Lăn kim là một phương pháp làm đẹp xâm lấn tối thiểu khá phổ biến do chi phí không quá cao, an toàn và có nhiều ứng dụng trong lĩnh vực trẻ hóa và điều trị các vấn đề thẩm mỹ da. Tuy nhiên, việc thực hiện lăn kim không đúng cách hoặc không đảm bảo quy trình cũng có nguy cơ để lại các tác dụng phụ hoặc biến chứng trên da.
Vậy những tác dụng phụ và biến chứng có thể gặp sau lăn kim là gì? Hãy cùng Doctor Acnes đọc bài viết dưới đây để phân biệt các tác dụng phụ và biến chứng có thể xảy ra sau lăn kim nhé!
Những tác dụng phụ thường gặp sau khi lăn kim
Lăn kim là một biện pháp xâm lấn do đó da sẽ có những phản ứng bảo vệ tự nhiên, đây chính là những tác dụng phụ của lăn kim. Những tác dụng phụ này thường không nguy hiểm và sẽ tự cải thiện sau một thời gian ngắn. Dưới đây là những tác dụng phụ thường gặp khi thực hiện liệu pháp lăn kim.
Da nhạy cảm, bong tróc
Da những ngày đầu sau khi lăn kim sẽ trở nên nhạy cảm và mỏng manh hơn do việc kích thích tái tạo lớp biểu bì mới nên có thể có cảm giác châm chích và tình trạng này có thể kéo dài vài ngày nhưng đây là một quá trình cần thiết để tái tạo da sau lăn kim và thường không đáng lo ngại.
Sau đó, da có thể trở nên nhăn, khô và bong tróc trong quá trình phục hồi tự nhiên. Vấn đề này có thể được cải thiện bằng cách cấp ẩm hợp lý với các sản phẩm kem dưỡng hay serum có thành phần lành tính như acid hyaluronic dưới sự hướng dẫn và chỉ định của Bác sĩ Da liễu .
Đau và đỏ da
Tình trạng đau và đỏ da sau lăn kim rất thường gặp, đây là phản ứng bình thường của cơ thể khi da bị tác động và chịu tổn thương bởi các đầu kim trong quá trình thực hiện.
Trong một nghiên cứu tổng quan hệ thống của Asha Gowda đã ghi nhận có đến hơn 70% người sử dụng liệu pháp lăn kim trải qua cảm giác đau và đỏ da. Tình trạng này sẽ nhanh chóng mất đi sau khoảng 3 – 5 ngày sau lăn kim.
Chảy máu
Tuỳ vào mục đích của việc lăn kim mà lực tác động trên da sẽ khác nhau do đó có thể gây chảy máu hoặc không trong quá trình thực hiện. Mức độ chảy máu cũng tùy theo mức độ xâm lấn cần thiết đối với vấn đề da liễu của từng tình trạng da.
Trường hợp chảy máu khi lăn kim thường gặp là lăn kim trị sẹo. Do trong quá trình lăn kim trị sẹo, đầu kim thường phải đâm sâu dưới da để phá vỡ cấu trúc sẹo nên có thể gây chảy máu vùng da bị tác động trong quá trình thực hiện.
Tuy lượng máu chảy khi lăn kim thường không nhiều và sẽ hết khi liệu trình kết thúc, nhưng đây là phương pháp tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm trùng hoặc các bệnh lây truyền qua đường máu. Vì vậy, quá trình điều trị cần tuân thủ quy trình chống nhiễm khuẩn theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Do đó, cần xem xét vấn đề này khi lựa chọn cơ sở điều trị.
Nổi mụn
Nổi mụn thường xuất hiện trong trường hợp lăn kim trị mụn ở bệnh nhân có mụn ẩn dưới da, do đó khi lăn kim lên da sẽ kích thích những nhân mụn ẩn đã phát triển sẵn trồi lên bề mặt da. Đây là một hiện tượng bình thường, tuy nhiên không nên tự ý nặn mụn để tránh gây viêm nhiễm trong thời gian sau lăn kim mà hãy đến các cơ sở da liễu uy tín để được tư vấn và xử trí.
Biến chứng sau lăn kim và hướng xử trí
Trái ngược với tác dụng phụ, các biến chứng xuất hiện sau lăn kim thường là những vấn đề bất thường, kéo dài và không thể tự khỏi. Lăn kim dù là một liệu pháp an toàn và đem lại hiệu quả cao nhưng nếu không được thực hiện đúng cách thì sẽ để lại những biến chứng nghiêm trọng trên da.
Phần lớn bệnh nhân gặp phải biến chứng sau lăn kim là do lựa chọn cơ sở thẩm mỹ không uy tín, chưa đảm bảo quy trình vô trùng hay không có đội ngũ Bác sĩ Da liễu có kinh nghiệm và kiến thức về thẩm mỹ nội khoa để đảm bảo kỹ thuật thực hiện.
Các biến chứng thường gặp là sưng tấy, phù nề và đau rát kéo dài hay tình trạng sẹo mụn trở nên nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, các biến chứng hiếm gặp hơn bao gồm nhiễm trùng và rối loạn sắc tố da có thể ảnh hưởng tâm lý gây mất tự tin cho bệnh nhân.
Viêm da sau tổn thương
Viêm da sau lăn kim là một phản ứng của cơ thể khi cấu trúc da bị phá vỡ bởi một tác động ngoại lai mà ở đây là đầu kim của dụng cụ lăn. Do đó, da có thể bị viêm sưng xung quanh khu vực được can thiệp ngay sau tác động và có thể kéo dài 7 đến 14 ngày sau liệu trình.
Quá trình viêm xảy ra sẽ kích thích đồng thời quá trình tăng sinh tế bào và quá trình tái tạo các tế bào bị tổn thương, do đó sẽ giúp tái tạo và phục hồi vùng da được tác động.
Tuy nhiên nếu quá trình viêm kéo dài hơn thời gian trung bình, gây đau rát ảnh hưởng đến sinh hoạt thì đây là dấu hiệu của việc da đang gặp phải biến chứng. Ngoài ra, quá trình viêm kéo dài có thể khiến xuất hiện một biến chứng khác là rối loạn tăng sắc tố ở da. Một số dấu hiệu của viêm da bao gồm:
- Sưng tấy, phù nề kéo dài.
- Đau và bỏng rát kéo dài.
- Đỏ da dai dẳng .
Hướng xử trí: tránh sử dụng các loại mỹ phẩm có tính oxy hoá mạnh như AHA, retinol, vitamin C những ngày đầu sau lăn kim để tránh tình trạng kích ứng gây viêm. Thông báo với Bác sĩ Da liễu ngay khi có các triệu chứng viêm da kéo dài để được chỉ định thuốc kháng viêm và kháng sinh phù hợp, tránh ảnh hưởng quá trình phục hồi của làn da.
Tăng sắc tố sau viêm (Post inflamatory hyperpigmention)
Tăng sắc tố sau viêm là tình trạng tăng melanin ở da do phản ứng viêm xảy ra sau khi tổn thương. Tác động viêm làm kích thích giải phóng và oxy hóa acid arachidonic dẫn đến tăng sản xuất prostaglandin, leukotriene, cytokine, chemokine và các hóa chất trung gian gây viêm da khác.
Các chất trung gian gây viêm kích thích tế bào melanocyte tăng sản xuất melanin và tăng vận chuyển melanin ra xung quanh vùng da tổn thương từ đó làm xuất hiện các vùng da sạm màu.
Ngoài ra, làn da sau lăn kim trở nên rất nhạy cảm và dễ tổn thương, đặc biệt là khi tiếp xúc trực tiếp với tia UV từ ánh nắng mặt trời sẽ càng làm tăng khả năng xuất hiện các đốm sậm màu do tăng sắc tố.
Hướng xử trí: để giảm nguy cơ gặp phải tình trạng tăng sắc tố sau viêm cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nếu không cần thiết, nếu cần phải ra ngoài thì phải sử dụng kem chống nắng với thành phần lành tính chuyên dụng cho làn da đang tổn thương.
Che chắn các vùng da có tiếp xúc với ánh nắng bằng nón rộng vành và khẩu trang, có thể sử dụng thêm các loại sản phẩm chống nắng dạng uống kèm thêm nếu có điều kiện về kinh tế.
Nhiễm khuẩn hoặc nhiễm virus herpes
Một số ít trường hợp sẽ xuất hiện tình trạng mụn li ti có nhân mủ trắng sau khi áp dụng liệu trình lăn kim, tình trạng này kéo dài và ngày càng trở nên tồi tệ. Đây có thể là dấu hiệu của tình trạng da bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm virus herpes xuất phát từ việc không đảm bảo tiêu chuẩn vô khuẩn.
Hướng xử trí: để hạn chế tình trạng này, nên sử dụng dung dịch povidon iod 10% để sát khuẩn trước và sau khi điều trị. Bên cạnh đó nên lựa chọn các cơ sở, Phòng khám Da liễu uy tín để đảm bảo quy trình thực hiện vô khuẩn.
Không nên lăn kim khi da đang bị các tình trạng mụn bọc, mụn viêm. Thông báo ngay với Bác sĩ Da liễu để theo dõi và xử lý kịp thời với thuốc điều trị nếu có tình trạng bất thường xảy ra.
>>> Xem thêm: Cách chăm sóc da sau lăn kim
Nguyên nhân gây ra các biến chứng sau lăn kim là gì?
Nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao một biện pháp thẩm mỹ được xem là an toàn lại để lại những biến chứng từ nhẹ đến nặng trên da? Để trả lời câu hỏi này, Doctor Acnes đã tổng hợp lại một số nguyên nhân khiến bệnh nhân dễ gặp phải các biến chứng sau lăn kim như sau:
Lựa chọn cơ sở y tế thiếu uy tín, cơ sở vật chất không đảm bảo quy trình vô trùng
Dù lăn kim là một biện pháp đơn giản, tuy nhiên việc thực hiện đúng kỹ thuật và đòi hỏi một quy trình vô trùng là những yếu tố quyết định trực tiếp đến hiệu quả điều trị cũng như ảnh hưởng đến nguy cơ gặp biến cố nhiễm trùng trên da.
Những vấn đề này thường được đảm bảo tại các Phòng khám và cơ sở da liễu uy tín. Do đó, nếu lựa chọn nơi thực hiện liệu trình không đảm bảo được quy trình điều trị an toàn chuẩn y khoa như spa, salon tự phát sẽ làm tăng nguy cơ gặp phải các biến cố trên da sau lăn kim.
Tự ý lăn kim tại nhà
Vì là một biện pháp thẩm mỹ can thiệp, lăn kim đòi hỏi người thực hiện phải có chuyên môn phù hợp để đánh giá tình trạng da trước lăn kim, thực hiện đúng kỹ thuật trong quá trình lăn kim, theo dõi kết quả và các biến chứng trên da sau lăn kim để có hướng xử trí phù hợp.
Dù hiện tại có nhiều dụng cụ hỗ trợ cho việc tự thực hiện lăn kim tại nhà để tiết kiệm chi phí, nhưng thực tế đã ghi nhận các trường hợp nhiễm trùng da hay nhiễm thuỷ đậu lan rộng sau khi thực hiện lăn kim tại nhà.
Vì vậy, nếu không am hiểu đúng và đủ về quy trình lăn kim thì tốt nhất hãy tìm đến một cơ sở thẩm mỹ uy tín để được tư vấn và thực hiện để đảm bảo tính an toàn.
Tình trạng da không thích hợp để lăn kim
Không phải bất kỳ vấn đề da liễu cũng như bất kỳ ai cũng có thể thực hiện liệu pháp lăn kim. Bác sĩ Da liễu thường sẽ đánh giá tình trạng sức khoẻ, tiền sử bệnh cũng như tình trạng da hiện tại của từng khách hàng trước khi chỉ định liệu trình.
Tham khảo mục “Những đối tượng nào không nên lăn kim để tránh gặp phải biến chứng?” của bài viết để biết những đối tượng nào có nguy cơ gặp phải biến cố sau lăn kim cao hơn cũng như không được thực hiện quy trình lăn kim để tránh tổn thương lan rộng và ảnh hưởng đến quá trình phục hồi da.
Phân biệt tác dụng phụ và biến chứng sau lăn kim
Thực tế không có những dấu hiệu rạch ròi để phân biệt biến chứng và tác dụng phụ sau lăn kim. Tuy nhiên, một số dấu hiệu có thể chú ý là thời gian và mức độ nghiêm trọng của vấn đề sau lăn kim.
Khác với các tác dụng phụ thường gặp, biến chứng trên da sau lăn kim thường tồn tại dai dẳng hoặc không khỏi và để lại những hậu quả nghiêm trọng trên da hơn.
Trên hết, cần dựa vào sự theo dõi của bản thân và sự đánh giá của Bác sĩ Da liễu để xem xét các biểu hiện bất thường, từ đó có những hướng xử trí phù hợp. Dưới đây là một số đặc điểm cơ bản có thể lưu ý để phân biệt tác dụng phụ thường gặp và biến chứng sau lăn kim.
Đỏ da, đau rát da kéo dài
Đỏ da và đau rát là hai dấu hiệu bình thường của lăn kim do phản ứng của da với tác động ngoại lai và sẽ nhanh chóng biến mất trong 3 – 5 ngày sau điều trị. Vì vậy, nếu tình trạng này kéo dài hơn hoặc xuất hiện thêm các dấu hiện sưng tấy, phù nề thì cần phải kiểm tra với Bác sĩ Da liễu lập tức để xác định biến chứng và có cách xử lý phù hợp.
Nổi mụn li ti
Tình trạng nổi mụn li ti có thể bị nhầm lẫn với trường hợp lăn kim đẩy mụn. Tuy nhiên nếu để ý kỹ thấy mụn trắng li ti, có rỉ dịch và trầm trọng hơn sau nhiều ngày thì đó là dấu hiệu của biến chứng nhiễm trùng có thể do quy trình không đảm bảo vô trùng và cách chăm sóc da sau lăn kim không phù hợp. Vì vậy hướng xử trí là hãy đến Bác sĩ để được đánh giá tình trạng da và được kê các loại thuốc đặc trị phù hợp.
Xem thêm các bài viết liên quan
Những đối tượng nào không nên lăn kim để tránh gặp phải biến chứng?
Dù lăn kim là một biện pháp dễ tiếp cận nhưng không phải bất kỳ ai cũng có thể sử dụng liệu pháp này cho mục đích thẩm mỹ. Nghiên cứu đã cho thấy những đối tượng sau đây không nên thực hiện liệu pháp lăn kim để tránh nguy cơ xảy ra các biến cố không mong muốn cũng như không làm trầm trọng thêm bệnh lý của da.
- Bệnh nhân đang bị mụn trứng cá dạng viêm.
- Bệnh nhân đang mắc herpes hoặc nhiễm trùng tại vùng da đang điều trị.
- Bệnh nhân có các bệnh ngoài da mãn tính như eczema, vảy nến.
- Bệnh nhân bị ức chế miễn dịch, đang hoá trị.
- Bệnh nhân có tiền sử dễ mắc sẹo lồi trên da.
- Bệnh nhân bị rối loạn đông máu, đái tháo đường, đang dùng thuốc kháng đông, bệnh lý mạch máu collagen.
- Thận trọng với bệnh nhân đang trong liệu trình tiêm botox để tránh khuếch tán độc tố không mong muốn.
Trước khi thực hiện lăn kim, cần xác định bệnh nhân có thuộc những nhóm nguy cơ cao kể trên không. Nếu có, không nên tự ý quyết định thực hiện mà cần đến các Phòng khám Da liễu, cơ sở y tế uy tín để được thăm khám lâm sàng và tìm hiểu tiền sử bệnh.
Bác sĩ Da liễu sẽ cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ để đưa ra chỉ định điều trị phù hợp, hạn chế tối thiểu nguy cơ gặp phải các biến cố bất lợi sau lăn kim.
Như vậy, cũng giống như các thủ thuật xâm lấn da tối thiểu khác, lăn kim cũng có những tác dụng phụ thường gặp cũng như các biến chứng từ nhẹ đến nghiêm trọng có thể xảy ra sau lăn kim.
Bệnh nhân cần thường xuyên lưu ý và theo dõi các dấu hiệu trên da sau lăn kim để phân biệt được tác dụng phụ không đáng lo ngại và các biến chứng nguy hiểm. Cần thông báo ngay với Bác sĩ Da liễu nếu gặp phải các biến chứng sau lăn kim để tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ cũng như hiệu quả điều trị của làn da nhé!
Nếu bạn muốn thực hiện liệu pháp lăn kim, tốt nhất nên đến các Phòng khám Da liễu có Bác sĩ trực tiếp tư vấn, thực hiện và được kiểm soát nhiễm khuẩn theo đúng chuẩn y khoa để được thực hiện thủ thuật này.
Tài liệu tham khảo
- Asha Gowda, Brayden Healey, Harib Ezaldein, Miesha Merati. “A Systematic Review Examining the Potential Adverse Effects of Microneedling”. J Clin Aesthet Dermatol. 2021 Jan; 14(1): 45–54
- Horst Liebla, Luther C. Kloth,. “Skin Cell Proliferation Stimulated by Microneedles”. J Am Coll Clin Wound Spec. 2012 Mar; 4(1): 2–6
- Hayley Leatham, Linna Guan, Anne Lynn S. Chang. “Unintended widespread facial autoinoculation of varicella by home microneedling roller device”. Sciencedirect.com
- Graham Litchman, Pragya A. Nair, Talel Badri, Steven E. Kelly.. “Microneedling”. Ncbi.nlm.nih.gov