Mụn không viêm là tình trạng mụn không gây sưng, đau. Tuy không gây nguy hiểm hay ảnh hưởng nặng nề như mụn viêm nhưng mụn không viêm thường tồn tại dai dẳng và khiến da kém mịn màng, cũng như có nguy cơ tiến triển thành mụn sưng viêm. Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân cũng như cách điều trị hiệu quả và ngăn ngừa mụn không viêm, hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Mụn không viêm là gì?
Mụn là những thương tổn bắt nguồn từ nang lông trên da. Có nhiều cách phân loại mụn khác nhau, một trong những cách phổ biến là phân loại thành mụn viêm và mụn không viêm.
Dù là mụn viêm hay mụn không viêm, phần lớn khởi phát bởi quá trình tích tụ của những khối chất sừng tăng sinh và gây bít tắc lỗ chân lông, không thể nhìn thấy bằng mắt thường – gọi là vi nhân mụn (microcomedone). Qua thời gian, tình trạng bít tắc ở mức vi thể này có thể tiến triển thành những tổn thương mụn nhìn thấy được, với bốn yếu tố chính góp phần trong quá trình hình thành mụn bao gồm:
- Tăng sản xuất chất bã nhờn.
- Tăng sừng hóa nang lông.
- Vi khuẩn Cutibacterium acnes.
- Đáp ứng viêm của cơ thể.
Có thể thấy rằng, bản chất của quá trình hình thành mụn nói chung có vai trò nhất định của đáp ứng viêm, tuy nhiên cụm từ “mụn không viêm” vẫn được đông đảo giới khoa học và đại chúng chấp nhận, dùng để chỉ những loại mụn không gây ra tình trạng sưng đau trên da.
Hai loại mụn không viêm là mụn đầu trắng và mụn đầu đen được phân biệt như sau:
- Mụn đầu trắng
Mụn đầu trắng còn được gọi là nhân trứng cá đóng (closed comedone), đặc trưng bởi tình trạng nang lông bị bít tắc hoàn toàn và không có chất nào có thể thoát ra hay tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Bã nhờn và chất sừng ngày càng tích tụ trong nang lông bị bít tắc tạo thành hình ảnh nhân mụn có màu trắng hoặc màu như tone da.
Mụn đầu trắng xuất hiện và kéo dài trong khoảng 3-12 ngày. Sau khoảng thời gian trên, tình trạng mụn đầu trắng có thể tự biến mất (25%) hoặc tiến triển thành mụn viêm (75%).
- Mụn đầu đen
Mụn đầu đen còn được gọi là nhân trứng cá mở (open comedone) bởi nang lông trong tình trạng này không bít tắc hoàn toàn và cho phép không khí đi vào lỗ chân lông. Quá trình oxy hóa bởi không khí trong môi trường với lipid và melanin trong bã nhờn làm đầu mụn có màu đen hoặc nâu. Mụn đầu đen có thể hình thành trên da và kéo dài suốt vài tuần hoặc vài tháng.
Nguyên nhân gây nên mụn không viêm
Cũng như mụn nói chung, nguyên nhân gây ra mụn không viêm liên quan mật thiết với các yếu tố chính góp phần trong quá trình hình thành mụn, được nhìn nhận chi tiết như sau:
- Tăng sản xuất chất bã nhờn do nội tiết tố nhóm androgen tăng cao. Việc tăng hormone androgen dẫn đến tăng sản xuất bã nhờn, từ đó gây bít tắc lỗ chân lông và tăng khả năng sinh mụn. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào bị mụn trứng cá cũng sẽ có nồng độ androgen cao trong cơ thể. Những trường hợp không tăng androgen được giải thích bởi tuyến bã nhờn của bệnh nhân nhạy cảm bất thường với androgen, tăng chuyển hóa androgen từ tiền chất thành dạng có hoạt tính trong tuyến bã, tăng nồng độ của những hormone khác trong máu như CRH, MC-1R, IGF-1…
- Tăng sừng hóa nang lông là hiện tượng có quá nhiều tế bào sừng trong lòng nang lông. Điều này có thể xảy ra do tình trạng tăng sinh quá mức của tế bào sừng vùng phễu (infundibulum) hoặc vùng ống (ductal) trong nang lông, và suy giảm mức độ bong tróc (desquamation) của tế bào sừng, dẫn đến hậu quả là các tế bào sừng bị dồn ứ và gây bít tắc nang lông.
- Vi khuẩn Cutibacterium acnes là vi khuẩn ưu thế trong tuyến bã nhờn. Cutibacterium acnes giúp bảo tồn và hỗ trợ sự cân bằng hệ vi sinh tự nhiên của da, tuy nhiên, trong một số điều kiện nhất định, nó cũng có thể làm thay đổi đáng kể môi trường sống cục bộ và gây ra tình trạng mụn.
- Yếu tố di truyền được nhiều nghiên cứu chứng minh có liên quan đến tình trạng mụn. Trong những năm gần đây, đã có các công bố và phân tích liên quan đến các gen phổ biến liên quan đến mụn trứng cá (như IL, TNF, RETN…) và phần lớn các gen này có liên quan đến chức năng của tuyến bã nhờn, đáp ứng viêm.
- Yếu tố viêm có liên quan đến sự hình thành mụn “không viêm” được giải thích bởi hiện tượng viêm da dưới lâm sàng (subclinical inflammation), là tình trạng viêm tiềm ẩn không biểu hiện triệu chứng, nhưng có thể tiến triển sinh ra mụn và sẹo mụn. Hiện nay, kết quả của quá trình nghiên cứu lâu dài về bản chất của mụn cho thấy vai trò nền tảng của quá trình viêm dưới lâm sàng, dù có hay không có sự tham gia của vi khuẩn Cutibacterium acnes.
Cách điều trị mụn không viêm hiệu quả
Đến 75% mụn đầu trắng tiến triển thành mụn viêm và mụn đầu đen có khả năng tồn tại dai dẳng trên da hàng tuần đến hàng tháng nên việc điều trị mụn không viêm cần được quan tâm và tiến hành sớm.
Điều trị tại nhà
Dựa trên nguyên tắc loại bỏ và/hoặc ngăn chặn bít tắc lỗ chân lông, một số cách thực hiện tại nhà để kiểm soát tình trạng mụn không viêm có thể kể đến như:
- Tẩy trang và rửa mặt mỗi ngày để loại bỏ bít tắc và hạn chế bụi bẩn, dầu thừa, cặn trang điểm tích tụ ở lỗ chân lông.
Sử dụng những sản phẩm bôi ngoài da không kê đơn có cơ chế tác động đến nguyên nhân bít tắc lỗ chân lông như:
- Retinoid: với những loại được sử dụng ở dạng bôi phổ biến gồm retinol, adapalene. Retinoid ảnh hưởng đến quá trình tăng sinh, biệt hóa của tế bào và tăng tốc độ thay mới biểu mô lót trong nang lông cũng như đẩy nhanh quá trình bong tróc của tế bào sừng, dẫn đến việc loại bỏ các mụn trứng cá trưởng thành và ức chế sự hình thành vi nhân mụn.
- Acid salicylic: thuộc nhóm tẩy tế bào chết hóa học beta hydroxy acid (BHA) với tính chất thân dầu thâm nhập vào sâu trong lỗ chân lông cùng đặc tính tiêu sừng và điều hòa sản xuất bã nhờn, acid salicylic giúp giảm mụn không viêm và làm thông thoáng lỗ chân lông.
- Nhóm tẩy tế bào chết hóa học alpha hydroxy acid (AHA): gồm các hoạt chất như acid glycolic, acid lactic… giúp loại bỏ tế bào da chết và làm dịu vùng da bị viêm. Ngoài ra, AHA thúc đẩy sự thay mới của làn da từ đó giúp cải thiện tình trạng lỗ chân lông to.
- Benzoyl peroxide và acid azelaic: dù tình trạng viêm không phải là yếu tố then chốt với mụn ở giai đoạn này, vẫn có thể dùng hoạt chất này giúp thông thoáng lỗ chân lông kèm tính kháng khuẩn, kích thích bong sừng và giúp tiêu cồi mụn.
Lưu ý: để giảm thiểu tình trạng da bị kích ứng, cần bắt đầu các hoạt chất với nồng độ thấp và từ từ tăng tần suất sử dụng hoặc nồng độ phù hợp để làn da có thể thích nghi.
Điều trị tại các cơ sở da liễu
Điều trị mụn không viêm tại nhà đòi hỏi thay đổi thói quen chăm sóc da và có hiểu biết trong việc sử dụng những sản phẩm bôi ngoài. Để quy trình điều trị mụn không viêm được tối ưu hóa, với máy móc và kỹ thuật hiện đại, những biện pháp chuyên sâu được tiến hành tại các Phòng khám Da liễu như sau:
- Lấy nhân mụn: giúp lỗ chân lông trở nên thông thoáng tức thời, hạn chế tình trạng mụn phát triển nặng hơn. Tuy nhiên kỹ thuật lấy nhân mụn không đảm bảo an toàn sẽ gây ra tình trạng viêm nhiễm làm mụn nặng hơn gây khó khăn và ảnh hưởng đến kết quả điều trị mụn. Do đó, cần lựa chọn Phòng khám Da liễu uy tín với quy trình lấy nhân mụn chuẩn y khoa và đảm bảo quy trình tiệt trùng, khử trùng theo quy định của Bộ Y tế.
- Laser xung dài: đây là phương pháp có thể giải quyết cùng lúc nhiều yếu tố gây mụn, đặc biệt là tuyến bã nhờn. Các tia laser có bước sóng phù hợp sẽ tác động làm nóng tuyến bã nhờn và các cấu trúc liên quan dẫn đến làm giảm kích thước tuyến bã và lượng bã nhờn được sản xuất ra, từ đó cải thiện tình trạng mụn trứng cá.
- Mesotherapy: đây là phương pháp xâm lấn tối thiểu đưa trực tiếp các dưỡng chất xuyên qua bề mặt da vào lớp trung bì hoặc các lớp sâu hơn bằng kim siêu nhỏ. Nhờ đó, mesotherapy thường đạt hiệu quả điều trị hơn so với việc chỉ bôi thoa các dược mỹ phẩm trên bề mặt. Trong điều trị mụn không viêm, các hoạt chất thường dùng trong mesotherapy như acid salicylic, retinyl palmitate, pyruvic acid, kẽm…
- Điện di: nhờ tác dụng của dòng điện, kỹ thuật điện di sẽ giúp các chất thấm vào da hiệu quả hơn gấp nhiều lần, kể cả các chất không thể thấm vào da bằng phương pháp bôi thông thường. Những hoạt chất thường được chỉ định cho liệu trình điện di điều trị mụn không viêm như acid salicylic, retinol, vitamin nhóm B…
- Peel da: đây là quy trình tái tạo bề mặt da bằng cách sử dụng các tác nhân tẩy tế bào chết, thường là các acid lành tính. Phương pháp này giúp thông thoáng lỗ chân lông, kích thích tế bào da bong tróc, tái tạo làn da mới sáng hơn. Trong điều trị mụn không viêm, các hoạt chất peel da thường được sử dụng là acid salicylic (BHA), acid glycolic (AHA) và retinol.
- Lăn kim: đây là một kỹ thuật sử dụng nhiều kim nhỏ siêu bén và vô trùng để tạo ra các vết thương vi điểm có kiểm soát trên da. Quá trình gây vết thương và lành thương này kích thích sản xuất collagen nội sinh, giúp trẻ hóa làn da. Lăn kim được chỉ định để điều trị và cải thiện các tình trạng như sẹo mụn, sẹo phẫu thuật, nếp nhăn, kết cấu da lỏng lẻo, mất đàn hồi, lỗ chân lông to, tăng sắc tố da, đốm nâu và vết rạn da. Đối với mụn không viêm, lăn kim giúp mở đầu mụn bị bít tắc, giải phóng nhân mụn và tái tạo bề mặt da.
- Lăn kim RF: đây là phương pháp lăn kim siêu vi điểm tích hợp sóng điện từ tần số cao – radio frequency (RF). Phương pháp lăn kim RF sử dụng thiết bị có nhiều mũi kim giống phương pháp lăn kim nhưng điểm khác biệt là các mũi kim sẽ được tích hợp sóng RF. Vì vậy, thông qua mỗi mũi kim, sóng RF sẽ đến được mô đích sâu hơn và rộng hơn để phát huy tác dụng một cách tối ưu nhất. Lăn kim RF điều trị đa dạng các vấn đề như sẹo mụn, thu nhỏ lỗ chân lông, săn chắc da và nâng cơ, nám, tăng tiết mồ hôi. Với trường hợp mụn không viêm, lăn kim RF giúp phá hủy và giảm kích thước tuyến bã nhờn, nhờ vậy giúp làm giảm nhờn và giảm mụn.
- Điều trị nội khoa: gồm việc dùng thuốc uống và thuốc bôi tại chỗ với những hoạt chất tác động lên cơ chế bệnh sinh gây mụn. Điều trị nội khoa mụn cơ bản gồm nhóm retinoid, kháng sinh, thuốc ngừa thai và nhóm thuốc khác. Tại Phòng khám Da liễu, việc điều trị nội khoa sẽ được quyết định bởi Bác sĩ Da liễu sau quá trình thăm khám và xem xét tình trạng da, mức độ mụn cũng như đặc điểm cá thể của từng người (độ tuổi, giới tính, khả năng đáp ứng với thuốc và kỳ vọng điều trị).
Bí quyết phòng ngừa mụn không viêm
Mụn không viêm có thể phòng ngừa bằng việc xây dựng thói quen sinh hoạt và chế độ ăn uống lành mạnh:
- Giữ da mặt sạch sẽ: rửa mặt 1-2 lần một ngày. Lựa chọn sản phẩm rửa mặt dịu nhẹ, không có tính tẩy rửa mạnh. Tẩy trang nếu có trang điểm hay sử dụng kem chống nắng.
- Gội đầu thường xuyên: dầu từ tóc có thể gây ra mụn trên trán. Nếu có mái tóc nhiều dầu nhờn, cần gội đầu thường xuyên hơn bình thường và để tóc tránh xa mặt.
- Tránh chạm tay vào mặt: tay chứa bụi bẩn và vi khuẩn, chạm nhiều vào mặt có thể gây mụn, đặc biệt lưu ý không nên tự ý sờ, nặn mụn vì tăng nguy cơ viêm hay để lại sẹo.
- Giữ sạch sẽ những đồ dùng tiếp xúc trực tiếp với da mặt: ga giường, gối, khăn…
- Hạn chế: những loại thực phẩm sau đây, đã được chứng minh có mối liên quan đến tình trạng mụn như sữa bò và các chế phẩm từ sữa. Thực phẩm có chỉ số đường cao gồm thực phẩm chế biến sẵn (đồ hộp), kẹo, nước ngọt…
Tóm lại, mụn không viêm như mụn đầu đen và mụn đầu trắng tuy không gây sưng đau nhưng ảnh hưởng thẩm mỹ và có thể tiến triển thành mụn viêm. Việc điều trị có thể thực hiện tại nhà hoặc tại Phòng khám Da liễu với sự tư vấn và kỹ thuật chuyên sâu từ Bác sĩ Da liễu. Để phòng ngừa, cần duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh và chế độ ăn uống hợp lý.
Tài liệu tham khảo
- Amita H. Sutaria; Sadia Masood; Haitham M. Saleh. “Acne Vulgaris“. NIH
- “What Is the Difference Between Inflamed and Non-inflamed Acne?“. Acne.org
- “What Is a Whitehead?“. Acne.org
- J Imperato-McGinley, T Gautier, L Q Cai, B Yee, J Epstein, P Pochi. “The androgen control of sebum production. Studies of subjects with dihydrotestosterone deficiency and complete androgen insensitivity“. JCEM
- Szöllősi AG, Oláh A, Bíró T, Tóth BI. “Recent advances in the endocrinology of the sebaceous gland“. Dermatoendocrinol. 2018 Jan 23;9(1):e1361576. doi: 10.1080/19381980.2017.1361576. PMID: 29484098; PMCID: PMC5821152
- James Q. Del Rosso & Leon Kircik. “The primary role of sebum in the pathophysiology of acne vulgaris and its therapeutic relevance in acne management“. Journal of Dermatological Treatment
- Shaw JC. “Acne: effect of hormones on pathogenesis and management“. Am J Clin Dermatol. 2002;3(8):571-8. doi: 10.2165/00128071-200203080-00007. PMID: 12358558
- Zhang H, Zhang Z. “Genetic Variants Associated with Acne Vulgaris“. Int J Gen Med. 2023 Aug 28;16:3843-3856. doi: 10.2147/IJGM.S421835. PMID: 37662507; PMCID: PMC10473401