Da mặt là vùng da có độ nhạy cảm cao, mỏng và dễ bị tổn thương hơn so với các vùng da khác trên cơ thể. Vì vậy, việc sử dụng mỹ phẩm không phù hợp có thể dẫn đến da bị kích ứng như nổi mẩn đỏ, mụn hay tăng sắc tố… Hôm nay, hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu về dấu hiệu nhận biết cũng như cách phục hồi da sau dị ứng mỹ phẩm nhé.
Dấu hiệu da bị kích ứng mỹ phẩm
Kích ứng sau khi dùng mỹ phẩm là tình trạng da bị tổn thương bởi những thành phần có trong mỹ phẩm, dẫn đến những hậu quả với mức độ từ nhẹ đến nghiêm trọng cho da. Vì vậy, khi dùng mỹ phẩm cần chú ý những dấu hiệu sau đây để biết da có bị dị ứng sau khi dùng mỹ phẩm hay không:
- Da khô: da sẽ trở nên thô ráp và tróc vảy. Nếu mức độ khô da nghiêm trọng, có thể kèm theo các dấu hiệu khác như ngứa, đỏ da và các vết nứt da ở nhiều mức độ khác nhau.
- Da trở nên nhạy cảm hơn: với những tác động từ bên ngoài (ánh sáng, tia cực tím, môi trường nóng lạnh, xà phòng, mỹ phẩm, các tác nhân ô nhiễm…) hoặc từ bên trong cơ thể (nội tiết, tâm lý). Biểu hiện đặc trưng của da nhạy cảm là cảm giác da căng, châm chích, khó chịu và ngứa, bên cạnh đó có thể thấy da trở nên đỏ hơn và đôi khi tróc vảy.
- Viêm da tiếp xúc kích ứng: bao gồm các triệu chứng đỏ da, khô và bong vảy; có cảm giác châm chích ngay tại vị trí thoa. Kích ứng sẽ giảm đi nếu thoa một lượng ít hoặc thưa dần, và có thể kèm thêm viêm da tiếp xúc dị ứng.
- Viêm da tiếp xúc dị ứng: đây là phản ứng của hệ miễn dịch cơ thể, chỉ xảy ra với những người có cơ địa nhạy cảm. Biểu hiện của viêm da tiếp xúc dị ứng có thể xuất hiện tại chỗ hoặc toàn thân bao gồm ngứa, bỏng rát kèm theo đỏ da, sưng phù và bóng nước.
Có thể phân biệt viêm da tiếp xúc kích ứng và viêm da tiếp xúc dị ứng dựa vào vị trí thương tổn và thời gian tiến triển. Viêm da tiếp xúc kích ứng xảy ra hoàn toàn tại nơi tiếp xúc với chất gây kích ứng và thường là vài giờ sau khi tiếp xúc. Còn đối với viêm da tiếp xúc dị ứng xảy ra tại nơi tiếp xúc hoặc toàn thân, thường là 12 – 72 giờ sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng.
- Nổi mụn do mỹ phẩm: một số mỹ phẩm có thể kích thích sinh nhân mụn. Thông thường mụn do mỹ phẩm xuất hiện sau 1 – 6 tháng dùng mỹ phẩm với mức độ nghiêm trọng, thay đổi từ mụn đầu trắng, mụn mủ cho đến mụn nang, mụn bọc. Ở những người có cơ địa dễ bị mụn, đã từng bị mụn khi ở độ tuổi thanh thiếu niên thì dễ gặp phải tình trạng nổi mụn do dùng mỹ phẩm hơn.
- Teo da và giãn mạch: da mặt sẽ xuất hiện các mạch máu nhỏ li ti có hình dạng như mạng nhện, màu đỏ, tím hoặc xanh dương. Thường xuất hiện ở những vùng da mỏng trên mặt như mũi, hai bên má, hai bên thái dương và trước xương quai hàm.
- Trứng cá đỏ (rosacea): trứng cá đỏ là biểu hiện da thường gặp khi sử dụng mỹ phẩm hoặc chế độ chăm sóc da không phù hợp, với các đặc điểm như nổi sẩn màu đỏ, mụn mủ (không nhân) và mạch máu lộ rõ tại vùng da tổn thương.
- Tăng sắc tố da: xuất hiện những mảng da có màu sậm hơn so với vùng da xung quanh. Tăng sắc tố da xảy ra có thể do tác dụng phụ của mỹ phẩm hoặc do sử dụng các sản phẩm gây bào mòn da mà không được chống nắng đầy đủ.
Những chất nào có trong mỹ phẩm dễ gây tai biến cho da?
Khi chọn mỹ phẩm, việc hiểu rõ thành phần có thể gây dị ứng là rất quan trọng, đặc biệt với làn da nhạy cảm. Dưới đây là một số thành phần dễ gây kích ứng da:
- Retinoid: là dẫn xuất vitamin A, có hiệu quả trong điều trị mụn và chống lão hóa. Tuy nhiên, cả dạng bôi và uống đều có thể gây tác dụng phụ như da bỏng rát, ửng đỏ và thậm chí là sưng tấy. Đặc biệt, tính acid của retinoid khiến da nhạy cảm hơn và dễ bị kích ứng.
- AHA/BHA: là hai hoạt chất có tính acid thường có trong các sản phẩm như nước hoa hồng, sữa rửa mặt, kem dưỡng ẩm, mặt nạ, kem tẩy tế bào chết. Chúng có đặc tính bào mòn nên có thể gặp phải tình trạng kích ứng da sau khi sử dụng.
- Benzoyl peroxide (BPO): thường có trong các sản phẩm trị mụn trứng cá mức độ nhẹ đến trung bình. Dù có tác dụng kháng khuẩn chống viêm mạnh và làm tiêu mụn nhẹ, BPO dễ gây ửng đỏ, ngứa rát và có thể tạo cảm giác da bị cháy.
- Dầu lanolin: được chiết xuất từ da cừu, giúp dưỡng ẩm và làm mềm da. Tuy nhiên theo nghiên cứu, lanolin có thể gây dị ứng cho khoảng 1,7% người sử dụng với triệu chứng sưng tấy tại các vị trí bôi như mắt, môi hoặc phát ban.
- Chất tạo mùi: là thành phần chính gây dị ứng trong mỹ phẩm, chiếm từ 30 – 45% các tác nhân gây dị ứng. Các sản phẩm có hương thơm càng đậm đặc thì nguy cơ gây kích ứng càng cao. Chất tạo mùi thường có mặt trong nhiều loại mỹ phẩm như dung dịch vệ sinh, kem dưỡng da sau cạo râu.
- Chất bảo quản: cũng là tác nhân quan trọng gây dị ứng, có nhiều trong các sản phẩm gốc nước như sữa rửa mặt, các sản phẩm chăm sóc da và trang điểm. Một số chất bảo quản gây dị ứng thường được dùng trong mỹ phẩm có thể kể đến là Euxyl K400 (chứa methyldibromo glutaronitrile trong hỗn hợp phenoxy-ethanol), hỗn hợp methyl- và methylchloro-isothiazolinone.
- Chất dễ gây mụn: nhiều mỹ phẩm chứa thành phần gốc dầu như dầu quả bơ, dầu dừa, dầu đậu nành, lanolin, bơ cacao. Những chất này dễ gây bít tắc lỗ chân lông, tạo điều kiện cho mụn phát sinh.
- Hydroquinone: hiệu quả trong làm sáng da nhưng khi sử dụng lâu dài có thể gây sạm da (exogenous ochronosis) ở một số ít người. Đặc trưng là những vệt sắc tố xanh đen xuất hiện tại vùng da được bôi hydroquinone.
- Kojic acid: có nguồn gốc từ nấm, giúp làm sáng da bằng cách ức chế enzyme tyrosinase. Tuy nhiên, kojic acid có thể gây viêm da tiếp xúc và tăng nhạy cảm với tia UV, dẫn đến da có thể bị sạm nám khi dùng.
- Arbutin: là chất làm sáng da có cấu trúc tương tự hydroquinone và hoạt động bằng cách ức chế enzyme tyrosinase, giúp làm sáng da và cải thiện tone da. Mặc dù được coi là tương đối an toàn và ít gây kích ứng hơn hydroquinone, nhưng khi sử dụng ở nồng độ cao, arbutin vẫn có thể dẫn đến viêm da tiếp xúc và gây tăng sắc tố da.
- Corticoid: là một chất kháng viêm mạnh, thường được sử dụng để điều trị các bệnh viêm da do khả năng ức chế hệ miễn dịch và tăng sinh tế bào. Ngoài ra, corticoid còn giúp làm sáng da nhờ khả năng ức chế sự tăng sinh melanocyte. Tuy nhiên, corticoid thường bị lạm dụng trong kem trộn làm trắng, và khi sử dụng kéo dài có thể gây hại nghiêm trọng cho da, bao gồm bùng phát mụn, đỏ da, teo da và rạn da, khiến da trở nên yếu hơn.
>>> Xem thêm: Cách phục hồi da nhiễm corticoid từ việc dùng kem trộn
Các cách phục hồi da sau dị ứng mỹ phẩm với Bác sĩ Da liễu
Thời gian để da phục hồi sẽ phụ thuộc vào dạng dị ứng cụ thể và cơ địa của mỗi người, có trường hợp da có thể phục hồi trong vài tuần nhưng cũng có trường hợp kéo dài lâu hơn, kéo dài hàng tháng. Với từng loại dị ứng, Bác sĩ Da liễu có thể lựa chọn một trong các liệu trình điều trị dưới đây:
Đối với da khô
- Dùng các chế phẩm dưỡng ẩm có chứa hyaluronic acid, ceramide.
- Nếu không có tình trạng da kích ứng, có thể cân nhắc thêm glycolic acid, urea, lactic acid và lipohydroxy acid.
Đối với da nhạy cảm
- Tránh sử dụng kháng viêm corticosteroid tại chỗ.
- Sử dụng các chất ức chế miễn dịch dạng bôi pimecrolimus, tacrolimus hoặc các phân tử tác dụng chuyên biệt lên thụ thể TRPV1 như trans-4-tert-butylcyclohexanol, furocoumarin.
- Laser năng lượng thấp và liệu pháp ánh sáng đỏ, ánh sáng xung mạnh IPL cũng đã chứng minh hiệu quả làm giảm mức độ nghiêm trọng của da nhạy cảm.
Viêm da tiếp xúc dị ứng
- Dùng kháng viêm corticosteroid dạng bôi triamcinolone, desoximetasone 2 lần/ngày trong 2 – 4 tuần cho những trường hợp viêm da nhẹ đến trung bình và khu trú.
- Sử dụng triamcinolone tiêm hoặc prednisone đường uống cho những trường hợp viêm da trung bình đến nặng hoặc tổn thương diện rộng.
Trứng cá do mỹ phẩm
- Lấy nhân mụn.
- Thay da sinh học bằng các acid tự nhiên.
- Sử dụng liệu pháp ánh sáng xung mạnh IPL, laser xung ngắn.
- Kháng sinh đường uống như doxycycline, minocycline hay azithromycin.
Teo da
- Thay da sinh học bằng các acid tự nhiên.
- Liệu pháp ánh sáng xung mạnh IPL, laser fractional CO2, laser PDL xung dài.
- Nếu bắt buộc phải dùng corticosteroid dạng bôi dài ngày để điều trị một số bệnh da, kết hợp thêm tretinoin để dự phòng teo da.
Trứng cá đỏ
- Dùng azelaic acid, ivermectin, tranexamic dạng bôi.
- Kháng sinh đường uống doxycycline hoặc minocycline.
- Liệu pháp ánh sáng xung mạnh IPL, laser PDL xung dài hoặc quang động trị liệu.
Tăng sắc tố da
- Thay da sinh học bằng các acid tự nhiên.
- Liệu pháp ánh sáng xung mạnh IPL, laser fractional CO2, laser Q-Switch hoặc laser PDL xung dài.
Chăm sóc da khi bị tai biến do dùng mỹ phẩm thế nào?
Tùy thuộc vào dạng dị ứng và nền da của mỗi người, quy trình chăm sóc da cụ thể sẽ khác nhau. Tuy nhiên, có những nguyên tắc chung cần áp dụng khi da có dấu hiệu tổn thương do sử dụng mỹ phẩm như sau:
- Xem lại các mỹ phẩm đã dùng và ngưng ngay những sản phẩm có thành phần có thể gây dị ứng nêu trên.
- Chăm sóc da nhẹ nhàng bằng cách hạn chế số lượng sản phẩm chăm sóc da. Sử dụng sữa rửa mặt không chứa xà phòng, cồn và hương liệu. Làm sạch da nhẹ nhàng, tránh chà xát mạnh bằng các thiết bị cơ học hoặc các sản phẩm tẩy tế bào chết.
- Bảo vệ da tránh ánh sáng mặt trời.
- Dưỡng ẩm đầy đủ.
Tình trạng kích ứng da do mỹ phẩm rất phổ biến, vì vậy cần hiểu rõ làn da và thành phần mỹ phẩm để hạn chế rủi ro, đặc biệt khi dùng sản phẩm mới. Nếu có dấu hiệu kích ứng, nên ngưng sử dụng ngay và thăm khám Bác sĩ Da liễu để kịp thời điều trị. Nếu đang gặp phải các vấn đề dị ứng do sử dụng mỹ phẩm, hãy liên hệ với Doctor Acnes để được tư vấn và điều trị kịp thời nhé!
Tài liệu tham khảo
- Guenther L, Lynde CW, et al. “Pathway to dry skin prevention and treatment“. J Cutan Med Surg. 2012 Jan-Feb;16(1):23-31. doi: 10.1177/120347541201600106
- Guerra-Tapia A, Serra-Baldrich E, et al. “Diagnosis and Treatment of Sensitive Skin Syndrome: An Algorithm for Clinical Practice“. Actas Dermosifiliogr (Engl Ed). 2019 Dec;110(10):800-808. English, Spanish. doi: 10.1016/j.ad.2018.10.021
- Masub N, Khachemoune A. “Cosmetic skin lightening use and side effects“. J Dermatolog Treat. 2022 May;33(3):1287-1292. doi: 10.1080/09546634.2020.1845597
- Passeron T, Genedy R, et al. “Laser treatment of hyperpigmented lesions: position statement of the European Society of Laser in Dermatology“. J Eur Acad Dermatol Venereol. 2019 Jun;33(6):987-1005. doi: 10.1111/jdv.15497
- Sonbol H, Brenaut E, et al. “Efficacy and Tolerability of Phototherapy With Light-Emitting Diodes for Sensitive Skin: A Pilot Study“. Front Med (Lausanne). 2020 Feb 7;7:35. doi: 10.3389/fmed.2020.00035
- Zhang H, Tang K, et al. “Rosacea Treatment: Review and Update“. Dermatol Ther (Heidelb). 2021 Feb;11(1):13-24. doi: 10.1007/s13555-020-00461-0