Bao lâu thì peel da 1 lần để không gây hại cho da

Ngày 08/04/2024. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
0
(0)

Peel da là một phương pháp thẩm mỹ an toàn, mang lại hiệu quả nhanh chóng. Peel da cũng là lựa chọn hàng đầu của các Bác sĩ Da liễu để điều trị các vấn đề như mụn, thâm mụn, sẹo mụn hay trẻ hóa làn da. 

Tuy nhiên, bao lâu thì peel da 1 lần để tối ưu hiệu quả? Phương pháp này có thật sự an toàn khi thực hiện tại nhà không? Hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu qua bài viết sau nhé!

Giới thiệu về phương pháp peel da

Peel da là gì?

Peel da, hay còn gọi là thay da sinh học, là kỹ thuật tái tạo bề mặt da sử dụng các tác nhân acid hữu cơ tạo ra các tổn thương bề mặt một cách có kiểm soát, từ đó kích thích quá trình lành thương để hình thành bề mặt da mới thông qua cơ chế tăng sinh collagen.

Mục đích của phương pháp này nhằm loại bỏ lớp da chết, lớp da bị sừng hóa, kích thích tế bào mới tái sinh. Kết quả mang đến một làn da trắng sáng, đều màu hơn.

Theo các nghiên cứu, peel da được áp dụng theo đúng phác đồ của Bác sĩ Da liễu sẽ mang lại hiệu quả trong điều trị các vấn đề về da như mụn, thâm mụn, sẹo mụn hay trẻ hóa làn da. 

So với tẩy tế bào chết thông thường, peel da mang lại tác dụng chuyên sâu trong điều trị các vấn đề về da vì chúng tác động trên cả biểu bì, trung bì và hạ bì của da.

peel da bao lâu 1 lần
Peel da là kỹ thuật tái tạo bề mặt da sử dụng các tác nhân acid hữu cơ tạo ra các tổn thương bề mặt một cách có kiểm soát

Ưu điểm của phương pháp peel da

Khi được thực hiện đúng phương pháp, peel da là phương pháp thẩm mỹ không xâm lấn phổ biến nhất trong nhiều thập kỷ qua với nhiều ưu điểm nổi bật:

  • An toàn: phương pháp này giúp điều trị mụn tại chỗ bằng hoạt chất từ tự nhiên, giúp hạn chế việc sử dụng thuốc toàn thân.
  • Hiệu quả: tác động trực tiếp vào các cơ chế sinh nhân mụn, như gia tăng sừng hóa của nang lông – tuyến bã, tiêu diệt vi khuẩn C. acnes và giúp đẩy nhanh chu kỳ da để loại bỏ nhân mụn nhanh chóng hơn.
  • Không đau: peel da chỉ có cảm giác hơi châm chích hoặc hơi đỏ, không cần gây tê. Các triệu chứng này chỉ xuất hiện khi peel khoảng một lúc rồi tự biến mất.
  • Thời gian nghỉ dưỡng sau điều trị ngắn: liệu trình này gần như không tốn thời gian nghỉ dưỡng quá lâu, thường chỉ vài ngày sau peel đã có thể chăm sóc da và sinh hoạt bình thường. Lưu ý, phải tránh nắng thật kỹ vì đây là lúc làn da còn yếu.
  • Hỗ trợ điều trị các vấn đề thứ phát của mụn: theo các nghiên cứu, peel da giúp giảm thâm, cải thiện sẹo mụn, làm đều màu da và ngăn ngừa lão hóa da.
  • Tiết kiệm chi phí: so với các phương pháp điều trị mụn khác thì peel da có mức giá rất dễ tiếp cận, phù hợp với đại đa số khách hàng kể cả học sinh sinh viên.
Ca lâm sàng peel da - Doctor Acnes
Ca lâm sàng điều trị mụn thành công tại Phòng khám Doctor Acnes

Bao lâu thì peel da 1 lần?

Là một phương pháp mang lại hiệu quả nhanh chóng, ít tác dụng phụ lại tiết kiệm chi phí, peel da rất được lòng các tín đồ skincare. Tuy nhiên, trái ngược với độ phổ biến này, ắt hẳn nhiều người vẫn chưa biết chính xác tần suất thực hiện phương pháp này an toàn và hiệu quả là bao lâu.

Trung bình, da cần từ 7 – 21 ngày để phục hồi sau khi peel da. Đây là thời gian cần thiết để da lành thương và tạo thành lớp da mới, không phải là thời gian có thể thực hiện đợt peel da tiếp theo.

Tần suất peel da tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố như loại da, tình trạng da, các vấn đề đang tồn tại trên làn da. Độ sâu tổn thương peel thể hiện qua tác nhân peel và nồng độ hoạt chất sử dụng.

Để xác định tần suất peel da phù hợp, cần được Bác sĩ Da liễu thăm khám và tư vấn cụ thể. Bác sĩ sẽ dựa vào các vấn đề về da nêu trên, kết hợp với mong muốn peel da của khách hàng để chỉ định phác đồ peel với tác nhân peel và nồng độ cụ thể. 

Một cách tổng quát, tần suất peel dựa trên độ sâu của tổn thương do quá trình thay da sinh học có thể tóm lược như bên dưới:

Peel da nông

Đây là mức độ peel phổ biến nhất vì tính an toàn và ít tác dụng phụ. Peel da ở mức độ nông chỉ tác động đến lớp thượng bì, có tác dụng trong điều trị mụn trứng cá, làm đều màu da, thu nhỏ lỗ chân lông to, giảm thiểu nếp nhăn hoặc chỉ đơn giản là tẩy tế bào chết định kỳ. 

Các hoạt chất thường được sử dụng peel da nông bao gồm acid alpha-hydroxy (AHA) như acid glycolic 30–50%, acid lactic 10–30%, acid mandelic 40%. Ngoài ra, acid beta-hydroxy (BHA) như salicylic (30%) hay acid alpha-keto pyruvic (50%) cũng được áp dụng với mức độ peel nông. 

Học viện Da liễu Hoa Kỳ (AAD) và Hiệp hội Da liễu Ngoại khoa (ASDS) khuyến cáo lần peel da kế tiếp cách lần gần nhất ít nhất 2–5 tuần/lần (tuỳ thuộc vào loại hoạt chất và nồng độ hoạt chất peel sử dụng cụ thể).

Peel da trung bình

Peel da ở mức độ trung bình tác động đến lớp trung bì nông. Peel da trung bình có tác dụng đẩy lùi lão hóa, giảm sự xuất hiện của các nếp nhăn, giảm sự hình thành mảng tăng sắc tố trên da và đặc biệt có tác dụng hỗ trợ điều trị sẹo mụn

Các tác nhân phổ biến nhất hiện nay được sử dụng peel da mức độ trung bình gồm acid glycolic (70%) và TCA (35-50%), có thể kèm theo dung dịch Jessner theo chỉ định của Bác sĩ. Ngoài ra, ứng dụng nhiều lớp dung dịch acid salicylic (20-40%) và acid pyruvic cũng được sử dụng peel ở mức độ trung bình. 

Theo khuyến cáo của ASDS (Hiệp hội Phẫu thuật Da liễu Hoa Kỳ), cần có khoảng cách tối thiểu 6-12 tháng giữa các lần peel da trung bình để da có thời gian phục hồi hoàn toàn.

Peel da sâu

Peel da sâu không được ứng dụng phổ biến như 2 mức độ peel nông và trung bình, bởi hoạt chất peel ở nồng độ cao và tác động đến lớp trung bì sâu sẽ dễ xảy ra các tác dụng phụ cho làn da. 

Hai tác nhân peel được sử dụng phổ biến ở mức độ sâu là TCA nồng độ cao (≥50%) và phenol. 

Peel da sâu cần thời gian hồi phục khá dài (thường là khoảng 3 tuần) và ASDS khuyến cáo không nên can thiệp peel sâu quá 1 lần mỗi năm.

bao lâu peel da mặt 1 lần
Độ sâu của các tác nhân peel trên da

Hướng dẫn chăm sóc da sau khi peel

Thời gian sau peel da là giai đoạn vàng để da tái tạo và phục hồi. Làn da đẹp hay không sau khi peel phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn này. Do da sau peel rất mẫn cảm, nếu không được chăm sóc đúng cách, da có thể bị tổn thương, thậm chí trở nên tệ hơn.

Dưới đây là một số điểm nổi bật cần ghi nhớ khi chăm sóc da sau peel:

  • Dưỡng ẩm: sử dụng kem dưỡng ẩm hoặc serum có chứa ceramide, hyaluronic acid, dimethicone để cấp ẩm cho da. Nên tham khảo ý kiến Bác sĩ Da liễu để lựa chọn sản phẩm phù hợp.
  • Hạn chế trang điểm: do da trong thời gian đầu sau khi peel sẽ vô cùng nhạy cảm. Nếu không cần thiết, không nên trang điểm trong thời gian này.
  • Không sử dụng các sản phẩm gây bong tróc, kích ứng da: để da bong tróc tự nhiên. Không sử dụng các sản phẩm tẩy da chết, retinol, BHA, AHA trong 1 tuần sau khi peel da.
  • Chọn khẩu trang phù hợp: ưu tiên sử dụng khẩu trang vải trong tuần đầu tiên sau peel da. Tháo khẩu trang ít nhất 15 phút sau 4 giờ đeo liên tục.
  • Bôi kem chống nắng và tránh nắng: dùng kem chống nắng phổ rộng có SPF tối thiểu là 30, đội nón rộng vành, mặc áo dài tay và bôi kem chống nắng cả khi ở trong nhà để bảo vệ da khỏi tia UV.

Tự peel da tại nhà: nên hay không?

Peel da là một trong những phương pháp làm đẹp khá đơn giản. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc có thể tự thực hiện peel da tại nhà mà không có chỉ định của Bác sĩ chuyên khoa do tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho da. Dưới đây là những biến chứng và tác dụng phụ nghiêm trọng của việc tự peel da tại nhà:

  • Sưng tấy, phù nề: xảy ra với tần suất cao hơn đối với peel da trung bình hoặc sâu. Phù có thể xuất hiện từ 24 đến 72 giờ sau khi peel và biến mất sau một thời gian ngắn.
  • Đau và bỏng rát kéo dài: da bị đau kèm bỏng rát, nóng ran và châm chích kéo dài nhiều ngày. Tình trạng này thường xảy ra khi peel da với tác nhân, nồng độ không phù hợp và đặc biệt rất thường xảy ra ở da nhạy cảm.
  • Ban đỏ dai dẳng: ban đỏ thường gặp sau khi peel da, nhưng ban đỏ dai dẳng trong nhiều ngày lại là biến chứng sau peel da nếu áp dụng không đúng kỹ thuật, đặc biệt là tự ý peel da tại nhà.
  • Nổi nhiều mụn, rỉ dịch: nổi mụn là tác dụng phụ phổ biến và bình thường sau peel. Tuy nhiên việc nổi mụn quá nhiều, mụn bất thường như mụn nước, mụn viêm đỏ, rỉ dịch, đỏ da như nổi sảy thì là biểu hiện bất thường. Đây có thể là dấu hiệu của bội nhiễm vi khuẩn hoặc nấm trên da do kỹ thuật và môi trường peel không đảm bảo vô khuẩn.
  • Tăng sắc tố da: sau khi peel da có thể xảy ra hiện tượng tăng sắc tố khiến da không đều màu, đặc biệt là ở những người có làn da sẫm màu. Tăng sắc tố cũng có khả năng xảy ra khi làn da chịu tổn thương quá mức do sử dụng hoạt chất hay nồng độ peel không phù hợp.
  • Sẹo lõm: đây là biến chứng nặng nề và khó điều trị nhất khi thực hiện peel da tại nhà với sự kết hợp các thành phần khác nhau theo sở thích mà không có sự chỉ định hay kiểm soát bởi Bác sĩ Da liễu.
Nên hay không nên tự peel da tại nhà - Doctor Acnes
Peel da tại nhà rất nguy hiểm vì có thể gây ra những biến chứng và tác dụng phụ nghiêm trọng

Xem thêm các bài viết liên quan

Nên peel da ở đâu an toàn và hiệu quả?

Để peel da an toàn và đạt hiệu quả tối ưu, việc lựa chọn sản phẩm với hoạt chất và nồng độ phù hợp, quy trình chuẩn mực, tần suất hợp lý cũng như cách thức chăm sóc da sau điều trị là cực kỳ quan trọng. 

Với đội ngũ Bác sĩ Da liễu chuyên môn cao, quy trình khám và điều trị da chuẩn y khoa cùng dịch vụ chăm sóc khách hàng chu đáo, Phòng khám Doctor Acnes là lựa chọn hoàn hảo để  mang đến cho bạn trải nghiệm peel da an toàn, hiệu quả và hài lòng nhất.

thăm khám bác sĩ khi da bị mụn
Thăm khám Bác sĩ Da liễu để được đảm bảo an toàn và hiệu quả khi peel da

Bảng giá dịch vụ peel da tại Phòng khám Doctor Acnes

 Phương pháp  Giá  Giá HSSV
⭐Peel da với salicylic acid 20% chuẩn CE 600.000 550.000
⭐Peel da với salicylic acid 30% chuẩn CE 600.000 550.000
⭐Peel với glycolic acid 35% chuẩn CE 600.000 550.000
⭐Peel với glycolic acid 50% chuẩn CE 600.000 550.000
⭐Peel da với salicylic acid và retinol chuẩn CE
800.000 700.000
⭐Peel body 900.000-1.100.000 800.000-1.000.000

Bài viết ở trên đã trả lời cho câu hỏi “bao lâu thì peel da 1 lần để không gây hại cho da”. Peel da là phương pháp mang lại hiệu quả cao trong điều trị các vấn đề về da mà lại vô cùng tiết kiệm và khá an toàn. Tuy nhiên, kỹ thuật này cần được kiểm soát và theo dõi chặt chẽ bởi Bác sĩ Da liễu, để có thể đưa ra tần suất peel hợp lý, đảm bảo hiệu quả tốt nhất và giảm thiểu tối đa tác dụng phụ. 

Đặc biệt, không nên tự ý peel da tại nhà vì có thể gây ra những tác dụng phụ cũng như biến chứng không lường trước. Khách hàng nên tìm hiểu và chọn lựa cơ sở làm đẹp uy tín để tránh tiền mất tật mang.

Đặt lịch ngay hôm nay để trải nghiệm dịch vụ peel da chuẩn y khoa  tại Doctor Acnes!

Tài liệu tham khảo

  1. Teo Soleymani, Julien Lanoue, Zakia Rahman. “A practical approach to chemical peels: a review of fundamentals and step-by-step algorithmic protocol for treatment”. J Clin Aesthet Dermatol. 2018 Aug;11(8):21-28. Epub 2018 Aug 1
  2. Aad.org. “Chemical Peels”. American Academy of Dermatology Association
  3. Asds.net. “Chemical Peels”. American Society for Dermatology Surgery
  4. Nanma Nikalji, Kiran Godse, Jagdish Sakhiya, Sharmila Patil, Nitin Nadkarni. “Complications of medium depth and deep chemical peels”. J Cutan Aesthet Surg. 2012 Oct;5(4):254-60
  5. Izelda Maria Carvalho Costa, Patrick Silva Damasceno, Mariana Carvalho Costa, Keila Gabrielle Pati Gomes. “Review in peeling complications”. J Cosmet Dermatol. 2017 Sep;16(3):319-326

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 0 / 5. Lượt đánh giá 0

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84