Mụn chai và cách điều trị hiệu quả

Ngày 30/07/2024. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
5
(1)

Mụn chai là những nốt mụn cứng, to và sâu dưới da, có thể gây đau đớn và tồn tại lâu dài. Mụn chai khó loại bỏ hơn các loại mụn khác vì chúng thường không có đầu. Loại mụn này gây nhiều phiền phức và dễ khiến bạn muốn nặn ngay lập tức. Tuy nhiên, việc nặn mụn tại nhà có thể làm tình trạng viêm nặng hơn, tăng nguy cơ nhiễm trùng và để lại sẹo. Để tìm hiểu cách loại bỏ mụn chai an toàn, hãy tham khảo bài viết sau đây!

Mụn chai là gì?

Mụn chai đại diện cho một loại tổn thương mụn riêng biệt, khác với loại mụn viêm có nhân. Đây là loại mụn cứng xuất hiện bên dưới bề mặt da, khó bị loại bỏ hơn các loại mụn khác do không có nhân và nằm sâu hơn. Mụn chai có dạng như những nốt sần trên da. Không giống với mụn nang, chúng khó bị tác động và có thể tồn tại từ vài tuần đến vài tháng.

Một số dấu hiệu nhận biết mụn chai thường gặp là:

  • Hình dạng là những cục u cứng (nốt mụn) mà có thể sờ thấy dưới da. Ở nam, chúng thường xuất hiện trên mặt, lưng hoặc ngực. Ở nữ, các nốt mụn thường phát triển ở xương hàm hoặc cằm.
  • Thường gây đau khi chạm vào.
  • Thường không có nhân.
hình ảnh mụn chai
Mụn chai xuất hiện bên dưới bề mặt da, khó bị loại bỏ hơn các loại mụn khác và có dạng như những nốt sần trên da

Nguyên nhân gây ra mụn chai

Dạng mụn trứng cá nghiêm trọng này phát triển tương tự như các loại mụn khác, xảy ra khi lỗ chân lông bị tắc nghẽn bởi tế bào da chết và bã nhờn. Khi lỗ chân lông bị tắc, vi khuẩn C. acnes sống tự nhiên trên da bị mắc kẹt bên trong, gây nhiễm trùng, viêm và đau. 

Lỗ chân lông bị tắc có thể do cơ thể tiết quá nhiều bã nhờn hoặc không làm sạch da đúng cách. Chúng cũng có thể là kết quả của:

  • Đổ mồ hôi quá nhiều: da đổ nhiều mồ hôi sẽ dễ bị mụn trứng cá hơn, đặc biệt nếu mặc quần áo khiến mồ hôi bám vào da. Những người mắc chứng tăng tiết mồ hôi (tình trạng gây đổ mồ hôi quá nhiều) có thể làm tăng nguy cơ phát triển mụn trứng cá.
  • Di truyền: có nhiều khả năng phát triển mụn trứng cá dạng nốt nếu có tiền sử gia đình mắc bệnh này.
  • Nội tiết tố: những người trẻ đang trải qua giai đoạn phát triển ở tuổi vị thành niên (dậy thì) có nhiều khả năng bị nổi mụn hơn khi nồng độ hormone thay đổi. Nồng độ hormone androgen tăng cao có thể khiến dầu tăng tiết trên da, dẫn đến tắc nghẽn lỗ chân lông. Thanh thiếu niên và thanh niên nam giới có nhiều hormone này hơn. Phụ nữ đang mang thai, đang có kinh nguyệt hoặc đang trong thời kỳ mãn kinh cũng có thể bị mụn trứng cá.
  • Thuốc: một số loại thuốc, bao gồm corticosteroid, có thể làm tình trạng mụn trứng cá trở nên trầm trọng hơn.
  • Sản phẩm chăm sóc da và mỹ phẩm: một số loại kem dưỡng, kem và đồ trang điểm có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông và dẫn đến nổi mụn.
  • Căng thẳng và lo lắng: sự lo lắng và căng thẳng gia tăng có thể khiến cơ thể tiết ra nhiều bã nhờn hơn khi nồng độ cortisol tăng lên. Cortisol là “hormone căng thẳng” của cơ thể.

Loại mụn này có thể kéo dài lâu hơn nếu cố gắng tìm cách nặn bằng tay. Việc này chỉ có thể gây nên tình trạng viêm nặng hơn mà không thể loại bỏ mụn chai.

những nguyên nhân gây ra mụn chai
Một số nguyên nhân hình thành mụn chai

Các phương pháp điều trị mụn chai hiện nay

Phương pháp điều trị nội khoa

Các phương pháp điều trị mụn trứng cá không kê đơn thường có chi phí thấp nhưng có thể không hiệu quả với mụn chai vì chúng chỉ nhắm vào bã nhờn và tế bào chết trên bề mặt da. Mụn chai ảnh hưởng đến các lớp sâu hơn của da nên cần phương pháp điều trị chuyên sâu hơn.

Điều trị mụn chai có thể mất ít nhất ba đến bốn tháng. Bác sĩ Da liễu sẽ đánh giá tình trạng da và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp, bao gồm nhiều liệu pháp kết hợp. Một số phương pháp điều trị mụn chai hiện nay gồm:

Isotretinoin 

Theo Học viện Da liễu Hoa Kỳ (AAD), isotretinoin là một loại vitamin A tổng hợp đường uống, được xem là phương pháp điều trị hàng đầu cho mụn chai. Mặc dù rất hiệu quả, isotretinoin có nhiều rủi ro và tác dụng phụ cần lưu ý. 

Đặc biệt, phụ nữ có ý định mang thai nên thận trọng vì sử dụng isotretinoin có thể gây sảy thai, sinh non, tử vong sau sinh hoặc dị tật bẩm sinh. Do đó cần tham khảo kỹ lưỡng với Bác sĩ trước khi sử dụng thuốc này.

Thuốc theo toa khác

Bác sĩ có thể kê thuốc kháng sinh đường uống ngắn hạn để loại bỏ vi khuẩn gây mụn và giảm viêm. Nếu không dùng được isotretinoin, Bác sĩ có thể khuyên dùng các chế phẩm điều trị tại chỗ kết hợp với kháng sinh như:

  • Benzoyl peroxide theo toa để làm sạch mụn và giảm viêm. 
  • Các chế phẩm chứa acid salicylic, retinoid giúp ngăn ngừa tắc lỗ chân lông. 
xử lý mụn chai
Một số phương pháp điều trị nội khoa có thể kể đến là sử dụng isotretinoin và thuốc theo toa khác như benzoyl peroxide hoặc các chế phẩm chứa acid salicylic hoặc retinoid

Các liệu pháp không truyền thống tác động ngoài da

Mụn chai có thể để lại sẹo ngay cả sau khi mụn đã lành. Những trường hợp mụn không đáp ứng với thuốc bôi hoặc thuốc uống có thể cần các liệu pháp can thiệp ngoài da. Các liệu pháp này không gây tác dụng phụ toàn thân, bao gồm:

  • Peel da: được Bác sĩ Da liễu khuyên dùng cho vùng da tổn thương.
  • Liệu pháp ánh sáng xanh hoặc điều trị bằng laser: laser 1064nm bước sóng dài và laser PDL 585nm hiệu quả trong việc giảm viêm và điều trị mụn viêm, trong khi ánh sáng xung mạnh IPL cải thiện tình trạng da tổng thể và giảm thâm sau mụn.
  • Tiêm corticosteroid: điều trị giảm đau do mụn chai viêm và giúp giảm viêm nhanh chóng.

Các phương pháp không truyền thống có ưu điểm là hiệu quả hơn và không để lại tác dụng phụ toàn thân. Lựa chọn phương pháp phù hợp và tuân theo hướng dẫn của Bác sĩ Da liễu là quan trọng để đảm bảo sự hiệu quả và tính an toàn khi điều trị mụn chai.

liệu pháp ko truyền thống
Các liệu pháp không truyền thống có ưu điểm là hiệu quả hơn và không để lại tác dụng phụ toàn thân

Làm thế nào để ngăn ngừa mụn chai?

Chăm sóc da là công việc hàng ngày đóng vai trò quan trọng để ngăn ngừa mụn chai. Tuy rất đơn giản nhưng nếu thực hiện đúng cách thì mới có được làn da sạch, đẹp, khỏe mạnh và tránh được những vấn đề về da, đặc biệt là mụn chai nói riêng và mụn nói chung:

  • Bước đầu tiên và quan trọng là làm sạch da mặt mỗi ngày. Nên rửa bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ để phòng tránh vi khuẩn tích tụ trên bề mặt da.
  • Tẩy trang là bước cần thiết nếu trang điểm thường xuyên để tránh tình trạng lỗ chân lông bị bít tắc lâu ngày làm tình trạng mụn càng thêm nghiêm trọng và khó điều trị. Thường xuyên vệ sinh các dụng cụ trang điểm để tránh vi khuẩn từ những dụng cụ này có thể gây hại cho da.
  • Sử dụng những sản phẩm chăm sóc da như kem dưỡng, mặt nạ, toner, tẩy tế bào chết… phù hợp với làn da của bản thân. Nên chọn những sản phẩm có tính dịu nhẹ và có ghi “không chứa cồn” trên nhãn nhằm tránh kích ứng khi sử dụng trên da. Nếu thuộc loại da nhạy cảm, nên tham khảo ý kiến Bác sĩ Da liễu để được tư vấn.
  • Sử dụng kem chống nắng mỗi ngày, nhất là khi phải ra ngoài. Nên chọn loại kem chống nắng phổ rộng, chống nước có chỉ số SPF từ 30 trở lên. Với những trường hợp đang dùng retinoid hay isotretinoin, việc sử dụng kem chống nắng lại càng cần thiết để bảo vệ làn da không bị cháy nắng.

Ngoài ra, có một số thói quen, hành động trong lối sống tưởng như là vô hại nhưng cần phải tránh để ngăn ngừa tình trạng mụn nghiêm trọng hơn:

  • Không sờ tay lên nốt mụn, không dùng tay nặn mụn, nhất là khi tay chưa được rửa sạch để hạn chế nguy cơ mụn bị chai sạm và thâm đen. Trước khi dùng mỹ phẩm, cần lưu ý rửa sạch tay.
  • Xây dựng lối sống sinh hoạt lành mạnh, đặc biệt là chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng để giúp cải thiện tình trạng mụn nói chung và mụn chai nói riêng.
  • Khi bị mụn cần điều trị mụn càng sớm càng tốt và lấy nhân mụn đúng cách, đảm bảo vệ sinh, an toàn, sạch sẽ.
ca lâm sàng
Ca lâm sàng điều trị mụn thành công tại Doctor Acnes

Tự điều trị mụn chai tại nhà có thể dẫn đến biến chứng như sẹo và thâm. Do đó, nên tìm đến Phòng khám Da liễu để được điều trị đúng cách. Phương pháp không truyền thống thường mang lại hiệu quả cao hơn và cần kết hợp với chăm sóc da đúng cách cùng lối sống lành mạnh. Thực hiện liệu trình điều trị theo chỉ định của Bác sĩ Da liễu có thể cải thiện làn da và giảm mụn chai một cách đáng kể.

Tài liệu tham khảo

  1. Hard pimples 101: Meaning, Causes, Treatment“. The Pink Foundry
  2. Nodular Acne“. Cleveland Clinic
  3. Mụn chai là gì? Cách điều trị và phòng ngừa ra sao?“. MEDLATEC
  4. Nodular acne: Definition and treatment options“. Medical News Today
  5. Zaenglein, Andrea L., et al. “Guidelines of care for the management of acne vulgaris“. Journal of the American academy of dermatology 74.5 (2016): 945-973
  6. Isotretinoin“. National Library of Medicine
  7. Angela Palmer. “How Nodular Acne Looks and How to Treat It“. Very Well Health
  8. Tan, Jerry, et al. “A treatment for severe nodular acne: a randomized investigator‐blinded, controlled, noninferiority trial comparing fixed‐dose adapalene/benzoyl peroxide plus doxycycline vs. oral isotretinoin.” British Journal of Dermatology 171.6 (2014): 1508-1516
  9. Acne“. National Institute of Arthritis and Musculoskeletal and Skin Diseases
  10. Alam M, Voravutinon N, et al. “Comparative effectiveness of nonpurpuragenic 595-nm pulsed dye laser and microsecond 1064-nm neodymium:yttrium-aluminum-garnet laser for treatment of diffuse facial erythema: A double-blind randomized controlled trial“. J Am Acad Dermatol. 2013 Sep;69(3):438-43. doi: 10.1016/j.jaad.2013.04.015. Epub 2013 May 17. PMID: 23688651
  11. Acne: Tips for managing“. American Academy of Dermatology Association
  12. WebMD Editorial Contributors. “10 Tips for Preventing Acne“. WebMD

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 5 / 5. Lượt đánh giá 1

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84