Sinh bệnh học mụn trứng cá

Được đăng bởi Doctor Acnes vào ngày 19/07/2022

Mụn là tình trạng viêm mạn tính của các đơn vị tuyến bã nhờn, đặc trưng bởi sự hình thành nhân mụn, các nốt mụn viêm, sưng đỏ và thường để lại sẹo. Mụn ảnh hưởng tới da mặt nhiều hơn những nơi khác, thường khởi phát ở tuổi dậy thì đến đầu giai đoạn trưởng thành (15 đến 24 tuổi). Tình trạng này tái đi tái lại khiến người bệnh trở nên tự ti, ngại giao tiếp xã hội và ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống hàng ngày. Mụn có cơ chế bệnh sinh phức tạp, chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố từ nội sinh đến ngoại sinh. Việc hiểu được sinh bệnh học của mụn sẽ hỗ trợ rất nhiều cho quá trình điều trị cũng như phòng ngừa tái phát căn bệnh này.

Sinh bệnh học của mụn

Tình trạng mụn có thể khác nhau ở mỗi người, tuy nhiên sinh bệnh học của mụn đều bắt nguồn từ bốn cơ chế chính là tăng sinh bã nhờn, tăng sừng hóa ở cổ nang lông, hoạt động của vi khuẩn Propionibacterium acnes (P. acnes) và khởi phát phản ứng viêm.

Theo lý thuyết vi mụn, mụn khởi đầu bằng sự tăng sừng lớp niêm mạc ở cổ nang lông đồng thời tăng kết dính các tế bào sừng. Những tế bào này bị tích lũy cùng với bã nhờn và tiến triển thành mụn không viêm. Vi khuẩn P. acnes tiếp tục sinh sôi và phát triển trong nốt mụn không viêm làm khởi phát phản ứng viêm với biểu hiện trên lâm sàng là mụn mủ và mụn bọc, thậm chí gây sẹo.

4 cơ chế gây mụn - Doctor Acnes
Sinh bệnh học của mụn bắt nguồn từ bốn cơ chế chính

Sự tăng sinh bã nhờn

Bã nhờn là chất dầu lỏng có chứa triglyceride, acid béo tự do, sáp ester, squalene và một lượng nhỏ cholesterol. Ở động vật, bã nhờn chứa pheromone tạo nên mùi hương và nuôi dưỡng lông tóc. Trên người, bã nhờn đóng vai trò quan trọng giúp duy trì độ ẩm, vận chuyển vitamin E tới bề mặt da và bảo vệ da khỏi quá trình peroxid hóa.

Tuyến bã nhờn là cơ quan đích của nội tiết tố sinh dục nam androgen, có mật độ receptor cao nhất ở da người, được kích thích để tăng sản xuất bã nhờn khi bước vào tuổi dậy thì. Androgen quan trọng nhất là testosterone, được chuyển đổi thành dihydrotestosterone (DHT) nhờ iso-enzyme 5α-reductase (loại I), enzyme này đặc biệt hoạt động mạnh ở vùng có nhiều tuyến bã nhờn như da mặt, ngực và lưng, do đó mụn thường xuất hiện nhiều ở những nơi này hơn.

Tăng sừng hóa ở cổ nang lông

Sự bất thường trong quá trình biệt hóa và tăng sinh của tế bào sừng tại ống dẫn nang lông làm cho những tế bào này kết dính lại với nhau, giảm bong sừng, tạo thành nút chặn, bít kín miệng nang lông và làm cho bã nhờn bị ứ đọng, nang lông phình to, từ đó tạo ra nhân mụn.

Hoạt động của vi khuẩn P. acnes

Hoạt động của vi khuẩn P. acnes - Doctor Acnes
Vi khuẩn P. acnes thường lưu trú sâu bên trong nang lông tuyến bã nhờn gây ra các vấn đề về mụn

Đây là chủng vi khuẩn kỵ khí gram dương, không di động, thường trú ở khoang miệng, ruột già, kết mạc, ống tai ngoài và nang lông tuyến bã nhờn. Số lượng vi khuẩn này cao hơn trên da của trẻ em và thanh thiếu niên bị mụn trứng cá. P. acnes có thể sinh nhân mụn qua nhiều cơ chế: thủy phân triglyceride tạo ra acid béo gây nhân mụn, tăng cường hoạt tính của integrin B1, 03, 06 và flagrin trên tế bào biểu bì, thúc đẩy sự tăng sinh và biệt hóa nhưng cũng đồng thời gây kết dính các tế bào sừng. Vi khuẩn này còn kích thích các phản ứng viêm và hóa ứng động bạch cầu và làm cho mụn ngày càng nặng hơn.

Phản ứng viêm

Hiện tượng viêm trong mụn trứng cá xảy ra do tác động của nhiều cơ chế:

  • Sự đáp ứng của tế bào T giúp đỡ, qua đó các cytokine được bài tiết ra.
  • Acid linoleic có nồng độ thấp ở bệnh nhân mụn trứng cá, sự thiếu hụt acid linoleic làm giải phóng các cytokine tiền viêm IL-10, INF-γ.
  • Leucotrien B4 (LTB4) là chất trung gian tiền viêm tổng hợp từ acid arachidonic. Tiền chất của leucotrien hình thành trong tuyến bã nhờn, tham gia vào quá trình hóa ứng động bạch cầu đơn nhân và đa nhân.
  • Đáp ứng miễn dịch bẩm sinh.

Các cơ chế viêm trong mụn trứng cá nêu trên đều có liên quan chặt chẽ đến vi khuẩn P. acnes. Khi vi khuẩn P. acnes tăng sinh, sẽ có hiện tượng tăng phân hủy bã nhờn và kích thích phản ứng viêm gây tổn thương cho da, đồng thời thu hút bạch cầu đến ổ mụn để chống lại vi khuẩn, kết quả tạo thành mủ. Tùy theo tình trạng viêm nhiều hay ít mà trên lâm sàng có biểu hiện mụn mủ, mụn bọc hay mụn nang.

Các yếu tố gây mụn

Ngoài cơ chế bệnh sinh phức tạp, quá trình khởi phát mụn còn chịu sự ảnh hưởng nhiều từ các yếu tố ngoại sinh cũng như nội sinh.

Yếu tố ngoại sinh

Chế độ ăn uống nhiều đường, sữa và một số yếu tố môi trường, lạm dụng mỹ phẩm và thuốc bôi có corticoid là những yếu tố có thể gây khởi phát và làm nặng thêm tình trạng mụn sẵn có. Chế độ ăn hàng ngày là nhân tố quan trọng quyết định hiệu quả trị liệu.

Khi bắt đầu liệu trình, bệnh nhân cần thay đổi chế độ ăn có chỉ số đường huyết (GI) thấp để hỗ trợ cho việc điều trị, tránh những hạn chế không cần thiết có thể dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng. GI giúp phân loại thực phẩm dựa vào mức độ ảnh hưởng trên lượng đường huyết trong máu. GI cao (GI> 70) làm tăng nhanh lượng đường trong máu, trong khi GI thấp hầu như rất ít gây thay đổi đường huyết.

Những yếu tố ngoại sinh gây mụn - Doctor Acnes
Đường, sữa, ô nhiễm môi trường, lạm dụng mỹ phẩm và thuốc bôi có corticoid là những yếu tố ngoại sinh có thể gây khởi phát và làm nặng thêm tình trạng mụn sẵn có

Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có sự tương quan giữa việc sử dụng chocolate, thức ăn nhiều dầu mỡ và mụn trứng cá. Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có đủ bằng chứng để kết luận có nên loại bỏ thức ăn nhiều dầu mỡ trong quá trình điều trị mụn hay không. Vì vậy, Bác sĩ cần cân nhắc trong việc đưa ra lời khuyên đúng đắn cho bệnh nhân để đảm bảo hiệu quả mà không ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngoài ra, sữa (đặc biệt là sữa tách béo) và váng sữa có thể khởi phát và làm trầm trọng thêm tình trạng mụn.

Béo phì có liên quan đến mụn đặc biệt là mụn viêm, trẻ em có chỉ số BMI < 18,5 kg/m2 có tỷ lệ bị mụn thấp hơn. Điều này có thể lý giải là do chứng cường androgen ngoại biên thường gặp ở những người bị béo phì.

Yếu tố nội sinh

Bên cạnh những yếu tố bên ngoài gây kích thích sinh mụn thì những yếu tố nội tại bên trong cơ thể cũng chịu trách nhiệm đáng kể cho tình trạng mụn. Các yếu tố nội sinh thậm chí còn khó điều chỉnh hơn so với yếu tố ngoại sinh vì thuộc về cơ địa mỗi người.

Những yếu tố nội sinh gây mụn - Doctor Acnes
Bên cạnh những yếu tố bên ngoài gây kích thích sinh mụn thì những yếu tố nội tại bên trong cơ thể như gen, hormone hay stress cũng là nguyên nhân khởi đầu cho mụn

Gen

Yếu tố nội sinh đầu tiên gây mụn phải kể đến đó là gen. Có mối liên quan mạnh mẽ giữa gen di truyền và mụn. Theo quan sát, những trẻ bị mụn thường có ba mẹ hoặc họ hàng bị mụn. Các nghiên cứu trên trẻ sinh đôi cho thấy 47% trẻ sinh đôi bị mụn có họ hàng bị mụn; trong khi đó, ở nhóm trẻ sinh đôi không mụn, chỉ 15% có họ hàng bị mụn. Ở những người sinh đôi bị mụn, 41% có con bị mụn; còn ở người sinh đôi không bị mụn, chỉ có 17% xuất hiện mụn ở thế hệ sau.

Điều này có thể giải thích thông qua cơ chế gen quyết định thành phần và mức độ của bã nhờn được bài tiết; sự bài tiết bã nhờn càng nhiều và thành phần acid béo phân nhánh trong bã nhờn càng nhiều thì nguy cơ bị mụn càng cao.

Hormone

Như đã đề cập ở trên, nội tiết tố sinh dục nam androgen gây tăng tiết bã nhờn ở độ tuổi dậy thì, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành nhân mụn. Ngoài độ tuổi dậy thì, có thể nhận thấy ảnh hưởng quan trọng của hormone đối với tình trạng mụn thông qua những trường hợp mụn do buồng trứng đa nang hay mụn trong thời kỳ kinh nguyệt và lúc mang thai.

Stress

Căng thẳng không chỉ làm làn da kém tươi mà còn tăng sinh mụn thông qua các cơ chế như:

  • Kích thích sự phóng thích hormon CRH (corticotropin – releasing hormone) kéo theo sự gia tăng sản xuất androgen.
  • Tăng tiết cytokine tiền viêm kích hoạt quá trình viêm.
  • Tăng giải phóng peptide thần kinh P từ thần kinh ngoại vi dẫn đến tăng sinh các tuyến bài tiết nhờn và tăng tổng hợp lipid bã nhờn.
thăm khám cùng Bác sĩ Da liễu
Bác sĩ Da liễu tại Phòng khám Doctor Acnes sẽ tư vấn và đưa ra lời khuyên phù hợp để bệnh nhân tuân thủ liệu trình, đảm bảo việc điều trị đạt kết quả tối đa

Mụn tuy không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe nhưng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho khuôn mặt nếu không được chăm sóc đúng cách ngay từ đầu. Đa số trường hợp mụn sẽ tự khỏi sau khi qua tuổi dậy thì, nhưng ở vài người khác mụn vẫn kéo dài đến tuổi trưởng thành, thậm chí là tuổi trung niên. Vì vậy, điều trị mụn từ sớm sẽ giúp hạn chế các biến chứng gây nên sự tự ti và ảnh hưởng tâm lý người bệnh. Khi gặp tình trạng mụn, cách tốt nhất là thăm khám với Bác sĩ Da liễu. Với sự am hiểu chuyên sâu về sinh bệnh học của mụn, Bác sĩ Da liễu tại Phòng khám Doctor Acnes sẽ tư vấn và đưa ra lời khuyên phù hợp để bệnh nhân tuân thủ liệu trình, đảm bảo việc điều trị đạt kết quả tối đa.

banner gruop facebook

Tài liệu tham khảo

  1. Hazel H Oon, Su-Ni Wong, Derrick Chen Wee Aw, Wai Kwong Cheong, Chee Leok Goh, Hiok Hee Tan. “Acne Guidelines by the Dermatological Society of Singapore”. J Clin Aesthet Dermatol. 2019 Jul; 12(7):34-50. Epub 2019 Jul 1
  2. Uta Jappe. “Pathological Mechanisms of Acne with Special Emphasis on Propionibacterium acnes and Related Therapy”. Acta Derm Venereol, Vol 83, p.241–248
  3. Shadi Zari, Dana Alrahmani. “The association between stress and acne among female medical students in Jeddah, Saudi Arabia”. Clin Cosmet Investig Dermatol. 2017; 10: 503–506
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84