Cách ngăn ngừa mụn và lỗ chân lông to ở làn da dầu

Được đăng bởi Doctor Acnes vào ngày 07/09/2022

Với những người sở hữu làn da dầu, việc chăm sóc da thường gặp nhiều khó khăn vì da dầu dễ gây nổi mụn và lỗ chân lông to. Bài viết sau đây, Doctor Acnes hướng dẫn cách chăm sóc da giúp hạn chế mụn trứng cá và lỗ chân lông to ở làn da dầu nhé!

Tại sao da dầu dễ nổi mụn và làm lỗ chân lông to?

Da dầu (oily skin), hay còn gọi là da nhờn, là tình trạng các tuyến bã nhờn hoạt động quá mức làm lượng dầu dư thừa trên da, khiến da luôn bóng loáng tạo cảm giác khó chịu. Dầu nhờn đóng góp nhiều vai trò quan trọng cho làn da, cung cấp các chất béo, chất chống oxy hóa, đồng thời giúp da giữ được độ ẩm, căng khoẻ hơn.

Tuy nhiên, lượng dầu nhờn dư thừa sẽ kết hợp với các tế bào da chết gây bít tắc lỗ chân lông, dẫn đến tình trạng mụn đầu đen, mụn đầu trắng hay là viêm nhiễm. Tuyến bã nhờn hoạt động quá mức và thường xuyên phải giãn nở để điều tiết dầu làm lỗ chân lông to ra. Bên cạnh đó, mụn cũng là nguyên nhân khiến lỗ chân lông to hơn bình thường.

Cách ngăn ngừa mụn và thu nhỏ lỗ chân lông ở làn da dầu?

Vòng lặp da dầu nhờn, nổi mụn và lỗ chân lông to là một bài toán nan giải ở những người có làn da dầu. Doctor Acnes đưa ra một vài lời khuyên giúp các bạn khắc phục tình trạng này như sau:

Không nên làm sạch da quá kỹ và chọn sữa rửa mặt có độ pH từ 4.5 – 5.5

Đa phần những người da dầu cực kỳ thích rửa mặt. Cảm giác trên mặt như có một “chảo dầu”, làn da lúc nào cũng bóng nhờn, khó chịu khiến cho mọi người nghĩ rằng chỉ cần rửa mặt nhiều lần trong ngày sẽ làm da sạch hơn và đỡ mụn hơn.

Trên thực tế thì làm sạch da quá kỹ làm mất đi lớp dầu tự nhiên, phá vỡ hàng rào bảo vệ đồng thời gây mất cân bằng độ pH trên da. Rửa mặt quá nhiều lần đã lấy sạch lớp chất nhờn cần thiết để duy trì độ ẩm cho da, lúc này tuyến bã nhờn cần tiết nhiều dầu hơn để bù đắp lượng dầu đã mất làm to lỗ chân lông và da càng bóng dầu hơn. Vì vậy, mỗi ngày chỉ cần rửa mặt 2 – 3 lần là vừa đủ.

Sữa rửa mặt có độ pH từ 4.5 - 5.5 - Doctor Acnes
Những dòng sữa rửa mặt có độ pH khoảng 4.5 – 5.5 sẽ phù hợp với sinh lý tự nhiên của da hơn và làm da không bị căng kích, khô rát sau khi rửa mặt

Không nên sử dụng các loại sữa rửa mặt có nhiều hạt, có khả năng tẩy rửa mạnh với hy vọng làm sạch hoàn toàn lớp dầu để da trở nên khô ráo sau rửa mặt. Nên nhớ rằng việc sử dụng sữa rửa mặt có độ pH quá cao sẽ dễ gây khô và căng da, từ đó gây mất cân bằng độ pH sinh lý tự nhiên của da.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc sử dụng sữa rửa mặt có độ pH cao (pH > 7) làm da rất dễ nổi mụn. Thay vào đó, những dòng sữa rửa mặt có độ pH khoảng 4.5 – 5.5 phù hợp với sinh lý tự nhiên của da hơn, làm da không bị căng kích, khô rát sau khi rửa mặt.

Tẩy trang mỗi ngày 

Dù có trang điểm hay không việc tẩy trang trước khi rửa mặt là vô cùng cần thiết. Sau một ngày dài, nên áp dụng phương thức double cleansing – làm sạch da 2 bước, bao gồm tẩy trang trước và rửa mặt sau.

Phương thức này sẽ giúp lấy đi lớp trang điểm, kem chống nắng, bụi bẩn và bã nhờn trên da hiệu quả hơn rất nhiều so với rửa mặt đơn thuần. Lưu ý, đối với người da dầu nên sử dụng nước tẩy trang thay vì dùng dầu tẩy trang vì rất khó làm sạch hoàn toàn lượng dầu tẩy trang thừa trên da, khiến da dễ bị dầu nhiều hơn.

Tẩy trang mỗi ngày - Doctor Acnes
Dù có trang điểm hay không bước tẩy trang trước khi rửa mặt là cần thiết

Cung cấp đủ ẩm cho da

Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng làn da dầu vẫn rất cần được cung cấp đủ độ ẩm. Mọi người thường nghĩ da dầu là da đã đủ ẩm, dưỡng ẩm chỉ gây bít tắc lỗ chân lông và dễ hình thành mụn trứng cá hơn. Điều này chỉ đúng khi sử dụng loại dưỡng ẩm không phù hợp.

Ở làn da dầu, dưỡng ẩm là bước chăm sóc da quan trọng. Khi thiếu ẩm, tuyến bã nhờn sẽ hoạt động mạnh hơn, dẫn đến tăng tiết nhiều dầu hơn để bảo vệ da. Đây là một cơ chế hoàn toàn tự nhiên với mục đích là bảo vệ da và chống lại sự căng khô. Vì vậy, người da dầu hãy chú trọng dưỡng ẩm và lựa chọn các loại dưỡng ẩm phù hợp để cấp ẩm cho làn da.

Hạn chế trang điểm (makeup)

Việc trang điểm mỗi ngày hay thường xuyên là điều không tốt cho làn da bị mụn, đặc biệt trong trường hợp da tiết nhiều dầu. Sử dụng nhiều lớp phấn phủ, kem nền làm che lấp hoàn toàn lỗ chân lông khiến da rất dễ nổi mụn.

Đặc biệt, khi thời gian trang điểm quá lâu, quá thường xuyên và lớp trang điểm không được làm sạch kỹ khiến lỗ chân lông dễ dãn to, gây ảnh hưởng nhiều về thẩm mỹ. Vì vậy, chỉ trang điểm khi thật sự cần thiết, giữ da thông thoáng sẽ có ích cho việc trị mụn, giảm tiết dầu và thu nhỏ lỗ chân lông.

Không nên ăn đồ ngọt, tinh bột, sữa

Ai cũng biết chế độ ăn ảnh hưởng rất nhiều đến làn da và ở da dầu điều đó càng quan trọng. Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng, chỉ số đường huyết của thức ăn (glcycemic index – GI) tỉ lệ thuận với khả năng gây ra mụn.

Khi ăn chế độ có GI cao như ăn nhiều carbohydrate, đường, làm tăng nồng độ insulin và IGF-1, kích thích sự gia tăng hoạt động của tuyến bã nhờn trên da, từ đó gây ra mụn ở nhiều vị trí khác nhau. Các thực phẩm như đồ ngọt, tinh bột, sữa còn gây mụn thông qua cơ chế kích thích nội tiết tố trong cơ thể. Với da dầu, người bị mụn nên ăn những sản phẩm mát, tốt cho sức khoẻ như trái cây, yến mạch, gạo lứt…

Không nên ăn vài loại thực phẩm như đồ ngọt, tinh bột, sữa - Doctor Acnes
Đồ ngọt, tinh bột, sữa còn gây mụn thông qua cơ chế kích thích nội tiết tố trong cơ thể

Chọn các sản phẩm chăm sóc da có kết cấu mỏng nhẹ

Khi chăm sóc da, người da dầu cần hạn chế lựa chọn những sản phẩm bôi lên gây cảm giác bóng nhờn trên da, tốt nhất nên sử dụng các sản phẩm ở dạng sữa, gel hay lotion vì những dạng này thường dễ thấm hút và tránh tình trạng bít tắc gây mụn trứng cá.

Đắp mặt nạ đất sét

Thời gian gần đây, các sản phẩm mặt nạ đất sét cực kỳ phổ biến trên thị trường. Đất sét có khả năng hút dầu nhờn, lấy bụi bẩn, từ đó giúp da bớt dầu hơn. Sau khi làm sạch da, đắp một lớp mỏng mặt nạ đất sét với tần suất 1 – 2 lần/tuần sẽ giúp da kiềm dầu, giảm bóng nhờn và thu nhỏ lỗ chân lông.

Đắp mặt nạ đất sét - Doctor Acnes
Đất sét có khả năng hút dầu nhờn, lấy bụi bẩn, từ đó giúp da bớt dầu hơn

Hạn chế dùng giấy thấm dầu

Khí hậu nóng ẩm tại Việt Nam là một nỗi ác mộng đối với người da dầu. Nhiều người e ngại vì da mặt bóng loáng sau khi đi nắng nên thường xuyên sử dụng giấy thấm dầu. Với cấu tạo từ sợi cellulose rất mỏng và nhẹ, loại giấy này có khả năng thấm hút dầu thừa trên da vô cùng hiệu quả và nhanh chóng đồng thời lấy đi các chất bã nhờn trên da, giúp người da dầu cảm thấy tự tin và thoải mái hơn ngay tức thì.

Tuy nhiên, rất nhiều người lại lạm dụng giấy thấm dầu, việc lấy đi quá nhiều dầu trên da khiến da trở nên khô và kích thích ngược trở lại cơ chế tiết bã nhờn, từ đó da càng tiết nhiều dầu hơn và lỗ chân lông to hơn. Vì thế, nên sử dụng giấy thấm dầu với tần suất vừa phải, chỉ từ 1 – 2 lần/ngày để lấy đi lượng dầu thừa và để lại lượng dầu tự nhiên trên da.

Thêm những chất có khả năng kháng viêm, kiềm dầu vào quy trình skincare 

Phương pháp cuối cùng và quan trọng nhất trong việc giảm dầu là sử dụng một số sản phẩm bôi tại chỗ có khả năng kiểm soát chất nhờn trên da. Dưới đây là các chất đã được nghiên cứu chỉ ra rằng có khả năng ức chế sự phát triển quá mức của chất nhờn:

BHA: BHA (beta hydroxy acid) là một hợp chất hữu cơ chứa một nhóm chức acid cacboxylic và nhóm chức năng hydroxy được phân tách bằng hai nguyên tử cacbon. BHA có rất nhiều công dụng như kháng viêm, ngừa mụn, ngăn ngừa lỗ chân lông to.

BHA có khả năng hòa tan trong lipid, khả năng này cho phép BHA thâm nhập sâu vào bề mặt da, vào tận các lỗ chân lông để loại bỏ tế bào da chết, dầu và vi khuẩn, từ đó chống lại sự hình thành mụn trứng cá, giảm tổn thương và mụn. Ngoài ra, việc thâm nhập sâu vào lỗ chân lông còn giúp lấy đi dầu thừa, từ đó kiềm dầu cho da và thu nhỏ lỗ chân lông.

Khi mới bắt đầu làm quen với BHA, nên kiểm tra độ tương thích trên 1 vùng da nhỏ với tần suất 1 lần/tuần và sau khoảng 3 tuần có thể tăng dần tần suất lên 2 – 3 lần/tuần rồi lên 2 – 4 lần/tuần. Nhìn chung, có thể dùng BHA  nồng độ 1 – 2% với tần suất 2 – 4 lần/tuần một cách đều đặn nếu làn da tương đối khỏe. Tuy nhiên BHA với nồng độ 4% chỉ nên dùng 1 – 2 lần/tuần để đảm bảo hiệu quả và an toàn cho da.

Niacinamide: niacinamide là một thành phần thuộc nhóm vitamin B, nó còn được gọi là nicotinamide. Đây chính là một hợp chất quốc dân bởi tính đa công dụng, niacinamide có khả năng kháng viêm, hỗ trợ trong việc điều trị mụn và cải thiện sắc tố, đồng thời nó còn có thể giúp phục hồi hàng rào bảo vệ da. Nghiên cứu chỉ ra rằng ở nồng độ 2 – 4%, niacinamide có thể ức chế tiết dầu của tế bào tuyến bã nhờn, từ đó giảm lượng dầu nhờn tổng thể của da.

Niacinamide - Doctor Acnes
Niacinamide có khả năng kháng viêm, hỗ trợ trong việc điều trị mụn và cải thiện sắc tố, đồng thời nó còn có thể giúp phục hồi hàng rào bảo vệ da

Retinoid: retinoid là một dẫn xuất của vitamin A mà trong đó thường gặp nhất chính là retinol, tretinoin và adapalene. Retinoid có khả năng tác động trực tiếp lên nhân tế bào, từ đó phát huy một số vai trò đối với làn da như bình thường quá trình sừng hoá, giảm mụn, điều tiết bã nhờn và cải thiện kích thước lỗ chân lông.

Nghiên cứu chỉ ra rằng retinoid có thể làm giảm đáng kể sự tăng sinh, biệt hóa và tổng hợp bã nhờn của tế bào tuyến bã, từ đó kiểm soát lượng dầu tiết ra và làm giảm đáng kể kích thước lỗ chân lông. Khi điều trị với retinoid bôi ngoài da, có thể xảy ra tình trạng kích ứng tại chỗ như đỏ da hay bong da.

Tình trạng này thường xảy ra trong tháng đầu sử dụng và cải thiện sau đó. Nên bắt đầu bôi 2 ngày một lần hoặc vài lần mỗi tuần và xem xét điều chỉnh theo tình trạng dung nạp của da. Retinoid nên được sử dụng vào buổi tối vì nó sẽ bị bất hoạt khi tiếp xúc với tia UV (trừ adapalene).

>>> Xem thêm: Phân biệt lỗ chân lông to với sẹo đáy nhọn

Sử dụng Retinoid - Doctor Acnes
Retinoid có khả năng tác động trực tiếp lên nhân tế bào, từ đó phát huy một số vai trò đối với làn da như bình thường quá trình sừng hoá, giảm mụn, điều tiết bã nhờn và cải thiện kích thước lỗ chân lông

Trên đây là một số phương pháp giúp thu nhỏ lỗ chân lông và ngăn ngừa mụn ở những người có làn da dầu. Chăm sóc da là một chặng đường dài và liên tục, Doctor Acnes hy vọng rằng mỗi người sẽ tự tìm cho mình một sản phẩm và cách chăm sóc da phù hợp để cải thiện làn da của mình. 

banner gruop facebook

Tài liệu tham khảo

  1. Dawnielle C. Endly, Richard A. Miller. “Oily Skin: A review of Treatment Options”. J Clin Aesthet Dermatol. 2017 Aug; 10(8): 49–55
  2. “Sebum is an oily substance produced in the sebaceous glands. It mixes with fat molecules, called lipids, to form a protective coating on the skin’s surface”. Medicalnewstoday.com
  3. Ezra Hoover, Sanah Aslam, Karthik Krishnamurthy. “Physiology, Sebaceous Glands”. Ncbi.nlm.nih.gov
  4. Dawnielle C. Endly, Richard A. Miller. “Oily skin: a review of treatment options”. J Clin Aesthet Dermatol. 2017 Aug; 10(8): 49–55
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84