Nghệ có trị mụn được không?

Được đăng bởi Doctor Acnes vào ngày 10/12/2022

Nghệ là một thành phần dược liệu dân gian rất nổi tiếng giúp vết thương mau lành và tránh để lại sẹo, giúp sáng da mờ thâm. Nghệ đã được đưa vào các loại mỹ phẩm có thành phần lành tính từ thiên nhiên giúp mang lại hiệu quả nhưng vẫn an toàn.

Nghệ đã được chứng minh về hiệu quả kháng viêm và kháng khuẩn khi sử dụng ngoài da. Vậy điều trị mụn bằng nghệ có được không? Chúng ta có thể tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.

Tổng quan về nghệ

Nghệ là một loài thực vật thân thảo sống lâu năm thuộc họ Gừng (Zingiberaceae), tên khoa học là Curcuma longa. Giá trị sử dụng của loài này được khai thác chủ yếu ở phần củ, củ nghệ được nghiền thành dạng bột màu vàng tươi, có vị đắng, cay.

Củ nghệ được thu hoạch sử dụng làm gia vị, chất bảo quản, chất tạo màu và có nhiều ứng dụng trong y học và dược liệu. Nghệ được xem là một loại thuốc cổ truyền điều trị nhiều loại bệnh như nhiễm khuẩn, tiểu đường, rối loạn gan, mật, rối loạn tiêu hóa, ho, viêm xoang, bệnh vảy nến, vàng da và còn dùng làm thuốc bổ não, bổ tim, thanh lọc máu.

Bên cạnh việc sử dụng trong thực phẩm và làm thuốc trị bệnh, nghệ còn được sử dụng ở châu Á, châu Phi như một loại mỹ phẩm cho cơ thể và da mặt.

Tổng quan về nghệ - Doctor Acnes
Nghệ là một loài thực vật thân thảo sống lâu năm thuộc họ Gừng (Zingiberaceae), tên khoa học là Curcuma longa

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh trong củ nghệ có đa dạng các hợp chất tự nhiên như carbohydrate, protein, alkaloid, steroid, flavonoid, phenolic, saponin, anthraquinone, tinh dầu, một số acid amin quan trọng.

Đặc biệt là sự hiện diện của nhóm curcuminoid cho thấy nghệ có nhiều hoạt tính sinh học như kháng khuẩn, kháng nấm, kháng virus, kháng viêm, chống oxy hóa, chống nhiễm trùng, chữa lành vết thương.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu về tác dụng của nghệ đối với các vấn đề về sức khỏe làn da như mụn trứng cá, viêm da dị ứng, tăng sắc tố da, các đốm thâm, lão hóa da và các tình trạng da khác như chàm, vảy nến cũng đã được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín.

Các bằng chứng ban đầu cho thấy các sản phẩm chứa nghệ ở cả dạng uống và dạng bôi có thể mang lại lợi ích tuyệt vời trong điều trị các vấn đề của da.

Vai trò của nghệ trong chăm sóc da và điều trị mụn

Nghệ có rất nhiều lợi ích cho da như thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương do chứa các thành phần tự nhiên có các đặc tính kháng khuẩn, kháng viêm. Đặc biệt nghệ chứa hàm lượng cao curcumin có nhiều bằng chứng trong điều trị hiệu quả các bệnh về da.

Vai trò của nghệ trong chăm sóc da và điều trị mụn - Doctor Acnes
Nghệ có rất nhiều lợi ích cho da như thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương do chứa các thành phần tự nhiên có các đặc tính kháng khuẩn, kháng viêm

Tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn

Nghệ thể hiện tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm mạnh nhờ chứa tinh dầu và curcumin. Curcumin ức chế sản xuất các cytokine tiền viêm bằng cách ức chế hoạt động của các enzyme cyclooxygenase, lipoxygenase, do đó ức chế sự tăng sinh các tế bào viêm, kiểm soát phản ứng viêm.

Đồng thời, curcumin được xem là một chất ức chế tổn thương của tế bào sừng và nguyên bào sợi, tăng tổng hợp và thúc đẩy quá trình trưởng thành của các sợi collagen, có lợi trong việc làm lành những tổn thương da do mụn gây ra.

Vi khuẩn Propionibacterium acnes là nguyên nhân chính gây ra mụn viêm khi nó phát triển quá mức trong tuyến bã nhờn của da. Curcumin có khả năng dung nạp tốt trên da và ức chế đáng kể sự phát triển của P. acnes, thậm chí tốt hơn azelaic acid – một hoạt chất điều trị mụn trứng cá nhẹ đến trung bình.

Ngoài ra, một nghiên cứu khác cho thấy sự kết hợp giữa acid myristic và curcumin có thể ức chế sự phát triển của S. epidermidis trên da. Vậy nên curcumin từ nghệ được xem như một liệu pháp điều trị mụn trứng cá hiệu quả.

Vi khuẩn C. acnes - Doctor Acnes
Vi khuẩn Propionibacterium acnes là nguyên nhân chính gây ra mụn viêm khi nó phát triển quá mức trong tuyến bã nhờn của da

Điều tiết bã nhờn

Bã nhờn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ da khỏi các vi sinh vật và hóa chất độc hại, tăng cường chức năng làm mềm da và giữ nước. Tuy nhiên, việc sản xuất quá nhiều bã nhờn có thể dẫn đến việc hình thành mụn trứng cá và viêm da.

Nghệ được sử dụng trong các chế phẩm bôi ngoài da để điều chỉnh sự tiết bã nhờn quá mức ở những người bị mụn trứng cá nhờ chứa các acid béo và steroid như palmitic acid, linolenic acid, β-sitosterol.

Tác dụng chống oxy hóa

Nghệ là nguồn giàu các chất chống oxy hóa tự nhiên, bảo vệ mô khỏi những tổn thương do các gốc tự do gây ra, trung hòa các gốc tự do và đẩy nhanh quá trình phân hủy của chúng.

Hoạt tính chống oxy hóa của curcumin được phát hiện cao hơn khoảng 10 lần so với vitamin E, do đó nghệ có tiềm năng cao trong điều trị các bệnh liên quan đến stress oxy hóa do các thói quen không lành mạnh, ô nhiễm, bức xạ, các độc tố làm tổn thương da và chống lão hóa da do tiếp xúc tia UV.

Bên cạnh những tác dụng trên, nhiều nghiên cứu còn cho thấy curcumin từ nghệ là một chất giữ ẩm hiệu quả cho da, tác động đến quá trình sản xuất hyaluronan, góp phần làm tăng độ ẩm da và làm giảm ban đỏ, mẩn ngứa, vảy nến.

Sử dụng nghệ trong chăm sóc da và điều trị mụn như thế nào?

Liệu pháp chung trong điều trị mụn trứng cá thông thường bao gồm uống và bôi ngoài da các hoạt chất như tretinoin, isotretinoin, benzoyl peroxide và kháng sinh như erythromycin, tetracycline. Tuy nhiên những loại thuốc này thường có một số tác dụng phụ và xảy ra tình trạng đề kháng kháng sinh của P. acnes.

Các công thức điều trị mụn trứng cá kết hợp từ nghệ và các loài thảo dược khác thường được đánh giá cao về hiệu quả trị mụn dựa trên khả năng kháng khuẩn, kháng viêm của chúng và ít gây ra tác dụng phụ.

Lalla và cộng sự (2001) đã nghiên cứu chế phẩm điều trị mụn là sự kết hợp các chiết xuất từ nghệ và các loài Aloe barbadensis, Hemidesmus indicus, Terminalia chebula, Terminalia arjuna, Withania somnifera. Công thức được điều chế ở dạng gel, dạng cream dùng bôi ngoài và dưới dạng viên uống có cùng thành phần được thêm chiết xuất Piper longum.

Nghiên cứu thử nghiệm trên các bệnh nhân bị mụn trứng cá mức độ nhẹ đến trung bình, có biểu hiện tổn thương viêm và không viêm.

Liệu pháp điều trị được chia thành 4 nhóm: nhóm 1 nhận viên uống và gel bôi ngoài da, nhóm 2 nhận viên uống và cream bôi ngoài da, nhóm 3 sử dụng viên uống và giả dược bôi ngoài da, nhóm 4 dùng giả dược cả đường uống và bôi ngoài da. Tổng thời gian thử nghiệm là 4 tuần.

Kết quả lâm sàng so sánh sự thay đổi tổng thể về mụn trứng cá và sự giảm số lượng tổn thương viêm hoặc không viêm trên mặt ghi nhận được như sau: nhóm 1 và nhóm 2 nhìn chung cho đánh giá tốt về khả năng cải thiện tổn thương do mụn gây ra, nhóm 3 chỉ cải thiện mức độ nhẹ, nhóm 4 không có sự cải thiện mụn nào được ghi nhận ở các bệnh nhân.

Kết quả trên cho thấy rằng việc điều trị kết hợp đường uống và bôi ngoài da cho kết quả tốt hơn khi chỉ dùng đường uống và chứng minh được các chiết xuất thực vật mang lại hiệu quả cao trong điều trị mụn trứng cá.

Gần đây có rất nhiều nghiên cứu được công bố về tác dụng điều trị mụn chống lại vi khuẩn P. acnes của các chế phẩm chứa chiết xuất nghệ. Trong đó có nghiên cứu của Kim và cộng sự (2020) về khả năng kháng P. acnes khi kết hợp probiotic (Lactobacillus sp.) và prebiotic (chiết xuất nghệ).

Sự kết hợp này ngăn chặn sự phát triển của P. acnes, mang lại hiệu quả tích cực trong điều trị mụn, là cơ sở tiềm năng cho việc phát triển các loại mỹ phẩm hoặc thuốc kháng P. acnes. Ngoài ra, sự kết hợp này còn được đề xuất để điều trị một số tình trạng da như viêm da dị ứng, chứng đỏ mặt, chữa lành vết thương.

Nghệ là thành phần được sử dụng lâu đời trong nền y học cổ truyền Ayurveda của Ấn Độ, có trong một số loại mỹ phẩm hỗ trợ điều trị bệnh nám da. Thoa hỗn hợp bột nghệ lên mặt và tay chân khi tắm có tác dụng làm sạch các vết thâm trên da, giúp loại bỏ các yếu tố gây nám da.

Một số công thức bôi ngoài da như: gel, cream, sữa rửa mặt, lotion, mặt nạ với nhiều thành phần dược liệu bao gồm nghệ, lá neem, nhục đậu khấu được báo cáo có tác dụng điều trị mụn tích cực với khả năng kháng khuẩn, kháng viêm, chống oxy hóa. Hỗn hợp bột nghệ với lá neem được dùng như một loại mặt nạ đắp mặt hằng ngày, giúp da sáng và rạng rỡ hơn.

Ngoài hiệu quả trị mụn đã được chứng minh, chiết xuất từ nghệ còn giúp giải quyết các vấn đề khác trên da. Bức xạ tia UV hình thành các gốc tự do dẫn đến các tác động xấu trên da, làm thay đổi cấu trúc da, xuất hiện nếp nhăn, bề mặt da thô ráp, thiếu độ đàn hồi.

Kaur và cộng sự (2011) đã tạo ra chế phẩm dạng kem chứa chiết xuất nghệ được nạp vào các túi nano có bản chất là lipid (liposome, ethosome, transfersome) và nghiên cứu tác dụng bảo vệ da bằng cách đánh giá độ ẩm da và hàm lượng bã nhờn.

Công thức này giúp các hoạt chất từ nghệ thẩm thấu qua da tốt hơn, hoạt động như một chất giữ ẩm, cải thiện quá trình hydrat hóa, bổ sung độ ẩm cho da, điều tiết sự hình thành bã nhờn và bảo vệ da dưới tác hại của tia UV.

Các nghiên cứu khoa học đã công bố cho thấy nghệ có những công dụng tuyệt vời trong điều trị mụn, loại bỏ vết thâm, ngăn ngừa lão hóa. Các bằng chứng lâm sàng khá nhiều cho thấy nghệ có hiệu quả và an toàn trong điều trị mụn, tuy nhiên có mức độ nhất định.

Mặc dù chưa hiện diện trong các khuyến cáo điều trị chính thống, có thể dùng nghệ như một liệu pháp điều trị hỗ trợ khá an toàn. Trong trường hợp mụn nặng hoặc có xu hướng xấu đi, bạn nên tư vấn Bác sĩ Da liễu để có phương pháp điều trị tốt nhất cho mình, tránh để lại biến chứng sẹo mụn.

banner gruop facebook

Tài liệu tham khảo

  1. Chanda, S., & Ramachandra. “Phytochemical and pharmacological importance of turmeric (Curcuma longa): A review”Research & Reviews: A Journal of Pharmacology9(1), 16-23
  2. Niranjan, A., & Prakash. “Chemical constituents and biological activities of turmeric (Curcuma longa l.)-a review”Journal of Food Science and Technology45(2), 109
  3. Sawant, R. S., & Godghate. “Qualitative phytochemical screening of rhizomes of Curcuma longa Linn”International Journal of Science, Environment and Technology2(4), 634-641
  4. Vaughn, A. R., Branum, A., & Sivamani. “Effects of turmeric (Curcuma longa) on skin health: a systematic review of the clinical evidence”Phytotherapy Research30(8), 1243-1264
  5. Kocaadam, B., & Şanlier. “Curcumin, an active component of turmeric (Curcuma longa), and its effects on health”Critical reviews in food science and nutrition57(13), 2889-2895
  6. Liu, C. H., & Huang. “In vitro anti-propionibacterium activity by curcumin containing vesicle system”Chemical and Pharmaceutical Bulletin61(4), 419-425
  7. Vollono, L., Falconi, M., Gaziano, R., Iacovelli, F., Dika. “Potential of curcumin in skin disorders”Nutrients11(9), 2169
  8. Liu, C. H., & Huang, H. Y. (2012). “Antimicrobial activity of curcumin-loaded myristic acid microemulsions against Staphylococcus epidermidis”Chemical and Pharmaceutical Bulletin60(9), 1118-1124
  9. Jyotirmayee, B., & Mahalik. “A review on selected pharmacological activities of Curcuma longa L”International Journal of Food Properties25(1), 1377-1398
  10. Barbalho, S. M., Sousa Gonzaga, H. F., Souza, G. A., Alvares Goulart, R. “Dermatological effects of Curcuma species: a systematic review”Clinical and Experimental Dermatology46(5), 825-833
  11. Lalla, J. K., Nandedkar, S. Y., Paranjape, M. H., & Talreja. “Clinical trials of ayurvedic formulations in the treatment of acne vulgaris”Journal of ethnopharmacology78(1), 99-102
  12. Kim, J., Kim, H., Jeon. Synergistic antibacterial effects of probiotic lactic acid bacteria with Curcuma longa rhizome extract as synbiotic against Cutibacterium acnesApplied Sciences10(24), 8955
  13. Sehgal, V. N., Verma, P., Srivastava, G., Aggarwal, A. K., & Verma. “Melasma: treatment strategy”Journal of Cosmetic and Laser Therapy13(6), 265-279
  14. Koli, D. S., Mane, A. N., Kumbhar, V. B., & Shaha, K. S. “Formulation & evaluation of herbal anti-acne face wash”World J. Pharm. Pharm. Sci5(6), 2001-2200
  15. Debjit Bhowmik, C., Kumar, K. S., Chandira, M., & Jayakar, B. “Turmeric: a herbal and traditional medicine”Archives of applied science research1(2), 86-108
  16. Kaur, C. D., & Saraf, S. “Topical vesicular formulations of Curcuma longa extract on recuperating the ultraviolet radiation–damaged skin”Journal of cosmetic dermatology10(4), 260-265
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84