Trị mụn nên dùng tretinoin hay adapalene?

Được đăng bởi Doctor Acnes vào ngày 18/04/2022

Tretinoin hay adapalene thường hiện diện trong các chế phẩm điều trị mụn với tên gọi chung là nhóm retinoid, gây không ít thắc mắc cho người dùng trong quá trình tự tìm hiểu và chọn lựa hai sản phẩm trị mụn trên. Cả hai thực chất là retinoid nhưng có một số điểm khác nhau. Bài viết sau đây sẽ giải đáp những câu hỏi xoay quanh 2 hoạt chất này từ đó giúp bạn có cái nhìn rõ về lợi ích của tretinoin và adapalene cho từng tình trạng da.

Vai trò của retinoid trong điều trị mụn

Retinoid bao gồm vitamin A và các dẫn xuất của nó, là những chất điều hòa mạnh hoạt động tế bào, bao gồm sự phát triển và biệt hóa tế bào, đồng thời cũng là trung gian cho nhiều chức năng điều tiết thiết yếu, đặc biệt là ở da. Ở lớp ngoài cùng của da (biểu bì), retinoid tẩy tế bào chết để loại bỏ bụi bẩn, da chết và dầu thừa từ lỗ chân lông, giúp ngăn ngừa sự hình thành mụn.

Retinoid còn giúp giảm phản ứng viêm, mang lại lợi ích cho quá trình điều trị mụn viêm. Bằng cách ngăn cản quá trình sừng hóa, retinoid tạo một môi trường hiếu khí hơn, không thích hợp cho sự phát triển của vi khuẩn gây mụn viêm Propionibacterium acnes.

Nhờ tác dụng làm thông thoáng lỗ chân lông, retinoid cho phép các hoạt chất bôi ngoài da khác thẩm thấu và hoạt động tốt hơn. Tùy trường hợp cụ thể, retinoid có thể phối hợp với benzoyl peroxide, azelaic acid hay các kháng sinh để cho tác dụng điều trị mụn mạnh mẽ hơn.

Ca lâm sàng trị mụn nên dùng tretinoin hay adapalene - Doctor Acnes
Ca lâm sàng điều trị mụn thành công tại Doctor Acnes

Ngoài công dụng trị mụn, các phân tử retinoid cực nhỏ cũng thâm nhập vào lớp giữa của da (lớp trung bì) kích thích sản xuất collagen và elastine, cho tác dụng ngừa lão hóa hiệu quả và cải thiện các tình trạng sẹo, đặc biệt là sẹo mụn. Như vậy, retinoid không chỉ điều trị mụn mà còn làm giảm sự xuất hiện của sẹo mụn theo thời gian.

Trong nhóm retinoid có nhiều gương mặt quen thuộc như retinol, isotretinoin, tretinoin, adapalene… Retinol là dẫn chất vitamin A có gốc alcol, phải chuyển hóa nhiều lần thành retinoic acid mới có hoạt tính. Retinol hiện được dùng phổ biến trong mỹ phẩm với tác dụng ngừa lão hóa.

Isotretinoin là retinoid đường uống dùng trong điều trị mụn nặng nhưng có thể gây độc tính trên thai nhi nên cần thận trọng khi sử dụng. Đối với các chế phẩm trị mụn dùng ngoài da, tretinoin và adapalene là hai hoạt chất phổ biến nhất với cấu trúc chứa gốc acid, có thể cho hoạt tính ngay khi bôi lên da.

>>> Xem thêm: Những lưu ý khi uống isotretinoin trong điều trị mụn

Lợi ích và những lưu ý khi sử dụng tretinoin

Tretinoin hay all-trans retinoic acid là retinoid thế hệ thứ nhất, thường ở dạng gel, kem bôi ngoài da. Tretinoin là retinoid đầu tiên được Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ – FDA chấp thuận dùng trong điều trị mụn trứng cá vào năm 1971. Đây cũng là dạng retinoid có cấu trúc gần giống vitamin A nhất và có hoạt tính trực tiếp trên da khi sử dụng tại chỗ. 

Với bề dày nhiều năm trên thị trường, tretinoin đã được thực hiện nhiều nghiên cứu toàn diện từ hiệu quả trong điều trị mụn, chống lão hóa đến cả các tác dụng phụ tiềm ẩn.

Về mặt cơ chế tác động, tương tự như các loại retinoid khác, tretinoin kích thích tạo ra các tế bào mới, đẩy nhanh việc loại bỏ tế bào da chết và giữ cho lỗ chân lông thông thoáng, giúp da tránh khỏi vi khuẩn gây mụn. Tretinoin được dùng để điều trị mụn lâu dài, ngoài việc loại bỏ mụn trong thời gian ngắn, tretinoin cũng hoạt động tích cực để ngăn chặn mụn quay trở lại.

Ngoài hiệu quả điều trị mụn vượt trội,  tretinoin cũng là retinoid đầu tiên được FDA chấp thuận để điều trị nếp nhăn. Tretinoin tăng tạo collagen mới và kích thích tạo các mạch máu mới trên da, mang lại làn da hồng hào, làm mờ dần các đốm đồi mồi, tăng sắc tố sau viêm hoặc nám.

Lợi ích và những lưu ý khi sử dụng tretinoin - Doctor Acnes
Lợi ích tretinoin mang lại trong điều trị mụn

Từ góc độ hóa học, tretinoin là một chất khá mỏng manh, có thể bị biến chất nhanh chóng dưới tác động của ánh nắng mặt trời cũng như chất oxi hóa. Vì vậy, tretinoin nên được dùng trước khi đi ngủ và không sử dụng cùng lúc với benzoyl peroxide (tác nhân oxi hóa).

Tác dụng phụ phổ biến nhất khi sử dụng tretinoin hay retinoid nói chung là hiện tượng đẩy nhân mụn “purging”. Đây là hiện tượng các tế bào da mới di chuyển từ lớp bên trong của biểu bì lên trên bề mặt với tốc độ nhanh hơn dẫn đến đẩy nhân mụn lên cao, đi kèm với khô da, bong tróc da và một loạt các tác động khó chịu khác.

Hiện tượng này có thể tự biến mất, hoặc dễ dàng khắc phục bằng cách sử dụng kem dưỡng ẩm hoặc các sản phẩm chăm sóc da. Một khi quá trình “purging” giảm xuống, làn da sẽ cải thiện nhanh chóng và sạch mụn trong vài tuần.

Như đã đề cập ở trên, lớp sừng của da sẽ bị mỏng đi trong thời gian sử dụng tretinoin, làm da dễ bị tổn thương và nhạy cảm hơn dưới ánh nắng mặt trời. Vì vậy, trong thời gian điều trị bằng tretinoin nên chú ý sử dụng kem chống nắng phù hợp với da. 

Tretinoin có nhiều nồng độ khác nhau, từ 0,01% đến 0,1%. Tác dụng của tretinoin tăng khi nồng độ tăng tuy nhiên tác dụng phụ cũng tăng theo nồng độ. Vì vậy, người dùng nên bắt đầu sử dụng với nồng độ từ thấp đến trung bình và điều chỉnh liều lượng dựa trên kết quả và tác dụng phụ.

Nhìn chung, tretinoin đã trở thành retinoid “tiêu chuẩn vàng” trong điều trị mụn, cải thiện sẹo mụn, giảm thâm sau mụn và ngăn ngừa lão hóa với một số tác dụng phụ chủ yếu xuất hiện trong vài tuần đầu sử dụng. 

>>> Xem thêm: Dùng retinol và tretinoin bao lâu thì có hiệu quả

Lợi ích và những lưu ý khi sử dụng adapalene

Được FDA chấp thuận vào năm 1996, adapalene là retinoid thế hệ thứ ba, tương đối mới. Adapalene được đưa ra thị trường dưới dạng gel bôi ngoài da để ngăn ngừa và điều trị mụn. Là một retinoid, adapalene hoạt động tương tự như tretinoin, adapalene có thể ức chế sự biệt hóa tế bào sừng, giúp tẩy tế bào chết, giảm sự hình thành nhân mụn và giảm các phản ứng viêm.

Đối với tác dụng chống lão hóa, các nghiên cứu của adapalene không nhiều và chưa được kỹ lưỡng như tretinoin. Do đó, adapalene ít khi dùng điều trị các vấn đề liên quan đến lão hóa.

Adapalene ổn định hơn tretinoin trước tác động của ánh sáng và bền vững hơn trong cấu trúc hóa học. Do đó, adapalene có thể sử dụng vào ban ngày và có thể kết hợp với benzoyl peroxide (một tác nhân oxy hóa) để cho tác dụng điều trị mụn cao hơn.

Lợi ích và những lưu ý khi sử dụng adapalene - Doctor Acnes
Lợi ích của adapalene trong điều trị mụn

Adapalene ra đời muộn hơn nhằm khắc phục nhược điểm của thế hệ trước, cụ thể là tretinoin. Adapalene được thiết kế để có ái lực với các thụ thể chọn lọc hơn so với các thế hệ retinoid trước, do đó ít gây kích ứng da. 

Adapalene hiện có sẵn ở nồng độ 0,1% và 0,3%. Adapalene cho hiệu quả trị mụn tốt hơn khi gia tăng nồng độ và đồng thời khả năng đáp ứng và dung nạp cũng tốt. Điều này một lần nữa chứng tỏ độ an toàn, ít gây kích ứng của adapalene so với tretinoin. Tuy adapalene ít gây kích ứng hơn so với các loại retinoid bôi ngoài da khác nhưng vẫn có thể có một số tác dụng phụ tiềm ẩn như kích ứng, mẩn đỏ, khô, ngứa, rát và nhạy cảm với ánh sáng… Các tác dụng phụ này thường tự khỏi sau vài tuần sử dụng. 

So sánh tretinoin và adapalene

Đối với tình trạng mụn nhẹ hoặc trung bình, cả tretinoin và adapalene đều có khả năng tạo ra sự cải thiện đáng kể, lâu dài. Một nghiên cứu cho thấy adapalene 0,1% có hiệu quả tương tự nhưng nâng cao khả năng dung nạp trong điều trị mụn so với tretinoin 0,025%. Có nghiên cứu khác cho thấy rằng tretinoin 0.05% có hiệu quả hơn một chút so với adapalene 0,1%, tuy nhiên cả hai đều cho kết quả điều trị mụn hiệu quả. Vì vậy, một làn da nhạy cảm, dễ bị kích ứng, ngứa hoặc khó chịu sẽ phù hợp với adapalene hơn so với tretinoin.

Mặc dù đều là retinoid, nhưng chỉ có tretinoin được công nhận vai trò như là một liệu pháp chống lão hóa, với vô số nghiên cứu cho thấy làm giảm nếp nhăn, sự đổi màu da và các dấu hiệu lão hóa khác trong thời gian dài. Trong khi đó, adapalene chưa được nghiên cứu rộng rãi về khả năng chống lão hóa và vẫn chưa được xem là một lựa chọn trong điều trị chống lão hóa. Vậy nên, tretinoin sẽ là lựa chọn phù hợp khi các vấn đề về nếp nhăn, đốm sắc tố, các dấu hiệu lão hóa cũng là mối bận tâm hiện tại ngoài việc điều trị mụn.

Về phương diện hóa học, cấu trúc của adapalene bền vững hơn tretinoin nên có thể sử dụng cả ban ngày và ban đêm. Tuy nhiên, da vẫn khá nhạy cảm với ánh sáng khi sử dụng adapalene nên lưu ý cần sử dụng kem chống nắng phù hợp. Adapalene cũng có thể sử dụng kết hợp với các thuốc có tính oxi hóa khác như benzoyl peroxide nhằm nâng cao hiệu quả điều trị mụn so với việc sử dụng đơn độc.

So sánh tretinoin và adapalene - Doctor Acnes
Điểm giống và khác nhau giữ tretinoin và adapalene

Về mặt giá thành, do có mặt từ lâu trên thị trường và có tác dụng cộng thêm đối với sẹo mụn và lão hóa, tretinoin có nhiều sản phẩm với giá thành chênh lệch từ thấp đến cao tùy thuộc vào hãng sản xuất và công nghệ bào chế. Trong khi đó adapalene ra đời sau, có lượng sản phẩm ít hơn và giá thành tương đối thấp.

Tretinoin và adapalene đều mang lại nhiều lợi ích. Tretinoin là một loại thuốc đã được chứng minh hiệu quả và sử dụng rộng rãi qua nhiều thập kỷ. Tretinoin có tác dụng giảm mụn, chống lại các dấu hiệu lão hóa và cải thiện nhiều yếu tố liên quan đến sức khỏe làn da. Adapalene là một loại thuốc mới hơn, có hiệu quả kém hơn một chút trong việc điều trị mụn so với tretinoin nhưng cũng ít gây kích ứng da hơn, vì vậy được cân nhắc sử dụng trong trường hợp da nhạy cảm, dễ kích ứng.

Tóm lại, lựa chọn tretinoin hay adapalene rõ ràng là phụ thuộc nhiều nhất vào tình trạng da của mỗi cá thể. Cách tốt nhất là nên trò chuyện với Bác sĩ Da liễu để có lựa chọn phù hợp nhất cho từng cá thể, vừa đảm bảo hiệu quả điều trị như mong muốn vừa hạn chế nguy cơ gặp phải tác dụng phụ. Phòng khám Doctor Acnes là nơi tập trung đội ngũ Bác sĩ Da liễu dày dặn kinh nghiệm sẽ tư vấn và giúp từng khách hàng lựa chọn loại chế phẩm tretinoin và adapalene phù hợp với nhu cầu của làn da mình.

banner gruop facebook

Tài liệu tham khảo

  1. Leila T., Heidi D., Patrick M. “Adapalene”. Ncbi.nlm.nih.gov
  2. Lisa B., Jens M., Hans F. “Retinoid treatment of skin diseases”. Eur J Dermatol. Sep-Oct 2015;25(5):384-91
  3. Anna L., Chien MD. “Retinoids in Acne Management: Review of Current Understanding, Future Considerations, and Focus on Topical Treatment”. Jddonline.com
  4. Anja T., Mohamed B., Joachim W. “Topical retinoids in acne – an evidence-based overview”. Onlinelibrary.wiley.com
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84