Mụn ẩn dưới cằm thường khó nhận biết ngay từ đầu, nhưng theo thời gian, chúng khiến bề mặt da trở nên sần sùi, kém mịn màng và có thể gây cảm giác khó chịu khi chạm vào. Nếu không được xử lý đúng cách, mụn ẩn có thể tiến triển nặng hơn, dẫn đến viêm nhiễm hoặc để lại thâm, sẹo. Hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa mụn ẩn hiệu quả trong bài viết dưới đây.
Mụn ẩn dưới cằm là gì?
Mụn ẩn là loại mụn trứng cá không viêm, hình thành do sự tích tụ của dầu thừa, bụi bẩn và vi khuẩn trong lỗ chân lông. Khác với mụn đầu đen hoặc mụn đầu trắng, mụn ẩn nằm dưới bề mặt da, không tiếp xúc với không khí nên không bị oxy hóa và không nổi đầu mụn. Mặc dù không gây đau, mụn ẩn khiến da sần sùi, kém mịn màng.
Vùng cằm thường dễ bị mụn ẩn do có nhiều tuyến bã nhờn hoạt động mạnh và thường bị bỏ qua trong quá trình vệ sinh, khiến bụi bẩn và bã nhờn tích tụ, tạo điều kiện cho mụn hình thành.
Nguyên nhân gây mụn ẩn dưới cằm
Nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài cơ thể có thể góp phần gây ra mụn ẩn dưới cằm.
- Thay đổi nội tiết tố: sự thay đổi nội tiết tố, đặc biệt là trong giai đoạn dậy thì, theo chu kỳ kinh nguyệt hoặc mang thai, có thể làm gia tăng nồng độ hormone androgen, kích thích sản xuất bã nhờn nhiều hơn và gây tắc nghẽn lỗ chân lông và hình thành mụn ẩn.
- Chế độ ăn uống không hợp lý: tiêu thụ thực phẩm có chỉ số đường huyết cao như đồ ngọt, thực phẩm chế biến sẵn hoặc đồ uống có đường làm tăng nhanh nồng độ insulin. Insulin cao kích thích sản xuất IGF-1 và androgen, làm tuyến bã nhờn hoạt động quá mức và tăng nguy cơ hình thành mụn ẩn ở cằm.
- Sinh hoạt không lành mạnh: căng thẳng kéo dài dẫn đến tăng nồng độ cortisol trong cơ thể, từ đó kích thích sản xuất dầu thừa. Ngủ không đủ giấc, làm việc quá sức hoặc lười vận động cũng có thể gây ra hoặc làm nặng thêm tình trạng mụn có sẵn.
- Vệ sinh và chăm sóc da không đúng cách: vùng cằm thường bị bỏ qua trong các bước làm sạch hoặc tẩy trang hàng ngày. Do mụn ở cằm thường khó nhận biết ngay từ đầu, nhiều người chủ quan trong việc chăm sóc khu vực này. Ngoài ra, việc tẩy trang không kỹ sau khi trang điểm hoặc sử dụng sản phẩm chứa cồn có thể làm da bị kích ứng, lỗ chân lông bị tắc nghẽn, từ đó làm tăng nguy cơ hình thành mụn ẩn.
- Yếu tố môi trường: tiếp xúc lâu dài với khói bụi, ô nhiễm, đeo khẩu trang không sạch hoặc sử dụng vật dụng cá nhân như mũ bảo hiểm, dây quai, chăn màn chưa vệ sinh kỹ đều có thể gây kích ứng da cằm, tạo điều kiện cho mụn ẩn hình thành.
Cách trị mụn ẩn dưới cằm hiệu quả
Có nhiều phương pháp để điều trị mụn ẩn dưới cằm hiệu quả, bao gồm phương pháp bôi ngoài da và các phương pháp vật lý hóa học, mà chưa cần sử dụng thuốc uống.
Điều trị bằng các sản phẩm bôi ngoài da
- AHA/BHA: các acid hữu cơ như glycolic acid (AHA) và salicylic acid (BHA) giúp tẩy tế bào chết, làm sạch lỗ chân lông, hỗ trợ giảm mụn ẩn. AHA thường có trong sản phẩm tẩy tế bào chết dạng toner hoặc serum với nồng độ lên đến 10%, phù hợp cho da thường đến da khô. BHA xuất hiện phổ biến trong sữa rửa mặt, toner hoặc gel trị mụn với nồng độ từ 0.5 – 2%, phù hợp cho da dầu hoặc da hỗn hợp. Những sản phẩm này dễ dàng tìm thấy tại các nhà thuốc hoặc cửa hàng mỹ phẩm.
- Retinoid: các dẫn xuất vitamin A như tretinoin và adapalene thường có trong các sản phẩm kem bôi hoặc gel trị mụn, giúp thông thoáng lỗ chân lông, giảm tiết dầu và kháng viêm. Retinoid có thể gây kích ứng, khô da và không phù hợp cho phụ nữ mang thai hoặc chuẩn bị mang thai do nguy cơ gây hại cho thai nhi.
Điều trị bằng phương pháp vật lý hóa học
Đây là các phương pháp được điều trị tại Phòng khám Da liễu và Bệnh viện, giúp mang lại hiệu quả nhanh chóng. Những liệu pháp này cần được thực hiện dưới sự giám sát của Bác sĩ Da liễu để đảm bảo an toàn.
- Lấy nhân mụn chuẩn y khoa: là phương pháp đơn giản giúp loại bỏ nhân mụn và làm sạch lỗ chân lông nhanh chóng. Quy trình đòi hỏi kỹ thuật đúng chuẩn, sử dụng dụng cụ vô khuẩn để tránh kích ứng và nhiễm trùng.
- Peel da hóa học: sử dụng glycolic acid 20 – 70%, salicylic acid 5 – 30% hoặc trichloroacetic acid (TCA) 15 – 50% giúp loại bỏ tế bào chết và đẩy nhân mụn ẩn ra ngoài. Quá trình này còn thúc đẩy tái tạo da, cải thiện thâm mụn và mang lại làn da mịn màng.
- Lăn kim: lăn kim sử dụng đầu kim siêu nhỏ để tạo các vi điểm trên da, kích thích tái tạo tế bào mới, loại bỏ nhân mụn ẩn và ngăn ngừa tắc nghẽn lỗ chân lông. Phương pháp này còn hỗ trợ làm đều màu da và giảm sẹo mụn.
- Vi kim RF: kết hợp lăn kim với sóng radio cao tần (RF), vừa tạo tổn thương vi điểm, vừa cung cấp năng lượng RF khi đâm sâu vào da. Năng lượng phát ra phá hủy các tuyến bã nhờn, giúp giảm sản xuất dầu thừa, từ đó làm giảm mụn ẩn. Ngoài ra, vi kim RF kích thích tăng sinh collagen và elastin, giúp tái tạo và trẻ hóa làn da.
- Laser fractional: như fractional CO2, Er:YAG, Nd:YAG… giúp loại bỏ lớp da tổn thương, đồng thời kích thích sản sinh collagen mới. Phương pháp này không chỉ giúp xử lý mụn ẩn mà còn cải thiện sẹo, làm sáng da và tăng độ đàn hồi cho vùng da dưới cằm. Tuy nhiên, so với lăn kim hay peel hóa học, thời gian da hồi phục sau khi điều trị kéo dài hơn.
- Liệu pháp ánh sáng: giúp cải thiện mụn ẩn bằng cách giảm kích thước và hoạt động của tuyến bã nhờn. Đây là phương pháp không xâm lấn, an toàn, hiệu quả cho mụn nhẹ đến trung bình, thường kết hợp với quy trình lấy nhân mụn để đạt kết quả tối ưu.
Làm thế nào để ngăn ngừa mụn ẩn dưới cằm?
Mụn ẩn dưới cằm có thể phòng ngừa hiệu quả nếu duy trì thói quen chăm sóc da đúng cách và lối sống lành mạnh.
- Dưỡng ẩm đầy đủ cho da: giúp da duy trì độ ẩm cần thiết và tránh tình trạng khô da, từ đó giảm tiết dầu thừa và ngăn ngừa mụn. Chọn sản phẩm dưỡng ẩm không chứa dầu (oil-free) và không gây tắc nghẽn lỗ chân lông (non-comedogenic). Nên dưỡng ẩm mỗi ngày, đặc biệt mỗi khi da khô và sau khi rửa mặt để khóa ẩm và bảo vệ da.
- Tẩy tế bào chết định kỳ: sử dụng sản phẩm chứa AHA hoặc BHA như Eucerin Acne-Oil Control Pro Acne Solution Scrub, Paula’s Choice Skin Perfecting 2% BHA Liquid Exfoliant… 1 – 2 lần/tuần giúp loại bỏ tế bào chết và làm sạch sâu lỗ chân lông ở vùng cằm, giảm nguy cơ mụn ẩn. Tránh lạm dụng để không gây kích ứng hoặc làm tổn thương da.
- Sử dụng retinoid: có thể sử dụng retinoid dạng không kê đơn như adapalene 0.1% gel vào buổi tối để làm thông thoáng lỗ chân lông và giảm tình trạng bít tắc do dầu thừa. Nên kết hợp với kem dưỡng ẩm để giảm khô và giảm kích ứng da.
- Vệ sinh da đúng cách: rửa mặt 2 lần/ngày bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ (pH 4.5 – 5.5), chú ý làm sạch vùng cằm – nơi dễ tích tụ dầu thừa và vi khuẩn. Sau khi đổ mồ hôi nhiều như tập thể dục, nên rửa mặt ngay để ngăn ngừa bít tắc. Nếu trang điểm, chọn sản phẩm không gây tắc lỗ chân lông và tẩy trang kỹ vào cuối ngày để da luôn thông thoáng.
- Giữ vệ sinh vật dụng tiếp xúc với da: vệ sinh thường xuyên các vật dụng như khẩu trang, khăn mặt, gối ngủ và điện thoại để tránh bụi bẩn, vi khuẩn tích tụ gây viêm nhiễm và bít tắc lỗ chân lông, đặc biệt ở vùng cằm, giúp giảm nguy cơ hình thành mụn ẩn.
- Duy trì chế độ ăn uống và lối sống khoa học: ăn uống lành mạnh, cân bằng dinh dưỡng và tránh căng thẳng giúp hạn chế hình thành cũng như ngăn mụn ẩn ở cằm trở nên nghiêm trọng hơn.
Tóm lại, mụn ẩn dưới cằm có thể được phòng ngừa và điều trị nếu chăm sóc da đúng cách và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Nếu bạn vẫn còn băn khoăn hoặc muốn được tư vấn cụ thể hơn về tình trạng da của mình, đừng ngần ngại đến Doctor Acnes để được các Bác sĩ Da liễu giàu kinh nghiệm tư vấn nhé!
Các câu hỏi thường gặp
Mụn ẩn chỉ nên được nặn khi cồi mụn đã trồi lên gần bề mặt da và có thể loại bỏ một cách dễ dàng. Việc nặn mụn cần tuân thủ quy trình vệ sinh nghiêm ngặt để tránh nhiễm trùng hoặc tổn thương da. Nếu cồi mụn còn nằm sâu, việc nặn không đúng cách có thể khiến mụn trở nên viêm nhiễm và nghiêm trọng hơn.
Mụn ẩn dưới cằm thường khó tự biến mất nhanh chóng và có thể tồn tại lâu dài nếu không được điều trị. Việc bỏ qua mụn ẩn không chỉ khiến tình trạng kéo dài mà còn gây mất thẩm mỹ và cảm giác khó chịu, ảnh hưởng đến sự tự tin và sức khỏe làn da.
Hiện chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng về hiệu quả của mặt nạ thiên nhiên trong việc điều trị mụn ẩn. Một số thành phần như nghệ, mật ong, hay tinh dầu tràm trà có tính kháng khuẩn và kháng viêm, giúp hỗ trợ làm giảm mụn viêm. Tuy nhiên, tác dụng của các nguyên liệu này đối với mụn ẩn không rõ rệt như các sản phẩm điều trị chuyên biệt.
Tài liệu tham khảo
- “7 Ways to Manage an Oily or Acne-Prone T-Zone“. Healthline
- “Is There an Anti-Acne Diet?“. Healthline
- “The Best DIY and Store-Bought Face Masks for Acne“. Healthline
- Susan Pei, Arun C Inamadar, Keshavmurthy A Adya, Maria M Tsoukas. “Light-based therapies in acne treatment“. Indian Dermatol Online J. 2015 May-Jun;6(3):145–157. doi: 10.4103/2229-5178.156379
- Shivani B Kaushik, Andrew F Alexis. “Nonablative Fractional Laser Resurfacing in Skin of Color: Evidence-based Review“. J Clin Aesthet Dermatol. 2017 Jun 1;10(6):51–67
- “The Best DIY and Store-Bought Face Masks for Acne“. Healthline
- “Understanding the difference between AHA and BHA for skin care“. Medical News Today