Peel da trị mụn bằng acid salicylic

Ngày 17/10/2024. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
5
(1)

Peel da hóa học là phương pháp làm đẹp vô cùng quen thuộc đối với những người đam mê chăm sóc da. Peel da hóa học có nhiều chỉ định như điều trị mụn, thâm nám, sẹo rỗ và trẻ hóa da. Với chỉ định điều trị mụn, acid salicylic là tác nhân thường được sử dụng nhất nhờ hiệu quả loại bỏ tế bào chết mà không gây bào mòn da, giúp thông thoáng lỗ chân lông bằng cách hòa tan dầu nhờn, bụi bẩn và còn có tác dụng kháng viêm.

Mặc dù peel da trị mụn bằng acid salicylic khá phổ biến, tuy nhiên liệu pháp này cũng có những lưu ý quan trọng. Hãy cùng tìm hiểu về acid salicylic và hiệu quả của nó khi sử dụng để peel da trị mụn trong bài viết sau đây nhé.

Peel da hóa học là gì?

Peel da hóa học là phương pháp sử dụng các tác nhân acid hữu cơ lành tính tác động lên bề mặt da, qua đó làm bong tróc tế bào da chết và kích thích quá trình tái tạo bề mặt da. Tác nhân thường được sử dụng trong peel da hóa học bao gồm acid glycolic, acid salicylic, acid mandelic, acid trichloroacetic… Peel da hóa học thường được sử dụng để điều trị mụn, lỗ chân lông to, tăng sắc tố sau viêm, sẹo rỗ, giúp làm mờ nếp nhăn hoặc vết chân chim.

Peel da hóa học là gì - Doctor Acnes
Peel da hóa học là phương pháp sử dụng các tác nhân acid hữu cơ lành tính tác động lên bề mặt da, qua đó làm bong tróc tế bào chết và kích thích quá trình tái tạo bề mặt da

Peel da hóa học có thể cho tác động từ lớp biểu bì cho đến lớp hạ bì của da. Tùy thuộc vào tình trạng da và mục đích điều trị, Bác sĩ Da liễu sẽ chỉ định phác đồ với tác nhân peel và nồng độ phù hợp.

Peel da hóa học có thể được phân loại dựa trên độ sâu mà tác nhân peel thâm nhập bao gồm: peel da rất nông (very superficial peeling) cho tác động trên lớp sừng của biểu bì; peel da bề mặt hay peel da nông (superficial peeling) tác động từ lớp tế bào hạt đến lớp tế bào đáy; peel da trung bình (medium-depth peeling) tiếp cận đến lớp bì nhú; peel da sâu (deep peeling) thâm nhập sâu đến lớp bì lưới.

Peel da bề mặt chỉ cho tác động trên lớp biểu bì do đó tương đối an toàn. Các tác nhân thường được sử dụng bao gồm acid alpha-hydroxy (AHA) như acid glycolic, acid lactic nồng độ khoảng 20 – 35%, acid salicylic 20 – 35% và acid trichloroacetic (TCA) 10 – 20%. Peel da bề mặt thường cho hiệu quả trong điều trị mụn trứng cá, lỗ chân lông to, giúp cải thiện rối loạn sắc tố da và làm trẻ hóa làn da ở mức độ nhẹ đến vừa.

Peel da trung bình cho tác động sâu hơn peel da bề mặt, từ lớp biểu bì cho đến lớp trung bì nông của da. Peel da trung bình có thể được sử dụng để điều trị sẹo mụn, tăng sắc tố da do lão hóa (thâm nám), làm mờ nếp nhăn. Tác nhân phổ biến nhất trong peel da trung bình là acid glycolic nồng độ khoảng 50 – 70% và TCA 35 – 50%.

Peel da sâu thường không phổ biến bằng hai loại trên do nguy cơ tác dụng phụ cao và thời gian phục hồi lâu. Ngoài ra, nghiên cứu cũng chứng minh rằng để điều trị những tình trạng da cần thâm nhập sâu thì các liệu pháp laser cho hiệu quả cao và ít tác dụng phụ sau điều trị hơn. Peel da sâu mang lại hiệu quả trong điều trị nếp nhăn và tăng sắc tố da từ trung bình đến nặng. Hai tác nhân thường dùng nhất trong peel da sâu là TCA nồng độ cao > 50% và dung dịch phenol.

Acid salicylic là gì?

Acid salicylic là gì - Doctor Acnes
Acid salicylic là acid thuộc nhóm acid beta-hydroxy (BHA), phần lớn được chiết xuất từ vỏ cây liễu hoặc dầu của cây lộc đề xanh

Acid salicylic là acid thuộc nhóm acid beta-hydroxy (BHA), phần lớn được chiết xuất từ vỏ cây liễu hoặc dầu của cây lộc đề xanh. Acid salicylic có công dụng phổ biến là tẩy tế bào chết với cơ chế làm giảm độ bám và phá vỡ liên kết giữa các tế bào sừng nhưng không làm thay đổi độ dày lớp biểu bì do đó có tác dụng loại bỏ tế bào chết mà không gây bào mòn da. Ngoài ra, acid salicylic còn có đặc tính thân dầu, có khả năng đi sâu vào bên trong nang lông để hòa tan bã nhờn, bụi bẩn, làm sạch sâu và giúp thông thoáng lỗ chân lông.

Trên lâm sàng, acid salicylic được chứng minh là có tác dụng trong điều trị các tình trạng liên quan đến tăng tiết bã nhờn như mụn trứng cá, ngoài ra còn cho hiệu quả trong điều trị tăng sắc tố và giúp trẻ hóa làn da. Acid salicylic nồng độ 30% là tác nhân tẩy tế bào chết hóa học được xem là “tiêu chuẩn vàng” trong điều trị mụn mức độ từ nhẹ đến trung bình. Nhìn chung, acid salicylic tương đối an toàn, tuy nhiên một số trường hợp da nhạy cảm vẫn có thể gặp tình trạng kích ứng khi sử dụng.

Peel da trị mụn bằng acid salicylic

Peel da bằng acid salicylic được tiến hành như thế nào?

Khác với việc tẩy tế bào chết hóa học bằng các sản phẩm chứa BHA có thể được mua dễ dàng tại nhà thuốc, peel da bằng acid salicylic là liệu pháp cần được tiến hành tại các phòng khám chuyên khoa Da liễu. Acid salicylic thường được sử dụng trong peel da bề mặt (peel nông) với nồng độ 20-30%, hòa tan trong dung môi hydroethanolic hay polyethylene glycol.

Tuy nhiên do đặc tính thân dầu, dễ dàng xâm nhập qua hàng rào lipid của biểu bì, nếu sử dụng acid salicylic với nồng độ cao hơn hoặc bôi nhiều lớp có thể gây tích tụ hoạt chất trên da, cho tác động sâu hơn đến lớp trung bì nông. Khi bắt đầu quá trình peel có thể cảm thấy châm chích và bỏng rát nhẹ nhưng sau đó sẽ giảm khi hoạt tính làm tê bề mặt của acid salicylic bắt đầu hoạt động. Sau khi thoa acid salicylic, hoạt chất thường được giữ trên bề mặt da khoảng 3 – 5 phút. Mức độ thâm nhập của tác nhân peel được đánh giá qua lớp bông trắng (frosting) được hình thành trên bề mặt da do sự đông tụ sừng nơi tác nhân peel tiếp xúc.

Đối với peel da bằng acid salicylic thường là peel nông nên chỉ hình thành frosting cấp độ 1, tức là hình thành lớp bông trắng nhẹ, rải rác, không đồng nhất kèm đỏ da nhẹ. Để đạt hiệu quả tốt nhất, nên tiến hành liệu trình peel từ 3 – 5 lần, mỗi lần cách nhau từ 3 – 4 tuần.

Khác với acid như glycolic hay pyruvic, sau peel cần thêm quá trình trung hòa acid bằng kiềm (thường dùng sodium bicarbonate 8 – 15%) nếu không quá trình đông tụ sừng sẽ tiếp tục xảy ra miễn là hóa chất peel vẫn còn trên bề mặt da. Acid salicylic có thể được tự trung hòa bởi các lipoprotein nội sinh của da do đó không cần trung hòa lại với kiềm sau khi peel. Quá trình bong tróc tế bào chết và tái tạo bề mặt da sau khi điều trị với acid salicylic thường kéo dài trong khoảng 7 – 10 ngày.

Hiệu quả của peel da bằng acid salicylic trong điều trị mụn

Acid salicylic đã được chứng minh hiệu quả trong điều trị mụn thông qua nhiều nghiên cứu khác nhau. Nhân mụn được hình thành khi bã nhờn, tế bào chết, bụi bẩn không được loại bỏ làm bít tắc lỗ chân lông, vi khuẩn có thể tích tụ bên trong gây viêm.

Acid salicylic hoạt động nhằm vào cơ chế bệnh sinh của mụn, có tác dụng tẩy tế bào chết giúp thông thoáng lỗ chân lông, làm giảm tiết dầu nhờn, hạn chế hình thành nhân mụn. Ngoài ra, acid salicylic còn có tác dụng kháng viêm và kháng khuẩn tại chỗ, do đó làm giảm tình trạng sưng, đỏ da do mụn viêm, tiêu diệt vi khuẩn gây mụn.

Hiệu quả của peel da bằng acid salicylic trong điều trị mụn - Doctor Acnes
Peel da hóa học bằng acid salicylic mang lại hiệu quả trong điều trị mụn từ nhẹ đến trung bình

Một nghiên cứu tiến hành so sánh hiệu quả điều trị mụn của phương pháp peel da bằng dung dịch Jessner và acid salicylic 30% trên tổng cộng 40 bệnh nhân có tình trạng mụn từ nhẹ đến trung bình. Dung dịch Jessner là một hỗn hợp các tác nhân peel bao gồm resorcinol, acid lactic và acid salicylic trong dung môi cồn, trước đây được sử dụng nhiều trong peel da trị mụn.

Kết quả cho thấy, không có sự khác biệt về số lượng mụn viêm giữa hai liệu pháp tuy nhiên acid salicylic 30% làm giảm số lượng mụn không viêm do đó cải thiện tình trạng mụn trên tổng thể tốt hơn dung dịch Jessner. Một nghiên cứu khác cũng tiến hành so sánh và cho kết quả tương tự, acid salicylic cho hiệu quả trên mụn viêm không khác biệt nhưng cải thiện tình trạng mụn không viêm (mụn ẩn, mụn đầu đen, mụn đầu trắng) vượt trội hơn so với dung dịch Jessner.

Mặt khác, nghiên cứu so sánh giữa peel da bằng acid glycolic 30% và acid salicylic 30% cho thấy, cả hai tác nhân peel đều cho hiệu quả trị mụn tương tự nhau. Tuy nhiên, acid salicylic cho hiệu quả kéo dài và ít tác dụng phụ hơn acid glycolic.

Một số tác dụng không mong muốn khi thực hiện peel da bằng acid salicylic

Trong peel da hóa học, tác nhân peel xâm nhập càng sâu thì nguy cơ tác dụng phụ càng cao. Peel da bằng acid salicylic thường chỉ ở mức độ peel da bề mặt do đó tương đối an toàn. Tuy nhiên, vẫn có thể gặp một số tác dụng không mong muốn sau khi trị liệu, đa phần sẽ hồi phục nhanh trong khoảng 1 – 2 tuần như:

  • Da bị đỏ, ngứa, sưng tấy.
  • Da bị châm chích, kích ứng và trở nên mẫn cảm.
  • Da khô, bong tróc, đóng vảy.
  • Tăng hoặc giảm sắc tố da bất thường.

Ngoài ra, độ sâu mô học do peel da còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ pH và nồng độ của (các) loại acid sử dụng, số lớp acid được bôi lên da, tuổi và giới tính của bệnh nhân, vùng da được điều trị, độ ẩm và nhiệt độ. Vì vậy để đảm bảo một liệu trình peel an toàn, Bác sĩ cần cân nhắc tất cả những yếu tố này để đưa ra một liệu trình cá thể hóa.

Thăm khám để được các Bác sĩ tư vấn liệu trình peel da an toàn - Doctor Acnes
Để đảm bảo liệu trình peel an toàn cần tham khảo ý kiến của Bác sĩ Da liễu

Xem thêm các bài viết liên quan

Lưu ý chăm sóc da sau khi thực hiện peel da bằng acid salicylic

Sau khi trị liệu, da có thể bị ửng đỏ kèm cảm giác nóng rát và châm chích như cháy nắng. Tuy nhiên triệu chứng này thường không nghiêm trọng, chỉ kéo dài trong vài tiếng đầu. Khoảng 2 – 4 ngày sau khi peel, da có thể bị khô và bong tróc nhưng đa phần sẽ hồi phục nhanh trong khoảng một tuần.

Trong thời gian đầu, chỉ nên làm sạch da bằng các sản phẩm sữa rửa mặt dịu nhẹ, tránh chà xát mạnh khi vệ sinh da. Duy trì cấp ẩm cho da bằng các sản phẩm dưỡng ẩm chứa thành phần an toàn, lành tính để làm dịu da và hạn chế tình trạng da khô gây bong tróc. Làn da sau khi peel thường rất mẫn cảm và dễ bắt nắng, do đó cần sử dụng kem chống nắng phổ rộng hằng ngày với SPF tối thiểu 30 kèm với các biện pháp che chắn như mũ rộng vành, khẩu trang, kính râm.

Bảng giá dịch vụ peel da tại Phòng khám Doctor Acnes

✅ Phương pháp ✅ Giá ✅ Giá HSSV
⭐Peel da với salicylic acid 20% chuẩn CE 600.000 550.000
⭐Peel da với salicylic acid 30% chuẩn CE 600.000 550.000
⭐Peel da với salicylic acid và retinol chuẩn CE
800.000 700.000

Peel da bằng acid salicylic là một trong những phương pháp an toàn và hiệu quả trong điều trị mụn trứng cá. So với các phương pháp xâm lấn như laser, lăn kim thì peel da ít tác dụng phụ và có thời gian phục hồi ngắn hơn. Ngoài ra, peel da thường không đau, chỉ có cảm giác châm chích nhẹ nhưng sẽ biến mất sau vài ngày.

Tuy nhiên, với phương pháp này ranh giới giữa hiệu quả và tác dụng phụ rất mong manh, vì vậy liệu trình peel cần được cá thể hóa để cân bằng giữa hiệu quả điều trị và tác dụng không mong muốn. Chính vì vậy, đây là kỹ thuật cần được thực hiện tại các bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa da liễu với sự kiểm soát và theo dõi bởi Bác sĩ Da liễu giàu kinh nghiệm.

Tài liệu tham khảo

  1. “How do chemical peels work? Medical News Today”. Medicalnewstoday.com
  2. Committee for Guidelines of Care for Chemical Peeling. “Guidelines for chemical peeling in Japan (3rd edition)”. J Dermatol. 2012 Apr;39(4):321-5
  3. Teo Soleymani, Julien Lanoue, Zakia Rahman. “A Practical Approach to Chemical Peels”. J Clin Aesthet Dermatol, 2018;11(8):21-28
  4. “Beta Hydroxy Acids”. FDA.gov
  5. “What to Know About a Salicylic Acid Peel”. Webmd.com
  6. Surabhi Dayal, Ashish Amrani, Priyadarshini Sahu, Vijay Kumar Jain. “Jessner’s solution vs. 30% salicylic acid peels: a comparative study of the efficacy and safety in mild-to-moderate acne vulgaris”. J Cosmet Dermatol, 2017;16(1):43-51
  7. Byung Gi Bae, Chang Ook Park, Hyoseung Shin. “Salicylic acid peels versus Jessner’s solution for acne vulgaris: a comparative study”. Dermatol Surg, 2013;39(2):248-253
  8. Edward Kessler, Katherine Flanagan, Christina Chia. “Comparison of alpha- and beta-hydroxy acid chemical peels in the treatment of mild to moderately severe facial acne vulgaris”. Dermatol Surg, 2008;34(1):45-50
  9. “What to Expect From a Salicylic Acid Peel”. Verywellhealth.com

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 5 / 5. Lượt đánh giá 1

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84