Cách trị thâm sau khi nặn mụn an toàn, hiệu quả

Được đăng bởi Doctor Acnes vào ngày 23/06/2023

Nặn mụn hay còn gọi là lấy nhân mụn, là biện pháp cơ học sử dụng lực của tay hoặc các vật hỗ trợ như tăm bông, cây nặn mụn, kim nhọn… để loại bỏ nhân mụn và chất nhờn ra khỏi bề mặt da. Tuy nhiên cần phân biệt rõ giữa lấy nhân mụn chuẩn y khoa và việc dùng tay sờ, cạy hay tự nặn mụn tại nhà vì trên thực tế, nhiều người nặn mụn không đúng cách đã gặp phải tình trạng hình thành những vết thâm mụn kéo dài. Do đó, việc điều trị thâm sau khi nặn mụn được rất nhiều người quan tâm và ở bài viết dưới đây, Doctor Acnes sẽ chia sẻ những phương pháp điều trị thâm do nặn mụn sai cách một cách an toàn và hiệu quả.

Nguyên nhân bị thâm sau nặn mụn

Nguyên nhân chính gây ra tình trạng thâm sau nặn mụn là do nặn mụn không đúng cách. Đa số trường hợp những người bị mụn tự nặn mụn ở nhà sẽ có xu hướng dùng lực mạnh để đẩy được nhân mụn ra khỏi lỗ chân lông, dẫn đến cấu trúc da bị tổn thương, tăng tạo sắc tố và hình thành các vết thâm mụn. Ngoài ra, các loại mụn viêm thường để lại thâm mụn cùng với những tổn thương do chạm – sờ – nặn không đúng cách cũng sẽ khiến da gặp tình trạng thâm kéo dài.

Sự hình thành vết thâm sau điều trị mụn
Vết thâm hình thành sau khi nặn mụn

Thâm sau nặn mụn chính là tình trạng tăng sắc tố sau viêm, về bản chất là giống thâm mụn. Tăng sắc tố là kết quả của việc sản xuất quá nhiều melanin hoặc do sự phân tán sắc tố không đều sau viêm sẽ gây ra những vết thâm sạm màu hơn da tổng thể. Những thay đổi về sắc tố da sau mụn có xu hướng phổ biến hơn ở những người da sẫm màu, trong đó có người châu Á. Hầu như tất cả những người bị mụn đều gặp phải tình trạng thâm mụn.

Sự hình thành thâm mụn còn có sự tác động rất lớn của ánh sáng mặt trời, khiến cho vùng da bị viêm tăng sinh melanin. Vì vậy trong quá trình điều trị thâm mụn chúng ta luôn phải sử dụng các biện pháp chống nắng để đạt được hiệu quả điều trị tối ưu.

>>> Xem thêm: Phân biệt thâm đỏ, thâm đen sau mụn và phương pháp điều trị

Cách trị thâm sau khi nặn mụn

Tùy theo tình trạng da có thể áp dụng phương pháp trị thâm sau khi nặn mụn tại nhà, hay tư vấn Bác sĩ để được chỉ định thuốc không kê đơn, thuốc kê đơn hoặc là các biện pháp điều trị thích hợp.

Thăm khám trực tiếp với Bác sĩ Da liễu
Thăm khám trực tiếp với Bác sĩ Da liễu

Thuốc bôi ngoài da

Các thành phần trong thuốc bôi ngoài da giúp ngăn chặn quá trình tổng hợp melanin hoặc làm bong tróc lớp da bị thâm có chứa melanin để thay bằng lớp da mới sáng đẹp hơn. Các sản phẩm điều trị thâm mụn gồm. 

Vitamin C

Có thể sử dụng vitamin C đường uống hoặc serum vitamin C bôi ngoài da. Hoạt chất này đã được chứng minh là một thành phần giúp giảm sắc tố da – melanin hiệu quả. 

Theo các nghiên cứu, vitamin C nồng độ càng cao thì tính kích ứng càng mạnh đặc biệt là nồng độ cao hơn 20%. Nồng độ vitamin C có hiệu quả ức chế melanin tốt nhất và không gây kích ứng vào khoảng 10% – 20%. Có thể sử dụng vitamin C cách ngày để da quen dần sau đó mới sử dụng hằng ngày. Khi sử dụng vitamin C, cần lưu ý chống nắng cẩn thận vì vitamin C có thể làm da tăng nhạy cảm với ánh sáng mặt trời.

Vitamin C đường uống và serum vitamin C bôi ngoài da
Có thể sử dụng vitamin C đường uống hoặc serum vitamin C bôi ngoài da

Retinoid (vitamin A)

Retinoid giúp làm sáng da thông qua các quá trình điều hòa sự sinh trưởng, biệt hóa và gắn kết của tế bào. Kết quả của quá trình này là chu kỳ da được đẩy nhanh giúp làm bong tróc lớp da có chứa melanin. Ngoài ra, retinoid còn giúp ngăn chặn sự hình thành và tổng hợp sắc tố melanin dưới da giúp cải thiện tình trạng thâm mụn. Tretinoin là retinoid thế hệ 1, có mặt trên thị trường dưới dạng kem, gel, gel microsphere ở nồng độ 0,01% – 0,1%.

Các retinoid thế hệ 3 như adapalene hay tazarotene là các retinoid tổng hợp cũng có tác dụng trị thâm. Các loại kem hay gel thường chứa adapalene ở nồng độ 0,1% – 0,3% hoặc tazarotene 0,05% – 0,1%.

Sản phẩm tretinoin trị thâm mụn
Tretinoin là sản phẩm chuyển hóa tự nhiên của retinol và là retinoid thế hệ 1

Acid kojic

Khả năng trị thâm của acid kojic là do khả năng ức chế tyrosinase – một enzyme quan trọng tham gia vào quá trình hình thành các sắc tố melanin. Acid kojic thường được dùng ở nồng độ 1% – 4%. Phức hợp acid kojic, acid glycolic và hydroquinone mang lại hiệu quả ức chế tổng hợp melanin, cải thiện kết cấu và độ đồng đều màu da.

sản phẩm chứa acid kojic điều trị thâm mụn
Acid kojic thường được dùng ở nồng độ 1% – 4%

Acid azelaic

Acid azelaic làm mờ thâm thông qua nhiều cơ chế bao gồm ức chế tyrosinase và chống tăng sinh tế bào melanocyte bất thường thông qua quá trình ức chế tổng hợp ADN và ức chế enzyme ti thể. Dạng bào chế thường gặp là dạng gel nồng độ 15% – 20%.

Trên thực tế, có thể phối hợp các hoạt chất có cơ chế khác nhau để đẩy nhanh quá trình điều trị mà vẫn an toàn. Tuy nhiên, nên đến các Phòng khám Da liễu uy tín để được Bác sĩ tư vấn phác đồ điều trị phù hợp để đạt hiệu quả cao và tránh các tương tác có hại cho da. 

acid azelaic điều trị thâm mụn
Acid azelaic ức chế tyrosinase và chống tăng sinh tế bào melanocyte bất thường

Những phương pháp điều trị thâm sau nặn mụn không dùng thuốc

Để mờ thâm nhanh chóng hơn, có thể tìm đến các cơ sở da liễu để thực hiện một số phương pháp điều trị không dùng thuốc sau đây.

Peel da 

Peel da hóa học là cách thường dùng để loại bỏ các tế bào biểu bì có chứa melanin dư thừa. Các tác nhân peel da bề mặt và trung bình được sử dụng phổ biến nhất trong mụn trứng cá cũng như thâm mụn là acid salicylic, acid α-hydroxyl (acid glycolic, acid lactic) và acid trichloroacetic.

Khi chỉ định peel da cho bệnh nhân, Bác sĩ Da liễu cần cá thể hóa điều trị để đạt được hiệu quả tối ưu và đảm bảo an toàn, bao gồm việc lựa chọn tác nhân peel, nồng độ, thời gian và số lần thực hiện. Phương pháp peel da trị thâm mụn cần được chỉ định bởi Bác sĩ có kinh nghiệm để tránh gây kích ứng và tăng sắc tố da. Do đó, cần đến các Phòng khám Da liễu uy tín để được thăm khám và điều trị.

Điều trị thâm mụn bằng phương pháp peel da
Phương pháp peel da cần được thực hiện bởi Bác sĩ có kinh nghiệm để tránh gây kích ứng và tăng sắc tố da

Laser

Điều trị bằng laser bao gồm công nghệ Q-Switched ruby laser, công nghệ Q-Switched Nd:YAG laser và công nghệ picosecond sử dụng xung laser ngắn ở cường độ cao tạo hiện tượng quang nhiệt phân đoạn melanin để điều trị thâm. Phương pháp này còn có lợi ích giúp trẻ hóa da.

Tuy nhiên, việc điều trị thâm mụn bằng laser cũng cần thận trọng vì chúng có thể gây kích ứng da và mất sắc tố da. Vì thế, nên lựa chọn điều trị tại các cơ sở được cấp phép hoạt động và được Bác sĩ Da liễu có chứng chỉ đào tạo về vận hành các loại máy laser. Bên cạnh đó cần tìm hiểu về chất lượng máy, những loại máy kém chất lượng thường không đạt được mức độ tập trung của tia, dẫn đến cần điều trị cường độ cao gây kích ứng và mất sắc tố rất khó điều trị.

Điều trị thâm mụn bằng phương pháp laser
Điều trị thâm mụn bằng phương pháp laser

Lăn kim

Tái tạo da bằng lăn kim là phương pháp sử dụng một dụng cụ có các đầu kim siêu nhỏ để tạo ra những tổn thương trên bề mặt da có kiểm soát, từ đó tái tạo bề mặt da và làm bong tróc lớp da thâm xỉn màu. Những tổn thương vi điểm do lăn kim tạo ra còn giúp kích thích sản sinh collagen và elastin nên lăn kim vi còn có tác dụng trẻ hóa da, hỗ trợ điều trị sẹo mụn, lỗ chân lông to, nếp nhăn da.

So với laser thì lăn kim có thời gian hồi phục dài hơn và hiệu quả cải thiện sắc tố kém hơn. Ngoài ra, lăn kim có nguy cơ gây chảy máu khi điều trị và nguy cơ nhiễm trùng nếu dụng cụ không được khử khuẩn đúng cách. Ưu điểm của lăn kim là rẻ tiền và gần như cơ sở da liễu nào cũng có thể triển khai phương pháp này do chi phí đầu tư thấp.

Tái tạo da bằng lăn kim vi điểm kích thích cơ thể sản sinh collagen và elastin giúp tái tạo bề mặt da
Lăn kim là phương pháp sử dụng một dụng cụ có các đầu kim siêu nhỏ để tạo ra những tổn thương trên bề mặt da có kiểm soát, từ đó tái tạo bề mặt da và làm bong tróc lớp da thâm xỉn màu

Những lưu ý khi điều trị thâm sau nặn mụn

Để việc điều trị thâm mụn nói chung và thâm sau nặn mụn nói riêng có hiệu quả, cần ghi nhớ các lưu ý dưới đây.

  • Lưu ý quan trọng nhất để ngăn ngừa thâm sau nặn mụn là phải nặn mụn đúng cách. Việc nặn mụn chỉ mang lại lợi ích nếu được thực hiện theo đúng chuẩn y khoa, tuyệt đối không tự ý nặn mụn hay dùng tay sờ cạo vùng da bị mụn, đặc biệt là những vùng có nhiều mụn viêm. Khi gặp phải tình trạng mụn, nên đến các cơ sở điều trị da liễu uy tín để được lấy nhân mụn chuẩn y khoa cũng như được thăm khám và chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp bởi các Bác sĩ Da liễu.
  • Cần bảo vệ, che chắn làn da khi đi dưới trời nắng, sử dụng các sản phẩm chống nắng phù hợp để tránh tăng sắc tố sau điều trị mụn, đặc biệt là sau các phương pháp laser, peel hoặc sử dụng các sản phẩm bôi dễ làm da nhạy cảm với ánh sáng mặt trời như retinoid, AHA, BHA, vitamin C, acid ferulic.
  • Chú ý dưỡng ẩm làm dịu da, nuôi dưỡng da bằng các sản phẩm chuyên biệt để giúp da hồi phục nhanh sau điều trị và giảm nguy cơ tăng sắc tố.

Tóm lại, tránh việc tự ý nặn mụn tại nhà hay dùng tay sờ, cạo vùng da bị mụn vì đó là nguyên nhân gây ra những vết thâm mụn kéo dài. Bên cạnh đó, việc xử lý hiệu quả các vết thâm sau nặn mụn không đúng cách là điều cần thiết để lấy lại vẻ tươi trẻ cho làn da. Tuy nhiên, để đạt được kết quả tối ưu, cần được tư vấn bởi Bác sĩ Da liễu để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất cũng như tránh mất nhiều thời gian và chi phí.

banner gruop facebook

Tài liệu tham khảo

  1. Cynthia Cobb, DNP, APRN, WHNP-BC, FAANP. “How to Remove Dark Spots from Pimples“. Healthline Media LLC
  2. Erica C. Davis, MDa and Valerie D. Callender, MD. “Postinflammatory Hyperpigmentation“. J Clin Aesthet Dermatol v.3(7); 2010 Jul PMC2921758
  3. Chloe Bennett, B.Sc. “Hyperpigmentation and Acne“. News-Medical
  4. Bukky Aremu, APRN. “What to know about hyperpigmentation“. Healthline Media UK Ltd
  5. Cynthia Cobb, DNP, APRN, WHNP-BC, FAANP. “How to Remove Dark Spots from Pimples“. Healthline Media LLC
  6. Elizabeth Lawrence; Khalid M. Al Aboud. “Postinflammatory Hyperpigmentation“. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2023 Jan
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84