Peel da là một phương pháp thẩm mỹ nội khoa an toàn, mang lại hiệu quả nhanh chóng và cũng là lựa chọn hàng đầu của các Bác sĩ Da liễu trong điều trị các vấn đề về da mụn, thâm mụn, sẹo mụn hay trẻ hóa làn da. Vậy peel da là phương pháp tuyệt đối an toàn hay vẫn có nguy cơ xảy ra tác dụng phụ và biến chứng? Làm sao để phân biệt tác dụng phụ và biến chứng sau khi peel da? Các Bác sĩ Da liễu tại Phòng khám Doctor Acnes sẽ giúp bạn trả lời các câu hỏi trên để hiểu rõ hơn về phương pháp peel da này.
Những tác dụng phụ thường gặp sau peel da
Theo y văn, những tác dụng phụ thường gặp sau khi peel da đã được miêu tả, bao gồm:
- Sạm da và bong tróc da: lớp da sạm và đóng vảy trên da chính là lớp sừng tích tụ trên bề mặt, sau vài ngày đến một tuần sẽ bong tróc thay thế bởi làn da mới sáng mịn hơn, đây là tác dụng phụ của peel da nhưng là tác dụng phụ “mong đợi” sau peel vì mang lại cảm nhận rõ rệt về một làn da được thay mới hoàn toàn.

- Đỏ da: liệu trình peel da sử dụng các acid lành tính tác động lên da để loại bỏ lớp da chết nên có thể khiến da bị ửng đỏ. Sau khi peel da bị mẩn đỏ là tác dụng phụ rất bình thường và sẽ biến mất sau khoảng vài giờ đồng hồ đối với peel da nông và 3-5 ngày đối với peel da trung bình.
- Rát da: rát da cũng giống như đỏ da, là tác dụng phụ rất bình thường khi peel da và sẽ biến mất nhanh chóng khi kết thúc liệu trình peel. Trong một số trường hợp, sẽ có cảm giác rát da thoáng qua khi rửa mặt nhưng cảm giác này sẽ nhanh chóng biến mất sau 1 đến 2 ngày (khuyến cáo của Bác sĩ Da liễu tại Doctor Acnes là có thể rửa mặt bằng nước sạch sau peel 12 giờ).
- Nổi mụn nhiều hơn: sau liệu trình peel, theo cơ chế, các cồi mụn sẽ gom lại và từ từ được đẩy lên trên. Bên cạnh đó, một số nhân mụn mới có thể sẽ hình thành trên nền da vừa tổn thương. Đây là 2 nguyên nhân giải thích cho hiện tượng da nổi nhiều mụn hơn sau peel. Tình trạng này thường xuất hiện sau những liệu trình điều trị đầu tiên và sẽ giảm dần trong các liệu trình peel da sau đó. Bên cạnh đó, vấn đề chăm sóc da đúng cách sau peel cũng rất quan trọng để hạn chế việc hình thành nhân mụn mới sau liệu trình peel.

Biến chứng sau peel da và hướng xử trí
Peel da là phương pháp điều trị khá an toàn, tuy nhiên nếu không được thực hiện đúng bởi người có kiến thức về thẩm mỹ nội khoa thì rất dễ dàng trở thành “con dao hai lưỡi”. Rất nhiều người đã gặp phải biến chứng sau khi peel da tại các cơ sở làm đẹp mà không có Bác sĩ Da liễu thăm khám để chỉ định tác nhân peel, nồng độ peel phù hợp cũng như giám sát quy trình peel da cho khách hàng.
Biến chứng sau peel thường gặp trên lâm sàng bao gồm: sưng tấy, phù nề, đau rát và bỏng da kéo dài, nổi nhiều mụn, rỉ dịch, ban đỏ dai dẳng.
Trong những trường hợp cực kỳ hiếm gặp, có thể xảy ra biến chứng đe dọa tính mạng do nhiễm trùng hoặc rối loạn sắc tố da nặng (tăng hoặc giảm sắc tố da), gây ảnh hưởng nặng nề tâm lý bệnh nhân.
Các biến chứng có thể gặp sau peel da bao gồm:
Sưng tấy, phù nề:
Xảy ra với tần suất cao hơn đối với peel da trung bình hoặc sâu. Phù có thể xuất hiện từ 24 đến 72 giờ sau khi peel và biến mất sau một thời gian ngắn.
Hướng xử trí: Bác sĩ sẽ dựa trên tình trạng của bệnh nhân mà xử trí bằng chườm đá hoặc kê toa cho bệnh nhân các thuốc đặc trị.
Đau và bỏng rát kéo dài:
Da có hiện tượng đau kèm theo bỏng rát, nóng ran và châm chít kéo dài nhiều ngày. Nếu tình trạng này chỉ xuất hiện trong khi hoặc sau khi peel một vài giờ thì có thể không gây nguy hại. Tuy nhiên nếu kéo dài thì đó là một biểu hiện không tốt và có thể gây nguy hại cho da. Tình trạng này thường xảy ra khi bệnh nhân phơi nắng kéo dài mà không sử dụng kem chống nắng sau liệu trình peel hoặc peel da với tác nhân, nồng độ không phù hợp và đặc biệt rất thường xảy ra ở da nhạy cảm.
Hướng xử trí: chườm đá hoặc xịt khoán lạnh để giảm cảm giác đau và bỏng. Ngoài ra, các Bác sĩ Da liễu sẽ có thể chỉ định thêm kem làm dịu da, thuốc kháng viêm giúp ngăn ngừa viêm nhiễm, tăng sắc tố da.
Ban đỏ dai dẳng:
ban đỏ là hiện tượng thường gặp sau khi peel da nhưng ban đỏ dai dẳng trong nhiều ngày lại là biến chứng sau peel nếu áp dụng không đúng kỹ thuật. Một số nguyên nhân được biết đến của ban đỏ dai dẳng là sử dụng tretinoin tại chỗ trước và sau khi thực hiện peel da, uống isotretinoin trước khi peel da, sử dụng đồ uống có cồn, người bị viêm da tiếp xúc, mẫn cảm và một số tình trạng da như viêm da dị ứng, bệnh lupus ban đỏ.
Hướng xử trí: nếu gặp phải tình trạng này, cần tái khám ngay với Bác sĩ Da liễu để được điều trị nội khoa bằng các thuốc đặc trị, laser hoặc ánh sáng xung mạnh IPL.
Nổi nhiều mụn, rỉ dịch:
Sau khi peel da bị nổi mụn là tác dụng phụ phổ biến sau peel. Đây là biểu hiện bình thường gây ra bởi cơ chế của peel da. Tuy nhiên khi mụn nổi quá nhiều, mụn bất thường như mụn nước, mụn viêm đỏ, rỉ dịch, đỏ da như nổi sảy thì đây là biểu hiện bất thường. Đây có thể là dấu hiệu của bội nhiễm vi khuẩn hoặc nấm trên da.
Hướng xử trí: nếu gặp phải tình trạng này, cần tìm gặp Bác sĩ Da liễu ngay để được đánh giá tình trạng viêm nhiễm của các sang thương trên da và điều trị nội khoa bằng các thuốc đặc trị.
Tăng sắc tố da:
sau khi peel da có thể xảy ra hiện tượng tăng sắc tố khiến da không đều màu, đặc biệt là ở những người có làn da sẫm màu. Nguyên nhân của tăng sắc tố da là do tăng sinh melanin hay tăng số lượng tế bào hắc tố làm xuất hiện các đốm sạm nhỏ hay các vết nâu sậm màu trên má, trán và cằm. Tăng sắc tố sau peel cũng có khả năng xảy ra khi làn da chịu tổn thương vì tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời mà không được che chắn kỹ.
Hướng xử trí: tăng sắc tố có thể điều trị bằng hydroquinon 3-4% dạng kem hay dung dịch và phải sử dụng kem chống nắng có SPF phù hợp khi ra ngoài.
Giảm sắc tố da:
Biểu hiện là các đốm da nhạt màu hơn so với bình thường do các tế bào hắc tố mất khả năng tạo melanin. Giống như tăng sắc tố sau peel thì giảm sắc tố cũng thường xuất hiện ở má, trán và cằm.
Hướng xử trí: Bác sĩ da liễu sẽ chỉ định thuốc uống hoặc bôi đặc trị tùy tình trạng của từng người bệnh.

Nguyên nhân của biến chứng sau peel da
Tại sao khiến một phương pháp được đánh giá là an toàn trong điều tri thẩm mỹ nội khoa lại có thể xảy ra biến chứng, thậm chí là các biến chứng nghiêm trọng? Các nguyên nhân đã được ghi nhận như sau:
- Tự ý peel da tại nhà: sử dụng tác nhân peel, nồng độ, thời gian peel không phù hợp cũng có thể dẫn đến những biến chứng khó lường. Các chuyên gia khuyến cáo chỉ được sử dụng các tác nhân peel có nồng độ nhỏ hơn 2% để tự peel da tại nhà. Lúc này peel da đóng vai trò thay thế bước tẩy tế bào chết thường quy tại nhà, có nghĩa là không mang lại hiệu quả điều trị các vấn đề về da như liệu trình peel tại các cơ sở y tế.
- Lựa chọn những cơ sở thiếu uy tín, không đảm bảo chất lượng để thực hiện peel da: peel da là một phương pháp đòi hỏi phải thực hiện theo quy trình chuẩn y khoa từ bước khám, đánh giá tình trạng da đến bước chọn tác nhân, nồng độ, thời gian peel và cả bước chăm sóc da sau peel. Điều đó chỉ được đảm bảo tại các cơ sở thẩm mỹ có Bác sĩ Da liễu hành nghề và trực tiếp tham gia vào quy trình trị liệu cho khách hàng. Peel da tại những cơ sở không có chức năng điều trị da liễu như spa nhiều khả năng dẫn đến các biến chứng, đặc biệt trong các trường hợp peel trung bình đến sâu.
- Lạm dụng peel da: nhiều người muốn có được làn da đẹp hơn sau peel nên cho rằng peel da càng nhiều sẽ càng đẹp hơn nữa mà quên đi rằng da cần thời gian đủ để hồi phục sau liệu trình trước khi có thể peel lần tiếp theo. Các chuyên gia khuyên rằng đừng quá lạm dụng liệu pháp làm đẹp này để rồi biến nó thành kẻ thù hủy hoại da của bạn.
Phân biệt tác dụng phụ và biến chứng sau peel da
Thực tế là không có một dấu hiệu rạch ròi để phân biệt giữa tác dụng phụ và biến chứng sau peel da. Cần dựa trên sự theo dõi của chính bản thân bạn và sự đánh giá của Bác sĩ Da liễu để xem xét một biểu hiện bất kỳ là biến chứng hay chỉ là tác dụng phụ sau peel da. Tuy nhiên có thể dựa vào những đặc điểm được mô tả sau đây để phân biệt cơ bản những tác dụng phụ thường gặp và biến chứng sau khi peel da:
- Đỏ da, bỏng rát, đau: nếu biểu hiện đỏ da, bỏng rát, đau chỉ xuất hiện rồi hết hẳn trong vòng vài giờ đến 1 ngày khi peel nông thì đó chỉ là tác dụng phụ bình thường sau peel, do đó bạn cứ yên tâm và đừng lo lắng. Tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài thì bạn có thể đã gặp phải biến chứng, cần báo ngay với Bác sĩ của bạn để xử trí kịp thời.
- Nám, sạm, da không đều màu: nếu sau peel da khoảng 2-5 ngày có hiện tượng lớp da cũ bị sạm đi, khô lại và bong tróc sau đó để tái tạo làn da mới trắng hơn đều màu hơn thì đây chính là kết quả bạn chờ đợi. Còn trường hợp lớp da cũ đã bong tróc xong mà da mới lại xỉn màu, sạm hơn cả khi chưa peel thì bạn phải đến kiểm tra ngay lập tức với Bác sĩ Da liễu để có cách xử trí phù hợp.
- Nổi nhiều mụn li ti: peel da có thể làm da nổi nhiều mụn hơn, tuy nhiên nếu có tình trạng bất thường như mụn li ti chi chít, mụn nước bằng đầu tăm hay mụn rỉ mủ ngày càng lan ra và ngứa rát thì đó là biến chứng và cần gặp Bác sĩ ngay để điều trị.
Những đối tượng cần thận trọng khi peel da
Thông qua quá trình ứng dụng trên lâm sàng cũng như các ghi nhận từ các nghiên cứu lâm sàng, y văn đã ghi nhận những bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ cao gặp phải tác dụng phụ và biến chứng sau peel bao gồm:
- Những người có loại da sẫm màu.
- Những người có da nhạy cảm hoặc tiền sử viêm da dị ứng.
- Những người có da khô và hơi đỏ.
- Người làm các nghề ngoài trời thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
- Người có tiền sử nhạy cảm với ánh sáng hoặc tăng sắc tố sau viêm.
- Người có tiền sử sẹo lồi, kém chữa lành vết thương hoặc nhiễm virus herpes.
- Người gần đây đã sử dụng isotretinoin.
- Những người bị rối loạn tâm thần.
Xác định bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ cao là bước vô cùng quan trọng để hạn chế các trường hợp có thể xảy ra biến chứng gây ảnh hưởng đến bệnh nhân. Với các đối tượng bệnh nhân này, Bác sĩ Da liễu cần thăm khám lâm sàng và tìm hiểu tiền sử bệnh để cân nhắc giữa nguy cơ và lợi ích trước khi đưa ra chỉ định peel da. Bác sĩ Da liễu cũng là người giúp lựa chọn tác nhân peel và nồng độ phù hợp để hạn chế tối thiểu nguy cơ tác dụng phụ và biến chứng có thể xảy ra.
>>> Xem thêm: Peel da hóa học thường xuyên có làm mỏng da
Những lưu ý chăm sóc da sau khi peel cần đặc biệt tuân thủ
- Tránh ánh nắng tuyệt đối theo lời dặn của Bác sĩ.
- Vệ sinh da mặt theo hướng dẫn trực tiếp từ Bác sĩ hoặc Dược sĩ có chuyên môn.
- Cung ẩm đầy đủ cho da theo hướng dẫn để đảm bảo da hồi phục nhanh nhất.
- Không peel da tại các cơ sở không có chức năng điều trị da như spa.
- Tuân thủ chặt chẽ những dặn dò khác của Bác sĩ Da liễu trực tiếp điều trị.
Các biến chứng sau peel da rất hiếm gặp nhưng nếu xảy ra sẽ có thể ảnh hưởng lớn hơn đến tâm lý bệnh nhân. Vậy nên việc lựa chọn một cơ sở điều trị da uy tín với đội ngũ Bác sĩ tay nghề cao, tận tâm với bệnh nhân của mình là một việc rất quan trọng để có được một làn da đẹp như bạn mong muốn. Trong trường hợp cần tư vấn thêm, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi. Đội ngũ Bác sĩ với kiến thức chuyên sâu về thẩm mỹ nội khoa tại Phòng khám Doctor Acnes sẵn sàng trả lời các thắc mắc của bạn khi bạn cần.
Tài liệu tham khảo
- Costa I. M. C., Damasceno P. S., Costa M. C., Gomes K. G. P. “Review in peeling complications”. Journal of Cosmetic Dermatology. 2017 Sep;16(3):319-326
- Sidiropoulou P., Gregoriou S., Rigopoulos D., Kontochristopoulos G.. “Chemical Peels in Skin Cancer: A Review”. J Clin Aesthet Dermatol. 2020 Feb;13(2):53-57. Epub 2020 Feb 1
- Nikalji N., Patil S., Sakhiya J., Godse, K., & Nadkarni, N.. “Complications of medium depth and deep chemical peels”. Journal of Cutaneous and Aesthetic Surgery. 2012 Oct;5(4):254-60
- Perić S., Bubanj M., Bubanj S., Jančić S.. “Side effects assessment in glycolic acid peelings in patients with acne type”. Bosn J Basic Med Sci. 2011 Feb; 11(1): 52–57
- Hindustan Times. “Worried about the side effects of a chemical peel? Here’s how it affects people with different skin tones”