Mỹ phẩm trị mụn tại nhà: làm sao chọn được loại phù hợp nhất cho bạn

Được đăng bởi Doctor Acnes vào ngày 09/10/2020

Mụn trứng cá là một tình trạng bệnh lý da phổ biến ở mọi lứa tuổi, từ tuổi dậy thì đến thanh thiếu niên, 20 hay 30 và thậm chí đã qua tuổi 50. Do đó, có hàng triệu sản phẩm khác nhau trên thị trường từ sữa rửa mặt, serum cho đến kem dưỡng các loại được bào chế để điều trị mụn.

Thị trường dược phẩm và dược mỹ phẩm trị mụn mang đến cho khách hàng rất nhiều sự lựa chọn khác nhau, nhưng chính vì thế khách hàng sẽ rất khó để biết đâu là sản phẩm trị mụn phù hợp nhất cho mình. Thậm chí khi sử dụng những sản phẩm được bào chế dành cho da mụn, tình trạng mụn trứng cá vẫn không được cải thiện như mong đợi, đôi khi còn gặp phải tác dụng phụ.

Trên thực tế, không có sản phẩm trị mụn nào là phù hợp với tất cả mọi người. Việc hiểu biết về các thành phần điều trị mụn trong các thuốc bôi, dược mỹ phẩm hay mỹ phẩm sẽ giúp bạn có một chiến lược lựa chọn sản phẩm phù hợp nhất với tình trạng da và kinh tế của từng người. Các Bác sĩ Da liễu tại Doctor Acnes sẽ giúp bạn hiểu các thành phần có hoạt tính trị mụn thường có mặt trong các dược mỹ phẩm, và cơ chế tác động của nó.

Nguyên nhân hình thành mụn

Theo Học viện Da liễu Hoa Kỳ (AAD), mụn hình thành khi bã nhờn và tế bào da chết kết hợp với nhau gây bít tắc lỗ chân lông. Thông thường các tế bào da chết sẽ bong một cách tự nhiên, nhưng nếu cơ thể sản xuất quá nhiều bã nhờn, những tế bào đó có thể bị mắc kẹt trong lỗ chân lông và sinh ra mụn. Thêm vào đó sự gia tăng keratin hóa tại nang lông cũng là cơ chế quan trọng góp phần gia tăng tình trạng bít tắc tại lỗ chân lông.

Đôi khi vi khuẩn Cutibacterium acnes (hay còn gọi là Propionibacteria acnes) cũng mắc kẹt trong các lỗ chân lông bị bít tắc và phát triển quá mức trong nang kín này gây nên tình trạng viêm. Đó là khi da bắt đầu xuất hiện mụn sẩn, mụn mủ và mụn nang.

Sự hình thành mụn
Lỗ chân lông bít tắc tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây nên tình trạng viêm

Hoạt chất trị mụn trong dược mỹ phẩm sử dụng tại nhà

Dựa vào cơ chế bệnh sinh gây ra mụn, các sản phẩm trị mụn thường chứa hoạt chất có tác dụng tẩy tế bào da chết, hút dầu thừa, kháng viêm và tiêu diệt vi khuẩn P. acnes. 

Vì mỗi bệnh nhân sẽ đáp ứng với các dược mỹ phẩm khác nhau, nên vai trò của Bác sĩ Da liễu là cần thiết để giúp khách hàng lựa chọn được chế phẩm điều trị mụn trứng cá phù hợp nhất với tình trạng mụn của từng cá thể. Đầu tiên, Bác sĩ Da liễu sẽ khám lâm sàng để xác định loại mụn và mức độ nghiêm trọng của tình trạng mụn mắc phải. Sau đó, Bác sĩ sẽ quyết định phác đồ điều trị mụn phù hợp và hiệu quả nhất cho từng người.

Bên cạnh các phương pháp điều trị mụn chuyên sâu tại Phòng khám Da liễu, Bác sĩ có thể chỉ định thêm các dược mỹ phẩm và mỹ phẩm để khách hàng tiếp tục sử dụng tại nhà. Các thành phần thường có mặt trong các chế phẩm này bao gồm retinoid, benzoyl peroxide, kháng sinh hoặc acid salicylic. Chúng sẽ giúp tối ưu và duy trì hiệu quả trị mụn đạt được bởi các liệu pháp chuyên sâu được thực hiện tại Phòng khám Da liễu thông qua cơ chế tiêu diệt vi khuẩn gây mụn, kháng viêm, tẩy tế bào chết hoặc kiểm soát bã nhờn. 

thăm khám bác sĩ da liễu để được tư vấn và điều trị các vấn đề da
Thăm khám Bác sĩ Da liễu để được tư vấn và điều trị mụn

Benzoyl peroxide (BP)

BP với nồng độ từ 2,5-10% là hoạt chất điều trị mụn trứng cá trong các dạng chế phẩm khác nhau như nước tẩy trang và sữa rửa mặt, kem và gel bôi ngoài da. BP là một hoạt chất làm sạch lỗ chân lông, ly giải keratin tại nang lông, ngoài ra nó còn là chất chống viêm có đặc tính kháng khuẩn.

BP diệt vi khuẩn gây mụn P. acnes nhờ tạo ra các gốc oxy hóa và không bị đề kháng với vi khuẩn này. Việc bổ sung BP vào liệu pháp kháng sinh giúp tăng cường hiệu quả trị mụn và giúp giảm sự đề kháng kháng sinh. BP trong các chế phẩm sử dụng ngoài da có thể được sử dụng từ 1 đến 3 lần mỗi ngày tùy theo đáp ứng mỗi người.

Hạn chế của việc sử dụng BP là có thể gây ra tình trạng kích ứng da phụ thuộc vào nồng độ, làm mất màu vải sợi nếu rơi ra quần áo và hiếm khi gây ra dị ứng tiếp xúc. BP ở nồng độ thấp hơn (2,5-5%) ở dạng nước trong các chế phẩm dạng rửa có thể được dung nạp tốt hơn ở những bệnh nhân có làn da nhạy cảm.

Có ý kiến cho rằng không nên kê đơn BP đồng thời với tretinoin tại chỗ vì BP có thể oxy hóa và làm giảm hiệu quả của tretinoin. Tuy nhiên, sự oxy hóa tretinoin do BP không xảy ra với tất cả các chế phẩm tretinoin tại chỗ vì nhiều nghiên cứu cho thấy gel tretinoin micronized (0,05%) vẫn ổn định, hiệu quả và an toàn khi sử dụng phối hợp với BP. 

BP có xếp hạng thai kỳ theo FDA là C nghĩa là hiện chưa có nghiên cứu đầy đủ được thực hiện trên phụ nữ mang thai nhưng nghiên cứu trên động vật mang thai khi sử dụng thuốc cho thấy có ảnh hưởng trên bào thai. Tuy nhiên, khi cần thiết phải sử dụng trên người, thuốc mang đến nhiều lợi ích hơn so với nguy cơ.

Acid salicylic (SA)

Acid salicylic (SA) là một acid beta hydroxy (BHA) hoạt động bằng cách hòa tan dầu thừa và nhẹ nhàng tẩy tế bào da chết giúp làm sạch lỗ chân lông. SA cũng có đặc tính kháng viêm gây ra bởi sự tắc nghẽn sâu trong nang lông dưới da. Tóm lại nó là một tác nhân làm sạch lỗ chân lông và kháng viêm. 

Tại các nhà thuốc và Phòng khám Da liễu, bạn sẽ thấy SA là thành phần hoạt chất trên phần lớn các chế phẩm điều trị mụn trứng cá như sữa rửa mặt, serum, kem bôi với nồng độ từ 0,5% đến 2%. Nhìn chung SA khá an toàn, nhưng hiệu quả của nó trong mụn trứng cá còn hạn chế.

BP và SA là các hoạt chất điều trị mụn trứng cá bôi ngoài da được sử dụng rộng rãi nhất và thường được sử dụng kết hợp. SA có thể được sử dụng 1 đến 3 lần mỗi ngày. Tuy nhiên, SA có thể làm khô da nếu bôi quá nhiều, vì vậy chỉ nên chọn một sản phẩm có thành phần này trong các mỹ phẩm chăm sóc da hằng ngày.

SA có xếp hạng thai kỳ theo FDA là C nghĩa là hiện chưa có nghiên cứu đầy đủ được thực hiện trên phụ nữ mang thai nhưng nghiên cứu trên động vật mang thai khi sử dụng thuốc cho thấy có thể gây ảnh hưởng trên bào thai. Mặc dù không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ trên thai nhi, một số trường hợp vẫn có thể cân nhắc sử dụng cho phụ nữ mang thai nếu lợi ích hơn so với nguy cơ. Do đó các chế phẩm chứa SA dưới dạng bôi khi sử dụng cho phụ nữ mang thai phải được sự chỉ định và giám sát chặt chẽ bởi Bác sĩ Da liễu hoặc Dược sĩ.

Sản phẩm chứa acid salicylic trị mụn - Doctor Acnes
Các chế phẩm chứa SA điều trị mụn tại Phòng khám Doctor Acnes được Bác sĩ Da liễu khuyên dùng

Các chế phẩm chứa SA điều trị mụn tại Phòng khám Doctor Acnes bạn có thể tham khảo bao gồm:

  • Sữa rửa mặt Vichy cho da mụn Normaderm Phytosolution Intensive Purifying Gel
  • Sữa rửa mặt dạng bọt Easydew EX Trouble Control Purifying Cleansing Foam
  • Sữa rửa mặt cho da mụn Fixderma Alpha-Beta Acne
  • Nước cân bằng da kiềm dầu Sebium lotion
  • Dung dịch đặc trị mụn, giảm nhờn Obagi Clenziderm MD Pore Therapy

>>> Tham khảo thêm về hiệu quả của acid salicylic trong điều trị mụn tại đây 

Acid glycolic (GA)

Acid glycolic (GA) là một acid alpha hydroxy (AHA) tẩy tế bào chết nhẹ nhàng. Tương tự như SA, bạn có thể dễ dàng tìm thấy GA trong sữa rữa mặt, serum, kem dưỡng ẩm tại cửa hàng mỹ phẩm hoặc nhà thuốc. GA cũng được chứng minh là làm giảm viêm và diệt khuẩn vi khuẩn P. acnes.

Các chế phẩm chứa GA điều trị mụn tại Phòng khám Doctor Acnes bạn có thể tham khảo bao gồm:

  • Dưỡng ẩm HYSEAC 3-REGUL (Uriage)
  • Dưỡng ẩm Sebium Global (Bioderma)
  • Dưỡng ẩm kiềm dầu Sebium MAT control (Bioderma)

Acid lactic (LA)

Giống như GA, LA là AHA và cũng là một tác nhân tẩy tế bào chết. Tuy nhiên, LA nói chung là nhẹ nhàng hơn GA, vì vậy nó là một lựa chọn tốt cho những người muốn tẩy tế bào chết bằng acid nhưng có làn da nhạy cảm.

LA cũng được chứng minh là làm giảm tổng hợp melanin bằng cách ức chế trực tiếp enzyme tyrosinase, do đó giải thích tác dụng làm trắng da của nó. LA còn là một chất giữ ẩm. Vì vậy, đối với những người có làn da khô hoặc nhạy cảm, sử dụng mỹ phẩm chứa LA sẽ mang lại hiệu quả tốt với mức kích ứng tối thiểu.

Retinoid dùng ngoài

Retinoid tại chỗ là các chế phẩm sử dụng ngoài da chứa vitamin A và dẫn xuất của nó. Retinoid tại chỗ thường được sử dụng như điều trị đầu tay cho bệnh nhân bị mụn trứng cá từ nhẹ đến trung bình. Chế phẩm chứa retinoid mang lại hiệu quả ly giải nhân mụn hiện hữu và ngăn ngừa sự hình thành nhân mụn mới.

Retinoid cũng có tác dụng kháng viêm và có thể sử dụng kết hợp với các thuốc bôi khác trong điều trị tất cả các loại mụn. Các chế phẩm chứa retinoid được khuyến cáo với liều lượng sử dụng là bôi một lớp mỏng mỗi ngày một lần vào buổi tối.

Ba loại retinoid tại chỗ được sử dụng phổ biến trong điều trị mụn trứng cá là tretinoin (0,025%-0,1% trong chế phẩm kem, gel), adapalene (0,1% trong chế phẩm kem, gel, hoặc lotion và 0,3% trong chế phẩm gel) và tazarotene (0,05%-0,1% trong chế phẩm kem, gel, hoặc bọt).

Việc sử dụng retinoid bị hạn chế bởi các tác dụng phụ bao gồm khô, bong tróc, ban đỏ và kích ứng da. Tuy nhiên, các tác dụng phụ này có thể được giảm thiểu bằng cách giảm liều lượng hay tần suất sử dụng và/hoặc sử dụng đồng thời với các mỹ phẩm làm mềm da.

Khi bắt đầu sử dụng, retinoid nên được bôi tốt nhất mỗi 2-3 ngày một lần và có thể tăng lên mỗi ngày sau một hoặc hai tuần. Với bất kỳ phương pháp điều trị retinoid tại chỗ nào, nồng độ cao hơn sẽ hiệu quả hơn nhưng có tác dụng phụ lớn hơn. Ngoài ra, retinoid tại chỗ làm tăng nguy cơ nhạy cảm ánh sáng vì vậy nên sử dụng đồng thời với kem chống nắng.

Riêng với tretinoin, chất này thường không ổn định dưới ánh sáng vì vậy nên được sử dụng vào buổi tối. Dùng đồng thời BP với tretinoin cũng dẫn đến quá trình oxy hóa và bất hoạt tretinoin; do đó, các tác nhân này nên được sử dụng vào các thời điểm khác nhau (tức là, BP vào buổi sáng, tretinoin vào ban đêm). Tuy nhiên các chế phẩm tretinoin dạng micronized, adapalene và tazarotene sẽ không có những hạn chế này.

Các chế phẩm dạng phối hợp có chứa retinoid trên thị trường bao gồm gel adapalene 0,1% và BP 2,5% hoặc gel adapalene 0,3% và BP 2,5% đã được chấp thuận sử dụng cho người trên 9 tuổi. Ngoài ra còn có gel phối hợp clindamycin phosphate 1,2% và tretinoin 0,025% được chấp thuận cho người trên 12 tuổi.

Có những báo cáo mâu thuẫn về sự an toàn của retinoid tại chỗ ở phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú. Một vài trường hợp riêng lẻ đã được báo cáo về dị tật bẩm sinh có liên quan đến việc sử dụng các tác nhân này.

Tuy nhiên, một nghiên cứu tiến cứu quan sát lớn trên 235 phụ nữ đã sử dụng retinoid tại chỗ trong ba tháng đầu thai kỳ được so sánh với 444 phụ nữ trong nhóm đối chứng cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ sảy thai tự nhiên và dị tật bẩm sinh nhẹ hoặc nghiêm trọng.

Mặc dù thiếu một sự đồng thuận chính thức về độ an toàn của các retinoid tại chỗ trong thai kỳ, các nhà sản xuất vẫn khuyên rằng những hoạt chất này không nên được sử dụng trong thai kỳ. Tretinoin và adapalene được FDA phân loại C cho thai kỳ nhưng tazarotene là loại X, tức là chống chỉ định tuyệt đối cho phụ nữ mang thai. Bệnh nhân nên được Bác sĩ Da liễu tư vấn về những rủi ro cho thai kỳ khi bắt đầu điều trị bằng retinoid.

Các chế phẩm retinoid dùng ngoài - Doctor Acnes
Các chế phẩm chứa retinoid dùng ngoài điều trị mụn tại Phòng khám Da liễu Doctor Acnes

Các chế phẩm chứa retinoid điều trị mụn tại Phòng khám Doctor Acnes bạn có thể tham khảo bao gồm:

  • Tretinoin Cream 0.05%, 0.1% Obagi
  • Retacnyl 0.025%, 0.05%
  • Differin Galderma
  • Erylik Bailleul
  • Klenzit MS
  • Klenzit C

Sulfur

Sulfur tuy là một hoạt chất có mùi khó ngửi (mùi trứng thối), nhưng nó là một thành phần hiệu quả trong việc làm khô mụn nhọt và mụn đầu trắng. Nó cũng có hiệu quả hấp phụ dầu thừa. Sulfur thường được trộn với các hoạt chất khác để có hiệu quả cao nhất và có hương thơm nhằm che giấu mùi thực của nó. Bạn thường có thể tìm thấy sulfur trong mặt nạ và sản phẩm điều trị tại chỗ.

Bakuchiol

Bakuchiol là một hoạt chất được chiết xuất từ thực vật, và mặc dù không phải là một retinoid nhưng nó thường được xem như là một hoạt chất thay thế retinol. Trong một vài nghiên cứu còn hạn chế, bakuchiol đã cho thấy hiệu quả hứa hẹn trong việc cải thiện kết cấu da và nếp nhăn mà không có tác dụng phụ thường thấy như retinoid.

Ngày nay, chúng ta có thể thấy bakuchiol có mặt trong một vài sản phẩm ở dạng đơn lẻ hoặc được kết hợp với nồng độ retinol thấp để giúp tăng tác dụng giảm mụn trứng cá và chống lão hóa mà không làm tăng nguy cơ tác dụng phụ.

Dapsone

Dapsone là một kháng sinh dùng ngoài da thuôc nhóm sulfone, thường được bào chế dưới dạng gel nồng độ 5% sử dụng hai lần mỗi ngày hoặc gel nồng độ 7,5% sử dụng một lần mỗi ngày. Cơ chế điều trị mụn trứng cá và khả năng tiêu diệt P. acnes của dapsone chưa được hiểu rõ. Tuy nhiên, dapsone được cho là có tác dụng chống viêm tương tự như các phương pháp điều trị bằng kháng sinh tại chỗ khác. Dữ liệu nghiên cứu về hoạt chất này cho thấy hiệu quả khiêm tốn trong việc giảm các tổn thương do mụn viêm.

Dapsone nên được sử dụng thận trọng khi điều trị phối hợp với BP vì khi sử dụng đồng thời, BP có thể gây ra sự đổi màu dapsone tạo nên màu nâu trên da nhưng có thể được rửa sạch. Sự hấp thu toàn thân của dapsone khi sử dụng tại chỗ được cho là tối thiểu. Thuốc dapsone tại chỗ được phân loại C thai kỳ theo FDA.

Acid azelaic

Acid azelaic là một acid dicarboxylic tự nhiên được tìm thấy trong các loại ngũ cốc nguyên hạt như lúa mì, lúa mạch đen và lúa mạch có tác dụng làm thông thoáng lỗ chân lông, kháng khuẩn và chống viêm. Acid azelaic nên được sử dụng thận trọng ở những bệnh nhân có làn da nhạy cảm do có thể gây ra những tác dụng phụ như đỏ, rát và kích ứng.

Acid azelaic cũng nên được sử dụng thận trọng ở những bệnh nhân có da tối màu theo phân loại Fitzpatrick loại IV trở lên vì nó có tác dụng làm sáng da. Tuy nhiên, với tác dụng làm sáng da này, acid azelaic là một chất hữu ích trong điều trị mụn trứng cá vì nó hỗ trợ trong điều trị rối loạn sắc tố sau viêm.

Khuyến cáo về liều dùng là bôi một lớp mỏng cho các khu vực bị mụn hai lần mỗi ngày. Acid azelaic được phân loại B thai kỳ theo FDA vì các nghiên cứu trên động vật cho thấy không gây quái thai, nhưng chưa có các dữ liệu trên người.

Sản phẩm chứa azelaic trị mụn - Doctor Acnes
Các chế phẩm chứa acid azelaic điều trị mụn tại Phòng khám Da liễu Doctor Acnes

Các chế phẩm chứa acid azelaic điều trị mụn tại Phòng khám Doctor Acnes bạn có thể tham khảo bao gồm:

  • Kem trị mụn MEGADOU Gel (Gamma Chemicals)
  • Kem trị mụn DERMA forte (Gamma Chemicals)

Thuốc kháng sinh tại chỗ

Thuốc kháng sinh tại chỗ có thể xâm nhập vào nang mụn và cho hiệu quả nhờ vào cả tác dụng chống viêm và kháng khuẩn. Do e ngại về việc đề kháng kháng sinh, đơn trị liệu bằng thuốc kháng sinh tại chỗ trong quản lý mụn trứng cá không được khuyến cáo. Thuốc kháng sinh tại chỗ được sử dụng tốt nhất khi phối hợp với BP. Các loại thuốc kháng sinh tại chỗ có thể sử dụng trong điều trị mụn là clindamycin và erythromycin.

Clindamycin thường được bào chế ở dạng gel, kem dưỡng da, hoặc dung dịch bôi tại chỗ. Dung dịch hoặc gel clindamycin 1% hiện đang là thuốc kháng sinh tại chỗ phổ biến. Clindamycin được FDA xếp hạng thai kỳ loại B. Liều lượng khuyến cáo là bôi một lớp mỏng mỗi ngày một lần.

Erythromycin thường được bào chế ở dạng gel, dung dịch hoặc thuốc mỡ. Erythromycin sử dụng đường uống hay bôi đều được FDA xếp hạng thai kỳ loại B. Erythromycin tại chỗ kém hiệu quả ở bệnh nhân bị mụn trứng cá hơn clindamycin do tỉ lệ kháng P. acnes cao.

Hiện nay trên thị trường có những sản phẩm phối hợp cố định có thể sử dụng như phối hợp erythromycin 3% và BP 5%, phối hợp clindamycin 1% và BP 5% hoặc phối hợp clindamycin 1% và BP 3,75%. Các sản phẩm phối hợp có thể giúp tăng tuân thủ phác đồ điều trị. Thuốc bôi ngoài da erythromycin thường được dùng 1 đến 2 lần mỗi ngày.

clstt web
Ca lâm sàng điều trị mụn thành công tại Doctor Acnes

Vì dược mỹ phẩm và hoạt chất trị mụn trên thị trường hết sức đa dạng nên vai trò của Bác sĩ Da liễu là cần thiết để giúp khách hàng lựa chọn được chế phẩm điều trị mụn trứng cá phù hợp nhất với tình trạng mụn của từng người.

Nếu có nhu cầu điều trị mụn, bạn có thể đến với Phòng khám chuyên khoa Da liễu Doctor Acnes – Phòng khám chuyên sâu về điều trị mụn vào sẹo mụn hàng đầu và đáng tin cậy nhất hiện nay để được Bác sĩ Da liễu thăm khám và tư vấn. Bạn cũng có thể liên hệ trực tiếp với Phòng khám để được hỗ trợ những vấn đề bạn cần biết về điều trị mụn bằng cách để lại thông tin của bạn và câu hỏi tại đây.

banner gruop facebook

Tài liệu tham khảo

  1. Magin P, Adams J, Heading G, et al. “Psychological sequelae of acne vulgaris: results of a qualitative study”. Canadian Family Physician. 2006;52:978-9
  2. Haider A, Shaw JC. “Treatment of acne vulgaris”. JAMA. Aug 11;292(6):726-35
  3. Strauss JS, Krowchuk DP, Leyden JJ, et al. “Guidelines of care for acne vulgaris management”. J Am Acad Dermatol. 2007 Apr;56(4):651-63
  4. James WD. “Acne”. The New England Journal of Medicine. 2005;352:1463-72
  5. American Association of Clinical Endocrinologists Polycystic Ovary Syndrome Writing Committee. “American Association of Clinical Endocrinologists position statement on metabolic and cardiovascular consequences of polycystic ovary syndrome”. Endocr Pract. Mar-Apr 2005;11(2):126-34
  6. Gollnick H, Cunliffe W, Berson D, et al. “Management of acne: a report from a global alliance to improve outcomes in acne”. J Am Acad Dermatol. 2003;49(Suppl 1): S1-37
  7. Webster GF, Guenther L, Poulin YP, et al. “A multicenter, double-blind, randomized comparison study of the efficacy and tolerability of once daily tazarotene 0.1% gel and adapalene 0.1% gel for the treatment of facial acne vulgaris”. Cutis.2002 Feb;69(2 Suppl):4-11
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84