Bôi kem chống nắng bị cay mắt: nguyên nhân và cách xử lý

Được đăng bởi Doctor Acnes vào ngày 05/10/2023

Bôi kem chống nắng là cách bảo vệ làn da khỏi sự tổn thương do tác động của tia tử ngoại, giúp giảm nguy cơ ung thư da. Việc sử dụng kem chống nắng đã trở thành một phần thiết yếu trong chăm sóc da hàng ngày. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc sử dụng kem chống nắng cũng thuận lợi. Một trong những tình huống khá phổ biến và gây khó chịu mà nhiều người trải qua là cảm giác cay mắt sau khi bôi kem chống nắng. Để hiểu rõ hơn tại sao bôi kem chống nắng bị cay mắt và cách xử lý. Cùng Doctor Acnes tìm hiểu ngay sau đây nhé

Phân loại kem chống nắng

Kem chống nắng bao gồm 2 loại là kem chống nắng vật lý và kem chống nắng hóa học. Hai loại kem chống nắng này có cơ chế hoạt động và thành phần khác nhau để bảo vệ da.

  • Kem chống nắng vật lý: sử dụng các thành phần khoáng vật tự nhiên như kẽm oxit (zinc oxide) hoặc titan dioxit (titanium dioxide). Khi tiếp xúc với tia cực tím (tia UV – ultraviolet), kem chống nắng vật lý tạo một lớp màng bảo vệ, phản xạ và phân tán tia UV ra khỏi da, ngăn chúng tiếp xúc với tế bào da.
  • Kem chống nắng hóa học: chứa các hoạt chất hóa học như oxybenzone, avobenzone, octisalate, octocrylene, homosalate, ethylhexyl salicylate và nhiều thành phần khác. Các hoạt chất hóa học hấp thụ tia UV khi tiếp xúc với da, sau đó chuyển năng lượng tia UV thành nhiệt và phát ra khỏi da. Kem chống nắng hóa học thường gây kích ứng cho mắt như nóng rát, cảm giác châm chích.
Kem chống nắng bao gồm 2 loại
Kem chống nắng bao gồm 2 loại là kem chống nắng vật lý và kem chống nắng hóa học

Nguyên nhân gây cay mắt khi dùng kem chống nắng

Nguyên nhân 1: các hoạt chất hoá học trong kem chống nắng có thể gây kích ứng cho mắt nếu tiếp xúc trực tiếp. Điều này thường xảy ra khi sử dụng kem quá gần vùng mắt. Hầu như những chất không cùng đẳng trương với mắt đều gây cay mắt, những loại kem chống nắng gây cay mắt thường chứa những thành phần sau.

  • Các dẫn xuất của benzophenone thường gây cay mắt như oxybenzone, avobenzone và butyl methoxy-dibenzoylmethane.
  • Thành phần có gốc cinnamate (hương quế).
  • Salicylate gồm octyl salicylate (2-ethylhexyl salicylate), triethanolamine salicylate và homosalate (HMS hoặc homomenthyl salicylate).
  • Hương liệu, các chất tạo mùi.
  • Các loại cồn.
  • Paraben là chất bảo quản hóa học dễ gây nổi mẩn ngứa, nổi đỏ, kích ứng da.
  • Dầu khoáng gây bít tắc lỗ chân lông, khiến tình trạng kích ứng của da trở nên trầm trọng hơn.

Nguyên nhân 2: kem chống nắng tan chảy vào mắt. Các thành phần hóa học trong kem chống nắng có thể tan trong mồ hôi hoặc theo nước mưa, nước biển, nước hồ bơi làm cho kem chống nắng trôi vào mắt gây ra cảm giác khó chịu, châm chích và kích ứng cho mắt.

Ngoài ra, mỗi người dùng có độ nhạy cảm khác nhau đối với các thành phần hóa học. Một số người có thể nhạy cảm hơn và dễ bị kích ứng bởi các chất trong kem chống nắng.

Cách xử lý khi dùng kem chống nắng bị cay mắt

Kem chống nắng sẽ không dẫn đến tổn thương mắt vĩnh viễn, nhưng nó gây bỏng hóa chất cho bề mặt mắt và có thể gây khó chịu trong một vài giờ thậm chí vài ngày. Một vài điều nên làm để giảm thiểu sự khó chịu khi bị cay mắt do kem chống nắng gồm:

  • Tháo kính áp tròng và tránh đeo kính áp tròng trong ít nhất 48 giờ.
  • Sử dụng nước tẩy trang lau quanh mắt để loại bỏ kem chống nắng. Tránh không dụi mắt vì việc này có thể làm tăng kích ứng và làm kem chống nắng tiếp tục vào mắt.
  • Rửa mắt kỹ bằng nước nhỏ mắt sinh lý (NaCl 0.9%) hoặc nước trong ít nhất 15 phút. Chớp mắt thường xuyên để giúp rửa trôi kem chống nắng ra khỏi mắt tự nhiên.
  • Sử dụng nước mắt nhân tạo để giảm đau mắt nếu cần.
Cách xử lý khi dùng kem chống nắng bị cay mắt
Cách xử lý khi dùng kem chống nắng bị cay mắt

Hướng dẫn lựa chọn kem chống nắng để tránh bị cay mắt

Có thể tham khảo một số tip sau khi lựa chọn kem chống nắng nếu không muốn bị cay mắt như bên dưới.

  • Chọn kem chống nắng có dung môi thân nước hoặc đẳng trương với nước mắt: các kem chống nắng thân nước thường giúp làm dịu da và không gây cảm giác nhờn rít. Chúng dễ dàng thẩm thấu vào da mà không gây khó chịu cho mắt nếu vô tình dính phải. Cấu trúc đẳng trương với nước mắt giúp không gây khó chịu và đau mắt.
  • Chọn kem chống nắng không chứa các hoạt chất hóa học gây cay mắt: nên chọn các sản phẩm không có thành phầm gây kích ứng mắt như benzophenone, avobenzone, octyl methoxycinnamate và các thành phần có khả năng gây kích ứng như màu, hương thơm và các hóa chất gây kích ứng khác.
  • Chọn kem chống nắng vật lý: kem chống nắng vật lý thường chứa các thành phần khoáng chất tự nhiên như kẽm oxit và titan dioxit không gây cay mắt khi đổ mồ hôi hay tiếp xúc với nước.
  • Chọn kem chống nắng chống nước (water resistant hoặc very water resistant): kem chống nắng chống nước là loại kem chống nắng có khả năng duy trì hiệu quả bảo vệ da khi tiếp xúc với nước trong một khoảng thời gian nhất định và được ghi trên bao bì sản phẩm (40 phút đối với “kem chống nước” và 80 phút đối với “kem siêu chống nước”). Sản phẩm này không hòa tan trong nước nên không theo mồ hôi, nước mưa hay nước hồ bơi trôi vào mắt. Mặc dù vậy, nếu tắm biển, bơi lội hoặc mồ hôi nhiều, cần chú ý thoa kem khi hết thời gian khuyến cáo để có thể bảo vệ da tốt nhất.
  • Chọn thương hiệu kem chống nắng không gây cay mắt: chọn một thương hiệu kem chống nắng uy tín và không gây cay mắt thường ghi rõ trên nhãn hoặc có ký hiệu như eye tolerance, safe – eye tech.
tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu để được tư vấn kem chống nắng phù hợp
Tham khảo ý kiến Bác sĩ Da liễu để được tư vấn và lựa chọn kem chống nắng phù hợp

>>> Xem thêm: Cách bôi kem chống nắng hiệu quả từ sáng đến tối

kem chống nắng phổ rộng
Các loại kem chống nắng không gây cay mắt

Sử dụng kem chống nắng là bước quan trọng trong chăm sóc da hàng ngày. Những khó chịu khi sử dụng kem chống nắng như cay mắt có thể được giải quyết bằng cách lựa chọn sản phẩm phù hợp và sử dụng đúng cách. Nếu chưa tìm ra được sản phẩm phù hợp cho mình, hãy liên hệ  Doctor Acnes để được các Bác sĩ Da liễu tư vấn và hướng dẫn cách sử dụng nhé!

banner gruop facebook

Tài liệu tham khảo

  1. M.S. Latha, Jacintha Martis, V. Shobha, Rutuja Sham Shinde. “Sunscreening Agents“. J Clin Aesthet Dermatol. 2013 Jan; 6(1): 16–26
  2. Sunscreen: How to Help Protect Your Skin from the Sun“. FDA
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84