Non-comedogenic là gì? Chăm sóc da với sản phẩm non-comedogenic

Ngày 10/04/2024. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
0
(0)

Trên thị trường chúng ta thường bắt gặp cụm từ “non-comedogenic” trên dán nhãn của các dòng mỹ phẩm. Đây là một thuật ngữ rất thông dụng trong chăm sóc da mà chúng ta thường hiểu đơn giản là các sản phẩm không gây mụn. Thực tế, chúng ta đã hiểu đúng và đầy đủ về các sản phẩm non-comedogenic hay chưa? Vai trò của non-comedogenic là gì cũng như có nên sử dụng các sản phẩm non-comedogenic trong quy trình chăm sóc da hay không? Trong bài viết này, hãy cùng Doctor Acnes đi tìm câu trả lời cho những vấn đề trên nhé.

Non-comedogenic là gì?

Comedones là một tên khoa học chỉ một loại mụn hoặc vết thâm xảy ra khi lỗ chân lông bị tắc nghẽn do các mảnh vụn gồm bã nhờn dư thừa, tế bào chết hoặc lông. Như vậy, non-comedogenic là thuật ngữ chỉ nhóm các sản phẩm chăm sóc da, làm đẹp không chứa công thức hay thành phần gây tắc nghẽn lỗ chân lông, do đó không gây ra mụn trứng cá. Thực tế, thuật ngữ “non-comedogenic“ liên quan đến tiếp thị nhiều hơn là một thuật ngữ y khoa vì không có một tiêu chuẩn cụ thể rõ ràng nào để xác lập một sản phẩm không gây mụn trứng cá.

Non-comedogenic là gì?
Non-comedogenic là thuật ngữ chỉ nhóm các sản phẩm chăm sóc da không chứa công thức hay thành phần gây tắc nghẽn lỗ chân lông

Vai trò của các sản phẩm non-comedogenic

Sự hình thành mụn trứng cá là do sự tắc nghẽn của các nang lông hoặc các lỗ chân lông. Một số yếu tố góp phần gây nên tình trạng mụn trứng cá như da nhờn, da dầu, da chết, viêm nhiễm, các sản phẩm trang điểm hoặc các loại mỹ phẩm khác gây bít tắc lỗ chân lông.

Các thành phần có trong sản phẩm non-comedogenic là những chất không làm tắc nghẽn lỗ chân lông, điều này có nghĩa là chúng ít gây ra mụn trứng cá và giúp cho làn da luôn thông thoáng, dễ thở hơn. Các sản phẩm non-comedogenic cũng có thể chứa các thành phần giúp tẩy tế bào chết trên da – một trong những yếu tố có thể gây tắc nghẽn lỗ chân lông, góp phần gây mụn trứng cá. Ngoài ra, chúng cũng giúp cân bằng việc sản xuất bã nhờn tự nhiên của da, ngăn ngừa sự tích tụ dầu, nhờn dư thừa, vi khuẩn có hại cho da.

Một số sản phẩm non-comedogenic được thiết kế riêng cho những làn da dễ bị mụn trứng cá bằng cách đưa vào các thành phần như  acid salicylic hoặc benzoyl peroxide… Những thành phần này có tác dụng làm thông thoáng lỗ chân lông, giảm viêm, tiêu diệt vi khuẩn; từ đó giúp làm sạch mụn trứng cá.

Khi mụn trứng cá không được điều trị hoặc điều trị bằng các sản phẩm làm nặng thêm tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông thì dễ dẫn tới sẹo mụn. Trong trường hợp này, khi sử dụng các sản phẩm non-comedogenic vừa có tác dụng ngăn ngừa mụn trứng cá, vừa có tác dụng ngăn ngừa sẹo.

Thành phần trong các sản phẩm non-comedogenic

Một số thành phần non-comedogenic phổ biến hiện tại trên thị trường có thể kể đến như:

  • Nha đam (Aloe vera)
  • Chiết xuất từ cây phỉ (Witch Hazel)
  • Nước hoa hồng
  • Vitamin C, E
  • Niacinamide
  • Allantoin
  • Glycerol
  • Silicone (tiêu biểu là dimethicone)
  • Ceteraryl alcohol
  • Polyethylene glycol
  • Sodium hyaluronate
  • Carmine
thành phần trong sản phẩm non-comedogenic
Một số thành phần non-comedogenic phổ biến hiện tại trên thị trường hiện nay

Đối với những làn da mụn hoặc dễ bị mụn trứng cá, điều quan trọng là không chỉ nên tìm kiếm các sản phẩm non-comedogenic mà còn nên lựa chọn các sản phẩm có chứa hoạt chất giúp điều trị và cải thiện tình trạng mụn trứng cá để tối ưu hiệu quả chăm sóc da. Một số ví dụ về các thành phần này như:

  • Benzoyl peroxide: đây là hợp chất được sử dụng rộng rãi trong điều trị mụn trứng cá. Benzoyl peroxide hoạt động bằng cách diệt vi khuẩn trên da, đồng thời giúp làm thông thoáng lỗ chân lông bằng cách loại bỏ tế bào da chết.
  • Salicylic acid: nhiều sản phẩm chăm sóc da dành cho da mụn có chứa acid salicylic-một thành phần giúp tẩy bỏ tế bào chết, thông thoáng lỗ chân lông
  • Alpha Hydroxy Acid (AHA): hai loại AHA thường được tìm thấy trong các sản phẩm trị mụn là acid glycolic và acid lactic. AHA điều trị mụn trứng cá bằng cách loại bỏ tế bào da chết, giảm viêm, đồng thời chúng còn giúp cải thiện sự xuất hiện của sẹo mụn bằng cách kích thích sự phát triển của tế bào da mới.
  • Lưu huỳnh: lưu huỳnh thường được kết hợp với các thành phần khác như benzoyl peroxide hoặc acid salicylic, giúp loại bỏ tế bào da chết làm tắc nghẽn lỗ chân lông, ngoài ra còn giúp loại bỏ bã nhờn gây mụn.
  • Adapalene: một loại retinoid – dẫn xuất của vitamin A, dùng bôi ngoài da được sử dụng để điều trị mụn trứng cá. Adapalene giúp ngăn ngừa sự xuất hiện mụn mới, làm sạch và thông thoáng lỗ chân lông.
  • Azelaic acid: đây là một hợp chất tự nhiên, acid azelaic có đặc tính kháng khuẩn, chống viêm, giúp ngăn ngừa sự tích tụ keratin – một loại protein có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông.
  • Vitamin C: còn có tên gọi là acid ascorbic. Vitamin C là một chất chống oxy hóa, có đặc tính chống viêm, giúp giảm mẩn đỏ và sưng tấy ở vùng da dễ bị mụn trứng cá.
  • Dầu cây trà (tea tree oil): đây là loại tinh dầu được làm từ lá cây trà. Gel chứa 5% dầu cây trà có thể có hiệu quả trị mụn tương đương với gel chứa 5% benzoyl peroxide, tuy nhiên thời gian khởi phát tác dụng của dầu cây trà chậm hơn so với các thành phần khác.
ca lâm sàng điều trị mụn thành công
Ca lâm sàng điều trị mụn thành công tại Doctor Acnes

Một số các thành phần cần lưu ý tránh nên sử dụng vì khả năng gây bít tắc lỗ chân lông làm nặng thêm tình trạng mụn trứng cá như:

  • Isopropyl palmitate
  • Isopropyl isostearate
  • Butyl stearate
  • Isostearyl neopentanoate
  • Decyl oleate
  • Myristyl myristate
  • Octyl stearate
  • Isocetyl stearate
  • Octyl palmitate
  • Propylene glycol-2
  • Myristyl propionate
  • Acetylated
  • D-C red dyes
  • Ethoxylated lanolin
  • Các loại dầu như dầu dừa (coconut oil), dầu cọ (palm oil), dầu hạt lanh (linseed oil), dầu khoáng (mineral oil)…
các thành phần gây tắc lỗ chân lông
Một số thành phần gây tắc lỗ chân lông, làm nặng thêm tình trạng mụn trứng cá

Những lưu ý khi sử dụng các sản phẩm non-comedogenic

Dễ dàng nhất để lựa chọn các sản phẩm non-comedogenic là dựa vào các bao bì dán nhãn trên các sản phẩm. Tuy nhiên, trên thực tế, FDA không yêu cầu các nhà sản xuất chứng minh các sản phẩm của họ là non-comedogenic. Điều này có nghĩa là một số sản phẩm vẫn có thể chứa các hợp chất gây mụn dù đã được dán nhãn là non-comedogenic. Do đó, cẩn thận nhất thì chúng ta nên kiểm tra kĩ các thành phần trên bao bì sản phẩm trước khi lựa chọn sử dụng.

Kiểm tra kết cấu và độ đặc của sản phẩm vì sản phẩm kết cấu nặng hoặc quá nhờn dễ gây tắc nghẽn lỗ chân lông và gây mụn. Do đó, nên chọn những sản phẩm nhẹ, dễ hấp thụ vào da.

Lựa chọn sản phẩm non-comedogenic phù hợp với làn da sẽ giúp tối ưu hóa vai trò của non-comedogenic, giữ cho da sạch sẽ và khỏe mạnh. Do đó, trước khi lựa chọn bất kỳ một loại sản phẩm chăm sóc da hay làm đẹp nào, điều đầu tiên cần hiểu rõ về làn da của bản thân:

  • Đối với những người có da dầu, da nhờn nên ưu tiên chọn các sản phẩm non-comedogenic kết hợp với oil-free để giảm tích tụ dầu nhờn thừa trên da.
  • Đối với những người có da mụn, cơ địa dễ mụn trứng cá nên cân nhắc sử dụng các sản phẩm non-comedogenic có chứa các thành phần trị mụn và cải thiện mụn trứng cá như acid salicylic, benzoyl peroxide, AHA, lưu huỳnh…
  • Đối với những người có làn da khô, hãy tìm những sản phẩm cung cấp độ ẩm cho da.

Với những lưu ý đơn giản trên, chúng ta có thể chọn được sản phẩm non-comedogenic an toàn và hiệu quả cho làn da. Một điều quan trọng nữa là hãy thử nghiệm các sản phẩm mới trước khi thoa lên toàn bộ gương mặt, đảm bảo chúng không gây dị ứng hoặc gây kích ứng da.

Các sản phẩm non-comedogenic nếu được lựa chọn và sử dụng đúng cách thì sẽ phát huy hiệu quả ngăn ngừa mụn trứng cá. Nên nhớ rằng non-comedogenic thiên về phía tiếp thị nhiều hơn, không đảm bảo được các sản phẩm non-comedogenic đều chứa các thành phần không gây mụn. Do đó điều quan trọng là cần phải đọc kĩ nhãn dán, bao bì, tìm hiểu các thành phần của sản phẩm; đồng thời phải nắm được đặc điểm của làn da, các bệnh lý của làn da để chọn được sản phẩm phù hợp với bản thân.

thăm khám bác sĩ khi da bị mụn
Thăm khám Bác sĩ Da liễu để được tư vấn sản phẩm thích hợp với làn da

Non-comedogenic và oil-free có giống nhau không?

Thuật ngữ “oil-free” chỉ những sản phẩm không chứa bất kỳ loại dầu nào. Trên lý thuyết, da dầu nhờn có liên quan đến mụn trứng cá, tuy nhiên tất cả các loại dầu đều gây mụn hay không là không rõ. Một số sản phẩm non-comedogenic không nhất thiết là oil-free, vẫn có thể chứa các loại dầu ít nguy cơ gây ra mụn trứng cá như dầu hạnh nhân (almond oil), dầu cây rum (safflower oil), dầu jojoba (jojoba oil)…

Tương tự, một sản phẩm oil-free không đồng nghĩa với non-comedogenic vì nó có thể chứa các thành phần khác gây tắc lỗ chân lông và gây mụn trứng cá. Do đó, nên đọc kỹ các thành phần của sản phẩm trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn cho làn da. Tốt nhất nên ưu tiên những sản phẩm non-comedogenic hoặc các sản phẩm vừa non-comedogenic và vừa oil-free.

Hi vọng qua bài viết này, Doctor Acnes đã mang đến cho bạn những kiến thức cơ bản về các sản phẩm non-comedogenic, thành phần, vai trò cũng như biết cách lựa chọn loại sản phẩm phù hợp với bản thân. Nếu cảm thấy khó khăn trong việc lựa chọn các sản phẩm non-comedogenic hay mắc phải các tác dụng phụ, hãy tìm đến các bệnh viện và Phòng khám chuyên khoa Da liễu để được Bác sĩ tư vấn và hướng dẫn phù hợp.

Tài liệu tham khảo

  1. What Non – comedogenic means in skin care products”. Healthline
  2. Non – comedogenic skin care products: types and benefits”. Verywell health
  3. Non – comedogenic ingredients and their skin care benefits”. MedicalNewsToday
  4. 8 best ingredients for Acne – Prone skin”. WebMD

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 0 / 5. Lượt đánh giá 0

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84