Cách sử dụng tinh dầu tràm trà trị mụn hiệu quả

Được đăng bởi Doctor Acnes vào ngày 09/10/2023

Mụn và cách chăm sóc da mụn luôn là một trong những chủ đề được quan tâm hàng đầu trong vấn đề chăm sóc sức khỏe làn da. Ngoài thay đổi lối sống hay sử dụng các loại thuốc đặc trị mụn có nguồn gốc tổng hợp hóa học, việc tìm đến các chế phẩm trị mụn có nguồn gốc tự nhiên cũng là một xu hướng hiện nay.

Có nhiều loại chế phẩm từ thiên nhiên hiện có trên thị trường, trong số đó chắc chắn không thể thiếu tinh dầu tràm trà (tea tree oil). Hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu về tinh dầu tràm trà, cách sử dụng và những lưu ý khi sử dụng tinh dầu tràm trà trị mụn.

Tổng quan về tinh dầu tràm trà

Tinh dầu tràm trà (tea tree oil) là tinh dầu chiết xuất từ lá và cành của cây Melaleuca alternifolia, một loài cây đặc hữu của Australia thuộc họ Sim. Mỗi năm, Australia sản xuất được khoảng 1000 tấn tinh dầu tràm trà, 90% trong số đó dành cho xuất khẩu. Hiện nay, tinh dầu tràm trà được dùng phổ biến trong ngành công nghiệp thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm vì có đặc tính kháng khuẩn, chống oxy hóa, kháng viêm và chống ung thư.

Tinh dầu tràm trà trị mụn
Tinh dầu tràm trà chiết xuất từ lá và cành của cây Melaleuca alternifolia

Thành phần chính trong tinh dầu tràm trà là các tinh dầu nhóm monoterpen. Trong tinh dầu tràm trà có thể tìm thấy 10 loại monoterpen và 5 loại sesquiterpen khác nhau. Theo tiêu chuẩn ISO 4730:2017, tinh dầu tràm trà phải chứa ít nhất 35% terpinen-4-ol là monoterpen chính mang lại hoạt tính kháng khuẩn và không quá 10% 1,8-cineol được cho là monoterpen có thể gây kích ứng. Trên thị trường ưa chuộng loại tinh dầu tràm trà với hàm lượng terpinen-4-ol cao nhất có thể (trên 38%) và chứa ít 1,8-cineole nhất có thể (dưới 3%). 

Công dụng của tinh dầu tràm trà

Nhờ các đặc tính kháng nấm, kháng khuẩn, kháng viêm, tinh dầu tràm trà được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp dược phẩm và mỹ phẩm. Dưới đây là một số loại chế phẩm thường chứa tinh dầu tràm trà.

  • Trị gàu: tinh dầu tràm trà có đặc tính kháng nấm hiệu quả trước Pityrosporum ovale, loài nấm men có liên quan tới gàu trên da đầu. Sử dụng dầu gội chứa tinh dầu tràm trà trong 4 tuần cho thấy có hiệu quả trong việc điều trị gàu.
  • Chấy rận: tinh dầu tràm trà có hiệu quả trong việc tiêu diệt chấy rận cũng như trứng chấy rận. Ở nồng độ 1%, tinh dầu tràm trà tiêu diệt 100% chấy sau 30 phút.
  • Bệnh ghẻ: với đặc tính trị ghẻ, tinh dầu tràm trà 5% có thể sử dụng để điều trị bệnh ghẻ với hiệu quả tương đương các sản phẩm trị ghẻ thông dụng như permethrin 5% hay ivermectin.
  • Nấm da chân: bôi kem chứa tinh dầu tràm trà trong 1 tháng có thể làm giảm triệu chứng do nấm da chân gây ra nhờ khả năng kháng nấm hiệu quả.
  • Côn trùng cắn: với công dụng kháng khuẩn, kháng viêm, tinh dầu tràm trà có thể được dùng để làm dịu vết đau, ngăn ngừa nhiễm trùng ở vị trí côn trùng cắn.
  • Nấm móng: bôi dung dịch 100% tinh dầu tràm trà lên vùng nhiễm nấm 2 lần mỗi ngày trong 6 tháng có thể điều trị dứt điểm nấm móng cho 20% số người áp dụng. Phương pháp này có thể cải thiện triệu chứng và làm đẹp cho móng đối với 2/3 người áp dụng sau 3-6 tháng.
  • Trị mụn: với đặc tính kháng khuẩn, kháng viêm, tinh dầu tràm trà có khả năng dùng để điều trị mụn mức độ nhẹ hoặc trung bình.

Ngoài ra, nhờ tác dụng chống oxy hóa và kháng khuẩn, tinh dầu tràm trà còn có thể được dùng trong công nghiệp thực phẩm để làm chất bảo quản cho trái cây và rau củ sau khi thu hái.

Tinh dầu tràm trà có dùng trị mụn được không?

Tinh dầu tràm trà có công dụng làm sạch da, kiềm dầu, ngừa mụn, đặc biệt lành tính với mọi loại da nên có mặt rộng rãi trong nhiều chế phẩm trị mụn không kê đơn bao gồm sữa tắm, toner, sữa rửa mặt, mặt nạ và gel chấm mụn. Có thể sử dụng tinh dầu tràm trà đơn lẻ hoặc kết hợp với các hoạt chất có khả năng trị mụn khác như salicylic acid, benzoyl peroxide, azelaic acid và glycolic acid trong các chế phẩm dùng ngoài da này.

Với đặc tính kháng khuẩn, kháng viêm, tinh dầu tràm trà có khả năng điều trị mụn hiệu quả. Hướng dẫn điều trị mụn của Học viện Da liễu Hoa Kỳ năm 2016 đã khuyến cáo tinh dầu tràm trà như là một liệu pháp để kiểm soát tình trạng mụn.

Tinh dầu tràm trà có phổ kháng khuẩn rộng bao gồm các chủng vi khuẩn Staphylococcus trên da, Enterococcus faecalis, Pseudomonas aeruginosa, cũng như vi khuẩn gây mụn viêm Propionibacterium acnes.

Hầu hết các chủng đều nhạy với mức nồng độ tinh dầu tràm trà không quá 1%; tuy nhiên cũng có 1 số chủng vi khuẩn cần nồng độ tràm trà vào khoảng 8% để có thể ức chế sự phát triển của chúng. Hoạt tính kháng khuẩn của tinh dầu tràm trà chủ yếu nhờ vào thành phần terpineol hoặc đôi khi là cineol. Dưới đây là các nghiên cứu cụ thể cho thấy hiệu quả trị mụn của tinh dầu tràm trà.

  • Nghiên cứu cho thấy sử dụng tinh dầu tràm trà 5% hay benzoyl peroxide 5% đều có tác dụng cải thiện hiệu quả tình trạng mụn thông qua giảm số lượng tổn thương mụn viêm và không viêm. Hiệu quả của tinh dầu tràm trà bắt đầu có phần chậm hơn. Tuy nhiên, ít có bệnh nhân bị tác dụng phụ hơn khi sử dụng tinh dầu tràm trà trị mụn.
  • So với dung dịch kẽm sulfat 5%, lotion chứa 2% tinh dầu tràm trà mang lại hiệu quả cao hơn trong điều trị mụn mủ.
  • Trong một nghiên cứu thực hiện trên bệnh nhân mụn nhẹ đến trung bình, so với giả dược, nhóm bệnh nhân sử dụng kết hợp tinh dầu tràm trà, nha đam, keo ong cho kết quả giảm đáng kể mụn mủ và sẹo sau khi sử dụng 15 và 30 ngày.
  • Một nghiên cứu khác cho thấy dùng sữa rửa mặt và gel chứa tinh dầu tràm trà giúp giảm đáng kể số lượng mụn mức độ nhẹ và trung bình ở vùng mặt sau 4, 8 và 12 tuần.

Từ các dữ liệu trên, có thể thấy tinh dầu tràm trà có hiệu quả trong điều trị mụn. Tuy nhiên, các bằng chứng của tinh dầu tràm trà chủ yếu là ở tình trạng mụn nhẹ và trung bình. Đối với tình trạng mụn nặng với nhiều tổn thương mụn viêm, mụn nang, mụn bọc, cần tư vấn thêm với Bác sĩ Da liễu để có biện pháp điều trị tích cực hơn.

Thăm khám trực tiếp với Bác sĩ Da liễu
Thăm khám với Bác sĩ Da liễu tại Phòng khám Doctor Acnes

Cách sử dụng tinh dầu tràm trà trị mụn

Tinh dầu tràm trà có thể được sử dụng bằng cách mua các mỹ phẩm có chứa tinh dầu tràm trà hoặc lựa chọn tinh dầu tràm trà tinh khiết và tự pha chế sử dụng tại nhà. 

  • Mua sữa tắm, sữa rửa mặt, toner, gel chấm mụn, mặt nạ chứa tinh dầu tràm trà tại các cửa hàng mỹ phẩm hay nhà thuốc và sử dụng theo hướng dẫn từ nhà sản xuất. 
  • Mua tinh dầu tràm trà nguyên chất và tự pha chế sử dụng tại nhà.

Do tinh dầu tràm trà nguyên chất có thể gây kích ứng mạnh nên cần được pha loãng trước khi sử dụng theo một số cách sau.

Bôi lên da: pha loãng bằng các loại dầu như dầu dừa, jojoba với tỉ lệ 1:6. Do da mặt là loại da mỏng, nhạy cảm, nhất là khi đang bị mụn, nên làm kiểm tra kích ứng trên da tay trước khi bôi lên mặt. Sau khi pha loãng và chứng thực không có vấn đề gì về kích ứng, thực hiện tiếp tục các bước sau.

  • Rửa mặt với sữa rửa mặt và nhẹ nhàng lau khô bằng khăn. 
  • Nếu dùng để điều trị các nốt mụn, dùng bông tẩy trang chấm nhẹ tinh dầu đã pha lên các nốt mụn. Nếu dùng để ngừa mụn, dùng bông tẩy trang xoa đều tinh dầu lên khắp vùng mặt, tránh vùng môi và mắt. 
  • Chờ tinh dầu thấm vào da, bôi kem dưỡng ẩm để kết thúc.

Xông mặt: nhỏ vài giọt tinh dầu tràm trà vào tô nước nóng sau đó trùm khăn lên đầu để giữ hơi nước bốc lên. Xông khoảng 10-15 phút cho đến khi hơi nước bốc lên hết, sau đó dùng khăn mềm thấm nước trên mặt, chờ khoảng 5 phút rồi rửa lại bằng nước sạch, bôi kem dưỡng ẩm để kết thúc. Lưu ý trước khi xông cần tẩy trang, rửa mặt thật sạch để có hiệu quả xông tốt nhất.  

Pha tinh dầu vào nước tắm: pha tinh dầu vào bồn tắm chứa nước ấm, sau đó ngâm mình để trị mụn toàn cơ thể. 

Lưu ý: khi sử dụng tinh dầu tràm bôi lên da ở dạng mỹ phẩm hay tự pha chế, cần thực hiện 2 lần mỗi ngày ít nhất 12 tuần để thấy được sự cải thiện làn da. Sau 12 tuần, nếu không có hiệu quả, cần gặp Bác sĩ Da liễu để được tư vấn tiếp tục sử dụng hay chuyển sang phương pháp khác.  

Tinh dầu tràm trà bôi lên da ở dạng mỹ phẩm
Sản phẩm chấm mụn Urgo Filmogel chứa tinh dầu tràm trà

Tác dụng phụ và một số lưu ý

Tinh dầu tràm trà tương đối an toàn khi sử dụng ngoài da. Tuy nhiên, ở một số ít người, tinh dầu tràm trà có thể gây kích ứng da và phù nề. Ở người đang bị mụn, có thể gặp phải tình trạng khô da, châm chích, ngứa ngáy, nóng đỏ da. Nên ngừng sử dụng tinh dầu tràm trà nếu gặp phải tình trạng kích ứng trên. 

Tuyệt đối không sử dụng tinh dầu tràm trà bằng đường uống. Uống tinh dầu tràm trà gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng như lú lẫn, phát ban, chóng mặt, choáng váng, thậm chí hôn mê.

Không sử dụng tinh dầu tràm trà bằng đường uống
Tuyệt đối không sử dụng tinh dầu tràm trà bằng đường uống

Một số lưu ý khi sử dụng tinh dầu tràm trà.

  • Tránh xa tầm tay của trẻ em do tinh dầu tràm trà gây độc khi uống phải. 
  • Mua sản phẩm tại nơi uy tín, tránh mua phải hàng giả, kém chất lượng.
  • Không bôi tinh dầu nguyên chất lên da mặt, nên pha loãng và kiểm tra kích ứng trước khi sử dụng. 
  • Tránh để tinh dầu rơi vào mắt, có thể gây tổn thương thị lực.
  • Nếu đang sử dụng retinol hay benzoyl peroxide để trị mụn, dùng thêm tinh dầu tràm trà có thể tăng nguy cơ kích ứng. 

Tinh dầu tràm trà là sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên đã được sử dụng từ lâu đời, có khả năng kháng khuẩn, kháng viêm và được sử dụng rộng rãi trong điều trị mụn. Mặc dù tinh dầu tràm trà tương đối lành tính, an toàn, cần chú ý kiểm tra kích ứng, pha loãng tinh dầu nguyên chất trước khi sử dụng và tuyệt đối không được uống.

Lộ trình sử dụng tinh dầu tràm trà tối thiểu là 12 tuần, nếu không có kết quả, bệnh nhân cần các phương pháp điều trị khác tích cực hơn. Khi đó, việc đến các bệnh viện và Phòng khám Da liễu uy tín để được Bác sĩ Da liễu tư vấn là rất cần thiết. 

banner gruop facebook

Tài liệu tham khảo

  1. Ahmad S, Afsana, Popli H. “A review on efficacy and tolerability of tea tree oil for acne“. Journal of Drug Delivery and Therapeutics. 2019; 9(3):609-612
  2. Carson CF, Hammer KA, Riley TV. “Melaleuca alternifolia (Tea Tree) oil: a review of antimicrobial and other medicinal properties“. Clin Microbiol Rev. 2006 Jan;19(1):50-62
  3. Ingrid B Bassett, Ross St C Barnetson, Debra L Pannowitz. “A comparative study of tea-tree oil versus benzoyl peroxide in the treatment of acne“. Med. J. Aust. 1990 Oct; 153(8):455-458
  4. Malhi HK, Tu J, Riley TV, Kumarasinghe SP, Hammer KA. “Tea tree oil gel for mild to moderate acne; a 12-week uncontrolled, open-label phase II pilot study“. Australas J Dermatol. 2017 Aug;58(3):205-210
  5. Nascimento T, Gomes D, Simões R, da Graça Miguel M. “Tea Tree Oil: Properties and the Therapeutic Approach to Acne—A Review“. Antioxidants. 2023; 12(6):1264
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84