Cách chăm sóc da sau nặn mụn chuẩn y khoa từ Bác sĩ Da liễu

Được đăng bởi Doctor Acnes vào ngày 14/08/2023

hNặn mụn (hay lấy nhân mụn) là phương pháp thường được sử dụng để làm sạch bề mặt da giúp giảm lập tức tình trạng khó chịu do mụn gây ra. Ngoài việc phải nặn đúng loại mụn và đúng kỹ thuật, chăm sóc da sau nặn mụn cũng rất quan trọng, tránh để lại các biến chứng như thâm mụn, nhiễm trùng và sẹo, đặc biệt khi tự thực hiện tại nhà. Ngược lại, nếu chăm sóc da sau nặn mụn đúng cách sẽ giúp giảm các nguy cơ trên. Bài viết sau đây sẽ cung cấp kiến thức về cách chăm sóc da sau nặn mụn chuẩn y khoa.

Tầm quan trọng của việc chăm sóc da sau khi nặn mụn

Việc nặn mụn tại nhà rất đơn giản, nhưng ẩn chứa nhiều nguy cơ nếu không nắm vững kỹ thuật hay biện pháp chăm sóc da không phù hợp. Tác động xấu của việc nặn mụn có thể thấy ngay lập tức và lâu dài, thậm chí vĩnh viễn gây mất thẩm mỹ cho làn da. Một số tình trạng da có thể xảy ra nếu chăm sóc da không đúng cách gồm:

  • Phát sinh mụn mới: ngay tại vị trí nặn do nặn chưa hết nhân mụn, hoặc các vị trí da xung quanh bị lực tác động làm thúc đẩy quá trình viêm.
  • Nhiễm trùng: động tác nặn vô tình đưa vi khuẩn từ ngoài vào nang lông, và sau khi lấy nhân mụn sẽ để lại những lỗ trống, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây ra tình trạng sưng tấy, mụn mủ, viêm đỏ, đau nhức.
  • Thâm sau mụn: các tình trạng viêm nhiễm trên sẽ làm vùng da mụn bị tăng sắc tố, hình thành các vết thâm tối màu.
  • Sẹo mụn: khi quá trình viêm đã vượt qua màng đáy thượng bì, hoặc động tác nặn quá mạnh sẽ dẫn đến hình thành sẹo mụn lâu dài về sau.

Doctor Acnes gợi ý một vài cách để hạn chế các biến chứng trên, bao gồm:

  • Sát trùng da kỹ trước và sau khi nặn mụn, sử dụng dụng cụ lấy nhân mụn vô khuẩn, dùng một lần để hạn chế tối đa tình trạng nhiễm trùng.
  • Lấy nhân mụn đúng kỹ thuật.
  • Không nên nặn mụn đang viêm, thay vào đó cần điều trị hết viêm rồi mới lấy nhân mụn. Cắt đứt sớm quá trình viêm sẽ giảm nguy cơ hình thành sẹo sau mụn và tình trạng tăng sắc tố sau viêm.
  • Sử dụng đèn ánh sáng xanh, laser hoặc IPL sau khi nặn mụn giúp diệt vi khuẩn P. acnes trú ẩn trong nang lông, hạn chế khả năng sinh mụn mới.
  • Chăm sóc da tại nhà với các sản phẩm phù hợp.
  • Bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời giúp giảm tác động có hại của tia UV lên làn da đang có tổn thương.
sử dụng đèn ánh sáng xanh giúp diệt vi khuẩn p. acnes trú ẩn trong lỗ chân lông sau khi nặn mụn, hạn chế khả năng sinh mụn mới
Sử dụng đèn ánh sáng xanh sau nặn mụn giúp diệt vi khuẩn P. acnes, hạn chế sinh mụn mới

Những điều cần tránh sau nặn mụn

Cần lưu ý tránh những việc có thể làm nặng hơn tình trạng viêm hoặc gây nhiễm trùng thứ phát.

  • Sử dụng các mỹ phẩm chăm sóc da chứa các thành phần có thể gây kích ứng như cồn khô, hương liệu và chất bảo quản.
  • Chạm tay trần vào da trong và sau khi nặn mụn sẽ khiến vi khuẩn lây lan từ tay lên mặt. Điều này làm chậm quá trình lành thương hoặc gây tái phát mụn.
  • Sử dụng các chất tẩy tế bào chết cơ học gây kích ứng da, làm chậm quá trình phục hồi của da.

Cách chăm sóc da cụ thể sau nặn mụn

Làm sạch đúng cách và sát khuẩn da

Để hạn chế các tình trạng viêm và kích ứng sau nặn mụn, có thể sát trùng bằng dung dịch povidine và rửa lại với nước muối sinh lý để làm sạch da. Việc này giúp giảm tình trạng viêm, sưng và làm dịu đi cảm giác đau rát khó chịu. Sau khi nặn mụn, có thể thoa thuốc mỡ kháng sinh như bacitracin bằng tăm bông sạch để phòng ngừa nhiễm trùng và giúp vết thương mau lành.

Ngoài ra, sử dụng các loại sữa rửa mặt lành tính và dịu nhẹ, có pH gần với pH của da (pH khoảng 5,5) sẽ an toàn và ít gây kích ứng da; nên rửa mặt nhẹ nhàng và tránh tác động vào vết thương gây ra do nặn mụn.

Sử dụng các loại dược mỹ phẩm chứa AHA và BHA như acid salicylic, acid glycolic có thể giúp giảm viêm và diệt khuẩn sau khi nặn mụn. Ngoài tác dụng diệt khuẩn, các hoạt chất này còn giúp làm sạch tế bào chết trên da, giữ da thông thoáng và ngăn ngừa mụn tái phát. Có thể sử dụng các sản phẩm có nồng độ AHA/BHA thấp như toner, kem dưỡng ẩm hoặc nồng độ cao hơn để tẩy da chết, peel da, tuy nhiên nên tham khảo ý kiến Bác sĩ Da liễu trước khi sử dụng để đảm bảo hiệu quả và an toàn.

sử dụng các loại dược mỹ phẩm chứa aha bha như acid salicylic, acid glycolic có thể giúp giảm viêm và diệt khuẩn sau khi nặn mụn
Sử dụng các loại dược mỹ phẩm chứa AHA và BHA giúp giảm viêm và diệt khuẩn sau khi nặn mụn

Sử dụng các sản phẩm giảm viêm và dịu da sau nặn mụn

Sau khi làm sạch da, có thể sử dụng các sản phẩm giảm viêm và dịu da có các thành phần sau.

  • Tinh chất chiết xuất từ rau má như asiatic acid, madecassic acid, madecassoside: đây là những hoạt chất có khả năng kháng khuẩn, làm lành vết thương, làm dịu da và phòng ngừa kích ứng da. Asiatic acid có hoạt tính sinh học làm lành vết thương bằng cách tăng tổng hợp collagen và tăng sinh mao mạch, đồng thời cũng là một chất chống oxy hóa mạnh giúp loại bỏ các gốc tự do gây hại như oxit nitric và các nhóm carbonyl protein. Ngoài ra, nó còn bảo vệ các sợi collagen và elastin khỏi quá trình đường hóa (glycation) giúp duy trì độ đàn hồi, săn chắc và tươi trẻ cần thiết cho làn da. Trong khi đó, hoạt chất madecassic acid và madecassonside giúp cải thiện vết thâm trên da một cách đáng kể.
  • Hyaluronic acid (HA): hoạt chất này giúp cung cấp độ ẩm, phục hồi và duy trì lớp màng ẩm tự nhiên cho da bị tổn thương, đồng thời còn có tác dụng chống oxy hoá. Hyaluronic acid đóng vai trò trong việc điều chỉnh các quá trình sinh học khác nhau như làm lành vết thương, tái tạo mô, chống viêm… Điều này đã được chứng minh qua việc cải thiện độ ẩm cho da, kích thích sản sinh collagen và elastin, ngăn chặn tác dụng của cytokine và sinh tổng hợp PGE2. Hyaluronic acid có khả năng liên kết với các phân tử nước, giúp hoạt chất này hoạt động như miếng hút ẩm. Theo nghiên cứu chỉ ra 1 phân tử HA có thể giữ lượng nước gấp 10000 lần trọng lượng phân tử của nó, vì vậy, HA là một trong những hoạt chất giữ ẩm cho da hiệu quả nhất.
  • Vitamin E: là một chất dinh dưỡng có đặc tính chống viêm tan trong chất béo. Vitamin E giúp hỗ trợ hệ thống miễn dịch, chức năng tế bào và sức khỏe của da. Nó là một chất chống oxy hóa có hiệu quả trong việc chống lại tác động của các gốc tự do sinh ra từ quá trình chuyển hóa thức ăn và chất độc trong môi trường. Vitamin E có thể có lợi trong việc giảm tác hại của tia cực tím đối với da.
  • Gel nha đam: nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng các thành phần hoạt tính sinh học của nha đam có tác dụng chống viêm và hỗ trợ quá trình chuyển hóa lipid và carbohydrate. Thoa gel nha đam lên da có thể đẩy nhanh quá trình tái tạo vùng da bị tổn thương.
  • Curcumin trong nghệ: giúp vết thương mau lành bằng cách giảm viêm và chống oxy hóa. Các nghiên cứu đã cho thấy nghệ cũng có thể ảnh hưởng tích cực đến mô và collagen. Curcumin thể hiện tác dụng chống viêm là bằng cách làm giảm phản ứng viêm của các tế bào nội mô.
sử dụng các sản phẩm giảm viêm và dịu da
Sử dụng các sản phẩm làm dịu da sau nặn mụn

Ngăn mụn tái phát sau khi nặn

Trong đa số trường hợp, có thể tiếp tục sử dụng các sản phẩm điều trị mụn đang dùng. Tuy nhiên, có thể cần điều chỉnh tần suất sử dụng hoặc trì hoãn cho đến khi vết thương lành hẳn. Trong trường hợp đang theo liệu trình điều trị của Bác sĩ Da liễu, hãy tham khảo ý kiến của Bác sĩ về thời gian bắt đầu sử dụng lại và loại sản phẩm trị mụn nên dùng.

Ngoài ra cần lưu ý hạn chế trang điểm khi không cần thiết, dùng các sản phẩm kem nền không chứa dầu (oil-free) và hương liệu để hạn chế tối thiểu sự kích ứng. Nếu trang điểm nên che phủ vết thương bằng gel chuyên dụng để tránh nhiễm trùng.

Bên cạnh đó, cần đảm bảo đã lấy hết nhân mụn vì nếu còn sót lại thì mụn sẽ gây nên tình trạng viêm hoặc hình thành những nốt mụn mới.

Khi nào cần gặp Bác sĩ Da liễu?

Với những yếu tố đã nêu ở trên, việc lấy nhân mụn nên được thực hiện tại Phòng khám Da liễu để có thể kết hợp thêm các phương pháp điều trị sau nặn mụn khác như ánh sáng xanh, peel da hoặc laser giúp da hồi phục nhanh hơn. Tự nặn mụn không được khuyến khích bởi việc này có nguy cơ nhiễm trùng cao, dễ để lại sẹo và khiến làn da lâu hồi phục. Hơn nữa, việc nặn mụn chỉ mang lại giải pháp làm sạch da tức thời. Để chấm dứt tình trạng mụn và giảm biến chứng thâm, sẹo hoặc mụn tái phát cần phối hợp nhiều phương pháp điều trị khác nhau để tác động triệt để các nguyên nhân gây mụn, mang lại hiệu quả lâu dài.

nên lấy mụn tại phòng khám da liễu để có thể kết hợp thêm các phương pháp điều trị khác
Nên lấy mụn tại Phòng khám Da liễu để có thể kết hợp thêm các phương pháp điều trị sau nặn mụn khác

Quy trình chăm sóc da sau nặn mụn cần áp dụng các biện pháp giảm viêm, chống nhiễm trùng và hỗ trợ lành thương để hạn chế nguy cơ biến chứng sau nặn mụn. Tuy nhiên, dù áp dụng tốt các phương pháp này thì vẫn khó tránh khỏi nguy cơ thâm, sẹo sau mụn hay hình thành mụn mới, bởi lấy nhân mụn chỉ là một phương pháp điều trị tạm thời. Cách tốt nhất để điều trị mụn toàn diện là có một phác đồ điều trị mụn cá thể hóa. Hãy thăm khám Bác sĩ Da liễu để được tư vấn phác đồ điều trị mụn hiệu quả và triệt để hơn.

banner gruop facebook

Tài liệu tham khảo

  1. PIMPLE POPPING: WHY ONLY A DERMATOLOGIST SHOULD DO IT“. AAD
  2. What Should I Do After Popping a Pimple?“. Healthline
  3. Skin care for acne-prone skin“. NIH
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84