Tái tạo da là phương pháp lột đi các lớp tế bào xỉn màu, hư tổn bên ngoài nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng các tế bào da mới tự nhiên, khỏe mạnh, từ đó giúp cho bề mặt da hấp thu các dưỡng chất tốt hơn, cải thiện làn da săn chắc, mịn màng.
Các phương pháp tái tạo bề mặt da chủ yếu bằng laser hiện giữ vai trò rất quan trọng trong điều trị sẹo rỗ vì giúp kích thích tăng sinh collagen và elastin tự nhiên tại da, từ đó làm đầy sẹo rỗ. Vậy có các phương pháp tái tạo bề mặt da nào được dùng trong điều trị sẹo rỗ, ưu và nhược điểm của các phương pháp này như thế nào, hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu trong bài viết ngay sau đây.
Sẹo rỗ là gì? Nguyên nhân hình thành sẹo
Sẹo rỗ (atrophic scar) là tình trạng da bị lõm vào bên trong với nhiều hình dạng, kích thước và độ sâu khác nhau. Nguyên nhân chính là do mụn viêm gây những tổn thương sâu, làm phá vỡ cấu trúc da và quá trình lành thương, không tạo đủ collagen để sắp xếp lại cấu trúc da ban đầu.
Sẹo rỗ không gây đau nhức nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến thẩm mỹ, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Sẹo rỗ còn có thể kết hợp với quá trình tăng sinh mạch máu, tăng sắc tố tại chỗ nên về màu sắc, sẹo ngoài màu da như bình thường có thể có màu đỏ đối với trường hợp tăng sinh mạch máu hoặc màu thâm đen do sự gia tăng melanin.
Một số ít trường hợp, sẹo rỗ có thể tự hồi phục, tuy nhiên cần một thời gian rất dài. Đa số các trường hợp sẹo rỗ, làn da khó có thể phục hồi lại như ban đầu một cách tự nhiên.
Phân loại sẹo rỗ
Thông thường, phân loại sẹo rỗ dựa vào hình dạng được chia thành 3 loại như sau:
- Sẹo đáy nhọn (ice pick scar): đây là loại sẹo rỗ phổ biến nhất, chiếm 60 – 70% trường hợp mắc phải. Sẹo đáy nhọn thường có đường kính dưới 2 mm, bờ rõ, đáy khá sâu, nhọn xuống nhiều lớp da. Tình trạng sẹo này khó điều trị hơn các loại khác vì sẹo đáy nhọn khó đáp ứng với các phương pháp tái tạo bề mặt da như lăn kim hay laser. Loại sẹo này cần các kỹ thuật dành riêng cho nó như CROSS hay punch.
- Sẹo hình hộp (box scar): là những sẹo lõm hình tròn hoặc oval, có đường kính khoảng 1.5 – 4 mm. Sẹo hình hộp thường chiếm khoảng 20 – 30% sẹo rỗ gặp phải. Bờ của sẹo này vuông góc thẳng đứng xuống dưới da. Đối với những sẹo box car sâu hơn 0.5 mm thì sẽ đáp ứng với điều trị kém hơn những sẹo nông.
- Sẹo đáy tròn (rolling scar): đây là sẹo có đường kính rộng nhất – lớn hơn 5 mm. Sẹo đáy tròn có một đặc điểm riêng biệt là luôn có sợi xơ kéo trung bì xuống dưới da, tạo nên hình dạng lượn sóng của đáy sẹo.
Các mức độ nặng của sẹo rỗ
Với tình trạng sẹo rỗ do mụn gây ra, có rất nhiều thang điểm đánh giá mức độ nặng. Theo thang điểm Goodman, người ta phân ra 4 mức độ của sẹo rỗ:
- Sẹo dát: tình trạng sẹo nhẹ nhất, sẹo phẳng, không cao hơn hay thấp hơn bề mặt da.
- Sẹo nhẹ: tình trạng sẹo trung bình, thường quan sát được với khoảng cách dưới 50 cm và bệnh nhân có thể che phủ sẹo dễ dàng bằng lớp trang điểm.
- Sẹo vừa: tình trạng sẹo quan sát được ở khoảng cách trên 50 cm. Bệnh nhân khó che phủ sẹo bằng makeup hay che khuyết điểm. Sẹo này khi căng da sẽ trở nên phẳng trên bề mặt da.
- Sẹo nặng: tình trạng sẹo rỗ nghiêm trọng nhất khi có thể quan sát được với khoảng cách trên 50 cm. Sẹo này khi căng da đáy sẹo sẽ không bằng phẳng so với bề mặt da.
Xem thêm các bài viết liên quan
Các phương pháp tái tạo bề mặt da được sử dụng phổ biến nhất trong trị sẹo rỗ hiện nay
Tái tạo bề mặt da là phương pháp điều trị sẹo rỗ bằng cách phá vỡ cấu trúc da bị tổn thương, kích thích sản xuất collagen mới và thay thế vùng da sẹo bằng một làn da mới, khỏe và tươi trẻ hơn. Trong điều trị sẹo rỗ, các phương pháp tái tạo bề mặt da bằng laser, lăn kim hay hóa chất được sử dụng rất phổ biến. Cùng Doctor Acnes tìm hiểu qua một vài phương pháp phổ biến hiện nay nhé.
Tái tạo bề mặt da bằng laser
Đây là phương pháp tái tạo da phổ biến hiện nay ở Việt Nam, với nhiều loại laser khác nhau cùng các ưu nhược điểm sau:
Fractional CO2
Fractional CO2 là laser bước sóng 10600 nm tác động trực tiếp, tạo ra nhiều vi tổn thương trên bề mặt da, giúp kích thích tăng sinh collagen, tái tạo bề mặt bị rỗ. Đây là phương pháp laser khá phổ biến và được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam. Fractional CO2 hiệu quả cao trên mọi loại sẹo, kể cả sẹo rỗ lâu năm.
Phương pháp này sử dụng nguồn năng lượng cao để tác động đến sẹo nên cần một khoảng thời gian nghỉ dưỡng dài ngày (thường là 1 tuần) và có thể dẫn đến nguy cơ tăng sắc tố, ban đỏ sau điều trị. Vì vậy, laser fractional CO2 cần được thực hiện bởi các Bác sĩ Da liễu đã được đào tạo chuyên sâu về laser để giảm thiểu những nguy cơ này.
PDL
Laser PDL (pulsed dye laser) hay còn gọi là laser màu, là một loại laser sử dụng thuốc nhuộm hữu cơ trộn trong dung môi. Một số thuốc nhuộm hữu cơ như rhodamine, fluorescein, coumarin, stilbene, umbelliferone, tetracene và malachite green. Một vài dung môi thường sử dụng là nước, glycol, ethanol, methanol, hexane, cyclohexane và cyclodextrin.
Laser PDL phù hợp điều trị sẹo mụn có kèm theo hiện tượng ban đỏ do tăng sinh mạch máu. PDL tác động đến phân tử oxyhemoglobin trong máu, giúp làm giảm tình trạng giãn mạch, tăng sinh mạch máu đồng thời cũng giúp tăng sinh collagen. Lưu ý, ở những bệnh nhân da tối màu phương pháp này có thể làm tăng sắc tố sau viêm hoặc gây mất sắc tố cho da.
Fractional Er:YAG
Phương pháp này có cách thức hoạt động giống fractional CO2 nhưng phổ hấp thu của các phân tử nước cao hơn nên tạo hiệu quả tốt hơn. Ưu điểm của phương pháp này là ít gây tác dụng phụ như nổi ban đỏ, tăng sắc tố sau viêm khi điều trị. Tuy nhiên, lại dễ gây chảy máu khi điều trị và thiết bị của fractional Er:YAG có chi phí cao hơn rất nhiều so với thiết bị laser CO2 nên ít phổ biến hơn.
Phương pháp Nd:YAG
Nd:YAG là loại laser được sử dụng rộng rãi trong điều trị da, sẹo rỗ, nám và thâm gọi chung là tăng sắc tố da. Phương pháp này giúp tăng sinh collagen khá tốt ở nhú bì và một phần ở trung bì, đặc biệt là tăng sinh collagen loại 1.
Bên cạnh đó, Nd:YAG ít khi gây tác dụng phụ, tình trạng ban đỏ chỉ kéo dài vài giờ sau khi thực hiện liệu trình và các tình trạng như tăng sắc tố sau viêm vô cùng hiếm gặp, vì vậy phù hợp với bệnh nhân có sẹo trên nền da sậm màu.
Nhiều thí nghiệm so sánh hiệu quả giữa phương pháp fractional CO2 và Nd:YAG đều chỉ ra fractional CO2 hiệu quả hơn trong việc điều trị sẹo rỗ. Tuy nhiên, Nd:YAG sẽ ít đau và nổi ban đỏ hơn sau điều trị, da sẽ hồi phục nhanh hơn so với fractional CO2.
Tái tạo da bằng hóa chất hay peel da
Ngoài laser, peel da cũng được ứng dụng để điều trị sẹo rỗ. Tùy vào tình trạng sẹo mà sẽ lựa chọn hoạt chất để peel phù hợp, ví dụ khi cần tác động nông lên bề mặt da, có thể dùng acid glycolic 30 – 50%, dung dịch Jessner hay TCA 15%, còn các nồng độ cao hơn như glycolic acid 70% hay TCA 30% sẽ cho tác động sâu hơn.
Khi sử dụng phương pháp peel da hoá học để điều trị sẹo rỗ, cần phải có chỉ định của Bác sĩ Da liễu để lựa chọn nồng độ hóa chất điều trị phù hợp tránh xảy ra các biến chứng nguy hiểm sau peel.
Một kỹ thuật dùng hóa chất khác được sử dụng phổ biến trong điều trị sẹo rỗ là CROSS TCA. Thay vì trải rộng trên cả bề mặt da như peel da hoá học, CROSS chỉ tập trung vào mô sẹo. Phương pháp này sử dụng một dụng cụ đầu nhọn chuyên dụng chấm dung dịch TCA 50 – 100% lên đúng điểm bị sẹo.
CROSS TCA hiệu quả trong điều trị sẹo đáy nhọn và có thể dùng cho sẹo đáy hộp hẹp. Ưu điểm là hạn chế tác động đến những vùng da lành, chỉ tác động khu trú ở các nốt sẹo.
Tái tạo bề mặt da bằng lăn kim
Lăn kim là phương pháp sử dụng nhiều vi kim tạo các vết thương nhỏ trên bề mặt da. Những tổn thương này sẽ khởi động quá trình lành thương, kích thích sản sinh ra collagen giúp tái tạo bề mặt da lẫn mô sẹo ở dưới đáy. Lăn kim giúp điều trị sẹo rỗ, giảm nếp nhăn, lỗ chân lông và vết rạn.
Ưu điểm của lăn kim là tạo đường dẫn cho các chất khác thâm nhập vào trung bì như PRP, HA, peptide… và cần thời gian nghỉ dưỡng ngắn so với fractional CO2. Tuy nhiên, phương pháp này dễ gây đỏ da kéo dài hoặc tăng sắc tố nếu da không được chăm sóc sau điều trị kỹ càng.
Tái tạo da bằng RF microneedle
Một phương pháp phổ biến gần đây để trị sẹo rỗ là sử dụng sóng vô tuyến RF (radio frequency) truyền sóng điện từ đi sâu dưới da (đến 20 mm) thông qua các kim nhỏ microneedle, tạo ra các vết thương nhỏ ở lớp hạ bì, từ đó kích thích việc tái tạo làn da, hình thành nhiều collagen mới và làm mềm mô sẹo. Thông thường, làn da sẽ được cải thiện từ 25 – 75% sau 3 – 4 lần điều trị và đạt hiệu quả tối ưu là sau 3 tháng kể từ buổi điều trị cuối cùng.
So sánh về ưu nhược điểm của RF microneedle so với fractional CO2 trong tái tạo bề mặt da, RF microneedle đạt hiệu quả cao tương tự, thậm chí có xu hướng vượt trội hơn fractional CO2 trong hiệu quả làm đầy sẹo, nhưng fractional CO2 lại cho mức độ cải thiện sắc tố da tốt hơn, phù hợp sử dụng trong tái tạo, thay mới bề mặt da.
Nhược điểm của fractional CO2 là nguy cơ gây tăng sắc tố sau viêm (PIH) cao hơn, đặc biệt ở tuýp da tối màu. Vì thế, fractional CO2 thường hạn chế sử dụng trong điều trị sẹo rỗ quá sâu do lo ngại PIH. Ngoài ra, thời gian nghỉ dưỡng sau khi can thiệp bằng fractional CO2 cũng dài hơn (1 tuần), đòi hỏi phải chăm sóc vết thương tích cực, kĩ càng vì nguy cơ nhiễm trùng cao hơn.
Ngược lại, RF microneedle an toàn và phù hợp hơn cho các tuýp da tối màu vì ít nguy cơ gây ra PIH. Đầu kim đưa nhiệt lượng có thể đi sâu hơn, mà ít sợ PIH. Thời gian nghỉ dưỡng khi điều trị bằng RF microneedle cũng ít hơn, dễ dàng chăm sóc vết thương nhẹ nhàng hơn, an toàn cho nhiều vùng cơ thể. Tuy vậy, RF microneedle không có khả năng tái tạo bề mặt nhiều và hiệu quả cải thiện sắc tố kém hơn.
Xu hướng hiện này là phối hợp RF microneedle với laser. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi sử dụng sóng RF kết hợp với laser như fractional CO2 kết quả điều trị sẹo tăng lên gấp nhiều lần so với đơn trị liệu.
Tóm lại, tái tạo bề mặt da được sử dụng phổ biến trong điều trị sẹo rỗ nhằm kích thích sản xuất các sợi collagen, hình thành bề mặt da mới thay thế làn da cũ đã bị sẹo. Với sự phát triển của khoa học công nghệ thì hiện nay có vô số phương pháp để lựa chọn điều trị sẹo. Tuy nhiên, bạn cần lựa chọn những cơ sở điều trị uy tín, có Bác sĩ Da liễu trực tiếp tư vấn và điều trị như Doctor Acnes để đảm bảo hiệu quả đầy sẹo và tránh được những tác dụng không mong muốn trong quá trình điều trị sẹo rỗ.
Tài liệu tham khảo
- Greg J Goodman, Jennifer A Baron. “Postacne scarring: a qualitative global scarring grading system”. Dermatol Surg. 2006 Dec;32(12):1458-66
- Seong U K Min, Yu Sung Choi, Dong Hun Lee, Mi Young Yoon, Dae Hun Suh. “Comparison of a long-pulse Nd:YAG laser and a combined 585/1,064-nm laser for the treatment of acne scars: a randomized split-face clinical study”. Dermatol Surg. 2009 Nov;35(11):1720-7
- Jeremy A Brauer, Viktoryia Kazlouskaya, Hamad Alabdulrazzaq, Yoon Soo Bae. “Use of a picosecond pulse duration laser with specialized optic for treatment of facial acne scarring”. JAMA Dermatol. 2015 Mar;151(3):278-84
- Eman Nofal, Afaf Helmy, Ahmad Nofal, Rania Alakad, Mohammad Nasr. “Platelet-rich plasma versus CROSS technique with 100% trichloroacetic acid versus combined skin needling and platelet rich plasma in the treatment of atrophic acne scars: a comparative study”. Dermatol Surg. 2014 Aug;40(8):864-73
- Brian J Simmons, Robert D Griffith, Leyre A Falto-Aizpurua, Keyvan Nouri. “Use of radiofrequency in cosmetic dermatology: Focus on nonablative treatment of acne scars”. Clin Cosmet Investig Dermatol. 2014; 7: 335–339
- “Ice Pick Scars: Why It Happens and What You Can Do”. Healthline.com
- Ali Asilian, Elias Salimi, Gita Faghihi, Farideh Dehghani, Nabet Tajmirriahi, Sayed Mohsen Hosseini. “Comparison of Q-Switched 1064-nm Nd: YAG laser and fractional CO2 laser efficacies on improvement of atrophic facial acne scar”. J Res Med Sci. 2011 Sep; 16(9): 1189–1195
- Anoma Ranaweera. “Pulsed dye laser treatment”. Dermnetnz.org