Chân mày là một vị trí nhạy cảm trên khuôn mặt, nơi nhận được nhiều sự chăm chút từ việc tỉa lông mày, kẻ mày đến phun xăm chân mày. Chính vì thế, việc xuất hiện mụn ở chân mày càng trở thành một vấn đề khó chịu. Điều trị và phòng ngừa mụn ở khu vực này cũng có một số đặc điểm đặc trưng do tính chất của da và tầm quan trọng của chân mày đối với tính thẩm mỹ của gương mặt. Trong bài viết sau đây, Doctor Acnes sẽ cung cấp thông tin về mụn ở chân mày, một loại tổn thương da không hiếm gặp và gây ra nhiều sự phiền phức.
Nguyên nhân nổi mụn ở chân mày
Chân mày là một khu vực có nhiều đặc điểm khác biệt với các vùng da khác trên khuôn mặt. Những đặc điểm đặc biệt của chân mày là nguyên nhân giúp vùng da này có thể sinh ra lông mày với chiều dài, hướng mọc và hình dạng phù hợp để tạo hình thành chân mày. Từ chính những đặc điểm này khiến cho chân mày có phần dễ sinh ra mụn hơn.
Đặc điểm vùng da chân mày
- Bề dày: da ở chân mày có bề dày lớn hơn vùng da xung quanh do lớp trung bì tăng độ dày. Điều này giúp vùng da chân mày sinh ra lông mày và giữ được hình dạng của chân mày.
- Tuyến bã nhờn: vùng da chân mày có nhiều tuyến bã nhờn do có nhiều nang lông. Số lượng tuyến bã nhờn cao khiến cho chân mày dễ bị mụn hơn so với vùng da xung quanh.
- Nang lông: vùng da chân mày có các nang lông nhỏ với pha tăng trưởng (anagen) ngắn, sinh ra lông mày ngắn và dày hơn so với tóc. Điều này cũng tạo điều kiện cho việc tắc nghẽn nang lông dẫn đến mụn.
- Sắc tố: để bảo vệ cho vùng da mỏng hơn ở quanh mắt trước tia UV, vùng da chân mày có mức độ tập trung melanin cao hơn.
- Sự nhạy cảm: da chân mày rất gần với mắt và vùng da nhạy cảm quanh mắt, việc điều trị mụn ở chân mày cần cẩn trọng để không làm ảnh hưởng đến mắt.
Cơ chế sinh mụn ở chân mày
Mụn ở chân mày hình thành theo cơ chế sinh mụn thông thường như sự tăng tiết bã nhờn, tăng sừng hóa nang lông và đáp ứng viêm của cơ thể. Tất cả kết hợp lại tạo ra các loại mụn như mụn đầu trắng, mụn đầu đen, mụn viêm, mụn mủ. Ở chân mày, quá trình sinh mụn dễ xảy ra hơn do:
- Tăng tiết bã nhờn: vùng da chân mày có nhiều tuyến bã nhờn, dẫn đến tăng tiết dầu và dễ gây bít tắc lỗ chân lông.
- Tăng sừng hóa nang lông: các nang lông ở chân mày có xu hướng dễ bị tắc nghẽn do sừng hóa, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây viêm.
- Tích tụ mồ hôi và bụi bẩn: vị trí của chân mày dễ tích tụ mồ hôi và bụi bẩn do nằm ở phần thấp nhất của trán và có nhiều lông mày giữ lại các chất này.
Yếu tố gây bít tắc và viêm nang lông ở chân mày
- Sản phẩm trang điểm và chăm sóc tóc: phấn, kem trang điểm và keo xịt tóc có thể gây bít tắc các nang lông ở chân mày. Đặc biệt trong điều kiện thời tiết nóng, ẩm hoặc khi vận động nhiều, mồ hôi tăng tiết càng làm cho các chất này đọng lại nhiều hơn ở chân mày.
- Wax, nhổ, tỉa lông: những hành động này làm tăng nguy cơ lông mọc ngược do tác động vật lý khiến lông mày bị kẹt trong nang lông gây bít tắc.
- Phun xăm, chì kẻ mày: việc phun xăm hoặc dùng chì kẻ mày đưa ngoại vật như giọt mực xăm, mảnh chì lên chân mày, cũng có thể gây mụn.
Cách điều trị mụn ở chân mày tại nhà đơn giản
Khi nổi mụn ở chân mày, không nên quá lo lắng. Có nhiều phương pháp hiệu quả để điều trị mụn, từ các sản phẩm dùng tại nhà đến các phương pháp chuyên sâu do Bác sĩ Da liễu thực hiện. Một số phương pháp điều trị tại nhà bao gồm:
- Retinoid: các hoạt chất nhóm retinoid rất đa dạng và thường có nồng độ thấp trong các sản phẩm không kê đơn. Retinoid giúp tăng tốc độ thay mới biểu mô lót trong nang lông và quá trình bong tróc tế bào sừng, loại bỏ nhân mụn (comedolytic), điều trị mụn hiệu quả.
- Salicylic acid: hoạt chất này tẩy tế bào chết, giúp lỗ chân lông thông thoáng và ức chế viêm tại chỗ. Salicylic acid rất hiệu quả trong việc giảm mụn.
- Chế phẩm kháng viêm, dưỡng ẩm tự nhiên: các sản phẩm chứa thành phần từ thực vật như nha đam, rau má, có tính chất dịu nhẹ và an toàn để sử dụng trên da vùng chân mày.
Cách phòng ngừa mụn ở chân mày
Phòng ngừa mụn ở chân mày chủ yếu xoay quanh việc giữ vệ sinh da mặt và làm sạch vùng chân mày. Dưới đây là một số lưu ý để hạn chế nguy cơ nổi mụn ở chân mày:
- Rửa mặt đúng cách: hãy rửa mặt 2 lần/ ngày (sáng và tối) hoặc sau khi ra mồ hôi nhiều. Đảm bảo rửa mặt kỹ lưỡng, không bỏ sót bất kỳ vùng nào, đặc biệt là vùng chân mày để làm sạch hoàn toàn bụi bẩn và bã nhờn.
- Trang điểm: sử dụng các sản phẩm trang điểm không gây bít tắc lỗ chân lông, tránh các sản phẩm dạng dầu, sáp. Tránh để sản phẩm trang điểm dính vào vùng da chân mày hoặc dùng cọ chải lông mày (spoolie) hoặc bông tẩy trang với nước tẩy trang để làm sạch vùng chân mày sau khi trang điểm. Ngoài ra, nên tẩy trang kỹ để loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm trang điểm.
- Chế độ ăn uống: hạn chế thực phẩm có chỉ số GI (glycemic index) cao và thực phẩm từ sữa, vì chúng có thể làm tăng nguy cơ bị mụn. Duy trì lối sống lành mạnh, ngủ đủ giấc và hạn chế đồ uống có cồn để giảm stress, ổn định nội tiết tố, giúp hạn chế mụn.
- Tránh đụng chạm vùng da chân mày: bàn tay thường chứa nhiều vi khuẩn và bụi bẩn không nhìn thấy được. Tránh chạm tay vào vùng da chân mày và da mặt nói chung và rửa tay thường xuyên để giảm nguy cơ mụn. Tránh chà xát mạnh để không gây tổn thương da, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
- Vệ sinh dụng cụ chăm sóc da: các dụng cụ như cọ, nhíp và dao cạo có thể là nguồn gây nhiễm khuẩn. Nên vệ sinh và tiệt trùng các dụng cụ này trước và sau khi sử dụng để ngăn ngừa vi khuẩn và chất bẩn tiếp xúc với da.
Lưu ý khi điều trị mụn ở chân mày tại nhà
Vùng da chân mày rất nhạy cảm do gần mắt và vùng da quanh mắt. Do đó, cần lưu ý các điểm sau:
- Benzoyl peroxide: hoạt chất này thường được dùng khi da bị mụn, ở dạng gel hoặc dung dịch rửa mặt với nồng độ 5%. Tuy nhiên, benzoyl peroxide có thể làm nhạt màu lông và tóc, nên dùng lượng ít, vừa đủ.
- Tránh tiếp xúc với mắt: các hoạt chất dùng trong chăm sóc da có hoạt tính mạnh, có thể gây tổn thương cho giác mạc và kết mạc mắt nếu tiếp xúc.
- Sử dụng chế phẩm dạng chấm (spot treatment): những loại chế phẩm này được đặc chế cho việc trị mụn, với nồng độ hoạt chất thích hợp để chấm lượng ít vào đúng vị trí mụn. Sử dụng chế phẩm dạng chấm giúp trị mụn chính xác và hạn chế tác dụng không mong muốn.
Xem thêm các bài viết liên quan
Khi nào nên đến gặp Bác sĩ Da liễu?
Đôi lúc, tình trạng mụn ở chân mày có thể trở nên dai dẳng hoặc nghiêm trọng, cần có sự can thiệp chuyên sâu và thăm khám toàn diện của Bác sĩ Da liễu. Nên đến gặp Bác sĩ Da liễu khi xảy ra những tình huống sau đây:
- Mụn ở chân mày tiến triển nghiêm trọng: nếu mụn trở nên nghiêm trọng, xuất hiện mụn mủ (pustule) hoặc mụn bọc (cyst), điều này cho thấy mụn đã bị nhiễm khuẩn. Các dấu hiệu này có thể dẫn đến biến chứng như sẹo, nhiễm trùng da lan rộng, và ức chế nang lông gây rụng lông mày.
- Mụn không đáp ứng với điều trị thông thường: nếu sau 3-4 tuần sử dụng các phương pháp điều trị tại nhà mà mụn không cải thiện, có thể cần những biện pháp can thiệp chuyên sâu và tầm soát các bệnh lý tiềm ẩn. Trong trường hợp này, cần có sự đánh giá của Bác sĩ Da liễu.
- Thiếu tự tin khi tự điều trị tại nhà: chân mày là khu vực nhạy cảm và quan trọng với nhan sắc. Nếu không tự tin trong việc tự điều trị mụn ở chân mày, hãy gặp Bác sĩ Da liễu để được tư vấn đầy đủ. Chuyên môn và kinh nghiệm của Bác sĩ sẽ giúp giải tỏa lo âu và đảm bảo điều trị mụn chân mày hiệu quả.
Mụn ở chân mày có thể xuất phát từ cơ địa và thói quen chăm sóc da chưa đúng cách. Để phòng ngừa mụn, hãy chú trọng việc vệ sinh như rửa mặt, rửa tay và tẩy trang đúng cách. Có nhiều phương pháp điều trị tại nhà hiệu quả, nhưng nếu tình trạng không cải thiện, hãy đến gặp Bác sĩ Da liễu để được tư vấn chuyên sâu.
Liên hệ với Phòng khám Da liễu Doctor Acnes để được tư vấn và điều trị mụn chân mày một cách hiệu quả và an toàn. Chúc bạn luôn có làn da khỏe mạnh và rạng rỡ!
Tài liệu tham khảo
- “What Causes Acne Between Your Eyebrows, and How to Treat it“. Healthline
- “What causes pimples on eyebrows, and what do they mean?“. MedicalNewsToday
- “Can Salicylic Acid Help Treat Acne?“. Healthline
- Leyden J, Stein-Gold L, Weiss J. “Why Topical Retinoids Are Mainstay of Therapy for Acne“. Dermatol Ther (Heidelb). 2017 Sep;7(3):293-304. doi: 10.1007/s13555-017-0185-2. Epub 2017 Jun 5. PMID: 28585191; PMCID: PMC5574737