Tại sao uống thuốc tránh thai hằng ngày lại bị nám và nổi mụn?

Được đăng bởi Doctor Acnes vào ngày 16/01/2023

Sử dụng thuốc tránh thai hằng ngày là một trong những biện pháp tránh thai phổ biến. Thuốc tránh thai khá dễ dàng mua được tại các nhà thuốc, tuy nhiên việc lựa chọn loại thuốc phù hợp với sức khỏe sinh sản của chị em và hạn chế tác dụng phụ thì không đơn giản.

Trên thực tế, có những trường hợp bị nám và nổi mụn sau một thời gian sử dụng thuốc tránh thai. Như vậy việc uống thuốc tránh thai hàng ngày có phải là nguyên nhân gây ra nám da và mụn hay không? Hãy cùng tìm hiểu về chủ đề này trong bài viết ngay sau đây của Phòng khám Da liễu Doctor Acnes.

Phân loại thuốc tránh thai hiện nay

Có 2 nhóm thuốc tránh thai chính là thuốc tránh thai kết hợp và thuốc tránh thai chỉ chứa progestin. Trong đó, loại thuốc tránh thai kết hợp khá phong phú về hàm lượng và hoạt chất, được sử dụng phổ biến hơn cả.

Phân loại thuốc tránh thai hiện nay - Doctor Acnes
Có 2 nhóm thuốc tránh thai chính là thuốc tránh thai kết hợp và thuốc tránh thai chỉ chứa progestin

Thuốc tránh thai kết hợp

Thuốc tránh thai kết hợp thường chứa hai thành phần là estrogen và một loại progestin thuộc các thế hệ khác nhau về mức độ hiệu lực androgen và progestogen.

  • Các thành phần estrogen: estradiol, ethinylestradiol hoặc estetrol.
  • Progestin thế hệ thứ nhất: norethindrone acetate, ethynodiol diacetate, lynestrenol, norethynodrel.
  • Progestin thế hệ thứ hai: levonorgestrel, dl-norgestrel.
  • Progestin thế hệ thứ ba: norgestimate, gestodene, desogestrel.
  • Progestin chưa được phân loại: drospirenone, cyproterone acetate.

Ngoài tác dụng tránh thai, thuốc còn mang lại các tác dụng khác như.

  • Điều hòa chu kỳ kinh nguyệt.
  • Giảm đau bụng kinh.
  • Giảm mụn nội tiết tố.
  • Giảm nguy cơ ung thư tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư đại trực tràng.
  • Giảm các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt và rối loạn khí sắc tiền kinh nguyệt.
  • Hỗ trợ điều trị lạc nội mạc tử cung.
  • Giảm các triệu chứng đau nửa đầu có liên quan chu kỳ kinh.
  • Giảm nguy cơ bị thiếu máu.

Tuy nhiên, thuốc tránh thai kết hợp cũng có thể làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ, đặc biệt là đối với người sau 35 tuổi có hút thuốc. Các nghiên cứu cho thấy rằng thuốc tránh thai kết hợp này làm tăng khả năng bị huyết khối.

Nguy cơ hình thành cục máu đông cao hơn từ 2 đến 6 lần ở những phụ nữ dùng thuốc tránh thai so với những phụ nữ không sử dụng biện pháp tránh thai. Do đó, phụ nữ ngoài 35 tuổi có hút thuốc nên thận trọng khi sử dụng thuốc tránh thai do có nguy cơ đáng kể đối với các biến cố tim mạch và đặc biệt là huyết khối tĩnh mạch sâu.

Hãy liên hệ Bác sĩ để được tư vấn khi muốn sử dụng thuốc tránh thai. Ngoài ra, nên uống thuốc tránh thai kết hợp vào cùng một thời điểm mỗi ngày và tránh dùng thuốc cách nhau hơn 24 giờ vì điều này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả.

Một số sản phẩm thuốc tránh thai kết hợp: New Choice, Marvelon, Drosperin, Regulon, Rosepire, Rigevidon, Estraceptin.

Thuốc tránh thai chỉ có progestin

Đây là loại thuốc tránh thai chỉ chứa duy nhất hormone progestin. Mỗi viên thuốc tránh thai chỉ chứa một lượng rất nhỏ progestin – dạng tổng hợp của hormone progesterone.

Khả năng gây ra huyết khối của loại thuốc tránh thai này là thấp, vì vậy thuốc tránh thai chỉ chứa progestin thường được dùng cho người có nguy cơ huyết khối hay phụ nữ cho con bú vì nó không ảnh hưởng đến sữa mẹ.

Khả năng mang thai với thuốc tránh thai chỉ chứa progestin cao hơn so với thuốc kết hợp nên thuốc phải được uống vào cùng một thời điểm mỗi ngày để tối đa hóa hiệu quả tránh thai.

Một số sản phẩm thuốc tránh thai progestin: Avalo, Embevin, Exluton, Newlevo…

Tại sao uống thuốc tránh thai hằng ngày lại bị nám và nổi mụn?

Nám da

Một nghiên cứu cho thấy 25% phụ nữ cho biết tình trạng nám da của họ xuất hiện sau khi bắt đầu dùng thuốc tránh thai nội tiết tố. Sử dụng nội tiết tố thay thế là một trong những nguyên nhân chính gây ra nám.

Hiện vẫn chưa rõ cơ chế gây ra nám của thuốc tránh thai. Tuy nhiên, biện pháp tránh thai nội tiết tố hoạt động bằng cách làm tăng nồng độ estrogen trong cơ thể. Trong khi đó, thống kê cho thấy có tình trạng tăng estradiol ở những phụ nữ có triệu chứng nám da.

Dùng thuốc tránh thai gây nám da - Doctor Acnes
Sử dụng thuốc tránh thai nội tiết tố là một trong những nguyên nhân chính gây ra nám

Nổi mụn

Mụn trứng cá xảy ra do sự sản xuất quá nhiều bã nhờn dưới sự kích thích của hormone androgen. Cùng với các yếu tố khác như bụi bẩn và tế bào chết, bã nhờn sẽ góp phần làm tắc nghẽn lỗ chân lông và thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn gây ra mụn trứng cá.

Trong điều kiện bình thường khi không sử dụng thuốc tránh thai, buồng trứng và tuyến thượng thận thường sản xuất ra một lượng androgen thấp. Khi sử dụng thuốc tránh thai chỉ chứa progestin, vốn có hiệu lực như hormone androgen, sẽ khiến da tăng sản xuất bã nhờn gây nên mụn.

Ngược lại, khi sử dụng thuốc tránh thai phối hợp chứa cả estrogen và progestin có thể làm giảm lượng androgen, từ đó làm da tiết ít bã nhờn và mụn trứng cá ít nghiêm trọng hơn.

Thập kỷ vừa qua đã chứng kiến sự bùng nổ của các thuốc tránh thai mới. Nhưng cho đến nay, chỉ có ba loại thuốc tránh thai được FDA chấp thuận để điều trị mụn trứng cá. Cả ba loại thuốc này đều là thuốc tránh thai kết hợp có chứa cả estrogen và progestin. Trên thực tế, thuốc tránh thai chỉ chứa progestin thực sự có thể làm cho mụn trứng cá trở nên tồi tệ hơn.

Dùng thuốc tránh thai gây nổi mụn - Doctor Acnes
Thuốc tránh thai chỉ chứa progesterone thực sự có thể làm cho mụn trứng cá trở nên tồi tệ hơn

Xử trí tình trạng bị nám và nổi mụn khi dùng thuốc tránh thai hằng ngày

Khi gặp tình trạng bị nám và nổi mụn, không nên tự ý ngừng thuốc tránh thai đột ngột mà nên tham khảo ý kiến Bác sĩ để tránh bị rối loạn chu kỳ kinh nguyệt. Có thể cân nhắc sử dụng một biện pháp tránh thai an toàn khác như đặt vòng, dùng bao cao su.

Thông thường, tình trạng nám do tác dụng phụ của thuốc tránh thai gây ra sẽ giảm đáng kể sau khi ngưng dùng thuốc và tùy vào cơ địa của mỗi người mà thời gian cải thiện tình trạng nám sẽ khác nhau.

Ngoài việc thay đổi sử dụng thuốc tránh thai, để phòng ngừa nám da, sạm da, cần tránh để da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Nên tạo thói quen dùng kem chống nắng hoặc sử dụng các cách che chắn khác để bảo vệ da khỏi bị nám giúp cho vết nám có thể mờ đi nhanh hơn.

Một số lời khuyên khi dùng thuốc tránh thai

  • Sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của Bác sĩ.
  • Uống thuốc vào một thời điểm cố định trong ngày.
  • Thuốc tránh thai kết hợp chống chỉ định trên những phụ nữ có nguy cơ huyết khối cao như trên 35 tuổi có hút thuốc lá, người có nguy cơ cao bị đông máu, người mắc bệnh tim mạch, người bị ung thư gan, ung thư vú.
  • Thận trọng khi dùng thuốc tránh thai kết hợp với các loại thuốc khác.
Tư vấn sử dụng thuốc tránh thai với Bác sĩ Da liễu - Doctor Acnes
Thăm khám với Bác sĩ để được tư vấn sử dụng thuốc tránh thai an toàn và hiệu quả

Có thể gặp phải một số tác dụng phụ trong những tuần và tháng đầu tiên sau khi bắt đầu sử dụng thuốc tránh thai. Nếu tác dụng phụ không cải thiện hoặc nặng hơn sau ba đến bốn tháng dùng thuốc, hãy liên hệ với Bác sĩ để quyết định có nên tiếp tục sử dụng thuốc này hay đổi sang biện pháp tránh thai khác.

Các tác dụng phụ phổ biến nhất của thuốc tránh thai

  • Đau đầu: thay đổi nồng độ hormone là nguyên nhân phổ biến gây đau đầu, thỉnh thoảng bị đau đầu trong khi cơ thể đang quen với nồng độ hormone mới.
  • Buồn nôn: uống thuốc cùng bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ có thể giúp giảm buồn nôn và đau bụng.
  • Băng huyết: là tác dụng phụ phổ biến của thuốc tránh thai trong những tháng đầu tiên uống thuốc. Nếu tình trạng này không cải thiện sau ba đến bốn tháng, hãy liên hệ với Bác sĩ để được tham vấn ý kiến.
  • Đau tức ngực: nội tiết tố gia tăng có thể làm cho ngực nhạy cảm hơn, khi cơ thể đã quen với hormone của viên thuốc, cảm giác đau sẽ hết.

Như vậy, bên cạnh khả năng tránh thai chủ động, viên uống tránh thai còn có những tác dụng phụ không mong muốn ảnh hưởng đến làn da, điển hình như nám và mụn trứng cá. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại thuốc uống tránh thai đều làm trầm trọng tình trạng da, và không phải ai cũng bị tác động khi sử dụng nó. Việc lựa chọn linh hoạt các phương pháp cần sự phối hợp của cả hai chuyên khoa da liễu và sản phụ khoa. Khi không may gặp phải tình trạng mụn hay nám sau khi sử dụng thuốc tránh thai, hãy lựa chọn các cơ sở uy tín để có một kế hoạch điều trị phù hợp. Liên hệ Doctor Acnes ngay để được thăm khám kịp thời với đội ngũ Bác sĩ Da liễu kinh nghiệm có chuyên môn cao, từ đó giúp tối ưu hóa sức khỏe sinh sản cũng như giữ gìn làn da khỏe mạnh nhé!

banner gruop facebook

Tài liệu tham khảo

  1. Danielle B, Cooper, Preeti Patel, Heba Mahdy .“Oral Contraceptive Pills”. Ncbi.nlm.nih.gov
  2. Ana Carolina Handel, Luciane Donida Bartoli Miot, Hélio Amante Miot. “Melasma: a clinical and epidemiological review”. An Bras Dermatol. 2014 Sep-Oct; 89(5): 771–782
  3. J P Ortonne, I Arellano, M Berneburg, T Cestari, H Chan, P Grimes. “A global survey of the role of ultraviolet radiation and hormonal influences in the development of melasma”. J Eur Acad Dermatol Venereol. 2009 Nov;23(11):1254-62
  4. “Best and Worst Foods for Acne”. Webmd
  5. “Birth Control Methods and the Risk of Blood Clot”. Webmd
  6. “Birth Control Pills”. Webmd
  7. “Your Guide to Birth Control Pills: Types, Effectiveness, and Safety”. Healthline
  8. “What to Expect When Switching Birth Control Pills”. Healthline
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84