Tế bào gốc là gì? Phân loại và ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong thẩm mỹ da liễu

Được đăng bởi Doctor Acnes vào ngày 12/08/2020

“Tế bào gốc” là một trong những từ khóa “hot” hiện nay, nhất là cho những ai đang tìm cách cải thiện các khuyết điểm trên làn da. Tuy nhiên, các kết quả tìm kiếm được từ google có thể làm bối rối giữa các khái niệm như “tế bào gốc” và “yếu tố tăng trưởng”. Mặc dù những thông tin chính xác có thể được tìm thấy trong các bài báo khoa học và trang y tế, những bài viết này lại khá phức tạp và thường “chìm nghỉm” giữa hàng loạt quảng cáo serum, mặt nạ tế bào gốc, trị mụn hay trị sẹo với tế bào gốc. Vậy tế bào gốc là gì, có thật sự hiệu quả và an toàn hay không?

Tế bào gốc là gì? – Đặc điểm của tế bào gốc

Như tên gọi, tế bào gốc khác với những tế bào bình thường, chúng là những tế bào không chuyên biệt có khả năng tự làm mới và biệt hóa thành một hoặc nhiều loại tế bào chuyên biệt có chức năng khác nhau.

Khi cơ thể bị tổn thương, một tế bào gốc tự tái tạo sau đó phân chia tạo nên một tế bào gốc con và một tế bào tiền thân. Tế bào tiền thân là một loại tế bào trung gian được hình thành trước khi nó được biệt hóa hoàn toàn. Con đường phát triển từ tế bào gốc thành tế bào chuyên biệt như sau.

Tế bào gốc → Tế bào gốc + Tế bào tiền thân → Tế bào biệt hóa.

Đặc điểm của tế bào gốc

Tế bào gốc được đặc trưng bởi các tính chất sau.

  • Tính toàn năng (totipotency), vạn năng (pluripotency), đa năng (multipotency): tế bào gốc toàn năng là những tế bào chỉ có ở thời kỳ sớm của phôi thai, có thể biệt hóa thành tất cả các loại tế bào; từ những tế bào đầu tiên này mà phôi thai phát triển thành một cơ thể hoàn chỉnh. Tế bào gốc vạn năng có thể tạo thành khoảng 200 loại tế bào, trừ tế bào của màng phôi. Tế bào gốc đa năng giới hạn hơn, chỉ có thể biệt hóa thành một vài loại tế bào trưởng thành, như ở tế bào gốc trung mô (MSC). 
  • Tự đổi mới: khả năng phân chia mà không biệt hóa và tạo nguồn cung vĩnh cửu.
  • Tính linh hoạt: thể hiện rõ nhất ở tế bào gốc trung mô (MSC), tính chất này được thể hiện khi có tổn thương ở mô gây điều hòa hướng lên (upregulate) ở tế bào gốc và giải phóng các chất hóa học cùng yếu tố tăng trưởng.

Các loại tế bào gốc, làm sao để thu được chúng

Dựa trên nguồn gốc của chúng, các tế bào gốc được phân loại thành tế bào gốc phôi (ESC) và tế bào gốc trưởng thành (ASC) (còn gọi là tế bào gốc sau sinh hoặc tế bào gốc soma).

Tế bào gốc phôi (ESC): có nguồn gốc từ phôi 2-11 ngày tuổi, hiện nay chủ yếu thu từ các trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm. Đây là tế bào toàn năng – các tế bào hầu như có khả năng biệt hóa thành bất kỳ loại tế bào khác. Với tính chất này, có thể dùng ESC để sửa chữa hay tái tạo các cơ quan bị mất hay bệnh của cơ thể.

Tuy nhiên, sử dụng ESC gây tranh cãi về đạo đức do quá trình trích xuất tế bào gốc từ phôi thai được nhiều người cho là hủy đi một mầm sống. Ngoài ra, do đặc tính có thể phát triển “toàn năng” khó kiểm soát, tế bào gốc phôi tiềm ẩn các nguy cơ gây ung thư và quái thai. ESC chưa được sử dụng để trị liệu mà chỉ giới hạn trong nghiên cứu.

Tế bào gốc trưởng thành (ASC): tế bào gốc loại này được tìm thấy trong hầu hết các bộ phận trên cơ thể trưởng thành. Tế bào gốc trưởng thành vẫn có khả năng biệt hóa thành nhiều loại tế bào nhưng không phải tất cả các loại. Dù vậy tính linh hoạt của tế bào gốc cho phép chúng có thể phát triển vượt ngoài nguồn gốc của nó. Ví dụ, tế bào gốc tủy răng không chỉ phát triển thành mô răng mà còn có khả năng biệt hóa thành mô thần kinh.

Tùy thuộc vào nguồn gốc, các tế bào gốc trưởng thành có thể được phân loại thành tế bào gốc tạo máu (hemopoetic stem cells, HSC) và tế bào gốc trung mô (mesenchymal stem cells, MSC). Như tên gọi, HSC được lấy từ máu cuống rốn hoặc máu ngoại vi còn MSC có ở lớp trung bì của thai nhi và ở tủy xương, gan, mô da của người trưởng thành.

Các tế bào gốc có thể phân lập được từ các mô miệng – mặt như mô tủy răng trưởng thành, mô tủy của răng sữa rụng, dây chằng nha chu, nhú chóp răng và niêm mạc miệng.

Liệu pháp dựa trên tế bào gốc

Tế bào gốc trưởng thành đã được nghiên cứu như một liệu pháp tiềm năng cho nhiều bệnh lý khác nhau. Các đặc điểm sau đây của tế bào gốc giúp chúng trở thành ứng cử viên tốt cho liệu pháp dựa trên tế bào.

  1. Có thể thu được từ cơ thể bệnh nhân.
  2. Khả năng tăng sinh tế bào cao khi nuôi cấy.
  3. Dễ thao tác để thay đổi các gen không chức năng hiện có thông qua các phương pháp ghép gen.
  4. Khả năng di chuyển đến mô đích (homing).
  5. Khả năng tích hợp vào các mô chủ và tương tác với các mô xung quanh.

Các loại sản phẩm tế bào gốc được dùng trong thẩm mỹ hiện nay

Hiện nay, tế bào gốc được ứng dụng trong các quy trình thẩm mỹ theo hai cách sau.

Tế bào gốc tự thân

Đây là tế bào gốc được lấy từ chính cơ thể của người điều trị. Tế bào gốc toàn năng có thể thu được từ phôi hoặc nhau thai, dây cuống rốn; tế bào gốc vạn năng có thể thu được ở răng sữa rụng đi. Ở người trưởng thành, tế bào gốc HSC và MSC vẫn có thể phân lập được từ những nguồn như máu ngoại vi, tủy xương, mỡ. Việc sử dụng tế bào gốc từ chính cơ thể bản thân giúp hạn chế các tác dụng có hại hay dị ứng.

Tế bào gốc tự thân được sử dụng trong lành thương, tái tạo cơ quan hay điều trị các bệnh lý miễn dịch.

Sản phẩm từ công nghệ tế bào gốc

Với chi phí cao cùng kỹ thuật chuyên sâu để thu và nuôi cấy tế bào gốc tự thân, ứng dụng của liệu pháp này trong thẩm mỹ vẫn còn hạn chế. Hầu hết các mỹ phẩm như serum, mặt nạ “tế bào gốc”… hiện có trên thị trường chỉ là các sản phẩm chứa chiết xuất trong quá trình nuôi cấy tế bào gốc.

Tế bào gốc dùng nuôi cấy có thể có nguồn gốc thực vật, động vật và con người. Do các quan điểm đạo đức và quy định pháp luật, xu hướng nghiên cứu và phát triển chung hiện nay của các sản phẩm mới từ tế bào gốc là tập trung vào công nghệ sinh học và công nghệ nuôi cấy tế bào thực vật. 

Sản phẩm thu từ quá trình nuôi cấy không phải là tế bào gốc mà là chiết xuất môi trường và những chất sinh ra trong quá trình nhân lên của tế bào. Thành phần “tế bào gốc” trong các mỹ phẩm thực ra không phải là tế bào sống. Lợi ích giúp làn da mịn màng và săn chắc của các sản phẩm này là do các hoạt chất chứa trong chiết xuất, bao gồm chất chống oxy hóa, chất dinh dưỡng và yếu tố tăng trưởng. Đồng thời, quá trình nuôi cấy còn thu được những thành phần có hoạt tính sinh học thông thường không có sẵn trong tự nhiên hay khó tổng hợp hóa học.

Những thành phần có công dụng trị liệu trong thẩm mỹ gồm chất làm trắng arbutin từ tế bào gốc dừa cạn, liposome từ tế bào gốc táo giúp làm giảm nếp nhăn chân chim, chất chống oxy hóa từ tế bào gốc cà chua… 

Các sản phẩm tế bào gốc từ động vật có thể được sản xuất từ nhung hươu, mật gấu, nhau thai cừu…

Như vậy, so với việc chỉ sử dụng một hoặc hai yếu tố tăng trưởng, việc sử dụng tế bào gốc tự thân hay từ thực vật, động vật có thể tạo ra được hàng trăm yếu tố tăng trưởng có lợi và ổn định hơn cho da. Yếu tố tăng trưởng chính là thành phần mà làn da lão hóa thực sự cần. Trong tương lai, tiềm năng của liệu pháp tế bào gốc và các sản phẩm của nó chắc chắn sẽ còn được phát triển trong y học tái tạo nói chung và y học da liễu thẩm mỹ nói riêng.

Ứng dụng của tế bào gốc trong thẩm mỹ da liễu

Sản phẩm từ công nghệ tế bào gốc có thể sử dụng kết hợp trong các quy trình thẩm mỹ như lăn kim và peel da, cũng như có mặt trong nhiều dược mỹ phẩm.

Quy trình lăn kim trẻ hóa da mặt

Cấu tạo da - Phòng khám Doctor Acnes
Tế bào gốc biểu bì của da người và các tế bào con biệt hoa hóa từ tế bào gốc

Một nghiên cứu thực hiện trên 25 người phụ nữ châu Á nhận điều trị mỗi 2 tuần trong 12 tuần cho thấy hiệu quả của phương pháp kết hợp lăn kim và môi trường nuôi cấy tế bào tiền thân nội mô (EPC) biệt hóa từ tế bào gốc phôi người (hESC). Một bên mặt phải hoặc trái của mỗi người được điều trị ngẫu nhiên chỉ với bút lăn 0.25mm, bên còn lại được lăn kim kết hợp với môi trường nuôi cấy hESC – EPC. 

Kết quả nghiên cứu cho thấy sự cải thiện tốt hơn về sắc tố da, nếp nhăn và lỗ chân lông to sau lăn kim với hESC – EPC so với chỉ lăn kim đơn thuần. Kết quả này có thể giải thích thông qua nồng độ cao các yếu tố tăng trưởng và cytokine trong môi trường nuôi cấy. Yếu tố tăng trưởng và cytokine giúp cải thiện đáng kể sự tổng hợp collagen trong nguyên bào sợi, điều này có ích cho việc cải thiện các dấu hiệu lão hóa da.

Một số yếu tố tăng trưởng còn có tác dụng làm trắng da bằng cách ức chế quá trình tổng hợp melanin. Vì các phân tử có kích thước lớn như yếu tố tăng trưởng thường khó xuyên qua lớp biểu bì của da với số lượng đủ tạo ra tác dụng dược lý nên sử dụng bút lăn kim sẽ tăng cường sự thâm nhập qua da.

Hình ảnh ban đầu và sau 5 lần điều trị. Hình ảnh lâm sàng cho thấy sự cải thiện tốt hơn của nếp nhăn và lỗ chân lông to sau lăn kim với môi trường nuôi cấy tế bào tiền thân nội mô từ tế bào gốc phôi người (A, ban đầu; B, sau 5 lần điều trị) so với chỉ lăn kim đơn thuần (C, ban đầu; D, sau 5 lần điều trị)
Hình ảnh khu vực ngoại vi ban đầu và sau 5 lần điều trị. Hình ảnh lâm sàng cho thấy sự cải thiện tốt hơn của vết chân chim sau lăn kim với môi trường nuôi cấy tế bào tiền thân nội mô từ tế bào gốc phôi người (A, ban đầu; B, sau 5 lần điều trị) so với chỉ lăn kim đơn thuần (C, ban đầu; D, sau 5 lần điều trị)

Quy trình peel da trị sẹo rỗ

Sau quy trình peel da thường quy nhằm bỏ đi lớp trên của biểu bì, sử dụng một loại kem có chứa các yếu tố tăng trưởng có nguồn gốc từ tế bào gốc Malus domestica (táo xanh) thoa đều lên da. Chất kem này ngoài việc giúp trung hòa tác nhân peel còn thúc đẩy sự phát triển của các tế bào biểu bì mới. 

Peel da kết hợp tế bào gốc khi lặp lại nhiều lần giúp giảm nếp nhăn thông qua tăng sinh lớp trung bì. Peel da cũng làm trẻ hóa lớp trung bì và kích thích tổng hợp collagen, đây cũng là phương pháp chống lão hóa hóa hiệu quả. 

Peel da kết hợp tế bào gốc cũng có thể được sử dụng điều trị sẹo, đặc biệt là sẹo rỗ và sẹo thâm. Các thử nghiệm in-vivo và in-vitro cho thấy peel da tế bào gốc có thể điều trị sẹo rỗ. Trong đó, một nghiên cứu lâm sàng bao gồm 16 người bị sẹo rỗ được điều trị bằng peel da tế bào gốc. Tất cả đều cho thấy sự cải thiện rõ rệt độ rõ của sẹo sau 2 hoặc 3 lần peel liên tiếp cách nhau 15 ngày. Kết quả tối ưu được quan sát sau 6-7 lần peel. Có thể nói, peel da tế bào gốc là phương pháp hiệu quả và nhìn chung là an toàn để điều trị các vết sẹo rỗ cũng như trẻ hóa làn da.

Mỹ phẩm chăm sóc da

Tế bào gốc nuôi cấy của cà chua Lycopersicon esculentum đã cho thấy tiềm năng đáng kể trong việc bảo vệ da khỏi độc tính kim loại nặng. Mỹ phẩm được chiết xuất từ ​​môi trường nuôi cấy lỏng của L. esculentum chứa nồng độ cao các flavonoid và acid phenolic như rutin, coumaric, protocatechuic và acid chlorogenic. Chiết xuất tế bào gốc cà chua chứa hàm lượng cao các chất chống oxy hóa và tạo thành phức với kim loại, giúp thu giữ kim loại và ngăn ngừa sự phá hủy cấu trúc tế bào.

Một thử nghiệm lâm sàng khác sử dụng mỹ phẩm chứa chiết xuất liposome từ tế bào gốc táo (Malus domestica) đã cho thấy khả năng làm giảm đáng kể nếp nhăn ở vùng chân chim trên mặt. Độ sâu của nếp nhăn đo bằng thiết bị quang học cho thấy chúng trở nên nông hơn 8% sau 2 tuần và nông hơn 15% sau 4 tuần.

Tóm lại, công nghệ tế bào gốc ngày càng được sử dụng rộng rãi trong thẩm mỹ da liễu nhờ vào các bằng chứng lâm sàng đã được củng cố. Tuy nhiên, nhiều cơ sở làm đẹp vì không đủ kiến thức hoặc cố ý che giấu bản chất của các sản phẩm từ công nghệ tế bào gốc để thần thánh hóa các sản phẩm này nhằm trục lợi là một điều không nên. Cả Bác sĩ và bệnh nhân cần phân biệt rõ đâu là liệu pháp tế bào gốc và sản phẩm từ công nghệ tế bào gốc.

Nếu có nhu cầu điều trị với các sản phẩm từ công nghệ tế bào gốc uy tín và chính hãng, có thể đến với Phòng khám chuyên khoa Da liễu Doctor Acnes – Phòng khám chuyên sâu về điều trị mụn vào sẹo mụn hàng đầu và đáng tin cậy nhất hiện nay để thực hiện. Bệnh nhân cũng có thể liên hệ trực tiếp với Phòng khám để được hỗ trợ những vấn đề chưa rõ về công nghệ tế bào gốc bằng cách để lại thông tin và câu hỏi tại đây.

banner gruop facebook

Tài liệu tham khảo

  1. Geraldine Jain. “Stem cell peel”. 2nd International Conference and Exhibition on Cosmetology & Trichology
  2. Wesley M Jackson, Leon J Nesti, Rocky S Tuan. “Mesenchymal stem cell therapy for attenuation of scar formation during wound healing”. US National Library of Medicine
  3. Sonia Trehan, Bozena Michniak-Kohn, Kavita Beri. “Plant stem cells in cosmetics: current trends and future directions”. US National Library of Medicine
  4. Cho SW, Moon SH, Lee SH, Kang SW, Kim J, Lim JM, et al. “Improvement of postnatal neovascularization by human embryonic stem cell derived endothelial-like cell transplantation in a mouse model of hindlimb ischemia”. Circulation. 2007;116:2409-2419
  5. Lee MJ, Kim J, Lee KI, Shin JM, Chae JI, Chung HM. “Enhancement of wound healing by secretory factors of endothelial precursor cells derived from human embryonic stem cells”. Cytotherapy. 2011;13:165–178
  6. Fitzpatrick RE, Rostan EF. “Reversal of photodamage with topical growth factors: a pilot study”. J Cosmet Laser Ther. 2003;5:25–34
  7. Kim WS, Park SH, Ahn SJ, Kim HK, Park JS, Lee GY, et al. “Whitening effect of adipose-derived stem cells: a critical role of TGF-beta 1”. Biol Pharm Bull. 2008;31:606–610
  8. Seo KY, Kim DH, Lee SE, Yoon MS, Lee HJ. “Skin rejuvenation by microneedle fractional radiofrequency and a human stem cell conditioned medium in Asian skin: a randomized controlled investigator blinded split-face study”. J Cosmet Laser Ther. 2013;15:25–33
  9. Kim WS, Park BS, Park SH, Kim HK, Sung JH. “Antiwrinkle effect of adipose-derived stem cell: activation of dermal fibroblast by secretory factors”. J Dermatol Sci. 2009;53:96–102
  10. Park BS, Jang KA, Sung JH, Park JS, Kwon YH, Kim KJ, et al. “Adipose-derived stem cells and their secretory factors as a promising therapy for skin aging”. Dermatol Surg. 2008;34:1323–1326
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84