Mụn li ti là một loại mụn khá thường gặp. Tuy không gây nguy hiểm sức khỏe, nhưng tình trạng này gây mất thẩm mỹ và có thể tiềm ẩn tình trạng dị ứng. Vậy mụn li ti là gì? Nguyên nhân và cách điều trị như thế nào hiệu quả? Hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Các loại mụn li ti thường gặp
Mụn li ti là mụn nhỏ không viêm mọc thành từng đám gây ra nhiều vết sần sùi trên bề mặt da. Các loại mụn li ti thường gặp bao gồm:
- Mụn đầu trắng (whitehead): là một dạng mụn trứng cá không viêm, còn được gọi là mụn trứng cá kín, hình thành do nang lông bị tắc hoàn toàn. Chúng thường xuất hiện nhiều nhất ở trán, cằm và má. Mụn đầu trắng không gây đau đớn và không thể nặn vì chúng không chứa mủ hoặc nhiễm trùng.
- Mụn đầu đen (blackhead): là một dạng mụn trứng cá không viêm. Còn được gọi là mụn trứng cá mở, đây là kết quả của việc các sắc tố bề mặt tích tụ trong lỗ chân lông, hình thành các chấm đen trên da.
- Mụn siêu nhỏ (microcomedone): là loại mụn rất nhỏ, thường không nhìn thấy được.
- Mụn do ánh nắng mặt trời (solar comedone): thường là kết quả của tổn thương do ánh nắng mặt trời và thường hình thành ở người lớn tuổi, chủ yếu xuất hiện ở hai bên má.
- Mụn do dị ứng (allergic acne): là một dạng mụn phát triển do phản ứng dị ứng của da với một số yếu tố kích thích như mỹ phẩm chăm sóc da hoặc mỹ phẩm trang điểm. Loại mụn này thường có kích thước nhỏ, mọc thành từng vùng hoặc từng đám.
Một người có thể bị nhiều loại mụn li ti cùng một lúc kể cả mụn viêm.
Mụn li ti hình thành do đâu?
Mụn li ti thường xuất hiện do bít tắc lỗ chân lông (comedone) khi các tế bào chết và bã nhờn tích tụ, làm phình các lỗ chân lông và tạo ra vết sưng. Các yếu tố chính gây ra mụn li ti bao gồm:
- Chăm sóc da không đúng cách: không làm sạch da, để tế bào chết, bã nhờn và bụi bẩn tích tụ gây bít tắc lỗ chân lông. Hơn nữa, do không sử dụng hoặc sử dụng kem dưỡng ẩm không phù hợp cũng có thể gây mụn li ti.
- Dị ứng: phản ứng dị ứng với thức ăn, thời tiết hoặc mỹ phẩm, cũng như kích ứng da do tiếp xúc với dầu, thuốc nhuộm và các sản phẩm khác, có thể gây ra mụn li ti.
- Da nhiễm corticoid: là tình trạng da bị tổn thương do quá trình tích tụ hàm lượng corticoid trong thời gian dài, do sử dụng các loại thuốc uống hay bôi trực tiếp lên da theo đơn của Bác sĩ. Biểu hiện hay gặp của da nhiễm corticoid là mất đi hàng rào bảo vệ da, giãn mạch máu gây xung huyết, da đỏ, nóng, có nhiều mụn nhỏ li ti.
- Tăng tiết bã nhờn: sự sản xuất testosterone quá mức và hoạt động mạnh của hormone sinh dục nam DHT trong tế bào da làm tăng sản xuất dầu. Vi khuẩn gây mụn sử dụng dầu này để tạo acid béo tự do, gây viêm. Ngoài ra, chế độ ăn nhiều sữa, đường hoặc thói quen hút thuốc cũng làm tăng tiết bã nhờn, dẫn đến mụn.
Các phương pháp xử lý mụn li ti hiệu quả
- Chăm sóc da đúng cách: sử dụng mỹ phẩm không chứa dầu bao gồm các sản phẩm chăm sóc da hoặc tóc, rửa mặt 2 lần/ngày bằng sữa rửa mặt, định kỳ tẩy tế bào chết 2 lần/tuần.
- Thay đổi lối sống: ngừng hút thuốc và ăn ít đường, mỡ, sữa để hạn chế tiết dầu trên da.
- Da mụn do nhiễm corticoid: hãy tập cho da thích nghi với việc không sử dụng corticoid bằng cách giãn cách từ từ thời gian sử dụng sản phẩm bôi ngoài da, từ đó giúp da dần khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên, những người dùng corticosteroid theo toa không nên ngừng dùng thuốc mà không có chỉ định của Bác sĩ và có thể thử các biện pháp phòng ngừa và điều trị mụn khác.
- Đối với mụn li ti do dị ứng: cần hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng. Nên sử dụng thuốc kháng histamine làm giảm sưng và ngứa do phát ban và nổi mề đay trên mặt. Ngoài ra có thể sử dụng kem dưỡng ẩm nhẹ với lô hội để kiểm soát tình trạng khô, đỏ và viêm, chúng cũng tạo thành một lớp màng bảo vệ chống lại các chất gây dị ứng.
Sử dụng các loại thuốc bôi tại chỗ “comedolytic” 1-2 lần/ngày. Các loại kem và gel thuốc khác nhau có thể giúp giảm lượng dầu dư thừa, tẩy tế bào chết, hạn chế bít tắc lỗ chân lông và thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào da, một số thành phần tiêu biểu bao gồm:
- Acid azelaic: có tác dụng chống viêm và ức chế sự phát triển của vi khuẩn. Giúp làm sạch lỗ chân lông và cải thiện tình trạng da.
- Benzoyl peroxide: có tác dụng kháng khuẩn và tẩy tế bào chết hóa học. Giúp làm sạch lỗ chân lông và ngăn ngừa tắc nghẽn.
- Acid glycolic: là một loại alpha hydroxy acid (AHA) có tác dụng tẩy da sâu. Giúp loại bỏ tế bào da chết, làm sạch lỗ chân lông.
- Acid salicylic: có tác dụng tẩy tế bào da chết, làm sạch lỗ chân lông. Giúp ngăn ngừa sự hình thành của mụn li ti.
Nếu mụn li ti không cải thiện sau vài tháng điều trị, người bệnh nên gặp Bác sĩ Da liễu để được kê đơn thuốc bôi tại chỗ như retinoid. Retinoid thúc đẩy quá trình thay đổi tế bào da nhưng cần kê đơn vì có thể gây mài mòn da.
Điều trị bằng các phương pháp chuẩn y khoa bao gồm:
- Peel da hóa học: peel da hóa học sử dụng một số hóa chất để tác động lên da nhằm loại bỏ lớp da bề mặt, kích thích tái tạo tế bào da mới. Lớp da mới hình thành sẽ khỏe, mịn màng và sạch mụn.
- Laser xâm lấn và không xâm lấn: các loại laser như laser fractional CO2 và laser Q-switched Nd:YAG 1064nm giúp thu nhỏ lỗ chân lông. Laser fractional CO2 là dạng laser xâm lấn giúp kích thích sản xuất collagen, thu nhỏ lỗ chân lông và hiệu quả hơn phương pháp lăn kim. Laser không xâm lấn như laser Q-switched Nd:YAG 1064nm chế độ toning sẽ giúp thu nhỏ lỗ chân lông, giảm tiết dầu tạm thời, đồng thời kích thích quá trình sản xuất collagen dưới da giúp giảm tình trạng mụn li ti hiệu quả.
- RF microneedle: là phương pháp tích hợp lăn kim và sóng vô tuyến (RF), giúp tăng sinh collagen và elastin, làm dày da, tăng độ đàn hồi và thu nhỏ lỗ chân lông. Phương pháp này còn giảm kích thước và số lượng tuyến bã nhờn, ngăn ngừa mụn li ti.
Xem thêm các bài viết liên quan
Lưu ý và cách phòng ngừa mụn li ti tái phát
Những đợt bùng phát mụn li ti có thể được ngăn ngừa hoặc giảm bớt bằng cách thay đổi thói quen chăm sóc da. Một số mẹo đơn giản bao gồm:
- Rửa mặt hai lần mỗi ngày: làm sạch da thường xuyên hơn mức cần thiết có thể gây kích ứng và viêm da, khiến da khô và viêm. Da bị viêm dễ bị nhiễm trùng hơn, làm tăng nguy cơ nổi mụn.
- Sử dụng sản phẩm không gây tắc lỗ chân lông: chọn kem dưỡng ẩm, sữa rửa mặt và mỹ phẩm ghi nhãn “non-comedogenic” hoặc “anti-acnegenic” để ngăn ngừa tắc nghẽn lỗ chân lông.
- Giữ cọ và dụng cụ trang điểm sạch sẽ: vệ sinh thường xuyên dụng cụ trang điểm để loại bỏ bã nhờn và tế bào chết. Vệ sinh chúng bằng cách làm sạch với nước xà phòng ấm, rửa kỹ và để khô tự nhiên.
- Tẩy trang trước khi đi ngủ: không để lớp trang điểm lưu lại trên da khi ngủ, vì có thể gây tắc nghẽn lỗ chân lông. Sử dụng nước tẩy trang không chứa cồn, không hương liệu để tránh kích ứng và tẩy sạch mỹ phẩm trên da. Một số sản phẩm có thành phần glycerin hoặc lô hội có thể giúp dưỡng ẩm cho làn da.
- Vệ sinh da sau khi vận động: rửa mặt và dưỡng ẩm ngay sau khi ra mồ hôi để tránh bã nhờn tích tụ trên da.
- Không tự nặn mụn: tránh tự nặn mụn để không gây tổn thương da. Thay vào đó, sử dụng các biện pháp như miếng dán lỗ chân lông (adhesive pore strip) hoặc mặt nạ đất sét khi cần loại bỏ nhân mụn.
- Phòng ngừa dị ứng: tránh các tác nhân gây dị ứng như thực phẩm, mỹ phẩm không phù hợp. Ưu tiên sản phẩm dành cho da nhạy cảm và thực hiện test dị ứng trước khi dùng sản phẩm mới. Uống đủ nước để cơ thể thải độc, tăng cường trao đổi chất và duy trì độ ẩm cho da. Da ẩm mịn sẽ có hàng rào bảo vệ hiệu quả hơn để ngăn chặn mụn dị ứng.
Mụn li ti thường không viêm như các dạng mụn khác nhưng có thể khiến người bị mụn cảm giác tự ti. Tình trạng này thường được cải thiện tốt khi da được chăm sóc phù hợp bao gồm các sản phẩm bôi da chứa các hoạt chất giúp giảm lượng dầu dư thừa, tẩy tế bào chết, hạn chế bít tắc lỗ chân lông và thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào da.
Nếu mụn li ti trở nên khó điều trị, đặc biệt khi số lượng mụn xuất hiện ngày càng nhiều làm da bị sần sùi, hãy liên hệ ngay Doctor Acnes để được tư vấn phương pháp điều trị tốt nhất từ Bác sĩ Da liễu nhé.
Tài liệu tham khảo
- “Comedonal acne: Pictures, treatment, and remedies”. Medical News Today
- “An Overview of Comedonal Acne”. Verywellhealth
- “Comedonal acne”. Dermnet
- “What Is Comedonal Acne and How Is It Treated?”. Healthline
- “Steroid acne: Causes, treatment, and prevention” Medical News Today
- “Managing Itchy Acne: Symptoms, Causes, and Treatment”. Healthline
- “Allergic reaction on face: Treatment, causes, and symptoms”. Medical News Today