Thời gian mang thai ở mỗi phụ nữ là giai đoạn đặc biệt nhất trong cuộc đời: có những lo lắng, mong chờ và cả những thay đổi về mặt tâm lý, hình thể và làn da. Các thay đổi ở làn da có thể gặp phải trong giai đoạn này là tình trạng mụn mới xuất hiện trong thai kỳ hoặc mụn đã có trước đó bỗng trở nên nặng nề hơn gây ảnh hưởng đến tâm lý mẹ bầu.
Nên biết rằng việc điều trị mụn cho phụ nữ mang thai cần hết sức thận trọng vì có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi nếu điều trị sai. Điều trị mụn ở phụ nữ có thai thế nào là đúng? Hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu về cách điều trị mụn cho giai đoạn đặc biệt nhạy cảm này.
Vì sao phụ nữ dễ bị mụn trong thời gian mang thai?
Trong thời gian mang thai, mẹ bầu sẽ có sự gia tăng nồng độ androgen trong máu. Nội tiết tố này kích thích tuyến bã nhờn tiết nhiều dầu vào các lỗ chân lông đồng thời làm nang lông dày lên gây bít tắc tạo thành các nhân mụn; đặc biệt dễ thấy ở những vùng tập trung nhiều tuyến bã nhờn như mặt, cổ, lưng hay ngực.
Lỗ chân lông bị bít tắc cũng là môi trường kỵ khí cho vi khuẩn P. acnes sinh sôi, kích thích sự gia tăng phản ứng viêm tại chỗ gây nên tình trạng mụn viêm bao gồm mụn sẩn, mụn mủ và mụn bọc.
Ngoài sự gia tăng androgen sẵn có, những căng thẳng lo lắng trong thời gian mang thai cũng góp phần làm nồng độ hormone này tăng cao.
Bên cạnh đó, dinh dưỡng cũng là nguyên nhân gây ra hoặc làm nặng thêm tình trạng mụn trong thai kỳ. Chế độ ăn nhiều sữa, các chế phẩm từ sữa, nhiều carbohydrate bao gồm bột và đường là các yếu tố góp phần dẫn đến bùng phát mụn trong thời kỳ mang thai.
Về mức độ nghiêm trọng, mụn thường nặng nề hơn ở 3 tháng đầu và 3 tháng giữa thai kỳ. Các nghiên cứu cũng cho thấy những phụ nữ thường nổi mụn khi đến chu kỳ hay từng bị bùng phát mụn ở những lần có thai trước sẽ dễ bùng phát mụn hơn khi mang thai.
Điều trị mụn ở phụ nữ mang thai thế nào cho đúng?
Điều quan trọng cần nhớ khi điều trị mụn trong thời gian mang thai là không nên tự ý trị mụn tại nhà hay đến các thẩm mỹ viện, các spa nơi không có Bác sĩ Da liễu hành nghề. Phụ nữ điều trị mụn trong thời gian mang thai bắt buộc phải được Bác sĩ Da liễu trực tiếp thăm khám, lên phác đồ và theo dõi nhằm hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến thai nhi.
Dưới đây là các lưu ý khi điều trị mụn cho phụ nữ mang thai.
Các thuốc cần ngưng sử dụng ngay khi biết có thai và không sử dụng trong thời gian mang thai
Isotretinoin đường uống: là thuốc có tác dụng điều trị mạnh, được sử dụng cho trường hợp mụn nang nghiêm trọng hay mụn mức độ trung bình kháng trị với thuốc kháng sinh đường uống. Isotretinoin là thuốc hiệu quả trong điều trị mụn tuy nhiên đi kèm theo đó là rất nhiều tác dụng ngoại ý có thể gặp phải khi sử dụng thuốc này.
Đối với thai kỳ, isotretinoin có thể gây quái thai nghĩa là gây ra sự phát triển bất thường của thai nhi, với tỉ lệ dị tật bẩm sinh lên đến 28% (chủ yếu là dị tật sọ mặt và tim). Các thống kê cũng cho thấy 20% trường hợp mẹ mang thai bị sảy thai tự phát khi sử dụng isotretinoin trong thai kỳ.
>>> Xem thêm: Những lưu ý khi uống isotretinoin trong điều trị mụn trứng cá
Thuốc ngừa thai đường uống (thường là 4 phối hợp ethinyl estradiol với norgestimate, ethinyl estradiol với norethindrone acetate và sắt fumarate, ethinyl estradiol với drospirenone và phối hợp ethinyl estradiol với drospirenone và levomefolate): nhóm thuốc này được sử dụng cho phụ nữ bị mụn và muốn tránh thai. Việc sử dụng chúng trong khi mang thai không được khuyến cáo cho phụ nữ mang thai vì nó có thể gây nguy cơ dị tật bẩm sinh.
Các retinoid bôi ngoài da bao gồm tazarotene, tretinoin, adapalene cũng cần tránh sử dụng trong thời gian mang thai. Nhìn chung, các thuốc bôi ngoài da có tác dụng điều trị tại chỗ; tuy nhiên, không thể loại trừ hoàn toàn khả năng các thuốc thấm vào máu gây ảnh hưởng đến toàn cơ thể. Đã có những báo cáo riêng lẻ về dị tật thai nhi khi sử dụng các retinoid bôi ngoài da kể trên. Vì vậy, cần tránh sử dụng retinoid bôi ngoài da trong thời gian mang thai.
Kháng sinh tetracycline đường uống bao gồm tetracycline, minocycline và doxycycline: không nên sử dụng trong thai kỳ đặc biệt là 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ vì làm sậm màu xương và răng của thai nhi. Bên cạnh đó, sử dụng tetracyline trong 3 tháng cuối thai kỳ cũng cho thấy khả năng gây độc tính trên gan.
Các thuốc có thể cân nhắc sử dụng trong thời gian mang thai
- Benzoyl peroxide: là tác nhân có tính oxy hóa mạnh, tạo ra các oxy tự do tại nang lông, từ đó tiêu diệt vi khuẩn gây mụn P.acnes. Chỉ có 5% benzoyl peroxide bôi ngoài da hấp thu vào cơ thể, sau đó được chuyển hóa và đào thải nhanh do đó nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi là rất thấp. Benzoyl peroxide được xem là an toàn cho thai kỳ và đặc biệt hiệu quả khi sử dụng kết hợp với kháng sinh trị mụn do giảm sự đề kháng kháng sinh.
- Azelaic acid: dạng bôi ngoài da có tác dụng làm thông thoáng lỗ chân lông, kháng khuẩn và chống viêm. Ngoài ra, azelaic acid cũng giúp làm sáng da và hỗ trợ điều trị các rối loạn sắc tố sau viêm do mụn trứng cá. Theo Cơ quan Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ – FDA, azelaic acid được phân loại B thai kỳ, nghĩa là chưa có các dữ liệu trên người nhưng nghiên cứu trên động vật cho thấy không gây quái thai.
- Kháng sinh nhóm macrolide (erythromycin, azithromycin) và clindamycin dạng bôi ngoài da và đường uống: hiệu quả trong điều trị mụn viêm nhờ cơ chế kháng khuẩn, kháng viêm. Đối với thai kỳ, các thuốc vừa nêu được FDA phân loại B thai kỳ, nghĩa là có thể cân nhắc sử dụng trong thời gian mang thai.
- Kháng sinh nhóm penicillin và cephalosporin: mặc dù còn hạn chế về mặt dữ liệu, kháng sinh nhóm penicillin và cephalosporin có thể được sử dụng trong điều trị mụn trứng cá cho những trường hợp phụ nữ mang thai dị ứng với các kháng sinh khác.
Các liệu pháp điều trị mụn khác
- Lấy nhân mụn chuẩn y khoa là biện pháp cơ học giúp loại bỏ nhân mụn ra khỏi da sớm, hạn chế mụn phát triển nặng hơn và lây lan sang các vùng da khác. Trong thai kỳ, lấy nhân mụn được xem là an toàn. Cần lưu ý rằng khi mang thai, miễn dịch của mẹ bầu tương đối yếu; do đó, việc lấy nhân mụn phải được thực hiện theo đúng chuẩn y khoa, đảm bảo vô khuẩn tránh gây viêm nhiễm cho làn da.
- Liệu pháp ánh sáng: chỉ tác động đến các lớp của da và không đi vào bên trong cơ thể nên được xem là an toàn trong thời gian mang thai. Tuy nhiên, đối với một số liệu pháp ánh sáng có thể sử dụng thêm các thuốc hoặc hóa chất đi kèm; do đó, phụ nữ trong thời gian mang thai khi sử dụng liệu pháp ánh sáng để điều trị mụn cần được thăm khám với Bác sĩ chuyên khoa Da liễu nhằm tránh sử dụng các thuốc hoặc hóa chất gây ảnh hưởng lên thai nhi.
- Peel da: là quy trình tái tạo bề mặt da bằng cách sử dụng các acid trái cây làm bong các tế bào sừng trên da và kích thích nhân mụn trồi lên. Ngoài việc tác động lên lớp sừng, peel da cũng giúp điều trị mụn thông qua cơ chế giảm sản xuất bã nhờn, kích thước lỗ chân lông đi kèm với đặc tính chống viêm và kháng khuẩn. Trong thai kỳ, peel da có thể được thực hiện với glycolic acid.
Xem thêm các bài viết liên quan
Những việc cần làm để phòng ngừa mụn thai kỳ
Các thói quen đúng đắn sau sẽ giúp hạn chế mụn thai kỳ một cách hiệu quả khi thực hiện xuyên suốt thời kỳ mang thai:
- Cung cấp độ ẩm cho da bằng cách uống nhiều nước tinh khiết. Tránh đồ uống có gas, cồn và quá nhiều caffein.
- Chế độ ăn uống bổ dưỡng với trái cây tươi và rau cải, bơ và các loại hạt. Tránh đường tinh chế và thực phẩm chế biến sẵn.
- Nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt. Sự căng thẳng và mệt mỏi có thể gây ra sự thay đổi nội tiết tố và làm tình trạng mụn xấu hơn.
- Gội đầu thường xuyên, đặc biệt nếu da đầu có dầu.
- Không cạy, lấy nhân mụn nếu chưa vệ sinh da mặt, tay, dụng cụ vì điều này có thể làm tăng kích ứng khiến mụn nặng hơn và gây sẹo.
Tóm lại, việc điều trị mụn trong thai kỳ cần hết sức thận trọng vì có thể ảnh hưởng đến cả thai nhi. Để đạt được hiệu quả điều trị và đặc biệt là sự an toàn cho thai nhi, phụ nữ mang thai cần được thăm khám, điều trị và theo dõi bởi Bác sĩ Da liễu tại các Phòng khám chuyên khoa Da liễu uy tín. Tại Phòng khám Doctor Acnes, chúng tôi tự tin mang đến cho phụ nữ mang thai liệu trình điều trị mụn hiệu quả, an toàn với đội ngũ Bác sĩ chuyên khoa Da liễu tận tâm, đội ngũ kỹ thuật viên nhiều kinh nghiệm cùng trang thiết bị hiện đại và quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn theo tiêu chuẩn Bộ Y tế.
Tài liệu tham khảo
- Awan SZ, Lu J. “Management of severe acne during pregnancy: A case report and review of the literature”. Int J Womens Dermatol. 2017;3(3):145-150
- Tan AU, Schlosser BJ, Paller AS. “A review of diagnosis and treatment of acne in adult female patients”. Int J Womens Dermatol. 2017;4(2):56-71
- AAD.com “Is any acne treatment safe to use during pregnancy?”. American Academy of Dermatology Association
- DermnetNZ.org “Acne in pregnancy”. DermNet New Zealand
- Mayoclinic.org “What’s the best way to treat pregnancy acne?”. Mayo Clinic