Bà bầu bị mụn lưng: nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả

Được đăng bởi Doctor Acnes vào ngày 03/04/2023

Phần lớn phụ nữ trong quá trình mang thai gặp các vấn đề về da như rạn da, da sần sùi, nổi mẩn, mề đay gây khó chịu. Trong đó, mụn là tình trạng rất hay gặp trong thai kỳ. Mụn không chỉ xuất hiện trên mặt mà có thể xuất hiện bất kì vị trí nào trên cơ thể có tuyến bã nhờn hoạt động mạnh như ngực, vai và đặc biệt là ở lưng.

Trong đa số trường hợp bà bầu bị mụn lưng chỉ kéo dài trong vòng vài tháng sau khi sinh con, tình trạng này sẽ tự nhiên chấm dứt mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu bị mụn lưng nặng, mẹ bầu vẫn cần đến một vài biện pháp can thiệp. Hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị mụn lưng cho bà bầu ở bài viết dưới đây!  

Nguyên nhân bà bầu bị mụn lưng

Mụn lưng trong thai kỳ là tình trạng phổ biến. Tình trạng này có thể xuất phát từ một số nguyên nhân sau: 

  • Thay đổi nội tiết tố: nồng độ hormone tăng cao trong 3 tháng đầu và 3 tháng giữa thai kỳ kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh, dẫn đến da tiết nhiều dầu. Dầu thừa kết hợp với bụi bẩn, tế bào chết và vi khuẩn dễ dàng bít tắc lỗ chân lông, gây ra mụn.
Bà bầu bị mụn ở lưng do thay đổi tiết tố
Mụn lưng trong thai kỳ là tình trạng phổ biến
  • Vệ sinh da lưng không kỹ: vị trí lưng là vị trí khó vệ sinh và làm sạch nhất trên cơ thể. Sản phẩm chăm sóc da cho vùng lưng cũng rất ít cho nên bà bầu rất dễ nổi mụn trên vùng này khi mang thai.
  • Hệ miễn dịch suy yếu: khi mang thai, hệ miễn dịch của bà bầu thường yếu hơn, khiến cơ thể dễ bị tấn công bởi vi khuẩn, nấm, dẫn đến tình trạng mụn lưng.
  • Chế độ ăn uống và sinh hoạt: chế độ ăn nhiều thức ăn cay nóng, dầu mỡ, ít rau xanh khiến da dễ nổi mụn. Ốm nghén, thiếu ngủ, căng thẳng kéo dài cũng ảnh hưởng đến sức khỏe da, làm tăng nguy cơ hình thành mụn.
Chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu
Chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu
  • Mỹ phẩm chăm sóc da: một số loại kem hay lotion có thể gây bít lỗ chân lông dẫn đến tình trạng mụn lưng cho bà bầu.
  • Mồ hôi: mẹ bầu khi ra mồ hôi nhiều khiến áo quần dính sát vào da, bí bách, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây mụn.

Cách trị mụn lưng cho bà bầu hiệu quả, an toàn

Mụn lưng thai kỳ thường tự khỏi sau sinh vài tháng, nhưng nếu bà bầu muốn cải thiện sự khó chịu về tâm trạng hoặc mụn trở nên nghiêm trọng, có thể tham khảo các phương pháp sau:

Dùng các nguyên liệu tự nhiên

  • Chanh: thoa nước cốt chanh lên lưng sau khi tắm và xoa bóp nhẹ nhàng sau đó rửa lại bằng nước ấm. Công dụng là tẩy tế bào chết cho da, loại bỏ bã nhờn dư thừa trên da, kích thích sản sinh collagen, giảm mụn viêm. 
  • Hỗn hợp mật ong – sữa: thoa đều mật ong lên vùng da bị mụn, để yên 20-30 phút sau đó rửa sạch với nước ấm, ngoài ra có thể pha 3 muỗng cà phê mật ong vào 1 cốc sữa, nhúng miếng bông gòn rồi đắp lên vùng da bị tổn thương, để yên 10 phút rồi rửa sạch với nước ấm. Công dụng là kháng khuẩn, kìm khuẩn, dưỡng ẩm cho da.
  • Giấm táo: pha giấm táo với nước theo tỉ lệ 1:4 sau đó xoa nhẹ lên vùng da bị mụn, đợi khoảng 15-20 phút sau đó rửa sạch. Công dụng là kháng khuẩn và loại bỏ lớp sừng, loại bỏ tình trạng viêm da và cân bằng lại pH của da.
  • Đắp bùn: nhờ người thân đắp bùn lên da để loại bỏ mụn và làm khô nhân mụn. Công dụng là kháng viêm, chống oxy hóa.
  • Nha đam: sau khi nạo gel từ lá nha đam, đặt gel vào ngăn mát tủ lạnh ít nhất 1 giờ. Chà xát nhẹ nhàng phần gel lạnh đó lên vùng da tổn thương ít nhất 20 phút, sau đó rửa sạch với nước. Công dụng là trị mụn, giảm ngứa.
  • Chiết xuất trà xanh: lựa chọn các sản phẩm bôi da chứa chiết xuất trà xanh. Công dụng là kháng khuẩn, kháng viêm, giúp giảm mụn và giảm tiết bã nhờn trên da.
điều trị mụn bằng phương pháp tự nhiên
Điều trị mụn bằng phương pháp tự nhiên

Sử dụng dược mỹ phẩm

Ngoài các sản phẩm từ thiên nhiên, các bà bầu có thể tìm đến các loại dược mỹ phẩm như sữa tắm hay kem bôi để cải thiện tình trạng mụn lưng của mình. Nên chọn các sản phẩm dùng cho da mụn chứa các hoạt chất an toàn cho bà bầu được đề cập ngay sau đây.

dược mỹ phẩm trị mụn cho mẹ bầu
Dược mỹ phẩm trị mụn cho mẹ bầu
  • Bảng phân loại theo FDA của 4 hoạt chất trị mụn an toàn cho bà bầu
Hoạt chấtCông dụngLưu ý
Erythromycin và clindamycinDiệt vi khuẩnChỉ sử dụng khi mụn ở mức độ vừa hoặc nặng, theo chỉ định của Bác sĩ
Benzoyl peroxideTiêu diệt vi khuẩn gây mụn C. acnesChỉ sử dụng khi mụn ở mức độ vừa hoặc nặng
Azelaic acidLàm thông thoáng lỗ chân lông, kháng khuẩn, chống viêm, làm sáng da, điều trị các rối loạn sắc tố sau viêmTương đối an toàn, ít hấp thu qua da

Trên thị trường có nhiều loại thuốc không kê đơn dùng để trị mụn, nhưng cần thận trọng vì thuốc có nguy cơ gây quái thai, rối loạn hormone và khuyết tật. 

  • Bảng phân loại dưới đây sẽ nêu tổng quát tính an toàn của những chất có trong sản phẩm được dùng để điều trị mụn theo FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ).
Nhóm thuốcLoại thuốcGhi chú
Dùng ngoàiAcid azelaicTương đối an toàn, ít hấp thu qua da
Benzoyl peroxideAn toàn ở phạm vi hạn chế
Acid salicylicCó thể cân nhắc khi bôi diện tích nhỏ trong thời gian ngắn
ClindamycinAn toàn
ErythromycinAn toàn
AdapaleneKhông khuyến cáo
TretinoinKhông khuyến cáo
TazaroteneChống chỉ định
Đường ốngTetracycline IsotretinoinTránh sử dụng, đặc biệt đối với thai trên 15 tuần
Erythromycin, azithromycinTương đối an toàn
CephalexinAn toàn
Trimethoprim, sulfamethoxazoleHạn chế sử dụng
IsotretinoinChống chỉ định

>>> Xem thêm: Điều trị mụn cho bà bầu: Kiến thức từ Bác sĩ Da liễu dành cho các mẹ bầu

Điều chỉnh lối sống sinh hoạt

Để giảm bớt tình trạng khó chịu do mụn lưng gây ra, bên cạnh các phương pháp trị mụn có thể áp dụng trong thai kỳ như đề cập ở trên, bà bầu còn cần phải thay đổi một số hành vi trong sinh hoạt hằng ngày của mình, có thể kể đến như:

  • Giữ vệ sinh cơ thể, quần áo: việc tránh đổ mồ hôi là điều cần thiết. Khi đổ mồ hôi, hãy thường xuyên giặt quần áo và thay đồ. Hạn chế để tóc xõa phía sau lưng và hãy gội đầu thường xuyên. Khi đổ mồ hôi, nên cột tóc gọn gàng để tránh để dầu gội và dầu dưỡng tóc chảy xuống phần lưng, gây ra mụn.
Điều chỉnh lối sống sinh hoạt hằng ngày
Điều chỉnh lối sống sinh hoạt hằng ngày
  • Làm sạch da nhẹ nhàng: hãy nhẹ nhàng với vùng da lưng khi tắm và khi bôi thuốc. Tránh sử dụng xà phòng diệt khuẩn, tẩy da chết mạnh, xơ mướp, hoặc các đồ chà lưng. Thay vào đó, hãy sử dụng các sản phẩm chăm sóc da nhẹ nhàng, không chứa hương liệu nhân tạo để đảm bảo làn da được làm sạch mà không gây kích ứng.
  • Bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời: hãy sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF 30, phổ rộng và không gây mụn. Đảm bảo kem chống nắng có tính năng chống nước để tránh bị mồ hôi rửa trôi. Bôi kem chống nắng lên tất cả các vùng da hở, bao gồm cả lưng, để bảo vệ da khỏi tác động của tia UV.
  • Chế độ ăn uống: bổ sung thực phẩm giàu axit béo như omega-3, omega-6, và omega-9. Ngoài ra, cần bổ sung các sản phẩm chứa lợi khuẩn như sữa chua và socola đen để hỗ trợ sức khỏe da. Ăn nhiều trái cây, rau củ quả, đặc biệt là rau màu xanh đậm, giúp cung cấp dưỡng chất cho da. Đồng thời, đừng quên uống đủ nước hàng ngày để duy trì độ ẩm cho da. Hạn chế thức ăn giàu dầu mỡ và cay nóng, cũng như đồ uống chứa nhiều đường, caffein và chất kích thích, để giảm thiểu tác động tiêu cực đối với da.

Mụn lưng tuy không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng lại là “kẻ thù” âm thầm khiến nhiều mẹ bầu mất tự tin. Áp dụng các phương pháp được chia sẻ trong bài viết này như vệ sinh da đúng cách, điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý và sử dụng sản phẩm trị mụn an toàn sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng mụn lưng.

Trong trường hợp mẹ bầu cần tư vấn cụ thể cho trường hợp da mụn của mình, có thể liên hệ với đội ngũ Bác sĩ Da liễu tại Phòng khám Doctor Acnes. Chúc các mẹ bầu luôn khỏe mạnh, xinh đẹp và tự tin!

banner gruop facebook

Tài liệu tham khảo

  1. Megha Trivedi, Jenny Murase. “Safety of acne medications during pregnancy and lactation
  2. Bozzo P., Chua-Gocheco A., Einarson A. (2011). “Safety of skin care products during pregnancy“. Can Fam Physician, 57(6):665-7
  3. Chien AL, Qi J, Rainer B, Sachs DL, Helfrich YR. (2016). “Treatment of Acne in Pregnancy“. J Am Board Fam Med, 29(2):254-62
  4. Ly S, Kamal K, Manjaly P, Barbieri JS, Mostaghimi A. (2023). “Treatment of Acne Vulgaris During Pregnancy and Lactation“. A Narrative Review, Dermatol Ther (Heidelb), 13(1):115-130
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84