Hiệu quả của thuốc tránh thai trị mụn và cách sử dụng

Ngày 29/10/2024. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
5
(3)

Trong cuộc chiến chống lại mụn trứng cá, nhiều phương pháp điều trị đã được phát triển, nhưng có một giải pháp ít ai ngờ tới mà lại vô cùng hiệu quả là thuốc tránh thai đường uống. Ngoài tác dụng kiểm soát sinh sản, thuốc tránh thai còn có tác dụng trị mụn nhờ khả năng điều chỉnh hormone. Vậy thuốc tránh thai trị mụn hoạt động như thế nào và tại sao lại mang lại hiệu quả cao trong việc trị mụn? Cùng Phòng khám Doctor Acnes tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

Tình hình mụn trứng cá ở phụ nữ trưởng thành

Mụn trứng cá ở phụ nữ trên 25 tuổi, còn được gọi là mụn trứng cá ở người trưởng thành hay mụn trứng cá kéo dài, ảnh hưởng lên đến gần 40% phụ nữ trên thế giới.

Trong một nghiên cứu bao gồm 2.895 phụ nữ trưởng thành thuộc các chủng tộc khác nhau, kết quả cho thấy tỷ lệ mụn cao hơn ở những phụ nữ có làn da sậm màu, cụ thể tỷ lệ mụn ở phụ nữ gốc Phi là 37%, gốc Latin là 32%, châu Á là 30% và phụ nữ da trắng là 24%. Phụ nữ châu Á có tỷ lệ mụn dạng viêm là 20%, cao hơn so với mụn không viêm là 10%.

mụn trứng cá ở phụ nữ trưởng thành
Mụn trứng cá ở phụ nữ trưởng thành

Trước đây, mụn trứng cá thường gặp ở lứa tuổi dậy thì nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy số lượng người bị mụn ở độ tuổi trên 25 đang tăng lên đáng kể; đặc biệt, tỷ lệ mụn ở nữ giới trưởng thành cao hơn rõ rệt so với nam giới trong cùng độ tuổi.

Mụn ở phụ nữ trưởng thành chắc chắn sẽ gây tâm lý lo lắng, tự ti làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Mặt khác, mụn ở người trưởng thành khó đẩy lùi hoàn toàn mà thường kéo dài dai dẳng. Theo một nghiên cứu thực hiện trên 200 phụ nữ độ tuổi trên 25, 80% những người tham gia vẫn còn mụn sau nhiều đợt điều trị bằng kháng sinh đường uống và 30% bị mụn tái phát sau các liệu trình dùng isotretinoin.

Tỷ lệ thất bại cao với các liệu trình trị mụn truyền thống cùng với xu hướng hạn chế sử dụng kháng sinh đã thúc đẩy các nhà lâm sàng xem xét thêm về vai trò của nhóm thuốc tác động trên nội tiết tố androgen để điều trị mụn ở phụ nữ trưởng thành.

Androgen – “thủ phạm” chính gây mụn ở nữ giới

Trước khi khám phá vai trò của thuốc tránh thai trong việc điều trị mụn trứng cá, cần hiểu rõ về androgen – hormone chủ chốt thường liên quan đến các đợt bùng phát mụn. Androgen, khi tăng sinh do yếu tố sinh lý hoặc bệnh lý, sẽ thúc đẩy quá trình sản xuất bã nhờn tại lỗ chân lông, tạo điều kiện cho mụn phát triển. Ở phụ nữ, androgen chủ yếu được sản xuất tại buồng trứng và tuyến thượng thận, đóng vai trò quan trọng trong cơ chế hình thành mụn.

Mụn thường xuất hiện ở tuổi dậy thì, khi tuyến thượng thận bắt đầu sản xuất dehydroepiandrosterone, một tiền chất quan trọng của cả nội tiết tố sinh dục androgen và estrogen. Sự gia tăng androgen không chỉ diễn ra trong giai đoạn dậy thì mà còn xuất hiện ở các bệnh lý như hội chứng buồng trứng đa nang, u tuyến thượng thận, u buồng trứng và tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, dẫn đến việc sản xuất bã nhờn quá mức và mụn trứng cá.

androgen là gì
Androgen thúc đẩy quá trình sản xuất bã nhờn tại lỗ chân lông, gây hình thành mụn

Bên cạnh đó, bổ sung các loại nội tiết tố androgen như testosterone, dehydroepiandrosterone và androstenedione cũng đã được chứng minh là làm tăng sản xuất bã nhờn và kích thước lỗ chân lông. Tình trạng stress cũng kích thích tuyến thượng thận tiết ra nhiều androgen hơn, khiến mụn trở nên nghiêm trọng.

Đáng chú ý, các nghiên cứu cho thấy những người không nhạy cảm với androgen thường không gặp vấn đề về mụn, như trường hợp nam giới không sản xuất được androgen hoặc có khiếm khuyết thụ thể androgen thì không có mụn. Điều này khẳng định vai trò quan trọng của androgen trong sự hình thành mụn. Bằng chứng rõ ràng nhất là hiệu quả của thuốc tránh thai đường uống và các liệu pháp kháng androgen trong điều trị mụn ở phụ nữ, cho thấy sự can thiệp vào hệ thống hormone này có thể kiểm soát mụn hiệu quả.

Cơ chế tác động của thuốc tránh thai đường uống 

Thuốc tránh thai đường uống phối hợp cả hai thành phần estrogen và progestin. Nhóm thuốc này thể hiện tác động kháng androgen thông qua estrogen. Estrogen được biết đến là tác nhân kích thích sự tổng hợp globulin gắn kết với nội tiết tố sinh dục androgen, từ đó làm giảm nồng độ androgen tự do trong máu.

Estrogen cũng ức chế men 5-alpha reductase, ngăn cản sự chuyển đổi testosterone thành dihydrotestosterone là dạng androgen có hoạt tính mạnh hơn. Bên cạnh đó, androgen do buồng trứng và tuyến thượng thận tổng hợp cũng bị giảm do ảnh hưởng của estrogen.

Ngoài ra, estrogen cũng có tác động điều hòa ngược lên tuyến yên, ức chế quá trình sản xuất nội tiết tố LH (luteinizing hormone) và FSH (follicle-stimulating hormone), từ đó làm giảm sản xuất androgen từ buồng trứng. Nhờ cơ chế kháng androgen, estrogen làm giảm tình trạng tăng tiết bã nhờn.

Progestin có vai trò ít hơn về tác động kháng androgen, thậm chí progestin thế hệ đầu còn có đặc tính androgen. Khi chọn thuốc tránh thai đường uống để điều trị mụn trứng cá, progestin thế hệ thứ ba (ví dụ norgestimate hoặc desogestrel) hoặc các thế hệ sau (ví dụ progestin thế hệ 4 hoặc 5) được ưu tiên bởi vì chúng có hoạt tính androgen thấp hơn.

Theo các y văn, progestin có thể góp phần vào đặc tính kháng androgen của thuốc tránh thai dạng phối hợp thông qua việc làm giảm sản xuất nội tiết tố LH dẫn đến kết quả là giảm sản xuất androgen từ buồng trứng.

cơ chế trị mụn của thuốc ngừa thai đường uống
Nhờ cơ chế kháng androgen, estrogen làm giảm tình trạng tăng tiết bã nhờn, hạn chế nguy cơ nổi mụn

Hiệu quả của thuốc tránh thai trị mụn

Phân tích từ hệ thống dữ liệu y khoa Cochrane đã cung cấp một kết quả khá toàn diện về hiệu quả của thuốc tránh thai đường uống trong điều trị mụn trứng cá.

Phân tích này tổng hợp dữ liệu từ 31 nghiên cứu ngẫu nhiên, đối chứng với 12.579 người tham gia, so sánh hiệu quả của thuốc tránh thai đường uống với các phương pháp điều trị khác như thuốc kháng sinh, thuốc bôi ngoài da, giả dược hoặc không điều trị. Kết quả cho thấy:

  • Giảm tổn thương do mụn viêm và mụn không viêm: trong hầu hết các nghiên cứu, nhóm sử dụng thuốc tránh thai đường uống ghi nhận mức giảm trung bình 40 – 60% số lượng tổn thương do mụn. Đặc biệt, mụn viêm giảm đáng kể hơn so với mụn không viêm.
  • Cải thiện tình trạng mụn tổng thể: bệnh nhân trong tất cả các nghiên cứu cho thấy tình trạng mụn trứng cá được cải thiện rõ rệt khi sử dụng thuốc tránh thai đường uống so với giả dược. Tuy nhiên, so với các phương pháp điều trị mụn khác, thuốc tránh thai chưa thể hiện hiệu quả vượt trội hoàn toàn.

Hiện tại, có 4 thuốc tránh thai đường uống được Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ FDA phê duyệt trong điều trị mụn, đó là 4 phối hợp:

  • Ethinyl estradiol với norgestimate.
  • Ethinyl estradiol với norethindrone acetate và sắt fumarate.
  • Ethinyl estradiol với drospirenone.
  • Ethinyl estradiol với drospirenone và levomefolate.
Thuốc ngừa thai - Phòng Khám Doctor Acnes
Một số loại thuốc tránh thai trị mụn đường uống

>>> Xem thêm: Nguyên nhân uống thuốc tránh thai hằng ngày lại bị nám, nổi mụn và cách xử lý.

Sử dụng thuốc tránh thai trị mụn thế nào cho đúng?

Liệu pháp trị mụn qua tác động nội tiết tố thường được xem xét trong các trường hợp tăng tiết androgen, mụn xuất hiện muộn (sau 25 tuổi), mụn tập trung quanh hàm, mụn liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, mụn do bã nhờn hoặc khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.

Thuốc tránh thai đường uống đặc biệt hữu hiệu cho phụ nữ bị mụn sẩn, mụn mủ quanh hàm và cổ, thường xuất hiện trước kỳ kinh nguyệt. Đây là dạng mụn liên quan đến nội tiết và thường không đáp ứng với thuốc kháng sinh, vì vậy, sử dụng thuốc tránh thai là lựa chọn phù hợp.

Thuốc tránh thai cũng rất phù hợp cho phụ nữ muốn kiểm soát mụn đồng thời với việc tránh thai hoặc điều trị rong kinh. Khi các phương pháp khác chưa mang lại kết quả như mong muốn, thuốc tránh thai đường uống có thể được thêm vào phác đồ điều trị, thường kết hợp với các thuốc khác như kháng sinh nhóm tetracycline hoặc spironolactone. Nghiên cứu đã chứng minh rằng tetracycline không làm giảm hiệu quả tránh thai khi dùng đồng thời với thuốc tránh thai.

So với các liệu pháp khác, thuốc tránh thai trị mụn cần thời gian lâu hơn, từ 3 đến 6 tháng, để phát huy tác dụng rõ rệt. Vì vậy, trước khi bắt đầu điều trị, Bác sĩ Da liễu cần giải thích kỹ lưỡng để bệnh nhân nắm rõ thông tin và kiên nhẫn thực hiện. Đối với những trường hợp cần kết quả nhanh, Bác sĩ có thể chỉ định kết hợp thuốc tránh thai với các phương pháp điều trị khác.

>>> Xem thêm: Thuốc uống trị mụn Bác sĩ khuyên dùng.

thăm khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị
Thăm khám Bác sĩ Da liễu để được tư vấn và điều trị mụn hiệu quả

Tác dụng phụ và lưu ý khi dùng thuốc tránh thai

Dù thuốc tránh thai có hiệu quả trong việc điều trị mụn trứng cá, bệnh nhân vẫn cần lưu ý một số tác dụng phụ không mong muốn có thể xảy ra như sau:

  • Bệnh nhân điều trị mụn bằng thuốc tránh thai đường uống có thể gặp phải các tác dụng phụ như đau đầu, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt và thay đổi cảm xúc.
  • Thuốc tránh thai đường uống cũng có thể gây tăng cân và tăng nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch, đặc biệt ở những người có sẵn yếu tố nguy cơ.
  • Không nên sử dụng thuốc tránh thai đường uống cho phụ nữ mang thai, người mắc ung thư vú, phụ nữ đang cho con bú trong 6 tuần đầu sau sinh hoặc những người có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc huyết khối.
ca lam sàng trị mụn thành công
Ca lâm sàng điều trị mụn thành công tại Doctor Acnes

Tóm lại, thuốc tránh thai đường uống là một lựa chọn an toàn và hiệu quả để điều trị mụn ở phụ nữ trưởng thành, đặc biệt khi mụn viêm chiếm ưu thế và có nhu cầu tránh thai. Tuy nhiên, vì liên quan đến nội tiết tố, việc tham khảo ý kiến Bác sĩ Da liễu là rất quan trọng để hiểu rõ lợi ích và tác dụng phụ.

Tại Doctor Acnes, các Bác sĩ Da liễu sẽ tư vấn chi tiết, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chỉ định thuốc tránh thai đường uống, nhằm đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả trị mụn tốt nhất cho từng khách hàng.

Tài liệu tham khảo

  1. Arowojolu AO, Gallo MF, Lopez LM, Grimes DA. “Combined oral contraceptive pills for treatment of acne”. Cochrane Database of Systematic Reviews 2012. Issue 7. Art. No.: CD004425
  2. Dréno B. “Treatment of adult female acne: a new challenge“. J Eur Acad Dermatol Venereol. 2015;29 Suppl 5:14-19
  3. Salvaggio HL, Zaenglein AL. “Examining the use of oral contraceptives in the management of acne“. Int J Womens Health. 2010 Aug 9;2:69-76. doi: 10.2147/ijwh.s5915
  4. Trivedi MK, Shinkai K, Murase JE. “A Review of hormone-based therapies to treat adult acne vulgaris in women“. Int J Womens Dermatol. 2017 Mar 30;3(1):44-52. doi: 10.1016/j.ijwd.2017.02.018
  5. Zaenglein, Andrea L., et al. “Guidelines of care for the management of acne vulgaris“. Journal of the American academy of dermatology. 74.5 (2016): 945-973

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 5 / 5. Lượt đánh giá 3

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84