Trên thị trường hiện nay, kem chống nắng được phân thành hai loại chính là kem chống nắng vật lý và kem chống nắng hoá học. Mỗi loại sẽ có ưu, nhược điểm khác nhau và hướng tới những làn da khác nhau. Trong bài viết này, Doctor Acnes sẽ phân biệt giữa kem chống nắng vật lý và hoá học, từ đó cung cấp cho người đọc góc nhìn chính xác và lựa chọn loại kem phù hợp với bản thân nhé.
Kem chống nắng vật lý
Trên thị trường, kem chống nắng vật lý thường được gọi với cái tên “sunblock”. Với thành phần chính là các hợp chất vô cơ như titanium dioxide và kẽm oxide, kem chống nắng vật lý khi sử dụng sẽ tạo thành một lớp màng chắn có khả năng phản xạ lại tia UV, ngăn tia UV không xuyên được qua da.
Ưu điểm
- Hai thành phần titanium dioxide và kẽm oxide được FDA công nhận là an toàn và hiệu quả.
- Ít gây kích ứng da, phù hợp với những người có làn da nhạy cảm, da em bé.
- Nhanh chóng có tác dụng bảo vệ sau khi thoa mà không cần đợi một khoảng thời gian như kem chống nắng hóa học.
- Lớp chống nắng có tác dụng bền vững trong thời gian dài.
Nhược điểm
- Lớp kem chống nắng dày phủ lên da có thể gây bít tắc lỗ chân lông dẫn tới mụn ở những người dễ bị mụn trứng cá.
- Thường gây ra những vệt trắng, vón cục nằm trên bề mặt da, không tiệp màu da gây mất thẩm mỹ đối với một số người dùng.
- Nguy cơ hít phải một số hạt kẽm oxide hoặc titanium dioxide nếu sử dụng kem chống nắng ở dạng bột hoặc dạng xịt.
- Dễ bị trôi nếu da tiết nhiều mồ hôi khi hoạt động nhiều ngoài trời hoặc khi tiếp xúc với nước.
Kem chống nắng hóa học
Khác với kem chống nắng vật lý, kem chống nắng hóa học, hay còn gọi là “sunscreen”, khi được sử dụng sẽ hấp thụ và tác động vào bên dưới làn da. Khi tiếp xúc với tia UV, kem chống nắng hóa học sẽ chuyển đổi chúng thành nhiệt và giải phóng khỏi cơ thể trước khi chúng có thể gây hại cho da.
Hiện tại, có 12 thành phần kem chống nắng hóa học được FDA chấp thuận bao gồm avobenzone, octinoxate, oxybenzone và các thành phần khác.
Ưu điểm
- Dễ hấp thu vào da, do đó không để lại vệt trắng, vón cục trên da, được ưa chuộng vì khả năng tiệp màu da.
- Khả năng chống tia UV của kem chống nắng hóa học được đánh giá cao hơn so với kem chống nắng vật lý.
- Hiệu quả trong việc chống lại nước, mồ hôi, vì vậy rất phù hợp với những người hoạt động nhiều ngoài trời, dễ ra mồ hôi hay những vận động viên bơi lội.
- Kết cấu mỏng, nhẹ của kem chống nắng hóa học ít gây bít tắc lỗ chân lông, do đó ít gây mụn, thuận tiện cho việc sử dụng hàng ngày.
- Đa dạng nhiều lựa chọn với các chỉ số chống nắng SPF khác nhau, phù hợp với nhu cầu của nhiều đối tượng người dùng.
Nhược điểm
- Các thành phần hữu cơ có thể gây kích ứng da đối với những người có làn da nhạy cảm, có thể làm trầm trọng thêm tình trạng nám, chàm, hồng ban, vảy nến.
- Thời gian chống nắng hạn chế, do đó thường sau 2 tiếng phải thoa lại.
- Sau khi thoa kem phải chờ từ 15 – 20 phút để kem hấp thu vào da và phát huy hiệu quả chống nắng.
Kem chống nắng kết hợp
Để khắc phục nhược điểm của cả kem chống nắng vật lý và hóa học đồng thời vẫn bảo vệ da hiệu quả khỏi tác hại của tia UV, kem chống nắng kết hợp đã ra đời. Sản phẩm này chứa cả thành phần hữu cơ và vô cơ như titanium dioxide.
Kem chống nắng kết hợp tận dụng ưu điểm của cả hai loại truyền thống là kết cấu nhẹ, thẩm thấu nhanh, không để lại vệt trắng hay vón cục, dễ tiệp màu da, đồng thời ít gây kích ứng và bít tắc lỗ chân lông. Vì vậy, đây là lựa chọn lý tưởng cho da nhạy cảm và da dễ bị mụn.
Vậy nên chọn kem chống nắng vật lý hay hóa học?
Như đã nói, kem chống nắng vật lý và kem chống nắng hóa học có những ưu và nhược điểm khác nhau, thích hợp cho từng đối tượng khác nhau. Để lựa chọn được loại kem chống nắng phù hợp, cần nắm rõ về làn da cũng như nhu cầu của bản thân.
Theo loại da
- Da khô: nên chọn kem chống nắng có tính năng dưỡng ẩm. Kem chống nắng vật lý với các thành phần dưỡng ẩm là sự lựa chọn lý tưởng cho da khô.
- Da nhạy cảm: kem chống nắng vật lý với titanium dioxide và kẽm oxide là sự lựa chọn an toàn cho da nhạy cảm như chàm, vảy nến hoặc hồng ban. Sản phẩm này giảm thiểu kích ứng và phù hợp cho cả trẻ em.
- Da dầu: với da dầu, hãy chọn kem chống nắng có kết cấu nhẹ, thẩm thấu nhanh và không nhờn. Kem chống nắng hóa học là lựa chọn tốt nhất cho da nhờn.
- Da mụn: kem chống nắng vật lý là sự lựa chọn tốt hơn cho da mụn để giảm kích ứng. Chọn sản phẩm không chứa hương liệu, cồn và các chất gây kích ứng. Tìm các ký hiệu như oil-free, non-comedogenic, hoặc non-acnegenic trên bao bì.
Theo nhu cầu bản thân
- Tham gia hoạt động ngoài trời: cả kem chống nắng vật lý và hóa học đều có thể sử dụng cho hoạt động ngoài trời. Tuy nhiên, nếu tham gia các hoạt động thể lực cao, ra nhiều mồ hôi, hoặc tiếp xúc lâu với nước như bơi lội, hãy chọn loại kem chống nắng chống nước tốt. Điều này giúp kem không bị trôi nhanh do nước hoặc mồ hôi, đảm bảo bảo vệ da hiệu quả khỏi tia UV.
- Trang điểm: các sản phẩm trang điểm hiện nay thường có chỉ số SPF, nhưng để tối ưu hóa bảo vệ da khỏi tia UV, nên thoa trước một lớp kem chống nắng hóa học. Kem chống nắng hóa học thẩm thấu nhanh, không để lại vệt trắng hay vón cục, và dễ tiệp màu da, có thể thay thế kem lót trước khi trang điểm.
Hy vọng rằng qua bài viết này, Doctor Acnes đã cung cấp cho người đọc cái nhìn tổng quan về hai loại kem chống nắng vật lý và hóa học, đồng thời giúp bạn lựa chọn sản phẩm phù hợp nhất với nhu cầu cá nhân. Nếu còn gặp khó khăn trong việc chọn lựa hoặc gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào, đừng ngần ngại tìm đến các Bệnh viện hoặc Phòng khám Da liễu uy tín để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Tài liệu tham khảo
- “What’s the Difference Between Physical and Chemical Sunscreen?“. Healthline
- “The Difference Between Mineral and Chemical Sunscreens“. Clevelandclinic