Da bị tăng sắc tố sau peel – Nguyên nhân và cách xử lý

Được đăng bởi Doctor Acnes vào ngày 05/04/2024

Peel da hóa học là phương pháp da liễu không xâm lấn dùng phổ biến để điều trị mụn, sẹo, rối loạn sắc tố da và lão hóa da. Mặc dù phương pháp này được xem là an toàn khi thực hiện đúng cách, vẫn có thể xảy ra một vài tác dụng phụ hoặc biến chứng trong số ít trường hợp, bao gồm có tăng sắc tố da. Vậy nguyên nhân da bị tăng sắc tố sau peel da là gì? Cách điều trị da bị tăng sắc tố sau peel như thế nào? Hãy cùng Doctor Acnes giải đáp các câu hỏi trên trong bài viết dưới đây! 

Giới thiệu chung về peel da

Peel da hóa học là thủ thuật tái tạo bề mặt da bằng cách dùng các chất hóa học (thường là các acid hữu cơ) tạo ra sự phá hủy có kiểm soát các lớp bề mặt da cũ và thay thế bằng các lớp da mới nhằm cải thiện cấu trúc làn da theo hướng mong muốn. Peel da được ứng dụng trong điều trị mụn, xóa mờ sẹo nhỏ, giảm nhăn, làm mờ thâm và trẻ hóa làn da.

Những ghi nhận đầu tiên về việc sử dụng các chất peel da đã được ghi chép trong các tài liệu cổ Ai Cập vào những năm 1550 trước công nguyên. Trong thẩm mỹ da liễu hiện đại, các thủ thuật peel da bắt đầu được thực hiện từ thế kỷ 18. Các chuyên gia về da liễu bắt đầu chú ý nhiều hơn đến peel da vào thế kỷ 19, đặc biệt là tại châu Âu. Hiện nay, peel da ngày càng được sử dụng phổ biến với nhiều hóa chất peel khác nhau như các alpha hydroxy acid (AHA), salicylic acid, trichloroacetic acid (TCA) hay tretinoin.

Peel da tại Phòng khám da liễu Doctor Acnes
Peel da hóa học là thủ thuật tái tạo bề mặt da

Peel da được phân loại theo chiều sâu tác động lên da là peel da bề mặt, peel da trung bình và peel da sâu. Peel da bề mặt được xem là an toàn nhưng vẫn có thể gây tác dụng phụ như ngứa, tăng nhạy cảm cho da, ly giải biểu bì, dị ứng và gây tăng sắc tố da sau viêm. 

Nguyên nhân gây tăng sắc tố da sau peel

Mặc dù peel da có thể được sử dụng để điều trị tăng sắc tố nhưng bên cạnh đó peel da còn là một trong những nguyên nhân gây tăng sắc tố nếu sử dụng không đúng cách. Tăng sắc tố da sau peel có thể xảy ra vài ngày đến vài tuần sau peel và có thể kéo dài không dứt nếu như không điều trị hợp lý. Da bị tăng sắc tố sau peel là biến chứng thường gặp phải khi sử dụng các hoạt chất peel da trung bình-sâu như TCA, nhưng đôi khi cũng có thể bắt nguồn từ peel da bề mặt. 

Nguyên nhân là do sự tăng nồng độ sắc tố melanin ở vùng da bị tác động bởi các hóa chất peel. Melanin tăng cao do phản ứng viêm của da sau peel để lại các nốt sẫm màu hoặc nguyên cả vùng da đều bị thâm màu.   

Tăng sắc tố da có thể xảy ra ở mọi loại da, tuy nhiên thường gặp ở nhóm da tối màu. Lí do là vì nhóm người có tone da tối màu có lượng melanin biểu bì cao hơn các nhóm còn lại. Thống kê cho thấy da thuộc tuýp III-VI theo phân loại da Fitzpatrick (trong đó da người châu Á thường thuộc tuýp III-IV, người vùng Nam Á có thể lên đến tuýp V) thuộc nhóm nguy cơ cao. Ngoài ra, da thuộc tuýp I và II có tiếp xúc với ánh nắng mạnh hoặc có sử dụng các chất nhạy ánh sáng như thuốc kháng viêm không steroid, thuốc tránh thai cũng dễ bị tăng sắc tố sau peel. Tiếp xúc với ánh nắng mà không sử dụng kem chống nắng phổ rộng phù hợp; dùng thuốc chứa estrogen như thuốc tránh thai, liệu pháp thay thế hormone là yếu tố nguy cơ quan trọng dẫn đến tăng sắc tố sau thủ thuật peel da.

Cách khắc phục da bị tăng sắc tố sau peel

Để xử lý tình trạng tăng sắc tố da sau peel, Bác sĩ Da liễu có thể sử dụng biện pháp bôi thoa tại chỗ như sau:

  • Sử dụng tretinoin 0.05% kết hợp với 4% hydroquinone, 1-2 lần/ngày dùng trong khoảng 3 tuần hoặc thậm chí cả thời gian dài hơn nếu cần thiết.
  • Nếu sử dụng tretinoin xuất hiện tình trạng kích ứng gây đỏ da, có thể thêm kem chứa hydrocortisone trong vài tuần. Lưu ý rằng tretinoin, hydroquinone, hydrocortisone đều là thuốc kê đơn, vì vậy việc sử dụng các thuốc bôi này phải được chỉ định và theo dõi bởi Bác sĩ Da liễu.
  • Sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF tối thiểu là 30 để ngăn ngừa tình trạng tăng sắc tố trầm trọng hơn.

Ngoài phương pháp dùng thuốc bôi thoa tại chỗ, Bác sĩ Da liễu có thể sử dụng các liệu pháp điều trị tại Phòng khám như:

  • Mesotherapy: so với thuốc bôi thoa trên bề mặt, tiêm meso mang lại hiệu quả cao hơn vì tránh được sự cản trở hấp thu của lớp sừng cũng như sự phân hủy hóa học xảy ra trên bề mặt da. Các hoạt chất thường được sử dụng bao gồm tranexamic acid, vitamin C, glutathione hay PRP.
  • Laser và ánh sáng: IPL, laser ruby ​​Q-switched, laser Nd:YAG Q-switched và laser picosecond (xung ngắn, cường độ cao) đã được sử dụng để điều trị tình trạng tăng sắc tố bằng phương pháp quang nhiệt phân đoạn chọn lọc, đặc biệt khi các liệu pháp điều trị thuốc thoa tại chỗ không còn đáp ứng.
  • Peel da: trong một vài trường hợp, Bác sĩ Da liễu có thể sử dụng hoạt chất acid glycolic 30-40% để peel da nhằm thúc đẩy quá trình xử lý da. Glycolic acid ngoài tính chất lột tẩy ngăn sự kết hợp melanin tạo thành đốm nâu còn có tác động ức chế tạo thành melanin trong các tế bào hắc tố nên là tác nhân phù hợp để khắc phục tình trạng tăng sắc tố sau peel.
Thăm khám với Bác sĩ Da liễu Doctor Acnes
Thăm khám với Bác sĩ Da liễu để được xử lý tình trạng tăng sắc tố da

>>> Xem thêm bài viết bạn có thể quan tâm: Vì sao da bị tăng sắc tố sau laser và cách điều trị?

Cách phòng ngừa tình trạng tăng sắc tố da sau peel

Cần tuân thủ một số lưu ý sau để hạn chế tình trạng tăng sắc tố da sau peel: 

  • Nên thực hiện peel da tại các Phòng khám Da liễu uy tín và thực hiện peel da theo chỉ định của Bác sĩ Da liễu. Mức độ xâm nhập tác nhân peel càng sâu vào da thì nguy cơ xảy ra tác dụng phụ càng cao. Khả năng xảy ra tai biến sẽ phụ thuộc vào tác nhân peel (loại acid sử dụng), thời gian peel và kỹ thuật peel. Do đó, quy trình peel da cần được theo dõi bởi Bác sĩ Da liễu để hạn chế thấp nhất nguy cơ tăng sắc tố sau peel. 
  • Tránh tiếp xúc ánh nắng triệt để và dùng các loại kem chống nắng phổ rộng (UV-A và UV-B) trước và sau khi peel da. 
  • Ở những bệnh nhân có nguy cơ tăng sắc tố sau peel, Bác sĩ Da liễu có thể cho sử dụng trước khi peel 2-4 tuần các chất chống thâm như hydroquinone 2-4% hoặc tretinoin.
  • Trong trường hợp peel da lần đầu, bắt đầu ở mức nồng độ thấp và tăng từ từ ở những lần sau.
  • Sử dụng phối hợp kem chống nắng, chất làm mờ thâm (hydroquinone, kojic acid, arbutin), retinoid, AHA, BHA hay các loại mỹ phẩm chống oxy hóa khác và kem làm trắng da trong quy trình chăm sóc da sau peel theo hướng dẫn từ Bác sĩ.
ca lâm sàng điều trị tăng sắc tố thành công
Ca lâm sàng điều trị tăng sắc tố sau peel thành công tại Phòng khám Doctor Acnes

Peel da hóa học là phương pháp điều trị không xâm lấn rất phổ biến để điều trị các tình trạng về da và giúp da luôn tươi mới. Tuy peel da tương đối an toàn nhưng vẫn có thể có một số tác dụng phụ trong đó có tình trạng tăng sắc tố da sau peel. Tăng sắc tố da sau peel xảy ra do sự tăng nồng độ melanin được thúc đẩy bởi quá trình viêm sau peel và có thể kéo dài sau đó. Cách tốt nhất để hạn chế tình trạng tăng sắc tố sau peel là thăm khám với Bác sĩ Da liễu để đánh giá nguy cơ tăng sắc tố trước peel từ đó có các biện pháp phòng ngừa phù hợp; tiếp đó, thực hiện đúng quy trình peel đã được chỉ định tại Phòng khám Da liễu và chăm sóc da cẩn thận sau peel theo hướng dẫn của Bác sĩ.

banner gruop facebook

Tài liệu tham khảo

  1. Nikalji N, Godse K, Sakhiya J, Patil S, Nadkarni N. “Complications of medium depth and deep chemical peels“. J Cutan Aesthet Surg. 2012 Oct;5(4):254-60. doi: 10.4103/0974-2077.104913. PMID: 23378707; PMCID: PMC3560165
  2. Chemical peel“. Mayo Clinic
  3. How to fade dark spots in darker skin tones“. AAD
  4. Sharad J. “Glycolic acid peel therapy – a current review“. Clin Cosmet Investig Dermatol. 2013 Nov 11;6:281-8. doi: 10.2147/CCID.S34029. PMID: 24399880; PMCID: PMC3875240
  5. Anitha B. “Prevention of complications in chemical peeling”. J Cutan Aesthet Surg. 2010 Sep;3(3):186-8. doi: 10.4103/0974-2077.74500. PMID: 21430836; PMCID: PMC3047741
  6. Usuki A, Ohashi A, Sato H, Ochiai Y, Ichihashi M, Funasaka Y. “The inhibitory effect of glycolic acid and lactic acid on melanin synthesis in melanoma cells“. Exp Dermatol. 2003;12 Suppl 2:43-50. doi: 10.1034/j.1600-0625.12.s2.7.x. PMID: 14756523
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84