Mụn trứng cá: cơ chế bệnh sinh, nguyên nhân và cách phòng ngừa

Được đăng bởi Doctor Acnes vào ngày 29/06/2021

Mụn trứng cá là một trong những bệnh lý về da rất phổ biến ở cả hai giới nam và nữ với khoảng 80 – 90% thanh thiếu niên mắc phải mụn ở các mức độ khác nhau. Số lượng người trưởng thành bị mụn trứng cá cũng ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở nữ giới. Việc hiểu rõ về sinh lý bệnh của bệnh lý mụn trứng cá sẽ đóng vai trò quan trọng trong điều trị và phòng ngừa căn bệnh này.

Mụn trứng cá là gì?

Mụn trứng cá là một bệnh của nang lông tuyến bã có biểu hiện tổn thương đa dạng như nhân mụn, sẩn, mụn mủ, cục, nang. Bệnh thường gặp ở độ tuổi dậy thì, xuất hiện cùng lúc với sự thay đổi nội tiết tố sinh dục trong cơ thể và có thể kéo dài đến độ tuổi trưởng thành.

Mụn trứng cá thường xuất hiện trên mặt, vai, lưng và ngực. Mụn có thể chỉ là vài nốt nhỏ cộm lên không đau, không sưng hay đỏ, nhưng trong các trường hợp mụn vừa và nặng, da trở nên ửng đỏ với sự phát triển của các nốt sần viêm nhiễm và mưng mủ. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh trứng cá, sự hiện diện của mụn có thể gây mặc cảm, lo lắng và để lại di chứng sẹo trên các vùng da bị mụn.

Hình thái của mụn trứng cá

Các nhà lâm sàng chia mụn ra thành 2 nhóm chính dựa vào hình thái của nó là mụn không do viêm và mụn do viêm.

Mụn không do viêm bao gồm mụn đầu đen và mụn đầu trắng:

  • Mụn đầu đen: hình thành do lỗ chân lông bị bít tắc do sự kết hợp của bã nhờn và tế bào da chết. Phần trên cùng của lỗ chân lông vẫn mở nên các tế bào da chết và xác vi khuẩn phản ứng với oxy trong không khí tạo nên màu đen của đầu mụn mà chúng ta nhìn thấy.
  • Mụn đầu trắng: hình thành khi lỗ chân lông bị tắc nghẽn bởi bã nhờn và tế bào da chết nhưng không giống như mụn đầu đen, đỉnh lỗ chân lông của mụn đầu trắng đóng lại làm mụn giống như một vết sưng nhỏ nhô ra khỏi da. Do lỗ chân lông bị đóng lại nên việc điều trị mụn đầu trắng cũng khó khăn hơn.
Phân loại mụn trứng cá - Doctor Acnes
Bảng phân loại mụn trứng cá

Mụn do viêm là khi vi khuẩn sinh mụn C. acnes gây nhiễm trùng sâu bên dưới bề mặt da tạo thành những loại mụn như:

  • Mụn sần: hình thành khi tình trạng viêm làm phá vỡ vách xung quanh lỗ chân lông. Khi chạm vào khu vực da có mụn sần, cảm giác lỗ chân lông bị cứng, da vùng này thường có màu hồng.
  • Mụn mủ: hình thành khi vi khuẩn gây tình trạng viêm làm vách xung quanh lỗ chân lông bị phá vỡ. Nhưng khác với mụn sần, mụn mủ thường có đầu màu vàng hoặc trắng, bên trong chứa đầu mủ.
  • Mụn bọc: được hình thành khi nang lông bị vỡ ở dưới đáy và đẩy mụn lên bề mặt da. Đặc điểm của mụn bọc là sưng, đỏ, kích thước lớn, sờ vào thấy đau.
  • Mụn dạng nang: có thể phát triển khi lỗ chân lông bị tắc bởi sự kết hợp của vi khuẩn, bã nhờn và tế bào chết. Phản ứng viêm gây tổn thương sâu dưới bề mặt da. Đây là dạng mụn có kích thước lớn nhất, chứa đầy mủ, rất dễ để lại sẹo. 

Cơ chế bệnh sinh của bệnh trứng cá

Cơ chế bệnh sinh của bệnh trứng cá khá phức tạp, liên quan đến nhiều yếu tố bao gồm:

  • Tăng tiết bã nhờn nhiều hơn nhu cầu của da do sự thay đổi của nội tiết tố sinh dục, đặc biệt là androgen và dihydrotestosterone.
  • Sừng hóa cổ nang lông kèm theo hiện tượng viêm dẫn đến bít tắc lỗ nang lông.
  • Do vi khuẩn Cutibacterium acnes (tên gọi trước đây là Propionibacterium acnes) kích thích phản ứng viêm.

Cơ chế hình thành mụn trứng cá 

Nghiên cứu cơ chế hình thành mụn trứng cá sẽ giúp tìm ra cách điều trị mụn hiệu quả. Cơ chế hình thành mụn về cơ bản bao gồm bốn giai đoạn:

  • Giai đoạn tăng tiết bã nhờn: ở điều kiện bình thường, cơ thể tiết ra một lượng bã nhờn vừa đủ thông qua lỗ chân lông nhằm dưỡng ẩm và bảo vệ da. Khi có sự thay đổi nội tiết tố ở tuổi dậy thì hay mất cân bằng nội tiết tố hoặc khi da bị kích ứng sẽ gây tăng tiết bã nhờn quá mức, dẫn đến tình trạng bít tắc nang lông, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây mụn.
  • Giai đoạn sừng hóa cổ nang lông: các tế bào da thường được đào thải theo một chu kì nhất định (khoảng 14 – 28 ngày tùy thuộc vào độ tuổi). Tuy nhiên ở người bị mụn trứng cá, những tế bào chết này tích tụ và sừng hóa, khiến các ống dẫn của tuyến bã nhờn bị bịt kín. Bã nhờn kết hợp với tế bào chết, bụi bẩn, độc tố tích tụ ở lỗ chân lông gây tắc nghẽn, các vách nang phình lên hình thành nhân mụn (mụn đầu trắng, mụn đầu đen).
Các giai đoạn hình thành mụn trứng cá - Doctor Acnes
Cơ chế hình thành mụn trứng cá
  • Giai đoạn vi khuẩn xâm nhập: vi khuẩn gây mụn C. acnes thường sống vô hại trên da. Tuy nhiên, khi tuyến bã nhờn tiết nhiều dầu vào các lỗ chân lông bị bít tắc sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn này sinh sôi, phân hủy bã nhờn thành các triglyceride là yếu tố kích thích phản ứng viêm.
  • Giai đoạn viêm nhiễm: khi vi khuẩn xâm nhập gây tổn thương cho da, cơ thể sẽ điều bạch cầu đến vùng da mụn và gây ra phản ứng viêm. Kết quả trận chiến giữa bạch cầu và vi khuẩn là mủ. Mủ có thể ở dạng lỏng, mềm, có trong nhân của mụn mủ, mụn nang hoặc mủ cũng có thể kết hợp với tế bào sừng, tế bào chết tạo thành bọc mụn dưới da. 

Các nguyên nhân gây mụn trứng cá

Mất cân bằng nội tiết tố do cường androgen được xem là nguyên nhân chính kích hoạt bệnh mụn trứng cá cấp hoặc làm nặng hơn tình trạng mụn trứng cá đang có ở cả 2 giới nam và nữ.

Androgen là nội tiết tố sinh dục có chủ yếu ở nam giới, nhưng cũng có một ít ở nữ giới nhằm kích thích việc mọc lông và tổng hợp estrogen. Androgen thường được sản sinh nhiều vào giai đoạn dậy thì để giúp cơ thể phát triển thành người trưởng thành. Đây cũng là lý do ở độ tuổi dậy thì, các bạn nam lại có xu hướng bị mụn nặng hơn và nhiều hơn các bạn nữ.

Ngoài ra, sự mất cân bằng nội tiết tố còn có thể gây ra bởi việc sử dụng một số loại thuốc có chứa testosterone (một nội tiết tố thuộc nhóm androgen). Androgen kích thích tăng tiết bã nhờn và khi cơ thể sản sinh quá nhiều dầu so với nhu cầu sẽ khiến da trở nên bóng nhờn và nổi mụn trứng cá.

Ở tuổi trưởng thành, phụ nữ lại có nhiều khả năng bị mụn trứng cá hơn nam giới. Điều này là do cơ thể phụ nữ có sự thay đổi nội tiết tố vào những thời điểm nhất định, bao gồm những mốc thời gian như:

  • Ngay trước kỳ kinh và giữa chu kỳ kinh
  • Trong thời gian mang thai, thường là trong 3 tháng đầu của thai kỳ
  • Hội chứng buồng trứng đa nang – một tình trạng phổ biến có thể gây ra mụn trứng cá ở phụ nữ trưởng thành, thường kèm với tăng cân và hình thành các nang nhỏ bên trong buồng trứng gây ảnh hưởng đến khả năng mang thai

Ngoài ra, mụn trứng cá còn có thể bị kích hoạt hoặc ảnh hưởng bởi các yếu tố khác sau đây:

Di truyền từ bố hoặc mẹ

Theo nghiên cứu, những người có bố hoặc mẹ bị mụn trứng cá thì nguy cơ nổi mụn sẽ cao hơn những người cùng trang lứa. Cụ thể, thanh thiếu niên có mẹ từng bị mụn trứng cá có nguy cơ bị mụn cao gấp ba lần, trong khi có ba từng bị mụn trứng cá là cao gấp hai lần.

Tác dụng phụ của thuốc

Corticosteroid: corticoid là nhóm chất kháng viêm steroid có khả năng ức chế hệ thống miễn dịch, kháng viêm và điều trị dị ứng. Khi sử dụng các loại mỹ phẩm có chứa corticoid, người dùng sẽ cảm thấy da của mình cải thiện nhanh chóng, hết mụn và sáng mịn. Tuy nhiên, da sẽ trở nên nghiện corticoid và không tự duy trì được các chức năng tự nhiên vốn có. Khi ngưng thoa, da sẽ gặp biến chứng nhanh chóng như viêm da và bất kể loại mụn nào cũng có thể bùng phát trên mặt.

Một số loại thuốc: như thuốc điều trị lao, thuốc tránh thai, thuốc chống trầm cảm hay thuốc điều trị các bệnh tuyến giáp đều có khả năng gây rối loạn nội tiết tố hay chu trình của tế bào da, từ đó dẫn đến nguy cơ hình thành mụn trứng cá.

Chế độ ăn uống

Trong những năm gần đây, dinh dưỡng đã được chứng minh có ảnh hưởng đến tình trạng mụn, cụ thể là các nhóm thực phẩm sau đây:

Sữa động vật và các chế phẩm từ sữa: trong thành phần của sữa thường có mặt của các hormone (androgen và hormone tăng trưởng IGF-1) có hoạt tính sinh học, đây là nguyên nhân chính làm tăng hoạt động của tuyến bã nhờn, làm khởi phát hoặc làm nặng hơn tình trạng mụn trứng cá.

Đạm whey: đạm whey chiết xuất từ sữa bò là loại protein thường được sử dụng với mục đích tăng khối lượng cơ trong cơ thể. Tuy nhiên, chúng lại chứa nhiều yếu tố tăng trưởng như TGF, IGF-1,… kích thích tuyến tụy tiết insulin và được chứng minh có liên quan đến tình trạng mụn trứng cá ở người trưởng thành.

Thức ăn ngọt: các nhóm thức ăn có chỉ số đường GI (glycemic index) cao sẽ dễ có nguy cơ làm nặng thêm tình trạng mụn trứng cá. Cụ thể, sau khi ăn, đường sẽ hấp thu nhanh vào máu gây giải phóng insulin, được gọi là IGF-1, kích thích cơ thể sản xuất ra một loại chất nhờn tự nhiên trên da, đồng thời thúc đẩy cơ thể tăng sản xuất nội tiết tố androgen – vốn có khả năng kích thích các tuyến bã nhờn trên da và gây mụn trứng cá.

Làm sạch da không đúng cách

Nếu không làm sạch da mỗi ngày, lỗ chân lông sẽ bị tắc nghẽn, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập khiến mụn phát triển nhanh hơn. Tuy nhiên, nếu làm sạch quá mức, da sẽ bị khô vì mất đi lớp màng hydrolipid tự nhiên bảo vệ khỏi những tác nhân bên ngoài.

Không tẩy trang

Không có bằng chứng mỹ phẩm đặc biệt là các mỹ phẩm trang điểm không chứa dầu làm nặng thêm mụn trứng cá, trừ trường hợp lạm dụng mỹ phẩm. Tuy nhiên, nếu trang điểm thường xuyên nhưng lại không tẩy trang thì rất dễ gây mụn vì lỗ chân lông bị tắc nghẽn. Ngoài ra, trong trường hợp không trang điểm nhưng có sử dụng kem chống nắng với độ che phủ cao thì vẫn cần phải tẩy trang bởi sữa rửa mặt thông thường không thể làm sạch hết các loại kem chống nắng có cấu trúc tương đối bền vững.

Lạm dụng mỹ phẩm

Lựa chọn mỹ phẩm không phù hợp với tình trạng da hay dùng quá nhiều mỹ phẩm hơn lượng khuyến cáo cũng có nguy cơ làm tắc nghẽn lỗ chân lông hay kích ứng da, là các nguyên nhân thúc đẩy hình thành mụn trứng cá.

Kiểu tóc không phù hợp

Đối với những kiểu tóc ôm lấy khuôn mặt hay tóc mái sẽ khiến dầu tự nhiên và các vi khuẩn có trên tóc bám vào vùng da bị mụn làm tình trạng mụn trở nên trầm trọng hơn.

Thức khuya hoặc stress

Khi cơ thể mệt mỏi do thức khuya, căng thẳng hay stress thì sẽ sản sinh ra một lượng lớn nội tiết tố có tên là cortisol để căng bằng lại tâm sinh lý. Tuy nhiên, loại nội tiết tố này lại có đặc tính kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh, khiến da tiết ra một lượng dầu lớn làm tăng nguy cơ hình thành mụn trứng cá. Tình trạng stress càng kéo dài thì mụn trứng cá càng nghiêm trọng hơn.

Thức khuya, stress gây mụn trứng cá - Doctor Acnes
Thức khuya hay stress kéo dài là các yếu tố nguy cơ của mụn trứng cá

Thuốc lá

Hóa chất trong khói thuốc lá không những làm cho da trở nên thâm sạm mà còn khiến cho tình trạng mụn trứng cá trở nên tồi tệ hơn.

Cách nhận biết mụn trứng cá và các vị trí thường gặp

Vị trí các nốt mụn trên gương mặt có thể “tiết lộ” nhiều thông tin hữu ích trong một số trường hợp, từ đó giúp kiểm soát tình trạng mụn tốt hơn. 

Mụn ở đường chân tóc

Mụn ở đường chân tóc thường là do dầu gội đầu hoặc dầu xả tóc. Các chế phẩm chăm sóc tóc chứa dầu có thể gây bít tắc lỗ chân lông và kích thích sinh nhân mụn.

Nếu gặp phải tình trạng mụn ở đường chân tóc, hãy thử rửa mặt sạch sau khi gội đầu hay dùng dầu xả. Nếu tình trạng mụn vẫn chưa cải thiện, có thể đổi sang loại dầu gội và dầu xả ít gây bít tắc lỗ chân lông, ví dụ như các loại chế phẩm chăm sóc tóc không chứa bơ cacao.

Mụn ở vùng trán và mũi (vùng chữ T)

Vùng chữ T gồm trán và mũi là nơi tập trung nhiều tuyến bã nhờn. Khu vực này là nơi thường xuyên xuất hiện mụn đầu trắng và mụn đầu đen do lỗ chân lông bị bít tắc bởi lượng dầu tiết ra nhiều hơn cần thiết. Đặc biệt, khi bị stress, cơ thể sẽ kích thích tuyến bã nhờn tiết ra nhiều dầu hơn làm cho tình hình mụn tại vùng da này càng nghiêm trọng.

Mụn ở má

Mụn ở má thường có nguyên nhân do tiếp xúc; cụ thể là tiếp xúc với khẩu trang, điện thoại hay vỏ gối. Những vật dụng này khi không được vệ sinh và thay mới thường xuyên sẽ là môi trường cho vi khuẩn phát triển và làm lây lan vi khuẩn khi tiếp xúc với da vùng má.

Mụn ở cằm và quanh hàm

Khu vực cằm và quanh hàm đặc biệt nhạy cảm với sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể. Ở độ tuổi trưởng thành, khoảng thời gian ngay trước kỳ kinh hoặc vào giữa chu kỳ kinh nguyệt, nội tiết tố trong cơ thể có sự dao động lớn nên mụn ở cằm và quanh hàm sẽ dễ xuất hiện trong thời gian này. Sự thay đổi nội tiết tố cũng có thể xảy ra khi mới bắt đầu hoặc mới ngưng thuốc ngừa thai hoặc vừa chuyển sang loại thuốc ngừa thai mới, khi mang thai, căng thẳng quá mức kéo dài hay thời kỳ mãn kinh.

Ngoài ra còn phải kể đến tình trạng thay đổi nội tiết tố bệnh lý như trong bệnh buồng trứng đa nang. Theo các thống kê, nhiều hơn 90% trường hợp gia tăng androgen kéo dài trong cơ thể phụ nữ là do bệnh lý này. Ngoài sự gia tăng androgen, việc tăng nồng độ insulin máu đi kèm trong bệnh buồng trứng đa nang còn làm nặng nề hơn tình trạng mụn thông qua cơ chế gia tăng keratin hóa cổ nang lông.

Tìm hiểu thêm về vị trí mụn tại >> https://doctoracnes.com/vi-tri-mun-tren-co-the-noi-len-dieu-gi/ 

Cách phòng ngừa mụn trứng cá

Chỉ có sự thay đổi nội tiết tố hay di truyền là không thể thay đổi được vì chúng thuộc về một phần của tự nhiên, đặc biệt ở độ tuổi dậy thì. Với tất cả các nguyên nhân gây mụn còn lại, sẽ không quá khó để phòng ngừa nếu như chúng ta có phương pháp chăm sóc da và duy trì lối sống phù hợp, đặc biệt là loại bỏ được các yếu tố gây hại cho da. Cụ thể như sau:

Chế độ ăn uống

Để phòng ngừa mụn trứng cá, trong chế độ ăn uống nên hạn chế sữa động vật và các chế phẩm từ sữa, bao gồm sữa tươi nguyên kem và sữa tách béo, sữa thanh trùng, sữa chua, kem, phô mai, đạm whey, thức ăn ngọt như đường, các chất tạo ngọt, nước ngọt, kể cả nước trái cây đóng hộp, pizza, mỳ ý, bánh mì trắng, chocolate… Tăng cường ăn rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc, cá và các loại giàu Omega-3 như hạt óc chó, hạt chia. Uống nhiều nước.

Chế độ ăn hạn chế mụn trứng cá - Doctor Acnes
Các loại thực phẩm nên bổ sung trong chế độ ăn để hạn chế mụn trứng cá

Rửa mặt đúng cách

Rửa mặt đúng cách không chỉ làm sạch da, lấy đi tế bào chết mà còn hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa sự phát triển của mụn trứng cá. Ngoài ra, việc làm sạch da còn có tác dụng “giải phóng” lỗ chân lông, giúp da hấp thụ các chế phẩm dưỡng da tốt hơn.

Tuy nhiên chỉ nên rửa mặt với sữa rửa mặt dịu nhẹ 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng và buổi tối. Không nên rửa mặt quá nhiều lần, kể cả với những ai sở hữu làn da nhiều nhờn, bởi càng rửa, lượng dầu sẽ càng tiết ra nhiều hơn. Ngoài ra, khi rửa mặt, cần tránh các động tác như chà xát, kì cọ mạnh hay dùng khăn bằng vải thô cứng lau mặt vì có thể khiến tình trạng mụn trở nên nặng và khó kiểm soát hơn.

Hạn chế trang điểm khi bị mụn và tẩy trang đúng cách

trong thời gian mụn đang bùng phát, hãy hạn chế việc trang điểm nhiều nhất có thể. Nếu phải trang điểm hoặc có sử dụng kem chống nắng với độ che phủ cao, thì nên tẩy trang thật sạch vào cuối ngày.

Kiểu tóc phù hợp

Hãy giữ tóc cách xa da mặt bằng cách cắt ngắn hoặc buộc tóc lên cao. Ngoài ra, với những ai sở hữu mái tóc có nhiều dầu, cách ngừa mụn trứng cá là hãy gội đầu thường xuyên.

Giữ tâm trạng lạc quan

Khi bản thân gặp phải một vấn đề nào đó dẫn đến căng thẳng, stress thì hãy thay đổi suy nghĩ, sống tích cực và bình tĩnh hơn để tìm ra phương hướng giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó, thực phẩm sống lành mạnh bằng cách đi ngủ sớm, rèn luyện thể dục thể thao như chạy bộ, yoga, bơi lội…

Không nên hút thuốc lá cũng như hạn chế những nơi có khói thuốc.

Tư vấn Bác sĩ chuyên khoa trước khi bắt đầu điều trị bất kỳ căn bệnh nào để hạn chế gặp phải các tác dụng không mong muốn của thuốc.

Ca lâm sàng mụn ở má - Doctor Acnes
Ca lâm sàng điều trị mụn thành công tại Doctor Acnes

Tóm lại, mụn trứng cá được chia thành nhiều loại với biểu hiện và mức độ thương tổn khác nhau với cơ chế hình thành tương đối khá phức tạp. Ngoài việc nhận diện sớm và đúng loại mụn mắc phải để điều trị kịp thời thì việc hiểu rõ về nguyên nhân gây mụn trứng cá, qua đó có cách chăm sóc da và phòng ngừa mụn xuất hiện là cần thiết. Hy vọng, bài chia sẻ trên của Phòng khám Doctor Acnes sẽ giúp nhiều người có thêm kiến thức hữu ích về căn bệnh mụn trứng cá.

banner gruop facebook

Tài liệu tham khảo

  1. Ayer J, Burrows N. “Acne: more than skin deep”. Postgrad Med J. 2006;82(970):500-506
  2. Bowe, W. P., Joshi, S. S., & Shalita. “Diet and acne”. Journal of the American Academy of Dermatology, 63(1), 124-141
  3. Ghodsi SZ , Orawa H, Zouboulis CC. “Prevalence, severity, and severity risk factors of acne in high school pupils: a community-based study”. J Invest Dermatol. 2009 Sep;129(9):2136-41
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84