Kem chống nắng là một sản phẩm không thể thiếu trong chu trình chăm sóc da, là “tấm khiên” giúp bảo vệ làn da dưới tác động của tia UV. Có hai loại UV chính gây hại cho da là UVA và UVB, chúng không chỉ gây lão hóa da sớm mà còn làm tăng nguy cơ ung thư da.
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm chống nắng với các hoạt chất khác nhau, mỗi hoạt chất có hiệu quả chống nắng, cơ chế tác động và nhược điểm riêng. Sau đây, Doctor Acnes sẽ giới thiệu và phân tích một số hoạt chất chống nắng thông dụng để từ đó giúp bạn có thêm thông tin trong việc lựa chọn sản phẩm chống nắng phù hợp.
Cơ chế hoạt động của kem chống nắng
Kem chống nắng có thể được chia thành hai loại là kem chống nắng vật lý và kem chống nắng hóa học. Tuy có cùng công dụng, giúp bảo vệ da khỏi tia UV nhưng mỗi loại có cơ chế hoạt động khác nhau.
Kem chống nắng vật lý (sunblock): hoạt động như một lá chắn giúp phản xạ lại tia UV và ngăn không cho tia UV đi xuyên qua da. Có hai thành phần thường gặp trong kem chống nắng vật lý là titanium dioxide và zinc oxide. Kem chống nắng vật lý chứa các hoạt chất vô cơ, ít tương tác với da do đó ít gây kích ứng cho da, phù hợp với làn da nhạy cảm.
Ngoài ra, sau khi thoa kem chống nắng vật lý, bạn có thể ra ngoài ngay mà không cần chờ thời gian để kem phát huy tác dụng, lớp bảo vệ da cũng bền vững dưới tác động của môi trường. Tuy nhiên, các sản phẩm chống nắng vật lý thường có kết cấu dày đặc, tạo cảm giác bết dính và có thể để lại vệt trắng khi thoa.
Kem chống nắng hóa học (sunscreen): hoạt động như một màng lọc hóa học, bảo vệ da bằng cách hấp thu, xử lý và phân hủy tia UV trước khi chúng gây hại cho da. Các thành phần chính trong kem chống nắng hóa học thường bao gồm avobenzone, oxybenzone, octisalate. Vì chứa thành phần hóa học nên kem chống nắng dạng này có thể gây kích ứng da, đặc biệt với làn da nhạy cảm.
Sau khi thoa sản phẩm phải đợi khoảng 15 – 20 phút trước khi ra ngoài để kem phát huy tác dụng. Ngoài ra, kem chống nắng hóa học thường kém bền vững dưới tác động của môi trường do đó có thể cần thoa lại nhiều lần hơn kem chống nắng vật lý. Tuy nhiên, chống nắng hóa học thường có kết cấu mỏng nhẹ nên ít gây bít tắc lỗ chân lông, không gây bóng nhờn và để lại vệt trắng trên da.
Một số thành phần kem chống nắng thông dụng
Titanium dioxide
Titanium dioxide là một hoạt chất chống nắng phổ rộng an toàn và hiệu quả tuy nhiên phổ chống nắng bị giới hạn ở UVB và UVA2, không chống được tia UVA1. Cùng với zinc oxide, titanium dioxide là hoạt chất thuộc nhóm chống nắng vật lý được FDA công nhận xếp loại GRASE (viết tắt của cụm từ “Generally recognized as safe and effective” – tức là được chứng nhận an toàn và hiệu quả bởi các chuyên gia y tế). Ngoài ra, titanium dioxide cũng được FDA chấp thuận sử dụng cho trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên.
Tuy nhiên, cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) phân loại titanium dioxide thuộc nhóm “có thể gây ung thư cho người” dựa trên kết quả từ một số nghiên cứu trên động vật. Nghiên cứu cho thấy, khi cho tiếp xúc với hoạt chất qua đường hô hấp, các hạt titanium dioxide có thể lắng đọng trong phổi, gây tổn thương nhu mô phổi và có thể phát triển thành khối u, đặc biệt là những dạng bào chế kích thước nano.
Tuy không có bằng chứng cho thấy nguy cơ gây hại trực tiếp trên người và đường dùng titanium dioxide ở người là tiếp xúc qua da nhưng vẫn nên lưu ý thận trọng với những sản phẩm chống nắng chứa titanium dioxide được bào chế dưới dạng phun hoặc bột.
Zinc oxide
Tương tự với titanium dioxide, zinc oxide là hoạt chất chống nắng vật lý được FDA xếp loại GRASE, chứng nhận an toàn với nồng độ tối đa lên đến 25%. Nghiên cứu chứng minh, zinc oxide tương đối an toàn cho da vì không có bằng chứng cho thấy hoạt chất hấp thu qua lớp biểu bì hay gây độc tế bào da khi sử dụng lặp lại nhiều lần.
Tuy nhiên tương tự với titanium dioxide, zinc oxide cũng có nguy cơ gây hại khi tiếp xúc qua đường hô hấp, do đó nên thận trọng khi sử dụng các sản phẩm dạng phun hoặc bột. Ngoài ra ở Châu Âu, zinc oxide bị dán nhãn cảnh báo là rất độc và để lại những hậu quả lâu dài đe dọa hệ sinh thái biển, do đó zinc oxide là hoạt chất chống nắng không thân thiện với môi trường.
So với titanium dioxide, zinc oxide được cho là an toàn hơn đối với làn da nhạy cảm, ổn định khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và hiệu quả chống nắng cao hơn vì có khả năng ngăn được cả hai loại tia UVA1 và UVA2, trong khi đó titanium dioxide không có hiệu quả ngăn ngừa tia UVA1.
Kem chống nắng chứa zinc oxide thường nhẹ dịu và lâu trôi tuy nhiên có thể để lại vệt trắng trên da. Mặc khác do thành phần có chứa kẽm, zinc oxide còn có tác dụng làm lành vết thương, kháng viêm và kiềm dầu. Chính vì vậy đây cũng là hoạt chất phổ biến trong các sản phẩm điều trị mụn trứng cá và kem dưỡng phục hồi da hư tổn.
Nhìn chung các loại kem chống nắng vật lý được lựa chọn cho da mụn nhiều hơn kem chống nắng hóa học vì không gây tương tác với da. Tuy nhiên các thành phần chống nắng hóa học cũng có những hoạt chất an toàn. Trên thực tế các loại kem chống nắng thường phối hợp nhiều thành phần với nhau kể cả vật lý và hóa học để đạt hiệu quả bảo vệ da tốt nhất.
Oxybenzone
Oxybenzone là một thành phần phổ biến trong các sản phẩm kem chống nắng. Oxybenzone là hoạt chất chống nắng phổ rộng, hiệu quả trong ngăn chặn cả tia UVA2 và UVB. Tuy nhiên, oxybenzone cho hiệu quả chống nắng không cao khi hoạt động đơn độc, do đó thường được dùng kết hợp với các hoạt chất chống nắng khác.
Hiện nay, các sản phẩm chứa oxybenzone không còn được nhiều người lựa chọn sử dụng vì lo ngại hoạt chất không an toàn cho sức khỏe cũng như môi trường. Nghiên cứu cho thấy oxybenzone được hấp thụ dễ dàng qua da với nồng độ đo được cao hơn 0,5 ng/mL, ngưỡng nồng độ an toàn do FDA khuyến cáo.
Tuy nhiên kết quả trên chỉ có ý nghĩa cần thêm những nghiên cứu đánh giá tác động và độc tính toàn thân của hoạt chất chứ không chứng minh oxybenzone thật sự có hại. Mặc khác, oxybenzone được cho rằng có thể gây kích ứng da và rối loạn nội tiết, nhất là đối với trẻ em và phụ nữ.
Một số báo cáo phát hiện: ở các bé trai mà nồng độ oxybenzone trong máu cao có tổng hàm lượng testosterone thấp đáng kể. Ngoài ra một số trường hợp phụ nữ có thai khi tiếp xúc với oxybenzone có tình trạng rút ngắn thời gian mang thai và thay đổi cân nặng trẻ sơ sinh.
Một số nghiên cứu sau này cho rằng, oxybenzone có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư vú và lạc nội mạc tử cung trên động vật. Tuy kết quả còn nhiều tranh cãi và không có bằng chứng trực tiếp cho thấy oxybenzone gây rối loạn nội tiết trên người nhưng oxybenzone vẫn là hoạt chất chống nắng cần được sử dụng thận trọng.
Vào năm 2020, Uỷ ban Châu Âu đề xuất giảm nồng độ oxybenzone tối đa trong một sản phẩm xuống còn 2,2%, thấp hơn so với mức nồng độ giới hạn tại Hoa Kỳ (6%). Ngoài ra, một số nơi như Hawaii và Key West đã cấm sử dụng oxybenzone sau khi phát hiện hoạt chất góp phần làm tẩy trắng rạn san hô và hủy hoại hệ sinh thái biển.
Avobenzone
Avobenzone là hoạt chất có khả năng ngăn chặn hiệu quả toàn bộ dãy tia UVA nhưng không bền và dễ bị phân hủy khi tiếp xúc với ánh sáng. Nghiên cứu cho thấy sau khoảng 1 giờ tiếp xúc với tia UV, avobenzone bị mất đi từ 50-90% hoạt tính. Do đó để tăng cường tính ổn định và mở rộng phổ chống nắng, avobenzone thường được kết hợp với các hoạt chất khác như octocrylene, mexoryl. Ở nhiều quốc gia, avobenzone còn được sử dụng kết hợp với zinc oxide và titanium dioxide nhưng sự kết hợp này chưa được FDA chấp thuận.
Tương tự như oxybenzone, avobenzone được hấp thu dễ dàng qua da với nồng độ cao gấp 9 lần ngưỡng an toàn do FDA khuyến cáo. Tuy nhiên điều này cũng không có ý nghĩa chứng minh avobenzone gây hại cho sức khỏe.
Nghiên cứu cho thấy, các sản phẩm phân hủy của avobenzone dưới tác động của ánh sáng mặt trời có thể gây kích ứng da. Ngoài ra, nghiên cứu trên tế bào còn cho rằng, avobenzone có thể gây cản trở hoạt động của hệ nội tiết, đặc biệt là hoạt động của hormon testosterone. Ở Hoa Kỳ, FDA xếp loại avobenzone là hoạt chất tương đối an toàn với mức nồng độ tối đa là 3% trong một sản phẩm.
Octinoxate
Octinoxate là một hoạt chất chống nắng hóa học, hiệu quả trong ngăn chặn tác hại của tia UVB, khi dùng kết hợp với avobenzone có thể giúp mở rộng phổ chống nắng, tăng cường khả năng bảo vệ da. Một số nghiên cứu trong ống nghiệm (in vitro) và trên động vật (in vivo) cho rằng, octinoxate có khả năng gây rối loạn nội tiết, ảnh hưởng đến hoạt động của các hormon estrogen, androgen, progesterone.
Ngoài ra, nghiên cứu còn cho rằng octinoxate có thể gây rối loạn chức năng và làm giảm sản xuất hormon tuyến giáp. Tuy nhiên vẫn chưa có bằng chứng cho thấy octinoxate thực sự gây rối loạn nội tiết trên người. Một số nghiên cứu ghi nhận tình trạng nổi mụn trứng cá và viêm da cơ địa khi dùng octinoxate nhưng chỉ xảy ra ở một số đối tượng có tình trạng da dễ mẫn cảm và kích ứng từ trước.
Tại Hoa Kỳ, FDA khuyến cáo mức giới hạn nồng độ octinoxate trong một sản phẩm là 7,5%. Cũng giống như oxybenzone, hiện nay một số khu vực đã cấm sử dụng các sản phẩm có chứa octinoxate vì nguy cơ gây hại cho rạn san hô và hệ sinh thái biển.
Homosalate
Homosalate là hoạt chất chống nắng hóa học mang lại hiệu quả trong bảo vệ da khỏi UVB, nhưng không có khả năng ngăn chặn tác hại của tia UVA do đó thường được dùng kết hợp với các hoạt chất khác để mở rộng phổ chống nắng.
Một số nghiên cứu cho rằng, homosalate được hấp thu dễ dàng qua da, sau đó chuyển hóa tạo sản phẩm phụ có khả năng gây độc, ảnh hưởng đến hoạt động của hormon estrogen và androgen. Gần đây, Uỷ ban Châu Âu khuyến cáo việc sử dụng homosalate nồng độ lên đến 10% là không an toàn vì nguy cơ rối loạn nội tiết, mức nồng độ tối đa được đề xuất giảm còn 1,4%.
Trong khi đó, FDA cho rằng còn thiếu dữ liệu và bằng chứng để kết luận về tính an toàn và hiệu quả của homosalate. Tại Hoa Kỳ, nồng độ homosalate tối đa được cho phép là 15% trong một sản phẩm.
Octisalate
Octisalate là hoạt chất chống nắng hóa học, hiệu quả trong hấp thu và phân hủy tia UVB, thường được sử dụng kèm với avobenzone để tăng cường tính ổn định và mở rộng phổ chống nắng. Octisalate có đặc tính thân dầu và khả năng kháng nước vừa phải do đó hoạt chất này thường xuất hiện trong các sản phẩm kem chống nắng cho cơ thể có tác động kéo dài.
Octisalate hấp thu qua da với nồng độ cao gấp 10 lần ngưỡng khuyến cáo của FDA (0,5 ng/mL), với các hoạt chất chống nắng có độ thẩm thấu qua da cao, FDA khuyến cáo cần có thêm các nghiên cứu để đánh giá tính an toàn của hoạt chất. Năm 2007, một báo cáo về tình trạng viêm da cơ địa khi dùng sản phẩm có chứa octisalate là ca đầu tiên ghi nhận tác dụng không mong muốn của octisalate.
Octocrylene
Octocrylene là hoạt chất chống nắng hóa học với tác động chủ yếu là ngăn chặn tác hại của tia UVB và một phần nhỏ tia UVA2. Octocrylene có hoạt tính chống nắng khá yếu nhưng bền vững khi tiếp xúc với tia cực tím do đó thường được sử dụng trong cùng một công thức với avobenzone để tăng cường tính ổn định của hoạt chất.
Ngoài ra, octocrylene còn có tác dụng làm mềm da và giúp cải thiện khả năng kháng nước của sản phẩm. Nghiên cứu cho rằng, octocrylene có thể gây viêm da tiếp xúc dị ứng (allergic contact dermatitis) mức độ nặng ở trẻ em, do đó không nên cho trẻ sử dụng kem chống nắng có chứa octocrylene.
Ở người trưởng thành, octocrylene có thể gây viêm da tiếp xúc ánh sáng (photoallergic contact dermatitis) nhưng chủ yếu xảy ra ở những người đã có tiền sử dị ứng với thuốc kháng viêm ketoprofen. Mặc dù vẫn có một số nghiên cứu cho rằng, octocrylene tiềm ẩn khả năng gây rối loạn nội tiết, tuy nhiên Uỷ ban Châu Âu hiện nay vẫn cho phép sử dụng hàm lượng octocrylene tối đa lên đến 10% trong một sản phẩm.
Xem thêm các bài viết liên quan
Cách đọc bảng thành phần trên bao bì kem chống nắng
Một yếu tố cần lưu ý khi lựa chọn kem chống nắng chính là chỉ số SPF (sun protection factor), thông số đo lường khả năng chống lại tia UVB của sản phẩm. Nhiều tổ chức về ung thư trên thế giới khuyến cáo, bạn nên sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF tối thiểu là 30.
Không chỉ UVB, làn da cũng cần được bảo vệ khỏi tác hại của tia UVA, do đó ngoài SPF trên 30, bạn cũng nên lựa chọn những sản phẩm có nhãn “chống nắng phổ rộng” (broad spectrum).
Thành phần quyết định khả năng chống nắng của một sản phẩm chính là hoạt chất chống nắng, được liệt kê trong mục “active ingredients” của bảng thành phần. Đa phần các sản phẩm chống nắng hiện nay đều sử dụng kết hợp từ hai hoạt chất chính trở lên để mở rộng phổ chống nắng, tăng cường hiệu quả bảo vệ da.
Một số sản phẩm được gắn nhãn “chống nắng vật lý” nhưng đôi khi có kết hợp cả hoạt chất chống nắng hóa học, nếu bạn có làn da nhạy cảm và không muốn sử dụng các hợp chất hóa học thì nên lưu ý đọc kỹ bảng thành phần, một sản phẩm chống nắng vật lý sẽ chỉ có titanium dioxide và zinc oxide trong mục “active ingredients”.
Ngoài hoạt chất chính, các thành phần phụ cũng vô cùng quan trọng vì chiếm tỉ lệ lớn, hơn 55% trọng lượng của một sản phẩm. Các thành phần này có thể bao gồm dung môi hòa tan, chất nhũ hóa, chất bảo quản, chất chống oxy hóa, chất làm mềm, chất tạo mùi… được liệt kê trong mục “inactive ingredients” theo thứ tự bảng chữ cái alphabet.
Nếu bạn có làn da dầu mụn thì ngoài hoạt chất chính bạn cũng nên chú ý đến những thành phần phụ, nên lựa chọn những sản phẩm không chứa thành phần dễ gây mụn như dầu khoáng (mineral oil), silicone, paraben…
Tóm lại, trong một sản phẩm chống nắng, hoạt chất chính chỉ chiếm khoảng 20% trọng lượng nhưng là thành phần quan trọng nhất, quyết định tính hiệu quả và an toàn của sản phẩm. Các hoạt chất thường gặp trên thị trường bao gồm titanium dioxide, zinc oxide, oxybenzone, avobenzone, octinoxate, homosalate, octisalate, octocrylene, hoạt động theo hai cơ chế chính: hấp thu và xử lý tia UV (chống nắng hóa học) hoặc phản xạ lại tia UV (chống nắng vật lý).
Trong đó, chỉ có hai hoạt chất chống nắng vật lý titanium dioxide và zinc oxide là không hấp thu, không tương tác với da, được chứng nhận an toàn bởi FDA. Các hoạt chất còn lại có khả năng hấp thu qua da, một số hoạt chất được cho rằng có nguy cơ gây rối loạn nội tiết hoặc nguy cơ gây kích ứng da, tuy nhiên vẫn còn thiếu dữ liệu để kết luận về tính an toàn của các hoạt chất này.
Để có thể lựa chọn được kem chống nắng phù hợp, ngoài việc test thử lên da bạn nên đọc kỹ bảng thành phần và chú ý đến những hoạt chất cả chính và phụ của sản phẩm, nếu bạn có làn da mụn thì nên lựa chọn những loại kem chống nắng không chứa thành phần gây mụn (non-comedogenic). Tốt nhất bạn nên tham khảo Bác sĩ Da liễu để lựa chọn sản phẩm phù hợp nhất cho làn da của mình.
Tài liệu tham khảo
- “What Sunscreen Ingredients to Look for – and Which Banned Ones to Avoid”. Healthline.com
- Matej Skocaj, Metka Filipic, Jana Petkovic, et al. “Titanium dioxide in our everyday life; is it safe?”. Radiol Oncol. 2011;45(4):227–247
- “The trouble with ingredients in sunscreens”. Ewg.org
- Murali K. Matta, Robbert Zusterzeel, Nageswara R. Pilli, et al. “Effect of Sunscreen Application Under Maximal Use Conditions on Plasma Concentration of Sunscreen Active Ingredients”. JAMA. 2019;321(21):2082-2091
- “Octinoxate in Cosmetics: What You Should Know”. Healthline.com
- M. Krause, A. Klit, M. Blomberg Jensen, et al. “Sunscreens: are they beneficial for health? An overview of endocrine disrupting properties of UV-filters”. Int J Androl. 2012;35(3):424-436
- M. Singh, M. H. Beck. “Octyl salicylate: a new contact sensitivity”. Contact Dermatitis. 2007;56:48
- Martine Avenel-Audran, Hervé Dutartre, An Goossens. “Octocrylene, an Emerging Photoallergen”. Arch Dermatol. 2010;146(7):753-757