Da mụn có nên dùng kem chống nắng?

Được đăng bởi BS.CKI. Cao Nữ Hoàng Oanh vào ngày 18/11/2022

Bảo vệ da dưới ánh nắng mặt trời, đặc biệt là khi bức xạ cao là vô cùng cần thiết vì ánh nắng mặt trời là nguyên nhân hàng đầu gây lão hoá da. Tuy nhiên, một số người bị mụn có quan điểm dùng kem chống nắng sẽ làm bít tắc lỗ chân lông, từ đó gây mụn nên thường bỏ qua bước thoa kem chống nắng trong chu trình chăm sóc da hằng ngày.

Vậy da mụn có nên dùng kem chống nắng hay không? Việc sử dụng kem chống nắng có làm mụn trầm trọng hơn không? Cùng Doctor Acnes tìm hiểu về chủ đề này qua bài viết dưới đây nhé!

Da bị mụn có nên bôi kem chống nắng không?

Tia UV hay còn gọi là tia cực tím trong ánh sáng mặt trời có thể được phân thành ba loại chính dựa vào bước sóng và mức năng lượng, đó là UVA, UVB và UVC. Tia UVC có bước sóng ngắn nhất (100 – 280 nm) và có mức năng lượng cao nhất, UVA có bước sóng dài nhất (315 – 400 nm) nhưng ít photon năng lượng nhất và UVB có bước sóng trung gian (290 – 320 nnm).

Khi chiếu xuống trái đất, ozone trong khí quyển đã hấp thụ hầu hết tia UVC nên ánh sáng mặt trời mà con người tiếp xúc chủ yếu chỉ bao gồm tia UVA (90% – 95%) và UVB (5% – 10%).

Mỗi thành phần của tia UV có thể gây ra nhiều tác động khác nhau lên tế bào, mô và phân tử. Bước sóng dài hơn UVA xâm nhập sâu vào lớp hạ bì. Ngược lại, UVB gần như được hấp thụ hoàn toàn bởi lớp biểu bì, tương đối ít đến được lớp hạ bì.

UVA là một trong những nguyên nhân tạo ra các gốc oxy hoá, gián tiếp làm hỏng DNA thông qua các phản ứng nhạy cảm ánh sáng. UVB được DNA hấp thụ trực tiếp, làm sắp xếp lại phân tử, hình thành các sản phẩm quang học, cụ thể như chất dime-xyclobutan và các đồng phân quang học khác.

DNA bị tổn thương theo thời gian có thể khiến các tế bào bắt đầu phát triển ngoài tầm kiểm soát và dẫn đến các bệnh lý ác tính như ung thư da.

Tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời sẽ làm khô da, khiến da bị sừng hóa. Điều này có nghĩa là các tế bào da trên bề mặt bị cứng lại, cản trở quá trình bong tróc tự nhiên của tế bào da chết và ngăn không cho bã nhờn thoát khỏi lỗ chân lông, một trong những nguyên nhân hình thành nhân mụn.

Một hậu quả khác của việc da bị khô là các tuyến bã nhờn hoạt động quá mức và sản xuất dầu nhờn dư thừa. Bã nhờn tại các đơn vị nang lông trên da là môi trường cho vi khuẩn Propionibacterium acnes phát triển và lây lan từ đó làm nặng thêm tình trạng mụn trứng cá.

Có thể thấy, dưới tác động của ánh sáng mặt trời, các cơ chế bệnh sinh của mụn trở nên trầm trọng hơn và do đó, da bị mụn cần phải được bảo vệ khỏi tác động của ánh sáng mặt trời bằng cách bôi kem chống nắng và các biện pháp che chắn cơ học khác để ngăn chặn một phần cơ chế bệnh sinh của mụn trứng cá.

Cùng với tăng sừng biểu bì, tia UV còn làm tăng sinh và tích tụ tại biểu bì của hắc sắc tố melanin, góp phần làm da thâm sạm.

Theo nghiên cứu của Flament 2013, bức xạ tia cực tím từ mặt trời là nguyên nhân gây ra 80% các dấu hiệu lão hóa trên khuôn mặt như nếp nhăn, khô, chảy xệ và đốm nám. Do đó, da dù ở trạng thái nào, có mụn hay không cũng cần được bảo vệ trước những tác động của ánh nắng mặt trời.

Công dụng của kem chống nắng

Như tên gọi, kem chống nắng được sử dụng để bảo vệ da khỏi các tác hại của ánh nắng mặt trời. Chúng giúp ngăn ngừa tăng sừng biểu bì, sạm da và lão hóa sớm do tác động của tia UV.

Kem chống nắng cũng giúp giảm nguy cơ ung thư da và các phản ứng da giống như cháy nắng (nhạy cảm với ánh nắng mặt trời) do một số loại thuốc gây ra (bao gồm tetracyclines, thuốc sulfa, phenothiazines như chlorpromazine).

Kem chống nắng - Doctor Acnes
Kem chống nắng được sử dụng để bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời

Kem chống nắng có hai dạng vật lý và hóa học, trong đó dạng vật lý chứa thành phần như kẽm oxide, titanium dioxide phủ lên da giữ vai trò như tấm “khiên” giúp phản xạ, phân tán tia UV ra khỏi bề mặt da.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy rằng kem chống nắng vật lí thực sự bảo vệ da bằng cách phản xạ tới 95% tia UV. Trong khi đó, kem chống nắng hóa học phổ biến với các thành phần như oxybenzone, avobenzone, octisalate, octocrylene octinoxate và homosalate giúp hấp thụ tia UV chuyển thành phản ứng nhiệt để không gây hại cho da.

Ngoài ra trên thị trường hiện nay cũng có kem chống nắng kết hợp của cả hai loại trên, mang đến hiệu quả chống nắng tốt hơn.

Cách lựa chọn kem chống nắng cho da mụn

Để lựa chọn được loại kem chống nắng phù hợp cho da mụn, cần đặc biệt lưu ý các điểm sau:

Nên lựa chọn kem chống nắng vật lí

Kem chống nắng hoá học với ưu điểm dễ tán, không để lại vệt trên da tuy nhiên một số thành phần của kem chống nắng hoá học có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mụn hoặc làm nám da. Hơn nữa, kem chống nắng hoá học làm cho những người sở hữu làn da nhạy cảm dễ gặp các tác dụng không mong muốn như mẩn đỏ hoặc sưng viêm.

Trong khi đó, kem chống nắng vật lí có thành phần tự nhiên như titanium dioxide hoặc kẽm oxide được khuyên dùng hơn với những người đang gặp phải tình trạng mụn. Chuyên gia cũng lưu ý rằng khi chọn kem chống nắng vật lý hoàn toàn, bạn cần tìm loại có nồng độ kẽm oxide ít nhất 10% để có được độ che phủ phổ rộng.

Tránh những sản phẩm có thành phần gây bít tắc lỗ chân lông

Da bị mụn cần tránh những sản phẩm có thành phần gây bít tắc lỗ chân lông, do đó cần lựa chọn sản phẩm chống nắng không chứa các thành phần làm tắc nghẽn lỗ chân lông “noncomedogenic” và không chứa dầu “oil free” trên nhãn/bao bì.

Kem chống nắng không gây bít tắc lỗ chân lông cho làn da dầu mụn - Doctor Acnes
Kem chống nắng không gây bít tắc lỗ chân lông phù hợp cho làn da dầu mụn

Với da dầu mụn, nên ưu tiên sử dụng sản phẩm chống nắng dạng lỏng hoặc dạng gel để hạn chế tình trạng bít tắc lỗ chân lông và giúp giữ ẩm cho da.

Các yếu tố khác

Nên sử dụng kem chống nắng phổ rộng, ngăn ngừa cả tia UVA và UVB. Phổ của kem chống nắng được thể hiện qua hai chỉ số là SPF và PA. SPF (sun protection factor) là chỉ số đại diện cho khả năng chống lại tia UVB.

Chỉ số SPF càng cao khả năng chống nắng càng tốt. Kem chống nắng có chỉ số SPF 30 ngăn chặn 97% tia UVB xâm nhập vào da, SPF 50 ngăn chặn 98% tia UVB. Mặc dù SPF cao hơn mang lại khả năng bảo vệ tốt hơn, nhưng chúng không tồn tại trên da lâu hơn so với chỉ số thấp hơn, vì vậy cần thoa lại kem chống nắng thường xuyên.

PA (protection grade of UVA) là chỉ số đo lường khả năng lọc tia UVA của kem chống nắng do Hiệp Hội Mỹ Phẩm Nhật Bản công bố. Chỉ số PA thường gặp trong các mỹ phẩm ở thị trường châu Á. PA dao động từ 1 đến 4 + (+, ++, +++ hoặc ++++), PA càng cao thì khả năng bảo vệ khỏi tia UVA càng mạnh, với PA+ thì hiệu quả bảo vệ từ 40 – 50%, PA++ khoảng từ 60 – 70%, PA+++ lên đến 90% và PA++++ là trên 95%.

>>> Xem thêm: Một số hoạt chất chống nắng hiệu quả

Cách sử dụng kem chống nắng cho da mụn

Sử dụng kem chống nắng cho làn da dầu mụn nên tuân theo những nguyên tắc chung sau:

Thoa kem chống nắng đủ liều lượng

Dưới ánh nắng gay gắt, lượng kem chống nắng quá mỏng sẽ khiến hiệu quả bảo vệ làn da kém trước các tia cực tím. Ngược lại, nếu bôi quá dày, kem chống nắng có thể gây bít tắc lỗ chân lông và làm trầm trọng thêm tình trạng mụn.

Do đó, lượng kem chống nắng được khuyên dùng cho một lần là khoảng hai đốt ngón tay hay 1/4 muỗng cà phê (tương đương 2mg/cm2 da) và đảm bảo tất cả vùng da phơi bày dưới tia UV đều được thoa kem chống nắng, kể cả các vùng cổ, lỗ tai, sau gáy.

Kem chống nắng hóa học cần thời gian để phát huy tác dụng; vì vậy nên thoa kem chống nắng 30 phút trước khi ra nắng. Ngoài ra, hầu hết các loại kem chống nắng đều sẽ giảm dần tác dụng, khoảng 2 – 3 tiếng sau khi bôi lên da.

Nếu phải vận động ngoài trời, đổ nhiều mồ hôi, thời gian trên càng rút ngắn. Vì vậy, nên thoa lại kem chống nắng mỗi 2 – 3 giờ để bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời hiệu quả.

Lưu ý: cần bôi kem chống nắng kể cả khi trời mát, nắng nhẹ hoặc khi chỉ ở nhà.

Làm sạch da trước và sau khi sử dụng kem chống nắng

Nên sử dụng kem chống nắng sau khi dưỡng da và trước khi trang điểm. Bôi kem chống nắng ngay sau khi dùng các sản phẩm chăm sóc da sẽ làm loãng kem hoặc thay đổi tính chất vật lý và hóa học của kem chống nắng, làm giảm tác dụng của kem chống nắng. Thông thường thời gian bôi các sản phẩm dưỡng da và kem chống nắng cách nhau ít nhất 15 phút.

Làm sạch da vào cuối ngày là vô cùng cần thiết. Tẩy trang kết hợp với sữa rửa mặt giúp loại bỏ đi lớp kem chống nắng, bụi bẩn, dầu thừa sau cả ngày dài hoạt động. Nếu da mặt không được làm sạch, những hoạt chất có trong kem chống nắng không được loại bỏ hoàn toàn sẽ tích tụ lâu ngày trên da gây hiện tượng bít tắc lỗ chân lông và hình thành mụn.

Làm sạch da - Doctor Acnes
Làm sạch da trước và sau khi sử dụng kem chống nắng

Dưỡng ẩm cho da trước khi sử dụng kem chống nắng

Việc dưỡng ẩm được thực hiện ở cả chu trình dưỡng da buổi sáng và buổi tối. Dưỡng ẩm giúp hydrat hóa lớp biểu bì, hỗ trợ bảo vệ làn da chống lại các tác nhân gây kích ứng bên ngoài như ánh nắng mặt trời và ô nhiễm môi trường, đồng thời làm trẻ hóa và dịu da. Những người có làn da dầu càng cần thiết sử dụng kem dưỡng ẩm để giúp da giảm tiết dầu nhờn.

Những lưu ý khác

Một số lưu ý khác khi sử dụng kem chống nắng bao gồm:

Lựa chọn sản phẩm phù hợp với da. Có thể test thử bằng cách bôi kem ở 1 vùng nhỏ trên da mặt ít nhất là 48 giờ. Nếu da không bị kích ứng hay có các phản ứng mẫn cảm khác thì có thể sử dụng.

Không nên dùng kem chống nắng cơ thể cho da mặt. Da mặt dễ nhạy cảm và kích ứng hơn rất nhiều so với lớp da trên cơ thể. Kem chống nắng cho cơ thể có kết cấu dày hơn cùng với các thành phần khác có thể gây kích ứng cho da mặt.

Để đảm bảo khả nắng chống nắng cao nhất, nên kết hợp với các biện pháp chống nắng khác như hạn chế ra đường vào giờ tia UV cực đại (từ 12 giờ trưa đến 15 giờ chiều), đội nón rộng vành, mặc quần áo có chất liệu chống nắng, mang kính mát chống tia UV.

Bảo quản kem chống nắng nơi thoáng mát, tránh nhiệt độ cao và ánh nắng trực tiếp. Không nên sử dụng các loại kem chống nắng đã mở nắp và để lâu bên ngoài không khí, cho dù lượng kem vẫn còn nhiều.

Không dùng kem chống nắng đã hết hạn sử dụng hoặc đã mua hơn 3 năm. Các hoạt chất có trong kem chống nắng lâu ngày có thể bị mất tác dụng chống nắng, ngược lại còn có thể gây kích ứng da.

Vì vậy, hãy đảm bảo kem chống nắng đang sử dụng là sản phẩm mới, các hoạt chất vẫn đang hoạt động tốt để giảm thiểu nguy cơ gây mụn, chống nắng hiệu quả và bảo vệ làn da toàn diện.

>>> Xem thêm: Cách bôi kem chống nắng hiệu quả từ sáng đến tối

Tóm lại, việc sử dụng kem chống nắng cho da mụn thật sự quan trọng và cần thiết, góp phần vào việc đẩy lùi mụn trứng cá. Tất cả những việc cần làm là lựa chọn cho mình một loại kem chống nắng phù hợp và bôi kem chống nắng đúng cách.

Nếu vẫn chưa biết nên lựa chọn sản phẩm chống nắng nào cho tình trạng da của mình, hãy liên hệ Phòng khám Doctor Acnes để được đội ngũ Bác sĩ Da liễu và Dược sĩ chuyên sâu về dược mỹ phẩm tư vấn.

banner gruop facebook

Tài liệu tham khảo

  1. John D’Orazio, Stuart Jarrett, Alexandra Amaro-Ortiz, Timothy Scott. “UV Radiation and the Skin”. Int J Mol Sci. 2013 Jun; 14(6): 12222–12248
  2. “What’s the Difference Between Physical and Chemical Sunscreen?”. Healthline.com
  3. “Every Sunscreen Question You Have, Answered”. Healthline.com
  4. “Sunlight and aging”. Ewg.org
  5. Adam Barnes. “Skincare experts explain whether you should apply your sunscreen before or after moisturizer — and why”. Insider.com
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84