Cồn trong mỹ phẩm có gây hại cho da không?

Được đăng bởi Doctor Acnes vào ngày 11/10/2022

Cồn là thành phần thường thấy trong các sản phẩm chăm sóc da và mỹ phẩm như kem chống nắng, tẩy trang, sữa rửa mặt hay toner. Tuy nhiên, một số người tiêu dùng có xu hướng hạn chế sử dụng các sản phẩm có chứa cồn vì cho rằng cồn gây hại cho da, làm da trở nên khô, bong tróc và kích ứng.Vậy có nên sử dụng mỹ phẩm có chứa cồn hay không? Cồn có tác động như thế nào lên da và liệu cồn trong mỹ phẩm có gây hại cho da không? Hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu và giải đáp trong bài viết ngay sau đây.

Phân loại cồn trong mỹ phẩm

Cồn hay còn gọi là alcohol là nhóm hợp chất hữu cơ có cấu trúc hóa học gồm một hoặc nhiều nhóm -OH. Cồn sử dụng trong mỹ phẩm thường được chia thành hai loại đó là cồn khô (drying alcohol) và cồn béo (fatty alcohol), mỗi loại có tính chất và tác dụng khác nhau.

Cồn khô (drying alcohol)

Cồn khô trong mỹ phẩm có đặc tính giống với cồn trong rượu bia, cấu trúc hóa học có chuỗi carbon ngắn, khối lượng phân tử nhỏ nên dễ bay hơi, có tính sát khuẩn và hút ẩm. Các loại thường gặp bao gồm ethanol, ethyl alcohol, benzyl alcohol, isopropyl alcohol…

Cồn khô (drying alcohol) - Doctor Acnes
Ethanol được sử dụng phổ biến trong mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc da

Trong đó, ethanol là loại cồn khô được sử dụng phổ biến nhất trong mỹ phẩm. Ethanol được sử dụng trong mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc da thường là loại đã bị biến tính, với tên gọi là alcohol denat. Alcohol denat hay denatured alcohol, chính là ethanol đã trải qua quá trình biến tính mà không làm thay đổi cấu trúc hóa học bằng một số loại hóa chất như denatonium benzoate, diethyl phthalate, methanol.

Cồn khô được sử dụng trong mỹ phẩm với một số công dụng như làm chất bảo quản, dung môi hòa tan, se còi mụn, giảm nhờn trên da. Tuy nhiên, cồn khô có thể khiến da bị căng và khô sau khi sử dụng, với một số nền da nhạy cảm có thể gặp tình trạng kích ứng.

Cồn béo (fatty alcohol)

Cồn béo trong mỹ phẩm là loại cồn được cho là có nhiều công dụng và an toàn hơn cồn khô. Một số loại cồn béo thường gặp bao gồm cetyl alcohol, cetearyl alcohol, stearyl alcohol, myristyl alcohol. Cồn béo thường được sử dụng làm chất nhũ hóa, giúp phân tán các phân tử dầu trong môi trường nước để tránh hiện tượng phân tách lớp.

Ngoài ra, ngược lại với cồn khô, cồn béo thường an toàn và lành tính, có công dụng dưỡng ẩm, làm dịu và làm mềm da. Khi bao bì sản phẩm có đính kèm dòng chữ “sản phẩm không chứa cồn” (hay “alcohol-free”) có nghĩa là sản phẩm không chứa cồn khô và cồn biến tính. Tuy nhiên, sản phẩm vẫn có thể chứa cồn béo trong thành phần.

Cồn trong mỹ phẩm còn có thể được phân loại là cồn tốt và cồn xấu - Doctor Acnes
Cồn trong mỹ phẩm còn có thể được phân loại là cồn tốt và cồn xấu

Vai trò của cồn trong mỹ phẩm

Làm sạch da

Trong một số loại toner, nước tẩy trang, cồn được sử dụng để giúp loại bỏ dầu nhờn, bụi bẩn, làm sạch lỗ chân lông. Đối với làn da tiết nhiều dầu, những sản phẩm nền cồn giúp da khô thoáng, giảm tắc nghẽn nang lông. Tuy nhiên, với những bạn da khô, da nhạy cảm thì cồn có thể gây khô da và kích ứng.

Sản phẩm làm sạch da chứa cồn - Doctor Acnes
Trong một số loại toner, nước tẩy trang, cồn được sử dụng để giúp loại bỏ dầu nhờn, bụi bẩn, làm sạch lỗ chân lông

Chất bảo quản

Với đặc tính sát khuẩn, cồn trong mỹ phẩm có thể đóng vai trò như một chất bảo quản. Sản phẩm sẽ được bảo quản nếu thành phần có chứa ethanol từ 20% trở lên. Tuy nhiên trên thị trường, các sản phẩm chăm sóc da chỉ chứa tối đa khoảng 5-10% cồn. Với nồng độ này thì ethanol thường không phải là chất bảo quản chính mà chỉ có tác dụng bổ trợ.

Isopropanol cũng có thể được dùng làm chất bảo quản nhưng sẽ khiến sản phẩm có mùi hắc nhẹ. Benzyl alcohol là loại cồn thường được sử dụng làm chất bảo quản trong mỹ phẩm nhất. Benzyl alcohol cho tác động kiềm khuẩn, thường khá lành tính và ít gây kích ứng da. Tại Châu Âu, nồng độ benzyl alcohol tối đa được cho phép là 1%, trong khi ở Hoa Kỳ là 5%.

Cải thiện kết cấu của sản phẩm

Với một số loại mỹ phẩm có kết cấu đặc như kem chống nắng, khi bôi có cảm giác bết dính, nặng mặt thì cồn có khả năng làm cho kết cấu sản phẩm nhẹ đi, giúp dễ dàng thoa đều sản phẩm trên da và cải thiện cảm giác khi dùng. Các sản phẩm nền cồn thường mang lại cảm giác mát và khô thoáng sau khi sử dụng. Ngoài ra, như đã đề cập ở trên, một số loại cồn béo có khả năng nhũ hóa, ngăn các thành phần dầu và nước bị phân tách, giúp ổn định sản phẩm.

Tăng tính thấm của hoạt chất

Da có cấu trúc như một lớp màng bảo vệ với lớp biểu bì dày ngoài cùng. Những sản phẩm chăm sóc da với thành phần thân nước như vitamin C khó xâm nhập qua lớp màng lipid này. Cồn với đặc tính thẩm thấu nhanh và sâu, có khả năng làm tăng tính thấm của hoạt chất, giúp hoạt chất đi sâu vào trong da hơn. Ngoài ra, cồn còn có thể hoạt động như một dung môi hòa tan, làm tăng nồng độ hoạt chất do đó tăng hiệu quả sử dụng.

Cồn trong mỹ phẩm có hại không?

Một số nhận định cho rằng, cồn có thể gây viêm da, kích ứng, phá vỡ hàng rào bảo vệ da, gây khô da và mất nước. Khi nhắc đến những tác dụng không mong muốn trên thì loại cồn được đề cập đến chính là cồn khô (ethanol, methanol, isopropanol, alcohol denat…). Cồn béo hay nhiều người còn gọi là cồn tốt, là loại cồn an toàn, lành tính và có nhiều công dụng trong làm mềm da và dưỡng ẩm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nhất là khi dùng cetyl alcohol với liều lượng quá nhiều, cũng có thể gây bít tắc nang lông dẫn đến nguy cơ hình thành nhân mụn ẩn.

Cồn trong mỹ phẩm có thực sự gây hại - Doctor Acnes
Cồn trong mỹ phẩm có thể gây viêm da, kích ứng, phá vỡ hàng rào bảo vệ da, gây khô da và mất nước

Kết quả từ các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm

Một số nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho rằng cồn khô có thể làm chết tế bào da, kích thích phản ứng viêm, làm biến tính protein và làm chậm hoạt động enzyme. Trong các thử nghiệm này, cồn được cho tiếp xúc trực tiếp với tế bào, nồng độ khoảng 0,5%, trong điều kiện môi trường kín để tránh cồn bay hơi, thường kéo dài khoảng 24 tiếng.

Trên thực tế, điều này rất khó xảy ra vì cồn rất dễ bay hơi ngay từ khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Một thử nghiệm được tiến hành trên da lợn (có cấu trúc gần giống với da người) cho thấy, trong 10 giây đầu sau khi bôi, khoảng 50% cồn bay hơi ngay lập tức và sau một thời gian ngắn chỉ còn ít hơn 3% vẫn tồn tại trên da.

Giả sử, nếu sử dụng một sản phẩm chăm sóc da có nồng độ tối đa 10% cồn, thì sau khi bôi chỉ còn khoảng 0,3% cồn còn lại trên bề mặt da. Ngoài ra sau khi thẩm thấu qua da, lượng cồn này còn phải trải qua quá trình chuyển hóa và khuếch tán chứ không tồn tại trên da đủ lâu như trong các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm. Do đó, kết quả từ các nghiên cứu này không đủ để chứng minh cồn thực sự gây hại cho da trên điều kiện thực tế.

Kết quả từ các nghiên cứu lâm sàng

Nghiên cứu lâm sàng về ảnh hưởng của cồn lên da chủ yếu chỉ có các tiến hành đánh giá tác động của các loại nước sát khuẩn, nước rửa tay khô với nồng độ ethanol từ 60 – 70% trở lên, tần suất tiếp xúc khoảng 5 – 100 lần/ngày để mô phỏng quy trình vệ sinh tay của các nhân viên y tế.

Kết quả từ các nghiên cứu này cũng không thể hiện được hoàn toàn tác động của cồn trong mỹ phẩm lên da mặt, vì mặc dù da mặt nhạy cảm hơn da tay nhưng nồng độ cồn trong mỹ phẩm thường tối đa chỉ từ 5 – 10% với tần suất sử dụng khoảng 1 – 2 lần/ngày.

Nhìn chung kết quả từ các nghiên cứu cho rằng, cồn có khả năng gây kích ứng, mẩn đỏ hay viêm da tiếp xúc nhưng chỉ ở một số đối tượng. Nguyên nhân có thể là do sự thiếu hụt enzyme chuyển hóa aldehyd dehydrogenase ở một vài cá thể, dẫn đến sự tích tụ của các aldehyd, chất chuyển hóa độc hại từ alcohol gây tình trạng ban đỏ trên da.

Mặt khác, về khía cạnh gây phá vỡ hàng rào bảo vệ da, cồn khô được cho rằng có khả năng hòa tan lipid của lớp sừng từ đó làm suy yếu chức năng của hàng rào bảo vệ da, làm tăng nguy cơ hấp thu các chất độc hại cũng như mất nước qua da. Đây cũng được cho là cơ chế liên quan đến khả năng thẩm thấu sâu của cồn.

Một số nghiên cứu lâm sàng đánh giá tác động phá vỡ hàng rào da của cồn thông qua sự mất nước qua biểu bì, với cơ chế lớp hàng rào da càng bị phá vỡ thì sự thoát nước qua da càng nhiều. Kết quả cho thấy, tình trạng mất nước qua biểu bì không khác biệt đáng kể khi sử dụng cồn sát khuẩn tay (60 – 80% ethanol) với tần suất khoảng 20 lần/ngày, liên tục trong 7 – 14 ngày.

Ngoài ra, cồn khô còn được cho là có khả năng gây khô da, mất nước do làm giảm quá trình hydrat hóa da. Kết quả từ các nghiên cứu còn nhiều mâu thuẫn, tuy nhiên tác dụng không mong muốn này không đáng lo ngại vì có thể khắc phục. Một nghiên cứu phát hiện ra rằng, việc thêm các thành phần có tác dụng dưỡng ẩm như glycerin, cồn béo vào sản phẩm sát khuẩn tay có chứa propanol có thể làm giảm tình trạng khô và kích ứng da.

Cách sử dụng mỹ phẩm có chứa cồn một cách an toàn

Như vậy, cồn trong mỹ phẩm không hoàn toàn có hại nhưng cũng như không an toàn tuyệt đối. Trên thực tế, không chỉ cồn mà tất cả các thành phần trong mỹ phẩm đều như vậy, nếu dùng không đúng liều lượng, tần suất, không phù hợp với tình trạng da thì đều có nguy cơ gặp phải tác dụng không mong muốn.

Tùy thuộc vào tình trạng da

Nếu bạn có nền da cực kỳ nhạy cảm, làn da đang bị tổn thương bởi hóa chất hoặc làn da sau khi thực hiện các liệu pháp xâm lấn, không nên dùng các loại mỹ phẩm chứa cồn vì nguy cơ kích ứng cao. Để ước lượng trong sản phẩm có chứa bao nhiêu cồn, có thể kiểm tra bảng thành phần của sản phẩm, thường các chất sẽ được liệt kê theo thứ tự nồng độ giảm dần, từ cao đến thấp.

>>> xem thêm: Phân biệt các loại da mặt, cách nhận biết và chăm sóc da đúng cách

Nếu cồn xuất hiện ở các vị trí gần cuối bảng có nghĩa là lượng cồn trong sản phẩm không đáng kể, vẫn có thể cân nhắc sử dụng. Còn nếu cồn xuất hiện trong 6 vị trí đầu tiên của bảng thành phần thì những bạn có làn da nhạy cảm nên tránh sử dụng.

Tùy vào tình trạng da để lựa chọn sản phẩm phù hợp - Doctor Acnes
Nếu bạn có nền da cực kỳ nhạy cảm, đang bị tổn thương bởi hóa chất hoặc sau khi thực hiện các liệu pháp xâm lấn, không nên dùng các loại mỹ phẩm chứa cồn vì nguy cơ kích ứng cao

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng

Mặc dù cồn trong mỹ phẩm không xấu nhưng cũng có nguy cơ gây ra những tác dụng không mong muốn. Vì vậy, chỉ nên cân nhắc dùng các sản phẩm nền cồn khi lợi ích vượt trội so với nguy cơ. Đối với những sản phẩm chăm sóc da hằng ngày như tẩy trang, sữa rửa mặt, toner không nhất thiết phải sử dụng các loại có chứa cồn vì có nhiều sản phẩm không cồn nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả làm sạch và cân bằng độ ẩm.

Đối với một số hoạt chất dùng với mục đích trị mụn như BHA, có thể cân nhắc sử dụng các sản phẩm nền cồn bởi vì hiệu quả trị mụn mạnh hơn, cồn không chỉ giúp hoạt chất thấm sâu vào da mà còn giúp da khô thoáng sau khi sử dụng. Nếu cần phải sử dụng các sản phẩm chứa cồn, nên dùng kèm các loại kem dưỡng ẩm để giúp làm dịu da, hạn chế nguy cơ khô da, kích ứng.

Như vậy, cồn hầu như rất phổ biến trong mỹ phẩm với một số công dụng như giúp hoạt chất thấm sâu vào da, làm chất bảo quản, cải thiện kết cấu sản phẩm. Cồn trong mỹ phẩm được chia thành hai loại chính là cồn khô và cồn béo. Cồn khô trong mỹ phẩm có thể gây một số nguy cơ như kích ứng, khô da, mẩn ngứa. Trong khi cồn béo thì thường lành tính và khá an toàn.

Những người có làn da nhạy cảm, dễ bị kích ứng thì nên tránh sử dụng các sản phẩm chăm sóc da có chứa cồn khô. Trong trường hợp sử dụng các sản phẩm nền cồn, nên lựa chọn các hãng mỹ phẩm uy tín và nên dùng kèm với dưỡng ẩm để hạn chế khô da. Nếu bạn còn thắc mắc nào khác hãy liên hệ với chúng tôi, Phòng khám chuyên khoa Da liễu Doctor Acnes để được tư vấn ngay nhé!

banner gruop facebook

Tài liệu tham khảo

  1. Jessica Migala. “Alcohol in Skin Care: Is It Ever Okay?”. Everydayhealth.com
  2. Manuela G. Neuman, Julia A. Haber, Izabella M. Malkiewicz. “Ethanol signals for apoptosis in cultured skin cells”. Alcohol Volume 26, Issue 3, April 2002
  3. Dirk W Lachenmeier. “Safety evaluation of topical applications of ethanol on the skin and inside the oral cavity”. J Occup Med Toxicol. 2008;3:26.
  4. Bommannan D, Potts RO, Guy RH. “Examination of the Effect of Ethanol on Human Stratum-Corneum Invivo Using Infrared-Spectroscopy”. J Control Release. 1991;16:299-304
  5. Günter Kampf, Walter Wigger-Alberti, Volker Schoder. “Emollients in a propanol-based hand rub can significantly decrease irritant contact dermatitis”. Contact Dermatitis. 2005;53(6):344-349
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84