Mụn ẩn là gì? Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị hiệu quả

Được đăng bởi Doctor Acnes vào ngày 25/10/2020

Mụn bọc, mụn đầu trắng, mụn đầu đen, mụn sẩn… là nỗi ám ảnh của rất nhiều người, tuy nhiên có thể dễ dàng nhận diện các trường hợp mụn này nên chúng thường được điều trị sớm. Trong khi đó có một loại mụn mọc ngầm dưới da, diễn tiến âm thầm và rất khó nhận biết nên thường không được “chủ nhân” quan tâm, đó chính là “mụn ẩn”.

Mặc dù ít gây sưng đau như các loại mụn khác nhưng mụn ẩn cũng gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ làn da và nếu không được điều trị đúng cách thì mụn ẩn vẫn có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Hiểu được các khó khăn trong việc nhận biết và điều trị mụn ẩn nên bài viết hôm nay, nhóm Bác sĩ Da liễu Phòng khám Doctor Acnes sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân, cách phòng ngừa cũng như phương pháp để điều trị mụn ẩn hiệu quả theo khuyến cáo hiện hành của các Hiệp hội Da liễu.

Mụn ẩn là gì?

Mụn ẩn là loại mụn có nhân nằm sâu bên trong nang lông, không gây viêm, sưng tấy hay đau nhức. Biểu hiện bên ngoài chỉ là những nốt nhỏ li ti, không có đầu mụn, mọc theo từng cụm, có màu đồng nhất với da. Rất khó để nhận biết loại mụn này bằng mắt thường, chỉ khi lấy tay sờ mới nhận thấy da sần sùi, không mịn màng và cảm giác có nhân mụn bên trong.

Giống như tên gọi, mụn ẩn có nhân nằm dưới da nên khiến những người mắc phải khó nhận biết hoặc có nhận biết nhưng không nghĩ đó là mụn mà lầm tưởng rằng da bị sần sùi. Điều này dẫn đến những sai lầm trong cách phòng ngừa và chậm trễ trong điều trị hoặc điều trị không đúng cách như đi spa chăm sóc da. Nếu điều trị sai cách, mụn ẩn thậm chí không hết mà còn có nguy cơ trở thành mụn viêm, khiến da bị tổn thương nặng nề hơn.

Nhìn chung, rất khó để nhận biết mụn ẩn nhưng có thể dựa vào những đặc điểm sau để phát hiện sớm và điều trị kịp thời:

  • Mụn nằm dưới da và không thể nhìn thấy được bằng mắt thường nhưng khi đưa tay sờ sẽ có cảm giác cộm, sần sùi.
  • Có màu đồng nhất với da.
  • Thường mọc theo đám và lan rộng trên một vùng da nhất định.

Mụn ẩn thường gặp ở các bạn trong độ tuổi dậy thì nhưng vẫn có thể xuất hiện ở người trưởng thành nếu không biết cách chăm sóc da mặt đúng cách. Những người có da thuộc loại da dầu hay da nhạy cảm thì nguy cơ bị mụn ẩn cũng cao hơn, đặc biệt ở vùng trán và hai bên má.

mụn ẩn ở người trưởng thành Doctor Acnes

Mụn ẩn thường xuất hiện ở những vùng da nhạy cảm, dễ bị tác động của môi trường như má, trán và dưới cằm. Cụ thể:

  • Hai bên má: đây là vùng da nhạy cảm, bụi bẩn rất dễ bám vào kèm với việc vệ sinh da không kỹ sẽ khiến vùng da này tích tụ nhiều chất bẩn, dầu nhờn… từ đó hình thành mụn ẩn.
  • Vùng trán: để tóc mái là một trong những nguyên nhân chính khiến trán dễ tích tụ dầu nhờn và bám bẩn, trở thành một trong những vị trí phổ biến dễ mọc mụn, đặc biệt là mụn ẩn ở trán.
  • Vùng cằm: thói quen thường xuyên chạm tay vào vị trí này một cách vô thức tạo điều kiện cho bụi bẩn bám vào da và hình thành những cụm mụn ẩn lớn.

Nguyên nhân gây ra mụn ẩn

Lý do khiến mụn ẩn thường xuất hiện ở những vùng da nhạy cảm như má, trán và cằm là vì ở những vị trí này có nhiều tuyến bã nhờn. Tuyến bã nhờn là các tuyến ngoại tiết siêu nhỏ tại lỗ chân lông tiết ra chất nhờn hoặc sáp, được gọi là bã nhờn, để bôi trơn và chống thấm cho da. Khi lỗ chân lông bị tắc nghẽn bởi các tế bào da chết, chất nhờn tích tụ trong tuyến bã nhờn sẽ phát triển thành mụn ẩn. Nói một cách ngắn gọn, mụn ẩn là kết quả của lỗ chân lông bị bít tắc kết hợp với vi khuẩn và bã nhờn tích tụ.

Các nguyên nhân gây ra mụn ẩn có thể kể đến bao gồm:

Nội tiết tố bên trong cơ thể

Trong giai đoạn dậy thì, kỳ kinh nguyệt hay thời kỳ mang thai, nội tiết tố bên trong cơ thể sẽ thay đổi bất thường bởi sự thay đổi nồng độ androgen trong máu. Nội tiết tố này kích thích tuyến bã nhờn tiết nhiều dầu vào các lỗ chân lông đồng thời làm nang lông dày lên gây bít tắc hình thành nhân mụn, bao gồm cả mụn ẩn.

Làm sạch da không đúng cách

Khi rửa mặt, một số người có thói quen dùng tay chà xát da mặt thật mạnh với sữa rửa mặt vì nghĩ như thế da sẽ sạch hơn. Tuy nhiên, đây là cách rửa mặt sai lầm vì điều này sẽ khiến da dễ tổn thương. Làn da tổn thương sẽ trở nên nhạy cảm hơn với bụi bẩn, vi khuẩn và các tác nhân từ môi trường, từ đó tăng nguy cơ mắc các loại mụn, bao gồm mụn ẩn.

Trang điểm thường xuyên mà không tẩy trang

Tẩy trang là quá trình chúng ta làm sạch đi lớp trang điểm bền chặt, kem chống nắng, bã nhờn, bụi bẩn sau cả ngày làm việc, sinh hoạt. Trang điểm thường xuyên mà không tẩy trang đúng cách sẽ dễ gây bít tắc lỗ chân lông. Cùng với đó, việc cọ trang điểm, bông mút, tán phấn được dùng đi dùng lại từ ngày này qua ngày khác mà không được vệ sinh thường xuyên cũng là lý do góp phần gây ra mụn ẩn.

Sử dụng mỹ phẩm làm sạch da không phù hợp

Sữa rửa mặt và tẩy trang là hai sản phẩm cơ bản giúp loại bỏ hầu hết bã nhờn, bụi bẩn ẩn sâu dưới da. Không tẩy trang là một trong các nguyên nhân thường gặp gây ra mụn ẩn. Bên cạnh đó, lựa chọn sữa rửa mặt không phù hợp với đặc điểm của làn da hoặc quá dịu nhẹ cũng dễ làm cho da không được vệ sinh sạch, bã nhờn bụi bẩn còn tích tụ tại lỗ chân lông theo thời gian sẽ hình thành nhân mụn ẩn khi lỗ chân lông bị bít tắt.

Thói quen sinh hoạt không lành mạnh

Tiêu thụ quá nhiều thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, thức ăn cay hay thường xuyên thức khuya, ngủ muộn, căng thẳng cũng là các lý do góp phần gây nên mụn, đặc biệt là mụn ẩn. Đồ cay nóng, đường, bánh kẹo ngọt thường làm các tuyến bã nhờn trên da tăng cường hoạt dộng, góp phần gây bít lỗ chân lông, từ đó sinh nhân mụn, kể cả mụn ẩn.

Không uống nước thường xuyên hay không có thói quen dưỡng ẩm cho da cũng có thể gián tiếp gây ra mụn ẩn vì khi da trở nên khô, thì làn da sẽ tiết ra nhiều dầu hơn. Dầu thừa có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông, và điều này sẽ là nguy cơ dẫn đến tình trạng mụn, đặc biệt là mụn đầu đen và mụn ẩn.

Chăn, màn, gối không được giặt thường xuyên và hành động sờ tay lên mặt cũng có thể khiến da bị nhiễm bẩn và là nguyên nhân góp phần gây mụn ẩn.

Các phương pháp điều trị mụn ẩn hiệu quả

Trong thực hành lâm sàng hiện nay, phương pháp điều trị mụn ẩn hiệu quả được nhiều bác sĩ da liễu đề nghị là peel da hay còn gọi là thay da sinh học. Tùy thuộc vào tình trạng từng làn da của khách hàng mà các tác nhân peel như trichloroacetic acid (TCA), acid salicylic, retinol, acid glycolic hay acid mandelic sẽ được các bác sĩ da liễu lựa chọn ở nồng độ phù hợp để đẩy nhân mụn ẩn và tế bào chết ra ngoài.

Không những điều trị mụn ẩn mà peel da còn giúp kích thích da tái tạo nhanh hơn, tăng sinh collagen, mang lại một bề mặt da được thay mới hoàn toàn, cải thiện luôn cả các tình trạng khác của làn da như mụn viêm, mụn đầu trắng, mụn đầu đen và thâm mụn.

Ngoài peel da thì lăn kim cũng là một lựa chọn đáng cân nhắc để điều trị mụn ẩn. Lăn kim là một kỹ thuật thẩm mỹ xâm lấn tối thiểu sử dụng nhiều kim nhỏ siêu bén và vô trùng để xuyên qua lớp biểu bì của da, tạo ra các vết thương vi điểm có kiểm soát trên da. Lăn kim giúp loại bỏ lớp tế bào sừng già, trong đó có các nhân mụn ẩn, ngăn ngừa và cải thiện tình trạng bít tắc lỗ chân lông. Quá trình lành thương sau lăn kim còn kích thích sự tăng sinh và tái tạo các lớp tế bào mới, mang lại làn da mịn màng, tươi sáng hơn.

Peel da và lăn kim. mụn ẩn. dracnes
Peel da và lăn kim thực hiện tại Phòng khám Doctor Acnes

Cả hai phương pháp thẩm mỹ nội khoa nói trên được các bác sĩ da liễu lựa chọn vì có thể mang lại hiệu quả điều trị mụn ẩn nhanh chóng và đã ứng dụng trên lâm sàng trong nhiều năm. Việc lựa chọn cơ sở uy tín, đảm bảo có bác sĩ da liễu trực tiếp thăm khám và điều trị mụn là rất quan trọng vì peel da và lăn kim đều là các phương pháp xâm lấn, tức có thể xảy ra các tác dụng phụ thậm chí biến chứng nếu không có sự hiểu biết đầy đủ về cơ sở khoa học của các phương pháp này.

Một điểm khác cũng cần phải hết sức lưu ý là không được tự ý nặn mụn ẩn tại nhà. Mụn ẩn có nhân mụn nằm sâu trong nang lông dưới da, vì thế việc cố gắng nặn mụn ẩn có thể khiến mụn bị nhiễm khuẩn, trở nên đau hơn và trở thành mụn viêm, thậm chí để lại sẹo mụn. Nặn mụn ẩn cũng có nguy cơ đẩy luôn cả các chất trong nhân mụn – hỗn hợp của dầu, tế bào da chết và vi khuẩn vào sâu hơn trong da. Điều này có thể dẫn đến tình trạng viêm nặng hơn.

>>> Bạn nên xem qua bài viết Người bị mụn ẩn ăn gì và không nên ăn gì được bác sĩ da liễu Doctor Acnes khuyên dùng trong điều trị mụn ẩn

Biện pháp ngăn ngừa và cách chăm sóc da khoa học cho da bị mụn ẩn

Như đã nói, chế độ ăn uống và sinh hoạt có ảnh hưởng nhiều đến sự hình thành mụn nên để ngăn ngừa mụn ẩn cần rèn luyện chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh:

  • Hạn chế ăn những món ăn cay nóng, chứa nhiều đường.
  • Nên ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều vitamin, omega 3, omega 6 như bông cải xanh, cà rốt, các loại cá béo như cá hồi, cá trích để đảm bảo cung cấp đủ vitamin và khoáng chất cho làn da.
  • Hạn chế thức khuya, căng thẳng kéo dài.
  • Không dùng tay sờ và nặn các mụn ẩn dưới da tại nhà.

Đối với chế độ chăm sóc da cho những làn da bị mụn ẩn cần chú ý các điểm sau:

  • Vệ sinh da đúng cách: các bước vệ sinh da được khuyến cáo bởi các chuyên gia da liễu bao gồm bước tẩy trang và bước rửa mặt. Tẩy trang trước sau đó rửa mặt giúp làm sạch da hiệu quả hơn, loại bỏ được tối đa bụi bẩn, bã nhờn ẩn sâu dưới da. Tuy nhiên chỉ nê tẩy trang 1 lần ngày vào buổi tối và rửa mặt hai lần mỗi ngày hoặc khi đổ nhiều mồ hôi vì làm sạch da quá thường xuyên có thể làm mất đi lớp bảo vệ tự nhiên của da, khiến da trở nên kích ứng. Không chà sát mạnh da mặt khi rửa mặt, thay vào đó là massage da nhẹ nhàng với sữa rửa mặt rồi rửa sạch lại bằng nước sạch.
  • Lựa các sản phẩm làm sạch da dành cho da mụn: nguyên tắc chọn sữa rửa mặt phù hợp cho da mụn là chọn loại có pH gần nhất với pH sinh lý của da (khoảng 5-6), dịu nhẹ, không chứa cồn hoặc các hạt có hoạt tính tẩy rửa cao, không chứa xà phòng và có tính acid nhẹ để loại bỏ dầu nhờn, bụi bẩn trên da một cách triệt để, hạn chế bụi bẩn tích tụ hình thành mụn ẩn. Chọn tẩy trang nên tránh các sản phẩm có thành phần drying alcohol, hương liệu, chất bảo quản và các loại dầu tẩy trang có tính sinh nhân mụn.
  • Hạn chế trang điểm và không đi ngủ khi chưa tẩy trang: da bị mụn ẩn tránh trang điểm quá nhiều lớp vì sẽ làm lỗ chân lông dễ bị bít tắc. Trong trường hợp trang điểm, bắt buộc phải tẩy trang và làm sạch da trước khi đi ngủ.
tẩy trang mụn ẩn. dracnes
Trong trường hợp trang điểm, bắt buộc phải tẩy trang và làm sạch da trước khi đi ngủ
  • Luôn dưỡng ẩm và cấp nước đầy đủ cho làn da: sử dụng kem dưỡng ẩm phù hợp có thể ngăn ngừa da bị khô và kích ứng, giúp da cải thiện độ đàn hồi và kiểm soát lượng dầu trên da tốt hơn. Thêm vào đó, uống đủ 1,6 – 2 lít nước mỗi ngày và kết hợp nước ép trái cây tốt cho da như nước cam, nước ép cà rốt, nước ép lựu để làm da khỏe mạnh da ngay từ bên trong.
  • Thường xuyên giặt vỏ gối và các vật dụng khác tiếp xúc với da mặt: thói quen này sẽ giúp hạn chế tế bào chết và bụi bẩn có thể tích tụ trên vải bám vào da và gây bít tắc lỗ chân lông.
  • Rửa tay thường xuyên: giữ đôi bàn tay luôn sạch cũng góp phần hạn chế hình thành mụn ẩn.

Hy vọng bài viết sẽ giúp những ai quan tâm hiểu rõ hơn về mụn ẩn và tìm ra cho bản thân cách chăm sóc da như thế nào là phù hợp nhất để tránh xa mụn ẩn. Và nếu đang gặp vấn đề với mụn ẩn thì cũng đừng lo lắng, hãy lựa chọn cơ sở điều trị chuyên sâu về da uy tín để tiến hành điều trị sớm nhất.

Cần lưu ý tránh xa các spa nơi không có Bác sĩ Da liễu hành nghề vì có thể khiến tình trạng mụn ẩn trở nên tồi tệ hơn. Việc lựa chọn một cơ sở điều trị da uy tín với đội ngũ Bác sĩ tay nghề cao, tận tâm với bệnh nhân của mình là một việc rất quan trọng để có được một làn da đẹp như bạn mong muốn.

Trong trường hợp cần tư vấn thêm, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi. Đội ngũ Bác sĩ với kiến thức chuyên sâu về thẩm mỹ nội khoa tại Phòng khám Doctor Acnes sẵn sàng trả lời các thắc mắc của bạn khi bạn cần.

banner gruop facebook

Tài liệu tham khảo

  1. “How to get rid of a blind pimple” – Medical News Today
  2. “Blind Pimples: How to Get Rid of Acne Under the Skin, According to Experts” – Cosmopolitan
  3. “How to Heal Blind Pimples Under the Skin: 6 Ways”. Healthline
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84