Mụn bọc là tình trạng mụn viêm nặng, có khả năng gây tổn thương tới cấu trúc sâu bên trong của da. Điểm khác biệt giữa mụn bọc và các loại mụn khác chính là mụn bọc không mọc ở nông mà chúng nằm sâu tới tận lớp đáy của da, nên nếu không điều trị đúng cách có thể để lại hậu quả là sẹo rỗ rất khó điều trị.
Vì vậy, người bị mụn bọc cần có sự tư vấn đúng cách từ các chuyên gia da liễu thông qua việc thăm khám và chỉ định các cách xử trí mụn bọc đúng đắn. Hãy cùng các Bác sĩ tại Doctor Acnes tìm hiểu những thông tin về đặc điểm nhận biết và cách điều trị mụn bọc qua bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan về mụn bọc
Mụn bọc là gì?
Mụn bọc (nodules) là tình trạng mụn viêm nặng nhất của mụn trứng cá. Không giống như những loại mụn khác (như mụn đầu đen), mụn bọc cần được điều trị bằng các sản phẩm kê toa bởi Bác sĩ, các loại sản phẩm không kê đơn (OTC) không có tác dụng với mụn bọc.
Nguyên nhân dẫn đến mụn bọc là do vi khuẩn C. acnes (Cutibacterium acnes), một loại vi khuẩn gram dương sống kỵ khí thường sống trên bề mặt da, khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ sinh sôi và phát triển tại nang lông khiến cơ thể phản ứng lại bằng cách huy động lực lượng bạch cầu đến các ổ vi khuẩn tạo thành các nốt mụn bọc, gây sưng viêm và đau nhức.
Một số nguyên nhân khác gây ra mụn bọc có thể kể đến như lỗ chân lông bị bít tắt, da tiết nhiều dầu và bã nhờn, rối loạn nội tiết tố hay sử dụng corticoid kéo dài…
Ngoài ra, thường có sự nhầm lẫn giữa mụn bọc (nodules) và mụn nang (cysts) vì cả 2 loại mụn này đều hình thành sâu bên dưới bề mặt da; hình dạng đều như cục nhọt lớn, màu đỏ hoặc trắng gây đau; đều có mủ dày đặc nằm sâu dưới lớp da; thời gian tồn tại trên da vài tuần đến vài tháng và rất dễ để lại vết thâm hoặc sẹo nếu điều trị sai cách.
Mụn nang (cysts) là dạng mụn trứng cá nặng nhất, có kích thước lớn nhất, chứa đầy mủ, gây tổn thương sâu dưới bề mặt da và rất dễ để lại sẹo. Nhìn chung, mụn nang chứa đầy mủ nên mềm hơn mụn bọc và có thể nhìn thấy mủ bằng mắt thường.
Mụn nang phát triển khi lỗ chân lông bị tắc bởi sự kết hợp của vi khuẩn, bã nhờn và tế bào chết. Mụn bọc (nodules) cũng là dạng mụn trứng cá nặng, có đặc trưng là sưng, đỏ, kích thước lớn nhưng cứng và sần hơn mụn nang, sờ vào thấy đau. Mụn bọc cũng là kết quả của việc lỗ chân lông bị bít tắc.
Đặc điểm nhận biết mụn bọc
Mụn bọc thường xuất hiện ở mặt, cổ, lưng và ngực. Giai đoạn đầu chỉ là những nốt mụn nhỏ, có màu đỏ và hơi sần cứng, lâu dần mụn sẽ có đường kính lớn hơn, hình thành mủ, sưng to và gây đau nhức, nếu mụn vỡ sẽ có cả mủ và máu. Mụn bọc thường tồn tại dai dẳng trong vài tuần đến vài tháng (tuỳ vào trường hợp nhẹ hay nặng), mụn bọc hình thành gây đau nhức, ngứa ngáy rất khó chịu ngay tại nốt mụn.
Các đặc điểm chính của mụn bọc trên lâm sàng bao gồm:
- Mụn có đường kính lớn
- Sưng to, gây đau nhức
- Xuất hiện ở mặt, cổ, lưng, ngực
- Không có đầu mụn
Quá trình hình thành mụn bọc
Quá trình hình thành mụn bọc trải qua 4 giai đoạn như sau:
Giai đoạn 1: Hình thành mụn
Chất nhờn bị ứ đọng trong lỗ chân lông, không thoát được ra ngoài do da không được làm sạch đúng cách và tẩy da chết đều đặn (1-2 lần/tuần) sẽ làm lỗ chân lông sẽ bị bít tắc gây nên mụn đầu trắng/ mụn đầu đen. Mụn đầu đen là nhân trứng cá nằm trong lỗ chân lông hở miệng nên bị oxy hóa khi tiếp xúc với không khí tạo thành màu đen, khi nặn ra thấy có nhân cứng, phần trên đen, phần dưới màu trắng đục. Mụn đầu trắng/ mụn đầu đen là tổn thương sớm nhất của mụn trứng cá, nếu không được xử lý có thể chuyển thành mụn viêm.
Giai đoạn 2: Viêm nhiễm
Khi mụn bị vi khuẩn C. acnes, một loại vi khuẩn gram dương sống kỵ khí thường sống trên bề mặt da tấn công, vùng da xung quanh mụn đỏ lên và sưng tấy, đau nhẹ khi sờ vào.
Giai đoạn 3: Mưng mủ
Vi khuẩn ngày càng sinh sôi sẽ khiến da bị mưng mủ, tuy nhiên giai đoạn này sự viêm chỉ giới hạn ở nang lông.
Giai đoạn 4: Mụn bọc
Mụn bắt đầu sưng to hơn và nhức nhiều hơn, do tình trạng viêm nhiễm đã xâm nhập vào sâu dưới da, phá vỡ cấu trúc nang lông-tuyến bã. Mụn bọc thường không có đầu mụn trên bề mặt da vì nhân mụn bọc nằm sâu bên trong da khiến việc lấy nhân mụn và điều trị mụn bọc trở nên khó khăn. Việc tự nặn mụn sai cách và sai thời điểm có thể dẫn đến bội nhiễm thêm các loại vi khuẩn khác, mụn bọc chẳng những không thuyên giảm mà còn sưng to hơn.
Đối tượng thường gặp mụn bọc
Các đối tượng dễ bị mụn bọc bao gồm:
- Người có làn da dầu: lượng dầu tiết ra nhiều nhất ở những vùng trán, mũi, cằm nên đây cũng là các khu vực dễ nổi mụn bọc nhất vì chất nhờn rất dễ làm làm lỗ chân lông bị bít tắt.
- Người đang tuổi đang dậy thì, phụ nữ khi chuẩn bị đến kỳ kinh nguyệt, phụ nữ đang mang thai và những người mới bước vào giai đoạn tiền mãn kinh: nồng độ hormone trong cơ thể thay đổi sẽ khiến da tăng tiết bã nhờn, gây nên tình trạng bít tắc lỗ chân lông và tăng nguy cơ hình thành mụn bọc.
- Người bị rối loạn chức năng bài tiết: khi các hệ bài tiết của cơ thể như gan, thận hoạt động không hiệu quả sẽ khiến cơ thể tích tụ nhiều độc tố. Nếu tình trạng này kéo dài, cơ thể sẽ điều chỉnh và tăng cường chức năng bài tiết bã nhờn qua lỗ chân lông để đào thải độc tố, khiến da bị bóng dầu và bít tắc lỗ chân lông, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây mụn phát triển.
Điều trị mụn bọc
Các sản phẩm không kê đơn (OTC) như acid salicylic và benzoyl peroxide (hai thành phần OTC được sử dụng rộng rãi trong trị mụn) thường không có tác dụng hiệu quả với mụn bọc vì với nồng độ các hoạt chất này trong các sản phẩm không kê đơn chỉ có thể giúp loại bỏ bã nhờn dư thừa và tế bào da chết trên bề mặt da chứ không tác động sâu bên dưới da, trong khi mụn bọc là loại mụn nằm sâu tới tận lớp đáy của da.
Điều trị mụn bọc cần các loại dược phẩm chuyên biệt, được Bác sĩ chuyên khoa Da liễu chỉ định tùy trường hợp cụ thể. Bệnh nhân có thể dùng thuốc bôi trực tiếp lên vết mụn hoặc dùng đường uống. Dưới đây là các thuốc để điều trị mụn bọc thường được chỉ định bởi các Bác sĩ Da liễu:
Thuốc bôi tại chỗ (topical acne medications)
Kháng sinh bao gồm erythromycin, clindamycin, sulfacetamide và dapsone: tiêu diệt vi khuẩn bị mắc kẹt trong lỗ chân lông.
Retinoids là dẫn xuất của vitamin A, hỗ trợ làm thông thoáng lỗ chân lông và làm sạch bã nhờn. Retinoids đường bôi sử dụng phổ biến nhất là tretinoin và adapalene.
Benzoyl peroxide (prescription-strength benzoyl peroxide), acid salicylic (prescription-strength salicylic acid): nồng độ cao hơn so với các sản phẩm OTC, hỗ trợ loại bỏ dầu thừa và tế bào chết bị kẹt sâu trong nốt mụn.
*Lưu ý:
- Thuốc bôi tại chỗ không có hiệu quả đối với trường hợp mụn bọc nặng nằm sâu dưới da.
- Benzoyl peroxide và retinoids không được khuyến cáo dùng cho phụ nữ có thai.
Kháng sinh đường uống
Trong trường hợp mụn bọc tái phát sau khi điều trị hoặc mụn bọc lan rộng khắp mặt hoặc khắp cơ thể, Bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh đường uống để loại bỏ hay làm chậm sự phát triển của vi khuẩn gây mụn C. acnes. Hai kháng sinh đường uống được kê đơn phổ biến là doxycycline và minocycline.
*Lưu ý: doxycycline và minocycline chống chỉ định cho phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 9 tuổi.
Isotretinoin đường uống
Isotretinoin là dẫn xuất từ vitamin A, là một loại thuốc retinoid mạnh cực kỳ hiệu quả trong điều trị mụn nghiêm trọng. Tuy nhiên, có thể mất vài tháng để isotretinoin phát huy hết tác dụng. Theo các khuyến cáo da liễu hiện hành, isotretinoin được chỉ định để điều trị mụn trứng cá nặng mà không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Một số bệnh nhân có thể khỏi mụn trứng cá nặng nói chung và mụn bọc nói riêng chỉ sau một liệu trình điều trị bằng isotretinoin đường uống (ở liều bình thường với thời gian 5-6 tháng hoặc liều thấp trong 10-12 tháng).
*Lưu ý:
- Isotretinoin không khuyến cáo dùng cho phụ nữ có thai (ước tính có khoảng 20% –35% nguy cơ dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh khi tiếp xúc với thuốc ở giai đoạn bao thai)
- Một số tác dụng phụ thường gặp của isotretinoin:
- Khô hoặc bong tróc da, đau và nứt môi, ngứa
- Tăng nồng độ triglyceride trong máu
- Nhạy cảm với ánh nắng mặt trời
Trong một nghiên cứu so sánh hiệu quả trị mụn bọc giữa doxycycline (dạng uống) + adapalene/benzoyl peroxide (dạng bôi) (D+A/BPO) so với isotretinoin của Jerry Tan và các cộng sự năm 2014, isotretinoin cho khả năng vượt trội về việc giảm các nốt sần, mụn mủ trong 20 tuần so với D+A/BPO. Trong khi đó, D+A/BPO cho thấy tác dụng sớm hơn trong việc làm giảm các nốt sần, mụn mủ ở tuần thứ 2 so với isotretinoin, đồng thời sự kết hợp này là sự lựa chọn an toàn đối với những bệnh nhân không dung nạp với isotretinoin.
Ngoài ra, để điều trị mụn bọc, Bác sĩ còn có thể chỉ định một số liệu trình vật lý/hóa học điều trị mụn chuyên sâu như:
Peel da hoá học: là quy trình tái tạo bề mặt da bằng việc sử dụng hoạt tính tẩy tế bào chết của các tác nhân thường là các acid lành tính. Đây là quy trình thẩm mỹ phổ biến nhất, được sử dụng để điều trị mụn trứng cá và các rối loạn da khác trong nhiều thập kỷ. Cơ chế hoạt động của peel da nhắm vào tất cả các cơ chế bệnh sinh của mụn trứng cá nói chung và các loại mụn khác như mụn bọc. Peel da hoà tan lớp sừng, phá huỷ có kiểm soát lớp biểu bì, trung bì và gây bong tróc lớp da chết sau đó, ly giải keratin tại nang lông và kích thích nhân mụn trồi lên, gom cồi.
Mesotherapy trị mụn: là phương pháp trị liệu sử dụng kim tiêm để đưa trực tiếp vào da những lượng thuốc nhỏ có tính chất kháng viêm giúp nốt mụn giảm sưng viêm nhanh chóng. So với phương pháp bôi (thoa) thông thường trên bề mặt, tiêm mesotherapy đưa được lượng lớn dược chất vào sâu trong da và mang lại hiệu quả cao hơn vì tránh được sự cản trở hấp thu của lớp sừng cũng như sự phân hủy hóa học xảy ra trên bề mặt da.
Quang động trị liệu: là phương pháp điều trị không xâm lấn sử dụng các chất nhạy cảm ánh sáng để tăng cường hoạt tính trên da của các liệu pháp ánh sáng như ánh sáng sinh học, xung ánh sáng cực mạnh – IPL hay laser. Quang động trị liệu đã được chứng minh có tác dụng cho cả tình trạng mụn không viêm và mụn viêm từ trung bình đến nặng theo nghiên cứu của Uma Keyal được đăng tải năm 2016.
Liệu pháp laser: là phương pháp điều trị sử dụng ánh sáng tập trung và đơn sắc từ tia laser. Theo nghiên cứu của Ming Jih và các cộng sự năm 2007 về việc sử dụng liệu pháp laser để điều trị mụn trứng cá, các thiết bị laser đã được sử dụng bao gồm: potassium titanyl phosphate (KTP) laser, 585- and 595-nm pulsed dye lasers, 1450-nm diode laser đã chứng minh là có hiệu quả cho mụn trứng cá từ trung bình đến nặng và cải thiện đáng kể sẹo mụn.
Xem thêm các bài viết liên quan
Mụn bọc có để lại sẹo không?
Thông thường sau khi điều trị mụn bọc, da sẽ có thể tiếp tục gặp phải 2 vấn đề sau. Thường gặp nhất là tình trạng thâm mụn, đây là không phải là sẹo, thâm mụn là sự thay đổi sắc tố da sau viêm, do cơ chế tự bảo vệ của làn da tránh khỏi các tác nhân bên ngoài. Tình trạng này có thể kéo dài 6-12 tháng nếu không sử dụng bất kỳ phương thức điều trị nào. Cũng có thể trị thâm mụn bằng các sản phẩm chứa hoạt chất như vitamin C, acid azelaic, acid kojic… hay các phương pháp như laser, mesotherapy, peel da hóa học…
Một hậu quả thường gặp khác của mụn bọc là sẹo rỗ. Mụn bọc khi không được điều trị đúng cách và kịp thời sẽ khiến các ổ viêm tại nốt mụn bọc nhiều hơn, các nang lông liên tiếp bị vi khuẩn tấn công, làm đứt gãy các tế bào sợi collagen và elastin, phá hủy tế bào da, gây thiếu hụt cấu trúc da, là nguyên nhân dẫn đến việc hình thành sẹo rỗ.
Ngoài ra, việc tác động, sờ nặn mụn bọc sai cách sẽ khiến cho vi khuẩn phát triển mạnh hơn, ăn sâu xuống tầng trung bì da, tạo thành các mô xơ sẹo, mất collagen cũng để lại hậu quả là sẹo rỗ sâu dưới da.
Điều trị sẹo rỗ nhìn chung khó khăn, tốn thời gian và cần sự kiên nhẫn. Một số phương pháp trị sẹo phổ biến bao gồm: tái tạo da bằng laser, lăn kim, tiêm chất làm đầy, huyết tương giàu tiểu cầu PRP… Tuy nhiên, sẹo rỗ gần như không thể chữa khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể cải thiện “diện mạo” của sẹo giúp chúng trở nên giống hơn với vùng da bình thường nên việc chăm sóc da mụn đúng cách nhằm ngăn ngừa sẹo là điều cực kỳ quan trọng.
Bảng giá dịch vụ điều trị mụn tại Phòng khám Doctor Acnes
✅ Phương pháp | ✅ Giá | ✅ Giá HSSV |
⭐Laser 1064 nm xung dài chuẩn FDA (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) | 1.300.000 | 1.200.000 |
⭐Laser PDL xung dài chuẩn FDA (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) | 1.400.000 | 1.300.000 |
⭐IPL Cellec V trị mụn | 600.000 | 550.000 |
⭐Quang động trị liệu | 1.500.000 | 1.400.000 |
⭐Mesotherapy trị mụn (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) | 700.000 | 600.000 |
⭐Mesotherapy trị mụn và kiểm soát bã nhờn (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) | 2.500.000 | 2.400.000 |
⭐Peel da với salicylic acid 20% chuẩn CE | 600.000 | 550.000 |
⭐Peel da với salicylic acid 30% chuẩn CE | 600.000 | 550.000 |
⭐Peel với glycolic acid 35% chuẩn CE | 600.000 | 550.000 |
⭐Peel với glycolic acid 50% chuẩn CE | 600.000 | 550.000 |
⭐Peel da với salicylic acid và retinol chuẩn CE | 800.000 | 700.000 |
Tóm lại, mụn bọc là tình trạng mụn viêm nghiêm trọng và có nhân mụn nằm sâu bên trong da nên các sản phẩm không kê đơn (OTC) không có hiệu quả với mụn bọc. Thay vào đó, mụn bọc cần được điều trị bằng các loại thuốc kê toa bởi Bác sĩ Da liễu bao gồm thuốc bôi trị mụn, kháng sinh đường uống, isotretinoin đường uống.
Bác sĩ cũng có thể chỉ định phối hợp các phương pháp vật lý/ hóa học khác để xử lý tình trạng mụn bọc như trị liệu bằng laser, mesotherapy, quang động trị liệu… Mụn bọc có thể chữa khỏi hoàn toàn khi tuân thủ đúng theo chỉ định và hướng dẫn của Bác sĩ Da liễu. Không tự ý ngưng thuốc hay đổi thuốc mà không có sự tư vấn từ Bác sĩ khiến hiệu quả điều trị mụn bọc không được như mong muốn.
Tài liệu tham khảo
- “What Is Nodular Acne and How Is It Treated?”, Healthline.com
- “Acne Solution – Treat the Gut, Treat the Liver”, Boulder Natural Health
- E J Lammer, D T Chen, R M Hoar, N D Agnish, P J Benke, J T Braun, C J Curry, P M Fernhoff, A W Grix Jr, I T Lott, et al, “Retinoic acid embryopathy. The New England journal of medicine”, N Engl J Med . 1985 Oct 3;313(14):837-41
- Tan, J., Humphrey, S., Vender, R., Barankin, B., Gooderham, M., Kerrouche, N., Audibert, F., Lynde, C. et al, “A treatment for severe nodular acne: a randomized investigator-blinded, controlled, noninferiority trial comparing fixed-dose adapalene/benzoyl peroxide plus doxycycline vs. oral isotretinoin”. Br J Dermatol, 2014 171: 1508-1516
- Keyal, U., Bhatta, A. K., & Wang, X. L.. “Photodynamic therapy for the treatment of different severity of acne: A systematic review”. Photodiagnosis and photodynamic therapy, 2016 Jun;14:191-9
- Jih, M. H., & Kimyai-Asadi, A.. “Laser treatment of acne vulgaris”. Seminars in plastic surgery, 2007 Aug; 21(3): 167–174