Retinol/tretinoin là dẫn xuất của vitamin A hay còn gọi là retinoid, có công dụng tuyệt vời trong điều trị mụn, chống lão hóa, sáng da và được các tín đồ làm đẹp rất hay sử dụng. Doctor Acnes nhận được khá nhiều thắc mắc từ những người mới bắt đầu sử dụng các hoạt chất này rằng dùng retinol/tretinoin bao lâu thì sẽ có hiệu quả trên da? Vậy hãy cùng Doctor Acnes trả lời câu hỏi này trong bài viết sau đây nhé!
Tổng quan về retinol và tretinoin
Retinol
Retinol là một trong những dẫn xuất của vitamin A, thuộc nhóm retinoid thế hệ 1. Retinol cực kỳ hiệu quả trong việc ngăn ngừa và giảm thiểu nếp nhăn, chống lại quá trình lão hóa da thông qua cơ chế kích thích sản xuất collagen và elastin. Retinol còn có tác dụng kích thích loại bỏ các tế bào chết và tăng sinh các tế bào mới, giúp trẻ hóa làn da. Bên cạnh đó retinol cũng hỗ trợ trị mụn, làm sạch lỗ chân lông bị tắc giúp da mịn màng, đều màu hơn.

Tretinoin
Tương tự retinol, tretinoin (thường được gọi là retin A hoặc retinoid acid) cũng là dẫn xuất của vitamin A thuộc thế hệ 1 của nhóm retinoid. Tretinoin thuộc nhóm thuốc kê toa, không phải mỹ phẩm, vì vậy khi sử dụng cần phải có sự tư vấn của Bác sĩ. Khác với retinol, tretinoin có hiệu quả chống lão hóa da và xóa mờ nếp nhăn mạnh mẽ hơn nhờ cơ chế kích thích sản sinh tế bào biểu bì mới.
Tretinoin được chứng minh giúp nguyên bào sợi tổng hợp collagen và elastin, đồng thời ức chế men phân hủy sợi collagen giúp chống lại sự thoái hóa do tuổi tác. Bên cạnh đó tretinoin còn hiệu quả trong điều trị mụn nhờ cơ chế làm giảm bã nhờn, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn Propionibacterium acnes và điều chỉnh quá trình sừng hóa giúp lỗ chân lông thông thoáng. Ngoài ra, tretinoin còn làm mờ thâm mụn và sáng da hiệu quả.
>>> Xem thêm: Những lưu ý khi dùng tretinoin cho người mới bắt đầu

Sự khác nhau giữa retinol và tretinoin
Khác biệt về công thức hóa học
Xét về công thức hóa học, retinol thuộc nhóm alcol còn tretinoin thuộc nhóm acid. Sự khác nhau trong công thức hóa học giúp giải thích một phần nào cường độ tác dụng của hai thành phần này khác nhau.
Retinol cần có thời gian và môi trường pH trung tính (khoảng 5 – 6) để chuyển hóa thành dạng retinoic acid thông qua hai bước: từ retinol thành retinaldehyd rồi mới chuyển thành retinoic acid. Khi tồn tại ở dạng acid, retinol mới có thể phát huy tác dụng trên da. Tuy nhiên các nghiên cứu đã chứng minh retinol không thể chuyển hóa 100% thành acid được. Không giống như retinol, tretinoin ở dạng acid vì thế sẽ phát huy hiệu quả ngay sau khi bôi mà không cần bất cứ bước chuyển hóa nào.
Theo tiến sĩ Sheila Krishna, retinol kém ổn định hơn tretinoin và dễ bị thoái hóa hơn khi tiếp xúc với ánh sáng và không khí. Vì vậy, retinol kém tác dụng hơn tretinoin và có thời hạn sử dụng ngắn hơn. Mặc dù retinol dễ dung nạp và ít gây khô da hơn tretinoin, nhưng có thể mất nhiều thời gian hơn để mang lại hiệu quả trên da.
Khác biệt về hiệu quả
Cả tretinoin và retinol đều được chứng minh có hiệu quả trong việc chống lão hóa, điều trị mụn, giúp phục hồi và tái tạo da. Tuy nhiên trong cùng một nồng độ và thời gian sử dụng, tretinoin đạt được kết quả cao hơn so với retinol trong việc chống lão hoá cũng như tăng sinh collagen.
Tretinoin có hoạt lực mạnh gấp 20 lần so với retinol, cụ thể là tretinoin ở nồng độ 0.025% sẽ tương đương với 0.5% retinol. Vì vậy, tretinoin có hiệu quả giúp tăng sinh collagen làm đầy nếp nhăn, chống lão hóa, tái tạo da và trị mụn tốt hơn retinol. Ngược lại, tretinoin có tỉ lệ gây kích ứng, ban đỏ, bong tróc nhiều hơn so với retinol. Bạn cần nhớ rằng tretinoin là thuốc kê đơn vì thế cần tham khảo lời khuyên của Bác sĩ khi sử dụng.

Dùng retinol/tretinoin bao lâu thì có hiệu quả?
Đối với retinol
Theo Gary Fisher – Giáo sư chuyên khoa Da liễu tại Đại học Y Khoa Michigan, phải mất trung bình 12 tuần để retinol có thể tạo ra những thay đổi đáng chú ý trên da. Tuy nhiên, trong 4 – 6 tuần đầu tiên sử dụng, có thể gặp những tác dụng phụ như bong tróc, đỏ rát hoặc đẩy mụn. Theo lời khuyên của các Bác sĩ Da liễu nếu gặp tình trạng kích ứng: có thể giảm tần suất, nồng độ cũng như liều lượng retinol đồng thời cần phải bổ sung các sản phẩm cấp ẩm giúp tăng độ ẩm cho da.
Tác dụng của retinol trong việc cải thiện nếp nhăn, sáng da thường đạt hiệu quả tốt nhất sau 1 năm sử dụng. Theo nghiên cứu của tác giả Manpreeet Randhawa và cộng sự năm 2015, retinol giúp cải thiện các nếp nhăn, sắc tố cũng như những dấu hiệu da tổn thương do ánh sáng rõ rệt sau 1 năm sử dụng.
Đối với tretinoin
Da sẽ có sự thay đổi đáng kể sau khi sử dụng tretinoin khoảng 12 tuần thậm chí có thể sớm hơn. Các nghiên cứu cho thấy tình trạng mụn sau khi sử dụng tretinoin 12 tuần được cải thiện rõ rệt. Đối với hiệu quả làm mờ vết nhăn, giảm đốm đồi mồi các nghiên cứu cho thấy mất khoảng 12 – 16 tuần hoặc 6 tháng để có thể cải thiện tình trạng này.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, chỉ sau 1 năm sử dụng tretinoin mới có thể thấy được sự thay đổi ở lớp trung bì trong việc sản xuất các sợi collagen mới trong khi việc sử dụng tretinoin 6 tháng không ghi nhận sự thay đổi này.
Tương tự retinol, sử dụng tretinoin da có thể bị khô, bong tróc, đỏ rát và nổi mụn trong 2 – 4 tuần đầu tiên sử dụng. Đây là khoảng thời gian da thích nghi với retinoid. Có thể giảm tần suất, nồng độ đồng thời sử dụng các sản phẩm bổ sung độ ẩm cho da, giúp da tránh kích ứng trong giai đoạn này. Sau thời gian làm quen, da sẽ quen với tretinoin và tình trạng kích ứng ban đầu sẽ bắt đầu giảm dần và mất hẳn.

So sánh về hiệu quả trên da giữa retinol và tretinoin
So sánh về tác dụng chống lão hóa, các nghiên cứu đã cho thấy sự cải thiện đáng kể của nếp nhăn chỉ sau 4 tuần sử dụng tretinoin, trong khi mức độ cải thiện tương tự mất trung bình 12 tuần đối với việc sử dụng retinol.
So sánh về tác dụng điều trị mụn trứng cá, tretinoin là retinoid đầu tiên được Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ – FDA chấp thuận dùng trong điều trị mụn trứng cá vào năm 1971. Mặc dù retinol cũng có tác dụng hỗ trợ điều trị mụn trứng cá qua cơ chế tương tự tretinoin, tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy việc sử dụng tretinoin có hiệu quả nhanh chóng hơn so với retinol. Khi sử dụng tretinoin từ 8 – 12 tuần đã cho thấy hiệu quả trị mụn rất rõ ràng, trong khi đó retinol cần phải mất nhiều thời gian hơn.
Các yếu tố khác ảnh hưởng đến hiệu quả của retinol/tretinoin
Bên cạnh thời gian sử dụng, hiệu quả điều trị còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như tần suất sử dụng, nồng độ retinol/tretinoin, tình trạng của da trước khi sử dụng cũng như cách sử dụng.
Tần suất sử dụng
Hiệu quả sử dụng cũng bị ảnh hưởng bởi tần suất sử dụng retinol/tretinoin. Theo nghiên cứu của tác giả Elise và cộng sự, việc sử dụng retinoid 3 lần/tuần cho thấy hiệu quả cải thiện nếp nhăn hơn so với 1 lần/tuần. Vì vậy, nên sử dụng tần suất thấp 1 – 2 lần/tuần ở vài tuần đầu tiên để da có thể làm quen với retinoid, sau đó tăng tần suất lên 3 lần/tuần hoặc hằng ngày để có thể đạt được hiệu quả hơn.
Nồng độ của retinoid
Kết quả cũng sẽ phụ thuộc vào nồng độ retinoid sử dụng. Cả retinol và tretinoin đều có nhiều mức nồng độ khác nhau vì thế cần có sự lựa chọn phù hợp nồng độ.
Retinol có các nồng độ từ 0.01%, 0.03%, 0.1%, 0.5% cho đến 1%. Nồng độ thấp như 0.01% đến 0.03% được đánh giá là nồng độ phù hợp với những người mới bắt đầu sử dụng và có làn da nhạy cảm. Nồng độ trung bình 0.03% – 0.3% là nồng độ lý tưởng cho các tình trạng như da lão hóa, mất sự săn chắc đàn hồi, da sạm màu để đem đến sự trẻ hóa cho làn da. Nồng độ cao 0.3% – 1% là nồng độ dành cho những làn da có nếp nhăn sâu, sạm nám, sần sùi thô ráp và cần hiệu quả điều trị cao hơn.

Tretinoin thường có rất nhiều nồng độ khác nhau và thường gặp nhất đó là tretinoin 0.025%, tretinoin 0.05% và tretinoin 0.1%. Với chỉ định trị mụn, hiệu quả của tretinoin tăng theo nồng độ tuy nhiên tác dụng phụ cũng tăng theo.
Đối với vấn đề lão hóa, nghiên cứu cho thấy rằng cả nồng độ 0.025% và 0.1% đều cải thiện đáng kể các dấu hiệu lão hóa về mặt lâm sàng, không có khác biệt đáng kể giữa hai nồng độ, tuy nhiên ở nồng độ 0.1% thì độ kích ứng da ghi nhận cao hơn. Vì vậy nếu muốn chống lão hóa, có thể cân nhắc từ nồng độ 0.25%. Cần lưu ý rằng việc tăng nồng độ retinol/tretinoin có thể đi kèm với các tác dụng phụ, đặc biệt là đối với tretinoin.
Tình trạng da lúc bắt đầu sử dụng
Tùy vào tình trạng mụn và mức độ lão hóa da khác nhau của mỗi người mà Bác sĩ sẽ chỉ định nồng độ, thời gian sử dụng phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất. Ví dụ, giữa hai người có tình trạng mụn khác nhau sẽ cần khoảng thời gian sử dụng khác nhau để thấy sự cải thiện trên da, vì vậy cần kiên nhẫn trong quá trình điều trị. Trong trường hợp hiệu quả kém hoặc không như mong muốn, hãy trao đổi với Bác sĩ Da liễu để được hướng dẫn thay đổi phác đồ.

Cách sử dụng retinoid
Việc sử dụng đúng cách retinol, tretinoin sẽ đem lại hiệu quả hơn trên da. Một số mẹo như sử dụng dưỡng ẩm chứa ceramide trong chu trình dưỡng da, sử dụng kết hợp niacinamide, đồng thời chống nắng kỹ càng giúp retinoid hoạt động hiệu quả nhất.
Tóm lại, retinol và tretinoin là những thành phần không thể thiếu trong công cuộc trị mụn và chống lão hóa. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả tốt nhất khi sử dụng, chúng ta cần phải nắm rất rõ những ưu và nhược điểm để biết cách sử dụng tốt nhất. Hiểu được thời gian hoạt chất phát huy tác dụng giúp chúng ta có thêm sự kiên nhẫn trong quá trình điều trị. Bên cạnh đó, đừng quên tư vấn Bác sĩ Da liễu để đạt được hiệu quả nhanh chóng và an toàn nhất.
Tài liệu tham khảo
- Zasada M, Budzisz E. “Retinoids: active molecules influencing skin structure formation in cosmetic and dermatological treatments”. Postepy Dermatol Alergol. 2019 Aug;36(4):392-397
- Michalak M, Pierzak M, Kręcisz B, Suliga E. “Bioactive Compounds for Skin Health: A Review. Nutrients”. Nutrients. 2021 Jan 12;13(1):203
- James Leyden, Linda Stein-Gold, Jonathan Weiss. “Why Topical Retinoids Are Mainstay of Therapy for Acne”. Dermatol Ther (Heidelb). 2017 Sep;7(3):293-30a
- Siddharth Mukherjee, Abhijit Date, Vandana Patravale, Hans Christian Korting, Alexander Roeder, Günther Weindl. “Retinoids in the treatment of skin aging: an overview of clinical efficacy and safety”. Clinical interventions in aging. 2006;1(4):327-48
- Zoe Diana Draelos, R Scott Peterson. “A Double-Blind, Comparative Clinical Study of Newly Formulated Retinol Serums vs Tretinoin Cream in Escalating Doses: A Method for Rapid Retinization With Minimized Irritation”. J Drugs Dermatol. 2020 Jun 1;19(6):625-631
- Buchanan PJ, Gilman RH. “Retinoids: Literature Review and Suggested Algorithm for Use Prior to Facial Resurfacing Procedures”. Journal of cutaneous and aesthetic surgery. 2016;9(3):139-144
- Randhawa M, Rossetti D, Leyden JJ. “One-year topical stabilized retinol treatment improves photodamaged skin in a double-blind, vehicle-controlled trial”. Journal of drugs in dermatology. 2015;14(3):271-80
- Webster G, Cargill DI, Quiring J, Vogelson CT, Slade HB. “A combined analysis of 2 randomized clinical studies of tretinoin gel 0.05% for the treatment of acne”. Cutis. 2009;83(3):146-54
- “Tretinoin Topical”. Medlineplus.gov
- Zaenglein AL, Pathy AL, Schlosser BJ. “Guidelines of care for the management of acne vulgaris”. Journal of the American Academy of Dermatology. 2016;74(5):945-73
- Alex Evans, PharmD. “Retinol vs. Retin-A: Which Is Better for My Acne?”. Goodrx.com
- Griffiths CE, Kang S, Ellis CN. “Two concentrations of topical tretinoin (retinoic acid) cause similar improvement of photoaging but different degrees of irritation. A double-blind, vehicle-controlled comparison of 0.1% and 0.025% tretinoin creams”. Archives of dermatology. 1995;131(9):1037-44