắc tố. Kháng sinh dùng nhiều trong nhóm này gồm doxycycline và minocycline.

Tác dụng phụ phổ biến nhất là rối loạn tiêu hóa và tăng nhạy cảm ánh sáng. Kháng sinh nhóm cycline nên uống lúc bụng rỗng, vì thức ăn (đặc biệt là thực phẩm từ sữa) có thể làm giảm sự hấp thu hoạt chất. Việc sử dụng kháng sinh trong điều trị mụn bọc ở cằm cần theo chỉ định của Bác sĩ, đảm bảo đúng liều lượng và đủ phác đồ, hạn chế tình trạng đề kháng với kháng sinh của vi khuẩn P. acnes.

Kháng sinh đường uống - Doctor Acnes
Sử dụng kháng sinh trong điều trị mụn bọc ở cằm cần theo chỉ định của Bác sĩ, đảm bảo đúng liều lượng và đủ phác đồ, hạn chế tình trạng đề kháng với kháng sinh của vi khuẩn P. acnes

Isotretinoin dạng uống

Isotretinoin là một loại retinoid dạng uống đã được phê duyệt ở Hoa Kỳ từ năm 1982 để điều trị các tình trạng mụn bọc nặng, sẹo mụn, mụn trứng cá kết cụm, mụn trứng cá bộc phát. Thuốc giúp thu nhỏ tuyến bã nhờn, giảm tiết dầu, ngăn sự phát triển của vi khuẩn P. acnes và kháng viêm.

Bác sĩ thường bắt đầu với liều thấp và tăng dần tùy theo phản ứng của bệnh nhân. Nồng độ sử dụng càng cao, tác dụng phụ gặp phải càng nhiều, thường gặp nhất là khô môi, da, khô niêm mạc mũi và kết mạc.

Đối với phụ nữ, isotretinoin có nguy cơ gây dị tật thai nhi, vì vậy cần tư vấn kỹ trước khi điều trị. Quá trình điều trị cần theo dõi chức năng gan và máu định kỳ.

Isotretinoin dạng uống - Doctor Acnes
Isotretinoin là một loại retinoid dạng uống điều trị các tình trạng mụn bọc nặng, sẹo mụn, mụn trứng cá kết cụm, mụn trứng cá bộc phát

Retinoid dùng ngoài

Retinoid bôi ngoài da thường được kết hợp với thuốc kháng sinh đường uống và benzoyl peroxide (BPO) dạng bôi để tăng hiệu quả điều trị mụn bọc. Thoa một lớp mỏng sản phẩm lên những nốt mụn bọc ở cằm, bắt đầu ở nồng độ nhỏ để da thích ứng và sau đó tăng dần.

Hạn chế dùng retinoid vào ban ngày vì có thể làm tăng nhạy cảm với ánh nắng. Các hoạt chất thường gặp trong nhóm là tretinoin, tazarotene và adapalene. Tương tự như dạng uống, retinoid khi bôi tại chỗ có thể gây đỏ và khô da, châm chích, bong tróc và tăng sắc tố.

Benzoyl peroxide

Thường dùng kết hợp với kháng sinh hoặc retinoid nhờ tính kháng khuẩn mạnh và hạn chế tình trạng đề kháng. BPO có thể dùng ở dạng đơn trị hoặc phối hợp, có khả năng gây ly giải nhân mụn và kháng viêm, thường dùng ở nồng độ 2,5 – 10%.

Benzoyl peroxide - Doctor Acnes
Benzoyl peroxide là thành phần thường được sử dụng kết hợp với kháng sinh hoặc retinoid nhờ tính kháng khuẩn mạnh và hạn chế tình trạng đề kháng

Liệu pháp hormone

Thường dùng cho nữ giới, phổ biến ở Mỹ và châu Âu, giúp giảm nội tiết tố androgen và kiểm soát bã nhờn. Các hoạt chất như spironolactone và cyproterone acetate phối hợp với ethinylestradiol là phổ biến trong liệu pháp này.

Corticosteroid

Corticosteroid liều thấp giúp ức chế nội tiết tố androgen và giảm tiết dầu. Đối với mụn bọc, thuốc có thể được tiêm trực tiếp vào nốt mụn để giảm sưng viêm nhanh chóng, thường dùng triamcinolone acetonide. Tuy nhiên, tác dụng phụ của phương pháp này là gây teo da cục bộ và ngộ độc nếu tích lũy trong máu.

Phương pháp này, còn gọi là tiêm vi điểm hoặc mesotherapy. Liệu trình tiêm phụ thuộc vào từng tình trạng mụn cụ thể, cần được Bác sĩ Da liễu trực tiếp thăm khám và chỉ định. Ngoài corticosteroid, các chất khác như dẫn xuất của vitamin A, retinol, các nguyên tố vi lượng (kẽm, đồng, selen, crom, mangan), vitamin E, vitamin C, acid hyaluronic và hỗn hợp các acid amin cũng được dùng trong liệu trình này.

Mesotherapy trong điều trị mụn bọc ở cằm - DOctor Acnes
Mesotherapy có thể đưa corticosteroid trực tiếp vào nốt mụn để cho hiệu quả giảm sưng viêm tức thì

Xem thêm các bài viết liên quan

Lưu ý khi chăm sóc da giúp ngăn ngừa mụn bọc

Ngoài việc áp dụng các phương pháp điều trị mụn bọc, việc chăm sóc da đúng cách là yếu tố quan trọng giúp ngăn ngừa mụn mới và kiểm soát tình trạng mụn hiện có. Các bước chăm sóc cơ bản bao gồm:

  • Rửa mặt 2 lần/ngày và sau khi đổ mồ hôi do hoạt động mạnh. Sử dụng các sản phẩm rửa mặt dịu nhẹ phù hợp với làn da.
  • Không chà xát da hoặc sử dụng các sản phẩm gây kích ứng như tẩy da chết có hạt.
  • Không tự ý nặn mụn bọc hoặc chạm tay vào vết mụn. Tự ý nặn mụn có thể dẫn tới nhiễm trùng và lây lan mụn sang các khu vực khác.
  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
  • Giữ tâm trạng thoải mái và thư giãn, việc quá nhiều căng thẳng có thể khiến cơ thể tiết ra nhiều hormone hơn làm tình trạng mụn trở nên trầm trọng hơn.
  • Thiết lập lối sống lành mạnh, ngủ đủ giấc, hạn chế thức khuya và tập thể dục thường xuyên.
  • Xây dựng chế độ ăn uống phù hợp vì một số nghiên cứu cho thấy chế độ ăn ít đường, sữa có thể giúp giảm bớt các triệu chứng của mụn bọc.
  • Trong quá trình điều trị mụn bọc, nếu xuất hiện dấu hiệu bất thường trên da, người bệnh cần đến gặp Bác sĩ chuyên khoa Da liễu sớm nhất có thể để được tư vấn và tái khám.

Việc điều trị mụn bọc ở cằm tuy không mất nhiều chi phí nhưng đòi hỏi bệnh nhân phải kiên trì tuân thủ phác đồ điều trị của Bác sĩ, đồng thời thay đổi lối sống khoa học hơn. Doctor Acnes là Phòng khám Da liễu chuyên điều trị mụn và sẹo rỗ. Nếu da bạn đang gặp phải vấn đề với mụn bọc, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và điều trị kịp thời nhé.

Tài liệu tham khảo

  1. Marissa D. Newman, Whitney P. Bowe, Carol Heughebaert et al (2011). “Therapeutic Considerations for Severe Nodular Acne”. Am J Clin Dermatol. 2011 Feb 1;12(1):7-14
  2. J Tan, S Humphrey, R Vender, B Barankin, M Gooderham, N Kerrouche, F Audibert, C Lynde. “A treatment for severe nodular acne: A randomised investigator-blinded, controlled, non-inferiority trial comparing fixed-dose adapalene/BPO plus doxycycline vs oral isotretinoin”. Br J Dermatol. 2014 Dec; 171(6):1508-16
  3. Jillian Levy. “How to Get Rid of Nodular Acne”. Draxe.com
  4. Sara Spruch-Feiner. “Nodular Acne Is Difficult to Treat—Here’s Why”. Byrdie.com
  5. “Nodular Acne”. My.clevelandclinic.org
  6. “ACNE CLINICAL GUIDELINE”. Aad.org

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 0 / 5. Lượt đánh giá 0

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84