Điều trị thâm mụn bằng phương pháp peel da hóa học

Được đăng bởi Doctor Acnes vào ngày 22/03/2023

Thâm mụn là một trong những biến chứng phổ biến khi điều trị mụn trứng cá, tuy không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng gây tác động đáng kể về mặt thẩm mỹ. Hiện nay có rất nhiều phương pháp được dùng để điều trị thâm mụn như sử dụng các sản phẩm bôi tại nhà chứa hoạt chất như vitamin C, niacinamide, acid salicylic… hoặc điều trị bằng công nghệ và hóa chất tại phòng khám như peel da, laser, IPL, lăn kim, mesotherapy… Trong phạm vi bài viết này, hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu về cơ chế tác dụng và hiệu quả của phương pháp peel da hóa học trong điều trị thâm mụn nhé!

Thâm mụn và một số phương pháp điều trị thâm mụn

Thâm mụn là tình trạng tăng sắc tố da bất thường tại những vùng da bị tổn thương do mụn trứng cá, biểu hiện bằng các vết hay đốm tối màu hơn so với màu da bình thường. Thâm mụn xuất hiện là do sự tăng sản melanin quá mức, một cơ chế đáp ứng của cơ thể trước phản ứng viêm do đó tình trạng thâm còn được gọi là tăng sắc tố sau viêm.

Nhìn chung, mụn trứng cá ở mọi mức độ đều có nguy cơ để lại thâm, kể cả những nốt mụn nhỏ, tuy nhiên tình trạng viêm của nốt mụn càng nặng thì nguy cơ vết thâm để lại càng lớn và càng sậm màu.

Thâm mụn thông thường có thể tự mờ đi sau một khoảng thời gian (từ 3 – 24 tháng) mà không cần điều trị, thời gian phục hồi tùy thuộc vào tình trạng sậm màu của vết thâm.

>>> Xem thêm: Phân biệt thâm đỏ, thâm đen sau mụn

Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị thâm mụn, trong đó một số phương pháp chỉ có khả năng làm sáng một phần vết thâm mà không có tác dụng xóa bỏ thâm hoàn toàn, nhưng cũng có nhiều phương pháp có thể giúp vết thâm mờ đi đáng kể, trong đó có peel da hóa học.

Thâm mụn và một số phương pháp điều trị thâm mụn - Doctor Acnes
Thâm mụn là tình trạng tăng sắc tố da bất thường tại những vùng da bị tổn thương do mụn trứng cá, biểu hiện bằng các vết, đốm tối màu hơn so với màu da bình thường

Điều trị thâm mụn tại nhà

Một số sản phẩm dạng bôi không kê đơn có tác dụng đẩy nhanh quá trình làm mờ vết thâm, thường chứa các hoạt chất như acid alpha hydroxy (AHA) nhất là acid glycolic, acid ferulic, niacinamide, vitamin A và C có thể được mua dễ dàng ở các hiệu thuốc hoặc cửa hàng mỹ phẩm.

Tuy nhiên, một số trường hợp cần những thuốc đường bôi dạng kê đơn như hydroquinone 2 – 4%, retinoid (tretinoin, adapalene) hay acid azelaic để cho hiệu quả tốt hơn. Nhưng so với dạng không kê đơn, những hoạt chất này có nhiều nguy cơ gây kích ứng hoặc biến chứng nên cần sử dụng dưới sự theo dõi và giám sát của Bác sĩ.

Điều trị thâm mụn tại Phòng khám

Trong trường hợp không đáp ứng khi sử dụng thuốc bôi có thể sử dụng các phương pháp hóa lý như peel da hóa học, laser, IPL lăn kim hay mesotherapy. Trong đó, peel da hóa học là phương pháp phổ biến nhất và khá rẻ tiền cho chỉ định điều trị thâm mụn.

Điều trị thâm mụn bằng liệu pháp peel da hóa học

Peel da hóa học và các hoạt chất peel thường được sử dụng trong điều trị thâm mụn

Peel da hóa học là liệu pháp sử dụng các tác nhân acid hữu cơ làm bong tróc tế bào chết và loại bỏ những tổn thương trên bề mặt da.

Peel da hóa học có thể được phân thành 4 cấp độ, tùy thuộc vào mức độ xâm nhập của tác nhân peel bao gồm peel da rất nông, peel da nông hay peel da bề mặt, peel da trung bình và peel da sâu. Peel da hóa học được sử dụng phổ biến trong điều trị mụn trứng cá, thâm mụn, sẹo mụn, giúp trẻ hóa da và làm mờ thâm nám.

Peel da hay còn gọi là thay da sinh học - Doctor Acnes
Peel da hóa học là liệu pháp sử dụng các tác nhân acid hữu cơ làm bong tróc tế bào chết và loại bỏ những tổn thương trên bề mặt da

Trong điều trị thâm mụn, liệu pháp peel da bề mặt cho tác động trên lớp biểu bì là thường được sử dụng nhất, có tỷ lệ dung nạp và mức độ hiệu quả cao. Acid glycolic, acid mandelic, acid lactic thuộc nhóm acid alpha hydroxy (AHA) và acid salicylic hay beta hydroxy acid (BHA) nồng độ từ 20 – 30% là những tác nhân thường gặp trong điều trị thâm mụn.

Trong đó phổ biến nhất là acid glycolic và acid salicylic. Acid glycolic có tác dụng ly giải biểu bì, làm phân tán sắc tố melanin ở lớp đáy và kích thích tổng hợp collagen. Sau khi peel da với acid glycolic, cần trung hòa lại acid với natri bicarbonate để làm ngừng quá trình peel.

Trong khi đó, acid salicylic tác động theo cơ chế phá vỡ liên kết giữa các tế bào sừng từ đó làm bong tróc tế bào chết, kích thích tái tạo da. Sau khi peel da bề mặt với acid salicylic không cần trung hòa lại với kiềm.

Ngoài ra, trong peel da bề mặt còn có thể sử dụng acid trichloroacetic hoặc dung dịch Jessner. Cả hai tác nhân này đều cho hiệu quả trong điều trị nám da tuy nhiên bằng chứng lâm sàng ủng hộ việc sử dụng các tác nhân này đối với PIH ở da mụn còn thiếu.

Acid glycolic và acid salicylic là những tác nhân peel thường gặp trong điều trị thâm mụn - Doctor Acnes
Acid glycolic và acid salicylic là những tác nhân peel thường gặp trong điều trị thâm mụn

Hiệu quả của liệu pháp peel da hóa học trong điều trị thâm mụn

Một nghiên cứu tiến hành trên 25 bệnh nhân có làn da tối màu, tình trạng da có mụn kèm thâm mụn, dầu nhờn và lỗ chân lông to được điều trị peel da với acid salicylic nồng độ 20 – 30% theo chu kỳ mỗi 2 tuần, kéo dài trong 3 tháng.

Kết quả cho thấy, da không chỉ cải thiện mụn, bớt dầu nhờn mà 80% bệnh nhân còn có tình trạng cải thiện thâm mụn rõ rệt. Ngoài ra, peel da bề mặt với acid salicylic còn cho thấy tỷ lệ dung nạp tốt, chỉ có 16% bệnh nhân gặp phải một số tác dụng phụ mức độ nhẹ, tự phục hồi mà không cần điều trị sau 7 – 14 ngày như khô da, bong vảy, rối loạn sắc tố tạm thời.

Kết quả điều trị thâm mụn của khách hàng N.T tại Doctor Acnes
Kết quả điều trị thâm mụn của khách hàng N.T tại Doctor Acnes

Một nghiên cứu khác tiến hành trên 24 bệnh nhân châu Á có tình trạng da thâm mụn, được điều trị peel da với 30% acid salicylic mỗi 2 tuần trong vòng 3 tháng. Kết quả cho thấy, peel da với acid salicylic cho hiệu quả giảm thâm ngay từ lần peel đầu tiên và cải thiện thâm mụn rõ rệt sau 3 tháng điều trị, hơn 90% bệnh nhân hài lòng với kết quả điều trị.

Một nghiên cứu tiến hành trên 44 bệnh nhân so sánh hiệu quả điều trị thâm mụn và sẹo mụn giữa peel da hóa học bằng acid glycolic 35% với peel da bằng acid salicylic 20% kết hợp với 10% acid mandelic.

Kết quả sau 6 đợt điều trị, mỗi đợt cách nhau 2 tuần, cả hai đều có tác dụng tuy nhiên acid salicylic kết hợp với acid mandelic cho hiệu quả trong điều trị mụn và giảm thâm mụn tốt hơn acid glycolic, ngoài ra cũng ít tác dụng phụ hơn.

Một số lưu ý khi điều trị thâm mụn bằng peel da hóa học

Để có thể lựa chọn đúng tác nhân peel và nồng độ hoạt chất cho phù hợp, peel da cần được tiến hành tại Phòng khám chuyên khoa Da liễu dưới sự kiểm soát và theo dõi điều trị của Bác sĩ.

Một liệu trình điều trị thâm mụn bằng peel da hóa học cần nhiều đợt điều trị, số lần tùy thuộc vào tình trạng thâm của da nhưng thường kéo dài vài tháng, do đó bệnh nhân cần kiên trì và tuân thủ điều trị để đảm bảo kết quả tốt nhất.

thăm khám với Bác sĩ Da liễu
Để có thể lựa chọn đúng tác nhân peel và nồng độ hoạt chất cho phù hợp, liệu pháp cần được tiến hành tại Phòng khám chuyên khoa Da liễu dưới sự kiểm soát và theo dõi điều trị của Bác sĩ Da liễu

Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp phải sau khi peel bao gồm da mẩn đỏ, bỏng rát, kích ứng, bong tróc, đóng vảy. Ngoài ra, còn có một số biến chứng khác hiếm gặp hơn bao gồm tái nhiễm virus Herpes, hình thành sẹo lồi, rối loạn sắc tố da.

>>> Xem thêm: Phân biệt tác dụng phụ và biến chứng sau peel da

Trên thực tế, mặc dù được chỉ định để điều trị thâm mụn, peel da hóa học vẫn có khả năng gây tăng sắc tố da nếu hoạt chất peel gây kích thích quá trình viêm. Thường tình trạng này chỉ gặp phải nếu sử dụng hoạt chất peel mạnh, nồng độ cao.

Trong điều trị thâm mụn, peel da chỉ ở mức độ bề mặt nên thường an toàn và có tỷ lệ dung nạp cao, kể cả ở làn da tối màu (thuộc loại IV đến VI theo phân loại của Fitzpatrick – loại da có tỷ lệ gặp phải nguy cơ tác dụng phụ cao nhất).

Sau khi peel da, điều quan trọng nhất cần thực hiện để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh làm trầm trọng thêm tình trạng thâm là hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nhất là trong tuần đầu tiên sau khi peel và phải sử dụng kem chống nắng phổ rộng với SPF tối thiểu 30 mỗi ngày.

Bảng giá dịch vụ peel da tại Phòng khám Doctor Acnes

✅ Phương pháp✅ Giá✅ Giá HSSV
⭐Peel sáng da với AZELAN (azelaic 20%, BHA 20%) chuẩn CE800.000700.000
⭐Peel TCA trị thâm mụn, trẻ hóa sáng da1.000.0001.000.000

Thâm mụn là tình trạng tăng sắc tố da, biểu hiện bằng các đốm nâu tối màu tại vùng da bị tổn thương bởi mụn trứng cá. Peel da hóa học là một trong những liệu pháp hiệu quả cao thường được dùng để điều trị tại Phòng khám. Tác nhân sử dụng peel da trong điều trị thâm mụn thường là acid glycolic và acid salicylic.

Peel da hóa học với hai tác nhân này đã có nhiều nghiên cứu chứng minh hiệu quả trong điều trị thâm mụn và có mức độ an toàn cao. Mặc dù là phương pháp khá an toàn, nhưng để đảm bảo hiệu quả điều trị bệnh nhân cần tuân thủ theo những lưu ý của Bác sĩ Da liễu và tránh nắng kỹ sau điều trị để có kết quả tốt nhất.

banner gruop facebook

Tài liệu tham khảo

  1. “What to know about hyperpigmentation acne”. Medical News Today
  2. Erica C. Davis, Valerie D. Callender. “Postinflammatory Hyperpigmentation”. J Clin Aesthet Dermatol, 2010;3(7):20–31
  3. P E Grimes. “The safety and efficacy of salicylic acid chemical peels in darker racial-ethnic groups”. Dermatol Surg. 1999;25(1):18-22
  4. Vijay Kumar Garg, Surabhi Sinha, Rashmi Sarkar. “Glycolic acid peels versus salicylic-mandelic acid peels in active acne vulgaris and post-acne scarring and hyperpigmentation: a comparative study”. Dermatol Surg. 2009;35(1):59-65
  5. Hyo Hyun Ahn, Il-hwan Kim. “Whitening effect of salicylic acid peels in Asian patients”. Dermatol Surg. 2006;32(3):372-375
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84