Acid salicylic (SA) và benzoyl peroxide (BP) là hai trong số các thành phần trị mụn phổ biến và được bán rộng rãi dưới dạng nhiều chế phẩm khác nhau. Thực tế, câu hỏi nhiều người bị mụn thường băn khoăn đó là giữa acid salicylic (SA) và benzoyl peroxide (BP) hoạt chất nào trị mụn hiệu quả hơn. Hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu ngay về những lợi ích và tác dụng phụ liên quan đến hai hoạt chất trên, trường hợp nào nên dùng và những lưu ý khi sử dụng hai hoạt chất này nhé!
Nguyên nhân gây ra mụn
Hầu hết các phương pháp điều trị mụn đều nhằm tác động vào một hoặc nhiều nguyên nhân gây mụn, bao gồm:
- Tăng sản xuất bã nhờn.
- Sừng hóa nang lông bất thường.
- Tăng sinh vi khuẩn gây mụn Propionibacterium acnes (thường được viết tắt là P. acnes).
- Viêm cũng là một trong những nguyên nhân gây ra mụn.
Tăng sừng hóa và tăng sản xuất bã nhờn tạo ra môi trường hoàn hảo cho vi khuẩn P. acnes tăng sinh, từ đó hình thành mụn. P. acnes là một loại vi khuẩn kỵ khí (vi khuẩn không cần oxy để tăng trưởng và có thể suy yếu hoặc chết nếu có sự hiện diện của oxy). Vi khuẩn này kích thích miễn dịch bẩm sinh của cơ thể dẫn đến các phản ứng gây viêm.
Mặc khác, khi các nang lông (lỗ chân lông) bị bít tắc bởi các tế bào chết và bã nhờn, mụn đầu đen, mụn đầu trắng, mụn mủ thường lợi dụng điều kiện thuận lợi này mà xuất hiện. Vì vậy, các phương pháp điều trị mụn thường dựa trên nguyên tắc làm sạch cặn bã ở lỗ chân lông, giảm tiết dầu nhờn hoặc tiêu diệt vi khuẩn P. acnes gây mụn.
Salicylic acid là gì?
Acid salicylic hay SA (một loại acid β-hydroxy, viết tắt là BHA) là một acid kháng viêm không steroid, được xem như một chất tẩy tế bào chết trong da liễu. Nhờ vào bản chất thân dầu của hoạt chất, SA có khả năng thâm nhập sâu vào trong da, len lỏi vào các lỗ chân lông và giúp hòa tan chất nhờn tránh làm bít tắc lỗ chân lông, đồng thời làm sạch dầu nhờn và bụi bẩn trên da.
Vì vậy, SA giúp giảm mụn theo cơ chế tẩy các thành phần cặn bã ở sâu dưới da, giữ cho lỗ chân lông được thông thoáng, đồng thời, cơ chế này cũng loại bỏ lượng dầu thừa trên bề mặt da.
Theo các nghiên cứu, acid salicylic chủ yếu được sử dụng để điều trị mụn trứng cá không viêm như mụn đầu đen và mụn đầu trắng.
Benzoyl peroxide là gì?
Benzoyl peroxide (BP) là một chất oxy hóa có đặc tính kháng khuẩn, tiêu sừng, tiêu mụn và kháng viêm. Khi bôi tại chỗ, BP chuyển hóa (chủ yếu ở các lớp trên của biểu bì) thành benzoic acid và các gốc oxy tự do giúp phá vỡ màng tế bào của vi khuẩn Propionibacterium acnes. Phổ kháng khuẩn của BP rộng, kéo dài đến 48 giờ và BP có khả năng tiêu diệt vi khuẩn ngay cả ở điều kiện phát triển tối ưu của chúng. Tuy nhiên, khác với các loại thuốc kháng sinh tại chỗ khác, các nghiên cứu ghi nhận rằng không xuất hiện tình trạng kháng thuốc nào khi sử dụng BP.
Ngoài ra, một số nghiên cứu chứng minh BP có khả năng giảm acid béo tự do trong bã nhờn nhờ vào đặc tính kháng khuẩn (BP làm giảm lượng vi khuẩn trong tuyến bã nhờn, vì vậy giảm được lượng lipase do vi khuẩn tiết ra, dẫn đến giảm acid béo tự do tạo ra từ phản ứng của lipase với bã nhờn).
Nhờ vào khả năng kháng khuẩn phổ rộng, BP được xem là một trong những phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả nhất đối với các tổn thương do viêm nhiễm và thường được sử dụng như một liệu pháp đầu tay cho các trường hợp mụn trứng cá nhẹ đến trung bình, các mụn bọc, mụn mủ.
Sự khác biệt giữa acid salicylic (SA) và benzoyl peroxide (BP)
Sự khác biệt lớn nhất giữa acid salicylic (SA) và benzoyl peroxide (BP) là đặc tính kháng khuẩn. BP có tính kháng khuẩn, phá vỡ màng tế bào và tiêu diệt vi khuẩn. Trong khi đó, SA thì hoàn toàn không có đặc tính kháng khuẩn này mà chỉ có khả năng kháng viêm, tức làm giảm triệu chứng như sưng, nóng, đỏ, đau do phản ứng viêm gây ra mà không có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn.
Bên cạnh đó, do benzoyl peroxide giúp tiêu diệt P. acnes – loại vi khuẩn chủ yếu gây nên tình trạng nặng nề của mụn nên thuốc có tác dụng rất nhanh và thấy được kết quả trong vòng 5 ngày. Ngược lại, SA cần thời gian ít nhất 2-3 tuần để thực sự thấy rõ sự thay đổi trên da.
Trị mụn nên chọn acid salicylic (SA) hay benzoyl peroxide (BP)?
Để lựa chọn sản phẩm cho liệu trình trị mụn, Doctor Acnes khuyên nên tham khảo ý kiến của Bác sĩ về tình trạng mụn cụ thể của bản thân để sử dụng cho phù hợp và hiệu quả. Các Bác sĩ tại Doctor Acnes xin gợi ý một số yếu tố để lựa chọn sau đây:
- Loại mụn: do SA có tác dụng thông thoáng lỗ chân lông nên SA sẽ hiệu quả hơn đối với các loại mụn không viêm như mụn đầu đen, mụn đầu trắng và mụn cóc. Tuy nhiên, SA lại không có khả năng tiêu diệt vi khuẩn nên tác dụng kém hiệu quả với mụn bọc và mụn mủ. Trong khi đó, BP sẽ thích hợp hơn khi sử dụng với mụn mủ nhờ cơ chế kháng khuẩn phổ rộng.
- Độ nhạy cảm của làn da: việc lựa chọn SA hay BP có thể tùy vào mức độ phù hợp giữa hoạt chất và làn da, tránh trường hợp kích ứng, mẫn cảm hoặc không hiệu quả. Một điều cần lưu ý là BP dễ kích ứng hơn SA, vì thế nên hạn chế sử dụng hoạt chất này ở da nhạy cảm.
Có nên sử dụng kết hợp acid salicylic (SA) và benzoyl peroxide (BP) trong việc điều trị mụn không?
Vào năm 2010, Elizabeth và cộng sự đã tiến hành phân tích số liệu của 23 nghiên cứu trên 7309 bệnh nhân nhằm so sánh hiệu quả của 4 phương pháp điều trị mụn trứng cá:
- Phương pháp 1: sử dụng benzoyl peroxide (BP) riêng lẻ.
- Phương pháp 2: sử dụng kháng sinh clindamycin riêng lẻ.
- Phương pháp 3: sử dụng BP kết hợp với salicylic acid (SA).
- Phương pháp 4: kết hợp của BP và clindamycin.
Nghiên cứu trên cho kết luận rằng: trong 2 – 4 tuần đầu tiên, phương pháp 3 (BP 5% kết hợp với SA) cho hiệu quả điều trị tốt nhất trong số 4 phương pháp khảo sát. Phương pháp 4 (BP kết hợp với clindamycin) có kết quả tốt hơn nhóm dùng riêng lẻ BP và nhóm dùng riêng lẻ clindamycin. Sau 4 tuần, các nghiên cứu ghi nhận hiệu quả điều trị như nhau giữa phương pháp 3 (BP 5% kết hợp với SA) và phương pháp 4 (BP 5% kết hợp clindamycin). Như vậy, số liệu trên cho thấy dùng phối hợp BP và SA có hiệu quả điều trị mụn tốt hơn so với sử dụng BP hoặc kháng sinh riêng lẻ.
Liệu trình điều trị mụn thường bao gồm cả SA và BP để đạt hiệu quả tối ưu. Tuy nhiên, vì BP và SA có tác dụng giảm tiết hoặc làm tan dầu nhờn nên khi thoa cả hai sản phẩm này trên cùng một vùng da – thậm chí vào những thời điểm khác nhau trong ngày – vẫn có thể làm tăng nguy cơ bị khô, mẩn đỏ và bong tróc da quá mức.
Vì vậy, có thể sử dụng SA kết hợp BP an toàn hơn bằng cách không sử dụng sản phẩm của hai hoạt chất này cùng một thời điểm. Với các sản phẩm có chứa SA, bạn có thể bôi trên toàn bộ da mặt để làm sạch nhờn và bụi bẩn, thông thoáng lỗ chân lông trước khi dùng BP để BP dễ dàng thấm sâu hơn. Sau đó, hãy chấm BP lên những nốt mụn bọc, mụn mủ để tiêu diệt vi khuẩn tại chỗ và không dùng hoạt chất này ở những vùng da không có mụn.
Những lưu ý khi sử dụng acid salicylic (SA) và benzoyl peroxide (BP)
- Tránh tình trạng lạm dụng: chú ý đọc thành phần của các bước trong quy trình chăm sóc da và đảm bảo rằng không sử dụng sản phẩm chứa SA hoặc BP cho nhiều bước trong quy trình này. Ví dụ, nếu dùng sữa rửa mặt có thành phần SA, hãy kiểm tra rằng toner hoặc kem dưỡng ẩm không có thành phần này nữa. Điều này sẽ hạn chế nguy cơ tẩy da chết quá đà (over-exfoliating) gây khô da và làm tình trạng mụn trở nên trầm trọng hơn.
- Bôi kem chống nắng hằng ngày: mặc dù hai thành phần trị mụn này không gây nhạy cảm với ánh nắng mặt trời như retinoid và alpha-hydroxy acid (AHA), nhưng việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mà không được bảo vệ có thể khiến tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, không sử dụng kem chống nắng cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư và lão hóa da.
Các dạng và liều dùng của acid salicylic (SA) trong điều trị mụn
Liều dùng bôi ngoài da của acid salicylic cho các loại kem, sữa rửa mặt, dưỡng ẩm và các sản phẩm OTC khác thường chứa nồng độ từ 0,5 đến 5%.
Các sản phẩm với nồng độ SA cao hơn có thể được dùng để tẩy da chết. Acid salicylic cũng được dùng với nồng độ cao hơn như một hoạt chất peel da để điều trị mụn trứng cá, sẹo mụn, tàn nhang, đốm lão hóa da hay nám.
Xem thêm các bài viết liên quan
Các dạng và liều dùng của benzoyl peroxide (BP) trong điều trị mụn
BP có sẵn dưới dạng sản phẩm không kê đơn và sản phẩm kê đơn với nồng độ 2,5%, 5% và 10%. Khi điều trị với BP, có thể bắt đầu với nồng độ 2,5% vì nồng độ này ít gây khô và kích ứng da hơn. Sau 6 tuần, nếu hiệu quả trị mụn chưa cải thiện có thể chuyển sang nồng độ 5% và chuyển sang nồng độ 10% chỉ khi bạn không thấy kết quả đáng kể ở nồng độ 5% sau 6 tuần tiếp theo. Các chế phẩm BP phổ biến trên thị trường có thể được phân thành hai nhóm chính sau:
- Nhóm sản phẩm benzoyl peroxide rửa (dạng wash-off) gồm các sản phẩm rửa mặt như sữa rửa mặt tạo bọt (cleansing foam), xà phòng rửa mặt (cleansing bar)…
- Nhóm sản phẩm benzoyl peroxide thoa trên da hoặc chấm mụn (leave-on) bao gồm dạng lotion, kem (cream), gel hoặc mặt nạ trị mụn…
Mỗi dạng bào chế đều có hướng dẫn cụ thể về tần suất sử dụng khác nhau. Sữa hoặc xà phòng rửa mặt được sử dụng từ một đến ba lần một ngày, trong khi mặt nạ chứa BP chỉ cần đắp trong 15 đến 25 phút, dùng mỗi tuần một lần.
Doctor Acnes khuyên bạn nên bắt đầu bằng việc sử dụng dạng sữa rửa mặt của BP sau đó chuyển sang dạng gel khi da bạn đã quen với các sản phẩm chứa thành phần này.
Một số nghiên cứu của Leyden và cộng sự năm 2004 và 2008 đã kết luận các sản phẩm kết hợp của BP và kháng sinh bôi ngoài da hoặc BP kết hợp với adapalene mang lại hiệu quả điều trị mụn cao hơn so với sử dụng BP riêng lẻ.
Lưu ý rằng hoạt chất BP có màu cam và dễ để lại vết bẩn khi dính vào quần áo. Nếu hoạt động nhiều trong ngày, mồ hôi có thể làm BP dính vào quần áo và làm ố chúng. Vì vậy, có thể cân nhắc chỉ sử dụng các sản phẩm chứa thành phần này vào ban đêm.
Tóm lại, acid salicylic (SA) sử dụng ngoài da có tác dụng làm thông thoáng lỗ chân lông và loại bỏ các tế bào da chết, giúp da sáng mịn. Vì vậy, acid salicylic trong da liễu được dùng để điều trị mụn trứng cá không viêm (mụn đầu đen và mụn đầu trắng) hoặc dùng ở nồng độ cao để tẩy da chết, thay da sinh học (peel da).
Benzoyl peroxide (BP) là hoạt chất kháng khuẩn nhờ khả năng giải phóng các gốc oxy tự do giúp tiêu diệt vi khuẩn P. acnes. Tuy nhiên, BP là chất oxy hoá nên nếu dùng lâu dài da sẽ bị lão hoá nhanh. Vì thế, Doctor Acnes khuyên bạn không nên sử dụng trong thời gian dài các loại sản phẩm có chứa BP. Thay vào đó, bạn nên dùng BP chấm trực tiếp, khu trú lên các vị trí mụn viêm, mụn bọc có mủ và không thoa lên vùng da không bị mụn.
Vì cả acid salicylic và benzoyl peroxide đều làm tăng độ nhạy cảm của da với ánh sáng mặt trời nên trong quá trình sử dụng, tuyệt đối phải sử dụng kem chống nắng và hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Mặt khác, hãy đảm bảo rằng không lạm dụng hai hoạt chất này để tránh nguy cơ tẩy da chết quá đà (over-exfoliating) gây khô da và làm tình trạng mụn trở nên trầm trọng hơn.
Tài liệu tham khảo
- Bergfeld WF. “The evaluation and management of acne: economic considerations”. J Am Acad Dermatol. 1995 May;32:S52–S56
- Decker A., Graber E. “Over-the-counter Acne Treatments”. The Journal of clinical and aesthetic dermatology. 2012 May;5(5), 32–40
- “Salicylic Acid Topical”. Medlineplus.gov
- “Benzoyl Peroxide”. Pubchem.ncbi.nlm.nih.gov
- Ralf S Mueller. “Topical dermatological therapy, Small Animal Clinical Pharmacology”. Sciencedirect.com
- Kircik LH. “The role of benzoyl peroxide in the new treatment paradigm for acne”. J Drugs Dermatol. 2013 Jun 01;12(6):s73-6
- Hana Grobel, Sarah A. “Acne Vulgaris and Acne Rosacea”. Sciencedirect.com
- Arif T. “Salicylic acid as a peeling agent: a comprehensive review”. Clinical, cosmetic and investigational dermatology. 2015;8, 455–461
- Kristeen Cherney, “Salicylic Acid vs. Benzoyl Peroxide: Which Is Better for Acne?”. Healthline.com
- Draelos Z. “Examining Over-the-Counter Acne Treatments”. Semanticscholar.org
- Seidler E., Kimball B. “Meta-analysis comparing efficacy of benzoyl peroxide, clindamycin, benzoyl peroxide with salicylic acid, and combination benzoyl peroxide/clindamycin in acne”. Journal of the American Academy of Dermatology. 2010 Jun;63(1), 52–62
- “Salicylic Acid (Topical Route)”. Mayoclinic.org
- Hoffman L., SAtia N., Zeichner J. “Topical Vehicle Formulations in the Treatment of Acne”. J Drugs Dermatol. 2018 Jun 01;17(6):s6-s10
- Leyden J., Thiboutot D., Shalita A. “Photographic review of results from a clinical study comparing benzoyl peroxide 5%/clindamycin 1% topical gel with vehicle in the treatment of rosacea”. Cutis. 2004 Jun;73(6 Suppl):11-7
- Leyden J., Wortzman M., Baldwin K. “Antibiotic-resistant Propionibacterium acnes suppressed by a benzoyl peroxide cleanser 6%”. Cutis. 2008 Dec;82(6):417-21