Mụn bọc ở lưng: nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả

Ngày 31/07/2023. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
0
(0)

Mụn bọc ở lưng là tình trạng mụn trứng cá ở mức độ nghiêm trọng để lại cảm giác đau nhức khó chịu cho bệnh nhân. Tuy nhiên mụn bọc ở lưng có thể điều trị dứt điểm nếu bệnh nhân tuân theo hướng dẫn điều trị của Bác sĩ Da liễu và tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về sử dụng. Hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu về nguyên nhân, cách điều trị mụn bọc ở lưng trong bài viết dưới đây!

Đặc điểm mụn bọc ở lưng

Mụn bọc (nodular acne) là tình trạng viêm nặng nhất của mụn trứng cá, gây tổn thương vào cấu trúc nằm sâu dưới bề mặt của da. Ở giai đoạn đầu mụn bọc có biểu hiện chỉ là các nốt mụn nhỏ, màu da hoặc đỏ, sần cứng và không có nhân như mụn đầu trắng hay mụn đầu đen. Theo thời gian kích thước mụn tăng dần kèm theo tạo mủ, sưng to, gây viêm và đau nhức, khi mụn vỡ sẽ kèm theo mủ lẫn máu. Mụn bọc thường xuất hiện và kéo dài dai dẳng trong vài tuần đến vài tháng tùy mức độ và tình trạng.

Mụn bọc ở lưng là tình trạng mụn trứng cá ở mức độ nghiêm trọng để lại cảm giác đau nhức khó chịu cho bệnh nhân
Mụn bọc là tình trạng viêm nặng nhất của mụn trứng cá, gây tổn thương vào cấu trúc nằm sâu dưới bề mặt của da

Mụn bọc thường gặp ở vùng lưng, ngực, vai và cổ trong đó vùng lưng trên là vùng thường xuyên xuất hiện mụn bọc. Mụn bọc ở lưng thường gặp ở nam giới hơn so với nữ giới, gặp ở cả người lớn và người ở độ tuổi vị thành niên.

Mụn bọc rất dễ hình thành sẹo sau khi lành thương, kiểu sẹo chủ yếu là sẹo lồi.

Nguyên nhân hình thành mụn bọc ở lưng

Tương tự mụn trứng cá, mụn bọc ở lưng cũng được hình thành bởi nguyên nhân chính là do các lỗ chân lông trên da bị bít tắc bởi bụi bẩn, tế bào da chết, mồ hôi và bã nhờn kèm theo sự tăng sinh quá mức của vi khuẩn Propionibacterium acnes (gọi tắt là vi khuẩn P. acnes) gây nên phản ứng viêm nằm sâu bên dưới da. Ngoài ra, có thể kể đến các yếu tố khác làm tăng nguy cơ mụn bọc ở lưng như.

  • Hormone: sự thay đổi về hormone trong cơ thể dẫn đến sự gia tăng bài tiết bã nhờn làm tăng nguy cơ bị mụn, nhất là ở tuổi dậy thì hay ở phụ nữ có thai.
  • Tiền sử gia đình: những người có người thân trong gia đình bị mụn bọc thường có nguy cơ nổi mụn bọc cao hơn.
  • Vệ sinh cơ thể và mỹ phẩm: vùng lưng là vị trí khó vệ sinh, da dày và nhiều tuyến tiết bã nhờn nên rất dễ bị nổi mụn. Bên cạnh đó, một số loại thuốc uống, kem hay lotion cũng có thể góp phần gây mụn bọc ở lưng.
  • Chế độ ăn uống và sinh hoạt: chế độ ăn nhiều bột đường và lối sống thiếu khoa học như thức khuya, mền gối không sạch sẽ cũng có thể khiến cho mụn bọc ở lưng phát triển.
  • Ma sát với áo quần: lỗ chân lông bị bịt kín do áo quần dính sát vào lưng sau khi cơ thể tiết mồ hôi lúc vận động kèm với sự ma sát làm tăng nguy cơ bị mụn bọc ở lưng.
Nguyên nhân chính là do các lỗ chân lông trên da bị bít tắc kèm theo sự tăng sinh quá mức của vi khuẩn P. acnes

Cách điều trị mụn bọc ở lưng

Như đã đề cập ở trên, mụn bọc là tình trạng mụn viêm nặng. Để điều trị thành công mụn bọc ở lưng, bệnh nhân phải đến thăm khám với Bác sĩ Da liễu để có liệu trình phù hợp. Tất cả các loại thuốc điều trị mụn bọc đều là các loại thuốc phải được kê đơn bởi Bác sĩ Da liễu, bệnh nhân tuyệt đối không tự ý mua thuốc để tự điều trị tại nhà hay sử dụng các loại thuốc, các sản phẩm không được khuyến cáo bởi Bác sĩ Da liễu.

Kháng sinh

Kháng sinh được chỉ định để điều trị mụn bọc ở lưng phối hợp cùng các thuốc bôi trị mụn như benzoyl peroxide, retinoid.

Cơ chế tác động chính của kháng sinh là tiêu diệt vi khuẩn P. acnes và giảm viêm. Kháng sinh đầu tay được sử dụng đó là doxycycline (100-200mg/ngày), tetracycline (500-1000mg/ngày) và erythromycin (500-1000mg/ngày). Sữa và thức ăn làm giảm hấp thu tetracyclin nên chỉ uống khi bụng đói. Vì lý do này, doxycycline thường được dùng hơn so với tetracycline do không bị giảm hấp thụ bởi thức ăn, tuy nhiên doxycycline lại có chống chỉ định với trẻ em dưới 8 tuổi, phụ nữ có thai hay đang cho con bú. Erythromycin có hiệu quả tương đương tetracycline và an toàn với trẻ em cũng như phụ nữ có thai.

Lựa chọn kháng sinh thứ hai là minocycline (100-200mg/ngày), tuy nhiên nên cân nhắc khi sử dụng do tác dụng phụ nhiều hơn so với doxycycline.

Lựa chọn thứ ba khi các phương án trên không có hiệu quả là cotrimoxazol (2-4 viên/ngày với mỗi viên chứa 400mg sulfamethoxazole và 80mg trimethoprim).

Cần lưu ý rằng kháng sinh đường uống không dùng chung với kháng sinh dùng ngoài hoặc đơn trị liệu để tránh đề kháng kháng sinh.

Kháng sinh
Cơ chế tác động chính của kháng sinh là tiêu diệt vi khuẩn P. acnes và giảm viêm

Isotretinoin

Isotretinoin được chỉ định cho trường hợp mụn bọc ở lưng nghiêm trọng khi.

  • Đã dùng kháng sinh đường uống kết hợp với benzoyl peroxide và retinoid bôi ngoài da trong thời gian 6-8 tuần mà chưa thuyên giảm.
  • Có sẹo mức độ trầm trọng kèm theo.
  • Đang căng thẳng do tình trạng mụn.

Điều trị mụn bọc ở lưng cần isotretinoin liều cao, cụ thể liều tích lũy cần đạt được với isotretinoin là 120-150mg/kg, kéo dài trong 16-24 tuần.

Isotretinoin được chỉ định cho trường hợp mụn bọc ở lưng nghiêm trọng
Isotretinoin được chỉ định cho trường hợp mụn bọc ở lưng nghiêm trọng

Các liệu pháp phối hợp

So với mụn bọc trên mặt, mụn bọc ở lưng thường đáp ứng chậm hơn với điều trị. Do đó cần một chiến lược điều trị đa tác động, kết hợp nhiều phương pháp khác nhau để đẩy nhanh hiệu quả điều trị mụn bọc ở lưng. Bên cạnh điều trị nền tảng là kháng sinh và isotretinoin đường uống, Bác sĩ Da liễu có thể kết hợp thêm các liệu pháp ánh sáng hoặc tiêm corticoid dưới da để đẩy nhanh hiệu quả điều trị mụn bọc ở lưng.

Phương pháp quang động trị liệu với acid 5-aminolevulinic bôi ngoài kết hợp ánh sáng xung mạnh (IPL) hay các nguồn sáng khác đã cho thấy hiệu quả rất tích cực trong điều trị mụn bọc. Một nghiên cứu thực hiện trên người châu Á cho thấy chỉ sau 1 lần quang động trị liệu với 5-aminolevulinic 5%, tỉ lệ mụn viêm giảm đến 64,2% sau 12 tuần theo dõi.

IPL khi kết hợp cùng laser fractional CO2 giúp làm tổn thương mụn viêm và giảm nguy cơ sẹo. Các chỉ số melanin, chỉ số ban đỏ và lượng bã nhờn của da giảm đáng kể sau khi điều trị bằng IPL.

Laser Nd:YAG 1064nm xung dài cũng làm giảm mụn bọc thông qua cơ chế tiêu diệt vi khuẩn P. acnes và giảm kích thước tuyến tiết bã nhờn.

Corticosteroid tiêm trực tiếp tại vị trí nốt mụn có thể cân nhắc trong trường hợp mụn bọc ở lưng có tình trạng viêm quá nặng. Hoạt chất được sử dụng là triamcinolone acetonide với liều dùng 0,1ml triamcinolone acetonide nồng độ 0,6mg/ml pha trong NaCl 0,9% cho mỗi cm đường kính của nốt mụn.

Các liệu pháp phối hợp để điều trị mụn lưng

Xem thêm các bài viết liên quan

Lưu ý khi điều trị mụn bọc ở lưng

Tất cả các thuốc điều trị mụn bọc ở lưng đều là thuốc kê đơn đi kèm nhiều cân nhắc khi sử dụng. Bệnh nhân tuyệt đối không được tự mua thuốc về để sử dụng. Nên đi khám ở các phòng khám chuyên khoa để các Bác sĩ Da liễu đánh giá tình trạng mụn để đưa ra phương án điều trị mụn phù hợp, thường xuyên tái khám để đánh giá tình trạng đáp ứng của thuốc từ đó quyết định tiếp tục liệu pháp đang sử dụng hoặc là đổi sang phương pháp khác.

Đặc biệt lưu ý khi sử dụng isotretinoin cho phụ nữ. Chống chỉ định cho phụ nữ có thai hoặc người có ý định có thai trong thời gian sử dụng thuốc.

Ca lâm sàng điều trị mụn thành công tại Doctor Acnes
Ca lâm sàng điều trị mụn thành công tại Doctor Acnes

Mụn bọc ở lưng là tình trạng viêm nặng nhất của mụn trứng cá xuất hiện chủ yếu ở vùng lưng trên, gây tổn thương vào cấu trúc nằm sâu dưới bề mặt của da. Mụn bọc không chỉ gây khó chịu mà còn làm mất thẩm mỹ, khi lành còn có nguy cơ để lại sẹo. Tương tự mụn trứng cá, mụn bọc có nguyên nhân chính là sự bít tắc lỗ chân lông kèm theo sự tăng sinh của vi khuẩn P. acnes. Để điều trị mụn bọc ở lưng, cần kết hợp điều trị nội khoa bao gồm kháng sinh hoặc isotretinoin đường uống kết hợp với các liệu pháp ánh sáng. Bệnh nhân cần đến thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín để Bác sĩ Da liễu chẩn đoán, kê đơn cũng như theo dõi tình trạng diễn tiến bệnh từ đó điều chỉnh liệu pháp điều trị phù hợp.

Tài liệu tham khảo

  1. Oon HH, Wong SN, Aw DCW, Cheong WK, Goh CL, Tan HH. “Acne Management Guidelines by the Dermatological Society of Singapore“. J Clin Aesthet Dermatol, 12(7):34-50
  2. Woo YR, Kim HS. “Truncal Acne: An Overview“. Journal of Clinical Medicine, 11(13):3660
  3. Acne vulgaris: management“. NICE
  4. Acne Vulgaris“. MSD Manual

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 0 / 5. Lượt đánh giá 0

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84