Mụn là một vấn đề da liễu phổ biến, xuất hiện ở nhiều độ tuổi và đối tượng khác nhau, trong đó mụn ở cằm thường gây khó chịu do dễ tái phát và thường kèm theo sưng đau. Để cải thiện và kiểm soát tình trạng này, việc xác định chính xác nguyên nhân gây mụn là yếu tố then chốt. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về nguyên nhân và cách điều trị mụn ở cằm một cách hiệu quả.
Nguyên nhân gây nổi mụn ở cằm
Mụn ở cằm có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, thường biến đổi tùy theo cơ địa và tình trạng của từng cá nhân. Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp khi nổi mụn ở cằm:
- Thay đổi hormone
Mụn ở cằm thường liên quan đến sự thay đổi hormone, đặc biệt phổ biến trong giai đoạn dậy thì và chu kỳ kinh nguyệt, ảnh hưởng nhiều đến phụ nữ và thanh thiếu niên. Khoảng 50% phụ nữ ở độ tuổi 29 và 25% ở độ tuổi 40 bị mụn do nội tiết. Nguyên nhân chính là sự gia tăng hormone androgen, kích thích tuyến bã nhờn hoạt động quá mức, dẫn đến tắc nghẽn lỗ chân lông.
Ở tuổi dậy thì, mụn nội tiết thường xuất hiện ở vùng chữ T (trán, mũi, cằm), còn ở tuổi trưởng thành thường tập trung quanh má và đường viền hàm.
- Da tiết nhiều dầu nhờn
Dầu nhờn là một trong những nguyên nhân chính gây mụn ở cằm, do khu vực này thuộc vùng chữ T, nơi có nhiều tuyến dầu hoạt động mạnh hơn so với các vùng khác trên khuôn mặt, làm tăng nguy cơ nhờn và nổi mụn.
Nghiên cứu đã chỉ ra mối tương quan rõ rệt giữa mức độ tiết bã nhờn và số tổn thương do mụn trứng cá. Cụ thể, trong một nghiên cứu trên 914 bệnh nhân, ở những người trẻ tuổi, lượng bã nhờn tiết ra có liên quan chặt chẽ với mụn xuất hiện ở vùng chữ U (má và cằm). Trong khi đó, ở bệnh nhân lớn tuổi, mối tương quan này lại liên quan đến vùng chữ T (trán, mũi, cằm).
- Đeo khẩu trang
Đeo khẩu trang trong thời gian dài là một trong những nguyên nhân phổ biến gây mụn ở cằm do làm tăng nhiệt độ da và ảnh hưởng đến quá trình bài tiết bã nhờn. Nghiên cứu cho thấy, lượng bã nhờn tiết ra có thể tăng 10% khi nhiệt độ da tăng thêm 1 độ C.
Bên cạnh đó, độ ẩm cao và áp lực từ khẩu trang có thể gây kích ứng, làm phì đại tế bào sừng và bít tắc nang lông, dẫn đến bùng phát mụn trứng cá. Việc đeo khẩu trang cũng thay đổi môi trường vi sinh trên da, làm tăng sự phát triển của vi khuẩn P. acnes, gây ra các sẩn viêm và mụn mủ.
- Mỹ phẩm không phù hợp
Sử dụng mỹ phẩm không phù hợp là một nguyên nhân phổ biến gây mụn, đặc biệt ở vùng cằm, má và trán. Các sản phẩm chứa màu nhân tạo, dầu, hương liệu và chất bảo quản có thể làm bít tắc lỗ chân lông, tích tụ bã nhờn và tế bào chết, gây kích ứng da và hình thành mụn.
Mụn do mỹ phẩm thường xuất hiện sau vài ngày hoặc thậm chí lên đến 6 tháng, khiến việc nhận diện nguyên nhân trở nên khó khăn. Việc tiếp tục sử dụng các sản phẩm này có thể tạo ra chu kỳ bùng phát mụn liên tục.
- Kích ứng kem đánh răng
Kem đánh răng chứa nhiều thành phần tốt cho răng miệng như glycerin, sorbitol, calcium carbonate và sodium lauryl sulfate (SLS), nhưng một trong số đó có thể gây kích ứng da, đặc biệt ở vùng cằm đối với da nhạy cảm hoặc da khô. Kích ứng có thể làm da bị khô quá mức, kích thích sản xuất dầu thừa và dẫn đến sự phát triển của mụn cằm.
Các loại mụn thường mọc ở cằm
Cằm là một phần thuộc vùng chữ T trên khuôn mặt, cùng với trán và mũi. Đây cũng là khu vực có nồng độ tuyến bã nhờn cao do đó mụn trứng cá thuận lợi phát triển. Dưới đây là những loại mụn mọc ở cằm thường gặp:
- Mụn nang
Vị trí cằm là nơi dễ nổi mụn nang vì tại đây có sự hoạt động mạnh mẽ của nhiều tuyến mồ hôi và sợi bã nhờn. Mụn nang ở cằm có thể gây ra cảm giác đau nhức và khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, thẩm mỹ của những người bị mụn. Đây là một dạng mụn trứng cá nghiêm trọng đặc trưng bởi các nốt mụn lớn chứa đầy mủ bên dưới da, có thể gây đau và để lại sẹo sâu nếu không được điều trị đúng cách.
- Mụn bọc
Mụn bọc là loại mụn viêm, một dạng của mụn trứng cá ở mức độ nặng có thể tồn tại trong nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng gây nên các tổn thương viêm sâu dưới bề mặt da. Thường biểu hiện dưới dạng u cứng, chứa đầy mủ và viêm đỏ. Điều quan trọng là không nên cố gắng nặn vì có thể gây tổn thương cấu trúc da như sẹo.
Vùng cằm là nơi dễ xuất hiện mụn đầu đen bởi sự bít tắc lỗ chân lông từ bã nhờn. Mụn đầu đen là một loại mụn ở mức độ nhẹ, vì chỉ bị bít tắc một phần nên các tế bào chết, bã nhờn của mụn sẽ tương tác với oxy trong không khí rồi chuyển dần thành màu đen và nhìn thấy trên bề mặt da.
Mụn đầu trắng cũng là một loại mụn thường xuất hiện ở vùng cằm với đặc điểm nhận biệt là những tổn thương nhỏ, không viêm, màu trắng hoặc màu da.
Mụn đầu trắng hình thành khi các tế bào da chết, dầu nhờn bị mắc kẹt bên trong lỗ chân lông và gây bít tắc hoàn toàn. Sau đó phát triển, tồn tại trong vài ngày và tự lành rồi mất hoàn toàn trong vòng 3 – 12 ngày hoặc phát triển thành tổn thương mụn viêm.
Cách điều trị mụn ở cằm
Mụn ở cằm không chỉ gây khó chịu mà còn có xu hướng tái phát do nhiều nguyên nhân. Để điều trị hiệu quả và ngăn ngừa mụn quay trở lại, cần có một phương pháp tiếp cận toàn diện. Dưới đây là những cách điều trị mụn ở cằm chi tiết và khoa học:
- Sử dụng sản phẩm chứa retinoid
Retinoid, bao gồm tretinoin, adapalene và tazarotene, là lựa chọn hàng đầu trong việc điều trị mụn ở cằm. Những thành phần này giúp loại bỏ tế bào chết trên bề mặt da, thúc đẩy tái tạo tế bào mới và làm thông thoáng lỗ chân lông.
Không chỉ vậy, retinoid còn có khả năng làm giảm sự sản sinh dầu nhờn, từ đó ngăn chặn mụn quay lại. Đồng thời, retinoid cũng kích thích sản sinh collagen, giúp giảm thiểu vết thâm và sẹo do mụn để lại. Nên sử dụng retinoid vào buổi tối và kết hợp kem dưỡng ẩm để tránh tình trạng khô da.
- Kiểm soát bã nhờn
Mụn ở cằm thường xuất phát từ lượng dầu thừa trên da. Để kiểm soát lượng dầu này, hãy lựa chọn các sản phẩm chứa salicylic acid hoặc benzoyl peroxide.
Salicylic acid giúp thấm sâu vào lỗ chân lông, loại bỏ dầu thừa và tế bào chết, trong khi benzoyl peroxide có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gây mụn như P. acnes. Ngoài ra, sản phẩm chứa niacinamide cũng giúp kiểm soát dầu nhờn hiệu quả, làm dịu da và giảm thiểu kích ứng.
- Chăm sóc da khi đeo khẩu trang
Đeo khẩu trang trong thời gian dài làm da vùng cằm dễ bị mụn do nhiệt độ tăng cao và bí hơi. Để hạn chế tình trạng này, hãy lựa chọn khẩu trang thoáng khí, thay khẩu trang thường xuyên và rửa sạch mặt sau khi tháo khẩu trang.
Sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm không chứa dầu để giữ da mềm mại, đồng thời tạo lớp bảo vệ ngăn chặn kích ứng từ khẩu trang. Nếu tần suất bị mụn do đeo khẩu trang là thường xuyên thì sản phẩm chứa thành phần kháng khuẩn như benzoyl peroxide sẽ giúp ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn gây mụn.
- Tránh mỹ phẩm gây mụn
Mỹ phẩm không phù hợp là một trong những nguyên nhân chính gây ra mụn ở cằm. Để ngăn ngừa tình trạng này, nên chọn sản phẩm có nhãn “non-comedogenic” (không sinh nhân mụn) và tránh xa các sản phẩm chứa hương liệu, dầu khoáng hoặc chất bảo quản không an toàn.
Ngoài ra, việc tẩy trang kỹ và đúng cách sau khi trang điểm là bước quan trọng giúp loại bỏ bụi bẩn tích tụ, tránh làm tắc nghẽn lỗ chân lông.
- Điều chỉnh thói quen, tránh kích ứng bởi kem đánh răng
Mặc dù kem đánh răng rất tốt cho sức khỏe răng miệng, nhưng một số thành phần như sodium lauryl sulfate (SLS) có thể gây kích ứng cho da nhạy cảm, đặc biệt là ở vùng cằm.
Để hạn chế mụn do kích ứng từ kem đánh răng, hãy thử đổi sang loại kem đánh răng không chứa SLS hoặc tránh để kem đánh răng dính lên da mặt khi vệ sinh răng miệng. Đối với những người có làn da nhạy cảm, việc giữ vùng cằm sạch sẽ sau khi đánh răng cũng rất quan trọng.
- Thăm khám Bác sĩ Da liễu
Nếu mụn ở cằm vẫn không thuyên giảm sau khi áp dụng các biện pháp tại nhà hoặc gặp tình trạng mụn nặng như mụn bọc, mụn nang, thì việc thăm khám Bác sĩ Da liễu là điều cần thiết.
Bác sĩ có thể chỉ định các liệu pháp chuyên sâu như peel da hóa học, laser hoặc các liệu pháp điều trị nội tiết tố để kiểm soát và ngăn ngừa mụn tái phát.
Ngoài ra, việc sử dụng kháng sinh hoặc thuốc điều chỉnh hormone cũng có thể được khuyến cáo trong một số trường hợp.
- Thay đổi lối sống
Cuối cùng, mụn không chỉ liên quan đến các yếu tố bên ngoài mà còn phản ánh tình trạng sức khỏe tổng thể. Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế thực phẩm chứa đường, dầu mỡ, tăng cường các thực phẩm giàu vitamin A, E, kẽm có thể giúp giảm nguy cơ bị mụn.
Ngoài ra việc uống đủ nước, ngủ đủ giấc và kiểm soát căng thẳng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe làn da và ngăn ngừa mụn từ bên trong.
Phòng ngừa nổi mụn ở cằm
Để ngăn ngừa mụn ở cằm hiệu quả, cần duy trì một chế độ chăm sóc da và lối sống khoa học nhằm giảm thiểu nguy cơ kích thích sự hình thành mụn:
- Vệ sinh da đúng cách: rửa mặt hai lần mỗi ngày với sữa rửa mặt dịu nhẹ, có độ pH từ 4.5 – 5.5 để bảo vệ hàng rào da. Đảm bảo tẩy trang kỹ, đặc biệt vùng cằm và viền hàm. Để làm sạch sâu, có thể sử dụng sữa rửa mặt chứa BHA (salicylic acid) để hỗ trợ loại bỏ tế bào chết và giảm bã nhờn. Nếu muốn hiệu quả mạnh hơn, có thể bổ sung thêm toner hoặc serum chứa BHA 2 – 3 lần mỗi tuần giúp BHA thẩm thấu sâu vào lỗ chân lông và hỗ trợ giảm mụn tốt hơn.
- Chọn sản phẩm chăm sóc da phù hợp: lựa chọn mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc có nhãn “non-comedogenic” để tránh bít tắc lỗ chân lông, đồng thời tránh các sản phẩm chứa dầu khoáng, hương liệu hoặc các thành phần gây kích ứng.
- Kiểm soát dầu thừa: để loại bỏ dầu thừa hiệu quả mà không cần rửa mặt quá nhiều lần, có thể dùng giấy thấm dầu, giúp nhanh chóng hút bớt dầu mà không làm mất độ ẩm của da. Đồng thời, kem dưỡng kiềm dầu chứa các thành phần như niacinamide hoặc silica cũng là lựa chọn tốt, giúp kiểm soát bã nhờn, giữ da mềm mịn suốt cả ngày mà không gây bít tắc lỗ chân lông.
- Hạn chế tác nhân gây kích ứng: đeo khẩu trang thoáng khí và thay thường xuyên để giữ vệ sinh. Chọn kem đánh răng không chứa SLS và tránh để kem dính lên vùng da nhạy cảm như cằm.
- Duy trì chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh: hạn chế thực phẩm nhiều đường, dầu mỡ và tăng cường các thực phẩm giàu vitamin A, E, kẽm. Thực hiện chế độ sinh hoạt khoa học, uống đủ nước, ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng để giúp cân bằng nội tiết tố và cải thiện tình trạng da từ bên trong.
Tóm lại, trị mụn ở cằm hiệu quả cần kết hợp chăm sóc da hằng ngày với sản phẩm đặc trị phù hợp. Nếu mụn vẫn không cải thiện, nên cân nhắc các liệu pháp chuyên sâu tại Phòng khám Da Liễu như peel da, laser hoặc điều trị nội tiết. Nếu còn đang băn khoăn về tình trạng mụn ở cằm, hãy đến ngay Doctor Acnes để được Bác sĩ Da liễu tư vấn và xây dựng phác đồ điều trị chuyên sâu, giúp bạn lấy lại làn da mịn màng!
Tài liệu tham khảo
- “Does facial sebum excretion really affect the development of acne?“. British Journal of Dermatology
- “What to do about chin pimples“. MedicalNewsToday
- “Facial sebum affects the development of acne, especially the distribution of inflammatory acne“. JEADV
- “What to know about acne face maps“. MedicalNewsToday
- “Acne Face Mapping: How To Determine the Cause of Your Breakouts“. Health
- “I have acne! Is it okay to wear makeup?“. AAD
- “Cystic acne treatment: A comprehensive review“. Medicine Advances
- “What Is Fungal Acne?“. WebMD
- Leyden J, Stein-Gold L, Weiss J. “Why Topical Retinoids Are Mainstay of Therapy for Acne“. Dermatol Ther (Heidelb). 2017 Sep;7(3):293-304. doi: 10.1007/s13555-017-0185-2
- “Mask Acne (Maskne): A New Variant of Acne Mechanica“. Journal of the Medical Association of Thailand
- “Why Am I Getting Pimples On My Chin?“. MedicineNet
- Bagatin E, Freitas THP, et al. “Adult female acne: a guide to clinical practice“. An Bras Dermatol. 2019 Jan-Feb;94(1):62-75. doi: 10.1590/abd1806-4841.20198203
- Leyden J, Stein-Gold L, Weiss J. “Why Topical Retinoids Are Mainstay of Therapy for Acne“. Dermatol Ther (Heidelb). 2017 Sep;7(3):293-304. doi: 10.1007/s13555-017-0185-2