Hồng ban sau viêm do mụn trứng cá và cách điều trị

Ngày 21/10/2024. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
5
(1)

Hồng ban sau viêm do mụn trứng cá là cụm từ ít được nhắc tới nhiều so với tăng sắc tố (thâm mụn) hay sẹo rỗ sau mụn. Thực chất tình trạng này xảy ra khá phổ biến nhưng vẫn chưa được quan tâm và điều trị đúng cách, trái lại rất thường bị bỏ qua vì cho rằng không có phương pháp nào thật sự hiệu quả làm mờ hồng ban. Bài viết này nhằm giúp mọi người, đặc biệt là những người bị mụn có thông tin chi tiết về hồng ban sau mụn và phương pháp điều trị phù hợp để tìm được làn da sáng mịn, không tỳ vết.

Mụn trứng cá là gì?

Mụn trứng cá là một bệnh lý của nang lông tuyến bã, biểu hiện là sự tích tụ chất bã nhờn trong cổ nang lông, từ đó hình thành nhân mụn (comedon) gây mụn đầu trắng, mụn đầu đen hay tình trạng mụn viêm bao gồm mụn mủ, mụn nang và mụn bọc.

Đây là căn bệnh thường gặp ở độ tuổi dậy thì, nguyên nhân thường do thay đổi hormone trong cơ thể và có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành.

Mụn đã đáng sợ, khi không được điều trị kịp thời và đúng cách các hậu quả sau mụn như thâm mụn, hồng ban hay sẹo mụn lại càng đáng sợ hơn. Thực tế, khi mụn biến mất, da bắt đầu bong tróc để tái tạo lại lớp thượng bì, quá trình lành thương sẽ được kích hoạt; tuy nhiên, làn da vẫn phải chịu những vết đỏ còn gọi là hồng ban sau viêm do mụn trứng cá. Những vết hồng ban sau viêm này sẽ gây mất thẩm mỹ khiến chúng ta thiếu tự tin, tâm lý luôn ở trạng thái căng thẳng, khó chịu kéo dài làm ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt hằng ngày cũng như học tập và làm việc.

Phân biệt tăng sắc tố sau viêm (PIH) & hồng ban sau viêm (PIE)

Tăng sắc tố là thuật ngữ mà hầu hết mọi người sử dụng để mô tả các vết khác màu so với nền da bình thường sau mụn. Thực tế, có 2 loại tăng sắc tố là tăng sắc tố sau viêm (post inflammatory hyperpigmentation – PIH) và ban đỏ sau viêm (post inflammatory erythema – PIE). Tăng sắc tố sau viêm biểu hiện bằng vết thẫm màu, xám hoặc nâu, còn ban đỏ sau viêm là những nốt màu đỏ hoặc hồng.

Hồng ban sau viêm (PIE)

Khi da bị tổn thương do tình trạng mụn viêm, ngoài việc bạch cầu đến để tiêu diệt vi khuẩn C. acnes, đồng thời lúc này các mạch máu hoạt động mạnh mẽ đưa các tế bào miễn dịch đến nơi tổn thương và giải quyết các tổn thương này. Nguyên nhân các vết đỏ hay hồng được hình thành do sự giãn nở, viêm hoặc tổn thương các mạch máu nhỏ được gọi là mao mạch dưới da.

Sau quá trình lành thương, da cũng mỏng hơn bình thường làm các vết hồng ban càng hiện rõ hơn nữa.

Hồng ban sau viêm thường xảy ra ở những người có tông màu da sáng, ví dụ như các loại da I, II và III theo thang điểm mô hình da Fitzpatrick. Không phải tất cả các trường hợp hồng ban sau viêm đều cần điều trị, hầu hết có thể tự giảm dần theo thời gian trong khoảng vài tháng đến 1 năm. Tuy nhiên, có những phương pháp điều trị tại nhà và các cơ sở y tế có thể giúp loại bỏ PIE sớm hơn.

Bảng phân loại da - Doctor Acnes
Những người có tông màu da sáng, ví dụ như các loại da I, II và III theo mô hình da Fitzpatrick sẽ dễ mắc phải hồng ban sau viêm hơn

Tăng sắc tố da sau viêm (PIH)

Tăng sắc tố sau viêm là kết quả của việc sản xuất quá nhiều hắc tố hoặc sự phân tán sắc tố không đều, tiếp theo là sự tập trung sắc tố ở một khu vực sau tổn thương viêm và quá trình chữa lành thương trên da. Khi tăng sắc tố sau viêm giới hạn trong lớp biểu bì, da có sự gia tăng sản xuất và chuyển hắc tố đến các tế bào sừng xung quanh.

Phân-biệt-tăng-sắc-tố-sau-viêm-và-hồng-ban---Doctor-Acnes
Cần phân biệt tăng sắc tố và hồng ban sau viêm để có điều trị phù hợp

Trường hợp tăng sắc tố sau viêm sâu tận lớp hạ bì, đây là kết quả của sự tổn thương do quá trình viêm gây ra với các tế bào sừng nền, chúng giải phóng một lượng lớn sắc tố melanin. Sau đó, sắc tố tự do bị thực bào bởi các đại thực bào gọi là melanophages, kết quả là tạo ra màu xanh xám cho da tại vị trí bị thương.

Đối với bệnh nhân da tối màu (theo bảng phân loại Fitzpatrick từ III đến VI), những thay đổi sắc tố này có thể xảy ra với tần suất và mức độ nghiêm trọng hơn so với các loại da sáng màu.

Ca lâm sàng điều trị thành công tại Doctor Acnes
Ca lâm sàng điều trị mụn và thâm mụn thành công tại Doctor Acnes

Một số dược mỹ phẩm dùng điều trị hồng ban sau mụn

Acid tranexamic

Acid tranexamic là một thành phần có nguồn gốc từ acid amin lysine. Hồng ban sau mụn do tăng các cytokine tiền viêm và tăng sinh mạch máu. Acid tranexamic có tác dụng giảm hồng ban do ức chế các cytokine tiền viêm (IL-6, TNF alpha) và ức chế tân tạo mạch máu. Vì thế, acid tranexamic có tác dụng làm giảm hồng ban sau mụn hay tăng sắc tố do các tác nhân từ môi trường gây ra. Theo các báo cáo, để có hiệu quả cải thiện màu da, các sản phẩm chăm sóc da chứa acid tranexamic nên chứa từ 2-5% thành phần này.

Cách sử dụng: bôi vào mỗi buổi tối, dung dịch acid tranexamic có thể cho thấy kết quả làm giảm hồng ban sau 6 – 8 tuần sử dụng.

Oxymetazoline

Ban đỏ, hồng ban sau mụn xảy ra do rối loạn điều hòa mạch máu thần kinh, tăng giãn nở mao mạch dưới da. Vì thế, oxymetazoline là chất chủ vận thụ thể α1, hoạt chất gây co mạch được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ chấp thuận để điều trị tại chỗ hồng ban sau mụn hay ban đỏ dai dẳng liên quan đến trứng cá đỏ ở người lớn.

Theo báo cáo từ các nghiên cứu, oxymetazoline hydrochloride 1,0% dạng cream khá hiệu quả khi được sử dụng trong điều trị hồng ban sau mụn và ban đỏ dai dẳng từ trung bình đến nặng.

Sản phẩm điều trị hồng ban - Doctor Acnes
Một số dược mỹ phẩm được các nghiên cứu chứng minh có tác dụng điều trị hồng ban sau mụn

Cách sử dụng: thoa oxymetazoline lên da mỗi ngày một lần, sử dụng mỗi ngày một lần trong vài tháng có thể giúp cải thiện rõ rệt các triệu chứng hồng ban.

Brimonidine tartrate

Brimonidine tartrate là một chất chủ vận thụ thể α2 có tính chọn lọc cao và gấp 1.000 lần so với thụ thể α1. Tương tự oxymetazoline, brimonidine tartrate cũng gây co mạch đối với các mao mạch nhỏ có đường kính dưới 200µm. Theo các nghiên cứu lâm sàng, brimonidine tartrate được chứng minh có hiệu quả và an toàn, khởi phát nhanh chóng trong điều trị hồng ban sau mụn hay triệu chứng ban đỏ dai dẳng của bệnh trứng cá đỏ.

Cách sử dụng: sử dụng một lượng vừa đủ mỗi ngày 1 lần, nồng độ từ 0.3-0.5% trong vòng 3 tháng để thấy rõ hiệu quả được cải thiện.

Xem thêm các bài viết liên quan

Trị thâm mụn tại Doctor Acnes

Thâm mụn bao lâu thì hết? Cách trị thâm mụn đơn giản và nhanh chóng

Top 10 serum trị thâm mụn hiệu quả và cách chọn serum phù hợp

Thâm đỏ sau mụn: nguyên nhân và cách điều trị chuẩn y khoa

Phân biệt thâm đỏ và thâm đen sau mụn: phương pháp điều trị

Trị thâm mụn bao nhiêu tiền? Bảng giá liệu trình trị thâm mụn

8 lý do khiến vết thâm mụn mãi không hết và cách điều trị

Các liệu pháp vật lý điều trị hồng ban sau viêm

Hồng ban sau viêm tuy không ảnh hưởng nghiêm trọng đến làn da như sẹo rỗ hay các tình trạng da khác nhưng nó phần nào gây thiếu tự tin cho người mắc phải. Hồng ban sau viêm sẽ mờ dần và biến mất sau một thời gian, tuy nhiên thời gian ngắn hay dài còn tùy thuộc vào loại da và cơ địa của từng người. Hiện nay, với công nghệ thẩm mỹ hiện đại tại các cơ sở da liễu, đã có những phương pháp hỗ trợ điều trị hồng ban đạt hiệu quả cao dành cho các trường hợp mong muốn điều trị hồng ban sau mụn trong thời gian ngắn.

Ánh sáng xung cường độ mạnh và laser

Các Bác sĩ Da liễu thường sử dụng liệu ánh sáng xung cường độ mạnh (IPL) và laser nhuộm xung trong điều trị PIE vì cả hai đều có thể tiếp cận bên dưới bề mặt da để phá vỡ các mạch máu bị tổn thương, giảm viêm và có khả năng giúp tăng tốc độ phục hồi làn da.

Hiệu quả của phương pháp đạt được nhờ xác định chính xác và loại bỏ các vùng bị tổn thương của mạch máu dưới da, giúp giảm viêm và đổi màu da. Một số phương pháp và thời gian dự kiến để đạt được hiệu quả điều trị.

  • Trị liệu bằng ánh sáng xung cường độ mạnh (IPL) với bước sóng 560nm, mỗi 3 tuần/lần, lặp lại từ 3-6 đợt điều trị để mang lại hiệu quả cao.
  • Trị liệu bằng laser nhuộm xung dài 595 nm, 2 đợt điều trị mỗi 4 tuần.
  • Phương pháp điều trị bằng laser Q-Switched Nd: YAG 585nm độ lưu huỳnh thấp.
  • Phương pháp điều trị bằng laser Alexandrite.
  • Một số phương pháp khác như chiếu đèn LED, tiêm vi điểm acid tranexamic, tiêm PRP.
phương pháp điều trị hồng ban sau viêm
Các phương pháp được Bác sĩ chỉ định điều trị hồng ban sau mụn tại Doctor Acnes

Lăn kim

Lăn kim là phương pháp sử dụng các đầu kim siêu nhỏ để tạo ra vết thương vi điểm có kiểm soát trên bề mặt da. Quá trình gây ra vết thương và lành thương này có tác dụng làm trẻ hóa làn da bằng cách kích thích sản xuất collagen nội sinh. Bằng chứng từ các nghiên cứu lâm sàng chứng minh lăn kim tạo ra các tổn thương vi điểm cho da, điều này gây kích thích chuỗi phản ứng chữa lành vết thương bằng cách tăng cường sản xuất collagen và sợi đàn hồi elastin, đồng thời sắp xếp lại các sợi collagen hiện có.

Kết quả là phương pháp này giúp loại bỏ các đốm đỏ hồng trên da, từ đó da trở nên đều màu hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, lăn kim riêng lẻ sẽ không đạt hiệu quả cao khi được chỉ định trong điều trị hồng ban sau viêm, ngược lại khi phối hợp với các phương pháp khác như laser hoặc kết hợp các sản phẩm phù hợp sẽ mang lại hiệu quả vô cùng tuyệt vời.

Lăn kim điều trị hồng ban - Doctor Acnes
Liệu trình lăn kim điều trị hồng ban sau viêm được thực hiện trực tiếp bởi Bác sĩ Da liễu

Tóm lại, hồng ban sau viêm do mụn trứng cá xảy ra khá phổ biến đặc biệt là người có làn da sáng màu. Các phương pháp điều trị hồng ban sau viêm bao gồm thuốc bôi thoa và lăn kim, liệu pháp ánh sáng xung cường độ mạnh hay laser đã cho thấy các kết quả rất tích cực. Nếu bạn đang gặp phải tình trạng hồng ban sau mụn, hãy đến các Phòng khám Da liễu uy tín để được tư vấn cụ thể phương pháp điều trị cho tình trạng da của mình.

Tài liệu tham khảo

  1. Eric C. Davis and Valerie D. Callender. “Postinflammatory Hyperpigmentation”J Clin Aesthet Dermatol. 2010 Jul; 3(7): 20–31
  2. Corey Whelan. “How to Treat Post-Inflammatory Erythema”. Healthline.com
  3. Stuart D. Shanler. “Successful Treatment of the Erythema and Flushing of Rosacea Using a Topically Applied Selective α1-Adrenergic Receptor Agonist, Oxymetazoline”. Arch Dermatol. 2007;143(11):1369-1371
  4. Yangfan Li, Hongfu Xie, Zhili Deng, Ben Wang, Yan Tang, Zhixiang Zhao. “Tranexamic acid ameliorates rosacea symptoms through regulating immune response and angiogenesis”. International Immunopharmacology Volume 67, February 2019, Pages 326-334
  5. Marina Jovanović và Zoran Golušin. “Nonsteroidal Topical Immunomodulators in Allergology and Dermatology”. Hindawi.com

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 5 / 5. Lượt đánh giá 1

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84