Tái tạo da là gì? Lợi ích và 4 phương pháp tái tạo da mặt

Ngày 26/08/2024. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
0
(0)

Tái tạo da là một trong những phương pháp tiên tiến trong thẩm mỹ da liễu, giúp cải thiện các vấn đề về da như sẹo, nếp nhăn và tình trạng da không đều màu. Bằng cách kích thích sự sản sinh collagen và elastin, tái tạo da giúp làn da trở nên săn chắc, mịn màng và trẻ trung hơn. Bài viết này Doctor Acnes sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các phương pháp tái tạo da hiện có, cũng như những lưu ý cần thiết để đạt được kết quả tối ưu.

Tái tạo da là gì?

Tái tạo da là quá trình tự làm mới của lớp thượng bì, diễn ra khi các tế bào sừng ngoài cùng bị bong tróc, song song đó là sự tăng sinh của các tế bào mới từ bên trong để thay thế cho lớp sừng ở bên ngoài. Tái tạo da giúp loại bỏ các tế bào chết, hư tổn, thay thế bằng các tế bào da mới, khỏe mạnh.

Một quá trình tái tạo da tự nhiên trung bình mất khoảng 28 ngày. Qua thời gian, do tác động của sự lão hóa, quá trình tái tạo da tự nhiên kém dần, mất nhiều thời gian hơn và sự bong tróc tế bào chết không đồng đều, khiến làn da trở nên xỉn màu, thô ráp. Do đó, ngày nay các phương pháp thúc đẩy quá trình tái tạo da ngày càng trở nên phổ biến.

Tái tạo da là gì - Doctor Acnes
Tái tạo da giúp cải thiện các vấn đề về da như sẹo, nếp nhăn và tình trạng da không đều màu

Loại da nào cần được tái tạo?

Các trường hợp sau đây nên thực hiện các liệu pháp tái tạo da:

  • Làn da bị xỉn màu, đen sạm, thâm nám do ảnh hưởng của các tác nhân như tia UV, ô nhiễm, bụi bẩn, hóa chất…
  • Làn da có nhiều vết thâm, mụn, sẹo mụn, lỗ chân lông to.
  • Làn da sần sùi, không đều màu, da có nhiều nếp nhăn, vết chân chim, tàn nhang do lão hóa.

Lợi ích của tái tạo da

Tái tạo da mang lại nhiều lợi ích vượt trội trong việc chăm sóc và cải thiện làn da như:

  • Kích thích sản sinh collagen và elastin: giúp da trở nên săn chắc, đàn hồi hơn và làm đầy sẹo rỗ.
  • Cải thiện kết cấu da: làm mờ nếp nhăn, sẹo và lỗ chân lông to, giúp da mịn màng hơn.
  • Giảm tình trạng sạm da và đốm nâu: làm đều màu da, mang lại làn da tươi sáng hơn.
  • Tăng độ ẩm cho da: giúp da mềm mại và căng mịn.

4 phương pháp tái tạo da phổ biến

Tái tạo da có thể được chia thành 4 phương pháp chính bao gồm tái tạo da bằng tia laser, tái tạo da bằng hóa chất (chemical peel), tái tạo da bằng lăn kim (microneedle) và tái tạo da bằng mài da vi điểm (microdermabrasion).

Tái tạo da bằng laser xâm lấn phân đoạn (ablative fractional laser)

Tái tạo da bằng laser xâm lấn phân đoạn là quá trình sử dụng chùm tia laser loại bỏ một lớp mỏng biểu bì ngoài cùng, đồng thời tác động vào lớp hạ bì kích thích sản sinh collagen giúp cải thiện cấu trúc da và mang lại làn da săn chắc, căng mịn. Ngoài ra, liệu pháp còn giúp cải thiện tông da, làm đều màu, chữa trị sẹo mụn và làm mờ nếp nhăn.

  • Laser fractional CO2: là loại laser được sử dụng phổ biến nhất trong tái tạo bề mặt da. Laser fractional CO2 thường cho hiệu quả điều trị cao tuy nhiên nhược điểm là cần nhiều thời gian để da hồi phục và dễ gặp nguy cơ thay đổi sắc tố da hay hồng ban kéo dài sau điều trị.
  • Laser Er:YAG: với cơ chế tương tự, laser Er:YAG cũng thường được sử dụng trong tái tạo bề mặt da. Nhìn chung, laser Er:YAG có tần suất gây hồng ban kéo dài hay tăng/giảm sắc tố sau điều trị thấp hơn laser fractional CO2, thời gian hồi phục cũng ngắn hơn. Nhược điểm của phương pháp là có thể gây chảy máu, liệu trình cần nhiều đợt điều trị hơn laser fractional CO2 để thấy được hiệu quả.
laser co2 fractional
Phương pháp laser fractional CO2 được Bác sĩ Da liễu trực tiếp thực hiện tại Doctor Acnes

Tái tạo da bằng laser không xâm lấn (non-ablative laser)

Nd:YAG là loại laser không xâm lấn được sử dụng phổ biến trong tái tạo da. Tái tạo da bằng laser không xâm lấn cũng sử dụng chùm tia có bước sóng năng lượng cao nhưng không tác động lên lớp biểu bì da mà xuyên thẳng đến trung bì để kích thích sản sinh collagen.

Mặc dù hiệu quả điều trị của laser không xâm lấn thấp hơn laser fractional CO2 hay laser Er:YAG nhưng kỹ thuật này ít gây tác dụng phụ và có thời gian phục hồi nhanh hơn. Vì có tác động nhẹ hơn nên laser không xâm lấn chỉ phù hợp cho tình trạng sẹo, thâm nám hay nếp nhăn từ nhẹ đến trung bình. Sau khi điều trị với laser không xâm lấn, tình trạng ban đỏ chỉ kéo dài sau vài giờ và hiếm gặp sự thay đổi sắc tố da bất thường.

laser nd yag
Phương pháp laser Nd:YAG được Bác sĩ Da liễu trực tiếp thực hiện tại Doctor Acnes

Tái tạo da bằng hóa chất

Tái tạo da bằng hóa chất hay còn gọi là peel da hóa học là phương pháp sử dụng các tác nhân acid hữu cơ lành tính làm bong tróc tế bào chết, kích thích quá trình tái tạo bề mặt da. Tác nhân thường được sử dụng trong peel da hóa học bao gồm acid glycolic, acid salicylic, acid mandelic, acid trichloroacetic…

Peel da hóa học có thể được phân loại dựa trên mức độ thâm nhập vào da bao gồm peel da bề mặt, peel da trung bình và peel da sâu. Tái tạo da bằng hóa chất cho hiệu quả trong điều trị mụn trứng cá, lỗ chân lông to, tăng sắc tố da, thâm nám và sẹo.

Nhìn chung, phương pháp này khá hiệu quả, tuy nhiên không nên tự ý peel da tại nhà vì có thể gặp phải nguy cơ tác dụng phụ như đau, bỏng rát, sẹo hoặc tăng sắc tố da do lựa chọn tác nhân, nồng độ hóa chất không phù hợp, thực hiện không đúng kỹ thuật.

Tái tạo da bằng hóa chất - Doctor Acnes
Phương pháp peel da được thực hiện tại Phòng khám Doctor Acnes

Tái tạo da bằng lăn kim vi điểm

Có 2 loại lăn kim thường được dùng để tái tạo da gồm:

  • Lăn kim: phương pháp lăn kim truyền thống này sử dụng một dụng cụ có các đầu kim siêu nhỏ để tạo ra những tổn thương trên bề mặt da. Những tổn thương này kích thích cơ thể sản sinh collagen và elastin giúp tái tạo bề mặt da, cho hiệu quả trong điều trị mụn, thâm nám, lỗ chân lông to, sẹo, làm giảm nếp nhăn và vết rạn.
  • Lăn kim RF (radiofrequency microneedling): lăn kim RF kết hợp vi kim và sóng RF. Khi kim đâm vào da, sóng RF tạo nhiệt năng kích thích tái tạo collagen sâu hơn. Phương pháp này tăng hiệu quả cải thiện sẹo, làm săn chắc da và giảm lỗ chân lông to hơn so với lăn kim truyền thống.

Cả hai phương pháp đều mang lại lợi ích trong việc tái tạo và trẻ hóa làn da, nhưng lăn kim RF thường hiệu quả hơn trong việc xử lý các vấn đề da sâu và phức tạp hơn.

So với tái tạo da bằng laser thì phương pháp lăn kim ít ảnh hưởng đến sắc tố da hơn và có thời gian hồi phục nhanh hơn. Tuy nhiên, lăn kim lại cho hiệu quả tái tạo bề mặt da và cải thiện sắc tố kém hơn so với laser.

lăn kim
Phương pháp lăn kim vi điểm được Bác sĩ Da liễu trực tiếp thực hiện tại Doctor Acnes

Tái tạo da bằng mài da vi điểm

Phương pháp tái tạo bằng mài da vi điểm thường được sử dụng nhất là mài da vi điểm pha lê (crystal microdermabrasion) và mài da vi điểm kim cương (diamond microdermabrasion).

Mài da vi điểm pha lê sử dụng thiết bị có chứa các tinh thể pha lê cực mịn được phun nhẹ nhàng trên da, có khả năng mài mòn làm bong tế bào chết, sau đó các tinh thể và tế bào chết được thiết bị hút sạch trở lại.

Do có tính mài mòn cao và có nguy cơ để sót lại tinh thể trên bề mặt da nên mài da vi điểm pha lê không phù hợp với những người có làn da nhạy cảm, dễ kích ứng. Mài da vi điểm kim cương không chứa các hạt tinh thể mà đầu thiết bị làm bằng kim cương, vừa tẩy vừa hút các tế bào chết ngay lập tức.

Kỹ thuật này an toàn và có độ chính xác cao hơn, sử dụng được cho cả những vùng da nhạy cảm như gần mắt. Mài da vi điểm có tác dụng trẻ hóa da, cải thiện tổng thể tông màu và cấu trúc da. Tuy nhiên liệu pháp vẫn tiềm ẩn một số nguy cơ tác dụng phụ như rát da trong quá trình điều trị, đỏ da và tăng nhạy cảm với ánh sáng.

Tái tạo da có nguy hiểm không?

Bên cạnh những lợi ích trong cải thiện tình trạng da thì các liệu pháp tái tạo bề mặt da nói chung cũng có một số nguy cơ tác dụng phụ như:

  • Kích ứng da: vùng da sau khi điều trị có thể bị ngứa, sưng hoặc đau rát.
  • Tổn thương da: các liệu pháp tái tạo da có thể gây bỏng, chảy máu hoặc để lại sẹo nếu thực hiện không đúng kỹ thuật.
  • Phát ban, da mẩn đỏ: tình trạng đỏ da thường kéo dài trong khoảng vài giờ đến vài ngày sau điều trị. Tuy nhiên một số trường hợp, nhất là khi tái tạo da bằng laser fractional CO2, có thể gặp tình trạng hồng ban kéo dài đến vài tháng.
  • Thay đổi sắc tố da: vùng da sau khi tái tạo có thể gặp hiện tượng tăng hoặc giảm sắc tố da so với bình thường, tuy nhiên tình trạng này sẽ giảm dần theo thời gian.
  • Nhiễm trùng da: khi thực hiện các liệu pháp xâm lấn nếu dụng cụ không được khử khuẩn đúng cách có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng.
  • Da bị đen sạm, thâm nám: sau khi tái tạo da, làn da có thể trở nên nhạy cảm và dễ bắt nắng, do đó cần bảo vệ da kỹ để hạn chế tác động của ánh nắng mặt trời.

Ngoài ra, hiện nay trên thị trường, xuất hiện nhiều loại serum, thuốc bắc, rượu thuốc được giới thiệu có công dụng tái tạo bề mặt và làm trẻ hóa da. Việc sử dụng các sản phẩm không rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ, thành phần tiềm ẩn nguy cơ gây tổn hại nặng nề cho làn da. Các sản phẩm này có thành phần chủ yếu là cồn khô với nồng độ cao.

Thời gian đầu sử dụng, người dùng dễ bị lầm tưởng sản phẩm thực sự có hiệu quả khi thấy da khô thoáng, bớt dầu, cồi mụn khô, se nhanh. Đó là do tác dụng sát khuẩn và hút ẩm mạnh của cồn cao độ. Khi dùng lâu dài, làn da sẽ trở nên mẩn đỏ, kích ứng, bong tróc và ngứa rát do cồn gây mất nước, bào mòn và làm mỏng da.

Do đó để hạn chế nguy cơ gặp phải tác dụng phụ, tái tạo bề mặt da nên được tiến hành tại các cơ sở chuyên khoa da liễu uy tín và được tham vấn điều trị bởi Bác sĩ Da liễu. Tùy thuộc vào loại da và mức độ tổn hại của da, các Bác sĩ Da liễu sẽ lựa chọn và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng da của mỗi người.

thăm khám bác sĩ
Lựa chọn các cơ sở da liễu uy tín và tham khảo ý kiến Bác sĩ để xác định được phương pháp tái tạo da phù hợp

Xem thêm các bài viết liên quan

Một số lưu ý chăm sóc da sau khi thực hiện tái tạo da

Sau khi thực hiện các liệu pháp tái tạo, làn da thường rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương trước các tác nhân bên ngoài. Do đó, cần có chế độ chăm sóc da khoa học và kỹ lưỡng để da phục hồi và hạn chế các tác dụng phụ:

Giữ cho da sạch sẽ

Cần giữ cho vùng da sau trị liệu sạch sẽ để hạn chế tế bào chết, bụi bẩn, vi khuẩn tích tụ trên da gây nhiễm trùng và có thể để lại sẹo, nhất là đối với phương pháp tái tạo da bằng laser. Tùy thuộc vào khu vực điều trị và tình trạng da mà Bác sĩ Da liễu sẽ hướng dẫn cách thức vệ sinh da sau trị liệu cho phù hợp.

Thông thường chỉ cần vệ sinh bằng bông gạc sạch ngâm với nước muối pha loãng, từ 2 – 5 lần/ngày mà không cần dùng sữa rửa mặt. Đặc biệt lưu ý không nên dùng các sản phẩm tẩy tế bào chết như BHA, AHA hoặc sản phẩm trị mụn tại chỗ ngay sau khi trị liệu để tránh kích ứng.

Cấp ẩm đủ cho da

Làn da sau khi tái tạo có thể bị ngứa, châm chích, khô rát và gây khó chịu. Do đó cần duy trì cấp ẩm cho da bằng các sản phẩm kem dưỡng hay serum dưỡng ẩm có chứa các thành phần an toàn, lành tính như acid hyaluronic, ceramide, vitamin B5… Việc cấp ẩm đủ cho da không chỉ làm giảm cảm giác khó chịu mà còn hạn chế tình trạng da khô, bong tróc.

Đảm bảo chống nắng kỹ cho da

Sau khi thực hiện các liệu pháp tái tạo, da dễ bị mẫn cảm và bắt nắng. Nếu không chống nắng kỹ, da có thể bị cháy nắng, thâm nám và đen sạm. Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng, sử dụng kem chống nắng phổ rộng với SPF tối thiểu 30 mỗi ngày, ngay cả khi ở trong nhà. Khi hoạt động ngoài trời, ngoài sử dụng kem chống nắng, nên che chắn làn da bằng mũ rộng vành, khẩu trang và kính râm để bảo vệ da hiệu quả hơn.

đảm bảo chống nắng kỹ cho da
Chống nắng kỹ càng để hạn chế các tác động của ánh sáng đến làn da đang trong quá trình phục hồi

Tái tạo da trong thẩm mỹ da liễu mang lại nhiều lợi ích đáng kể, từ cải thiện kết cấu da đến giảm thiểu sẹo và nếp nhăn. Các phương pháp tái tạo da hiện đại như laser, lăn kim và peel da không chỉ giúp làn da trở nên mịn màng, tươi trẻ mà còn tăng cường sự tự tin trong giao tiếp hàng ngày. Để đạt được hiệu quả điều trị tối ưu và giảm thiểu rủi ro, việc lựa chọn các cơ sở da liễu uy tín là rất quan trọng. Hãy liên hệ ngay với Doctor Acnes để được tư vấn chi tiết và trải nghiệm dịch vụ chuyên nghiệp, an toàn và hiệu quả.

Tài liệu tham khảo

  1. Jane Fore. “A Review of Skin and the Effects of Aging on Skin Structure and Function. Ostomy Wound Manage”. Ostomy Wound Manage. 2006 Sep;52(9):24-35; quiz 36-7
  2. “Boost Your Skin’s Regeneration Process for a Glowing, Vibrant Complexion”. Healthline
  3. “What Is Skin Rejuvenation?”. Verywellhealth
  4. Jason Preissig, Kristy Hamilton, Ramsey Markus. “Current Laser Resurfacing Technologies: A Review that Delves Beneath the Surface”. Semin Plast Surg. 2012; 26(3):109-116
  5. Khalil A. Khatri, Victor Ross, Joop M. Grevelink. “Comparison of Erbium:YAG and Carbon Dioxide Lasers in Resurfacing of Facial Rhytides”. Arch Dermatol. 1999;135(4):391-397
  6. “How do chemical peels work?”. MedicalNewsToday
  7. “Microneedling”. WebMD
  8. “What Is Microdermabrasion?”. Healthline

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 0 / 5. Lượt đánh giá 0

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84