Mụn ở người trưởng thành rất khó điều trị khi có quá nhiều nguyên nhân khác bên cạnh sự thay đổi nội tiết tố gây nên mụn. Trong bài viết này, Doctor Acnes sẽ khám phá nguyên nhân và đưa ra một số gợi ý để cải thiện mụn ở người trưởng thành.
Mụn tuổi trưởng thành là gì?
Mụn thường được coi là nỗi lo của tuổi dậy thì, tưởng chừng chúng sẽ giảm dần và hết hẳn khi bước qua giai đoạn này. Nhưng trong thực tế, người trưởng thành vẫn tiếp tục bị mụn tới tận độ tuổi 30, 40 hoặc thậm chí là 50.
Mụn ở người trưởng thành, còn được gọi postadolescent acne, là tình trạng mụn xảy ra ở độ tuổi trưởng thành, thông thường khoảng từ 25 tuổi trở lên.
Số người bị mụn trứng cá trong độ tuổi trưởng thành đã tăng lên nhanh chóng trong 2 thập kỷ qua. Một số dữ liệu cho thấy rằng, trong 100 người trưởng thành thì có tới 20 người đang vật lộn với mụn hằng ngày. Trong số 20 người đó, có tận 17 phụ nữ trưởng thành bị mụn, tỉ lệ này cao hơn nam giới rất nhiều.
Loại mụn trứng cá người trưởng thành thường gặp
Ở người lớn, có 2 loại mụn thường gặp:
- Mụn trứng cá dai dẳng (persistent acne): đây là tình trạng người bị mụn từ tuổi dậy thì, tiếp tục kéo dài đến tuổi trưởng thành. Ở người trưởng thành, mụn trứng cá kháng trị chiếm phần lớn (khoảng 80%) trong các ca bệnh mắc phải. Vì trải qua một khoảng thời gian dài bị mụn, ở những người này, dễ dàng gặp phải những vết mụn, nốt sần, viêm lâu ngày, thâm đen, thậm chí là sẹo rỗ trên da.
- Mụn trứng cá khởi phát muộn (late – onset acne): đây là những loại mụn lần đầu tiên xuất hiện sau tuổi dậy thì (thường bắt đầu có mụn sau 21 tuổi). Dựa theo kết quả nghiên cứu, có khoảng 20% người bị mụn ở tuổi trưởng thành thuộc trường hợp này. Ở những bệnh nhân bị mụn trứng cá khởi phát muộn, số lượng mụn trứng cá, các nốt viêm ít hơn đáng kể so với những bệnh nhân bị mụn từ sớm. Tuy nhiên, thường khó xác định nguyên nhân gây mụn ở những người này hơn do bên cạnh sự thay đổi nội tiết tố, còn khá nhiều yếu tố khác gây nên tình trạng mụn.
Nguyên nhân gây mụn
Nếu như ở độ tuổi dậy thì, sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể là nguyên nhân chính gây nên mụn. Thì ở người trưởng thành, có vô số nguyên nhân có thể dẫn đến mụn. Hãy cùng Doctor Acnes khám phá những nguyên nhân gây ra tình trạng này:
Nội tiết tố
Ở độ tuổi dậy thì, sự gia tăng đột ngột nồng độ hormone giới tính androgen trong cơ thể bé trai lẫn gái làm tuyến bã nhờn hoạt động mạnh, bít tắc lỗ chân lông, dễ dàng gây ra mụn. Khi trưởng thành, cũng có nhiều nguyên nhân phức tạp hơn dẫn đến sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể, bao gồm:
- Chu kỳ kinh nguyệt
Chu kỳ kinh nguyệt là thời điểm các hormone trong cơ thể thay đổi liên tục. Ngay trước khi kỳ kinh nguyệt bắt đầu, nồng độ estrogen và progesterone trong cơ thể giảm xuống. Điều này làm kích hoạt hoạt động của tuyến bã nhờn, giúp bôi trơn cho da.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, tuyến bã nhờn được tiết ra quá nhiều, làm bít tắc da và gây nên mụn. Khoảng 3 – 5 ngày trước khi chu kỳ bắt đầu, da thường nổi vài nốt mụn trứng cá đỏ, đầu trắng ở cằm, trán, nhân trung. Tình trạng mụn sẽ được cải thiện dần hoặc biến mất sau khi kỳ kinh nguyệt kết thúc.
- Mang thai
Phụ nữ trải qua rất nhiều thay đổi vật lý trong suốt quá trình mang thai, bao gồm cả nổi mụn. Một khảo sát cho thấy có khoảng 40% phụ nữ mang thai bị mụn. Ở giai đoạn đầu của thai kỳ, cơ thể sản sinh ra nhiều androgen. Sự gia tăng hormone này làm thay đổi cách hoạt động của tuyến bã nhờn, từ đó dễ gây ra mụn.
Việc điều trị mụn trong giai đoạn mang thai thực sự là một thách thức vì để đảm bảo an toàn cho thai nhi nên thai phụ không thể tùy tiện sử dụng các loại thuốc trị mụn đường bôi và đường uống. Vì vậy, tình trạng mụn càng trầm trọng hơn, gây nhiều tự ti cho chị em phụ nữ.
- Trước và sau khi mãn kinh
Căn nguyên của mụn trứng cá trong thời kỳ mãn kinh là do nhiều yếu tố, trong đó, mất cân bằng nội tiết tố là thủ phạm chính. Sự gia tăng tương đối hormone androgen ở phụ nữ mãn kinh dẫn đến chứng hyperandrogenism – dư thừa nội tiết tố, làm xuất hiện nhiều mụn trứng cá, rậm lông, rụng tóc.
Bên cạnh đó, các rối loạn nội tiết tố khác bao gồm rối loạn giáp trạng, tăng prolactin trong máu, kháng insulin cũng gây nên tình trạng mụn.
- Sau khi ngừng thuốc tránh thai
Thuốc tránh thai có chứa cả hormone estrogen và progesterone giúp giảm nồng độ androgen, ngăn chặn sản xuất bã nhờn và mụn trứng cá. Nhiều người khi sử dụng thuốc tránh thai để kế hoạch hóa gia đình thì cũng vô tình cải thiện được luôn cả mụn.
Tuy nhiên, khi nhiều người muốn có em bé trở lại và ngưng thuốc tránh thai thì sẽ làm cơ thể không kịp điều hòa nội tiết tố, làm da ”breakout” – nổi mụn dày đặc trong khoảng thời gian đầu sau khi dừng sử dụng.
Yếu tố về gen
Từ trước đến nay, các dẫn chứng nhận định về ảnh hưởng của gen đến sự hình thành mụn trứng cá vẫn chưa thật sự rõ ràng. Gần đây, đã có nghiên cứu chứng minh được rằng, yếu tố di truyền ảnh hưởng đến sự kiểm soát hoạt động tiết bã nhờn.
Nghiên cứu của Evans et al đã chỉ ra rằng, khi so sánh cùng vùng được nghiên cứu bị ảnh hưởng bởi các triệu chứng mụn trứng cá và ở tất cả các nhóm tuổi được nghiên cứu, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi yếu tố di truyền.
Một điều cần lưu ý là yếu tố di truyền không phải là tất cả. Môi trường sạch, một lối sống lành mạnh và biết cách chăm sóc bản thân sẽ giúp cơ thể điều chỉnh hormone tốt hơn cả việc có một hệ gen tốt.
Ăn uống
Chắc hẳn đã có nhiều người gặp phải tình trạng ăn nhiều mì gói, bánh ngọt, uống trà sữa hay ăn cay hơn một xíu thì ngày mai đã xuất hiện nhiều nốt mụn trên mặt. Hiện nay, nhiều nghiên cứu đã chứng minh rõ ràng mối quan hệ giữa mụn và thức ăn thu nạp vào. Ăn uống thực sự ảnh hưởng rất nhiều đến mụn.
Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng chỉ số đường huyết (glycemic index – GI) của thức ăn tỉ lệ thuận với khả năng gây mụn. Khi ăn chế độ có GI cao, như ăn nhiều carbohydrate và đường, nồng độ insulin và IGF-1 tăng lên, kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn, gây ra mụn ở nhiều vị trí khác nhau.
Một nghiên cứu so sánh thực đơn hàng ngày của những người lớn tuổi bị mụn (độ tuổi trung bình là 57) và những người không bị mụn đã cho kết quả thú vị. Hơn 57% người bị mụn ưa thích thực phẩm chứa nhiều chất béo như thịt, sữa, thực phẩm có đường và đồ uống có ga. Càng nạp nhiều thực phẩm này, tình trạng mụn trên da mặt càng nặng.
Bên cạnh đó, chế độ ăn chứa nhiều dầu mỡ, chất độc hại có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động của gan. Khi gan không chuyển hóa và thải được các chất độc trong cơ thể, dần dần các chất độc sẽ ảnh hưởng đến nội tiết tố. Lúc đó cơ thể bắt buộc phản ứng lại bằng cách nổi các loại mụn nhọt, mẩn ngứa và nổi mụn hàng loạt.
Chế độ sinh hoạt
Ngoài ăn uống hằng ngày, chế độ sinh hoạt không lành mạnh có thể là tác nhân chính gây ra mụn, bao gồm:
- Thức khuya dậy sớm.
- Không ngủ đủ giấc.
- Sử dụng thuốc lá.
- Uống quá nhiều rượu bia.
- Lười tập thể dục.
Những thói quen trên khiến cơ thể trở nên căng thẳng, mệt mỏi và tiết ra một lượng lớn cortisol – một loại hormone tuyến thượng thận, còn được gọi là hormone chống stress. Khi hormone này tăng cao quá mức sẽ kích hoạt sản xuất quá nhiều bã nhờn, làm cho mụn trứng cá trở nên trầm trọng hơn.
Chất cồn như rượu và bia nổi tiếng với chức năng giảm đau và ức chế thần kinh, có thể giúp giảm căng thẳng lo lắng, nhưng khi tiêu thụ nhiều cồn sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của tim và gan.
Ngoài ra, uống nhiều rượu, bia còn làm chậm quá trình vận chuyển oxy cũng như các chất dinh dưỡng có lợi đến da khiến da bị thiếu chất, dễ bị oxy hóa, khiến tình trạng mụn tồi tệ hơn.
Lạm dụng mỹ phẩm, trang điểm
Càng lớn tuổi, da càng gặp nhiều vấn đề ngoài mụn như nám, tàn nhang, da chảy xệ, lỗ chân lông to, nếp nhăn. Nhiều chị em phụ nữ bắt đầu sử dụng mỹ phẩm với mong muốn cải thiện làn da.
Tuy nhiên, thiếu kiến thức về chăm sóc da hoặc sử dụng mỹ phẩm không phù hợp với da có thể làm da ngày càng xấu hơn, nổi mụn nhiều hơn. Việc mang lớp makeup trên mặt nhiều giờ liền, cộng với tẩy trang không kỹ cũng dễ gây tắc nghẽn lỗ chân lông, gây nên mụn.
Căng thẳng (stress)
Càng trưởng thành, con người đối diện với nhiều áp lực hơn trong cuộc sống như công việc, gia đình, cơm áo gạo tiền, những mối quan hệ xung quanh.
Mặc dù vẫn có nhiều nhận định rằng không có mối liên hệ trực tiếp nào giữa trạng thái căng thẳng, lo lắng và mụn. Tuy nhiên, đã có nhiều thử nghiệm và chứng minh rằng stress ảnh hưởng rõ đến da bằng cách sản xuất nhiều cortisol và testosterone. Đây là những hormone kích hoạt sản xuất quá nhiều bã nhờn và dẫn đến mụn, sự suy yếu của hệ thống miễn dịch làm cho mụn trứng cá trở nên trầm trọng hơn.
Căng thẳng còn gây mất ngủ, rối loạn giấc ngủ, dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng bên cạnh mụn như là nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt, làm mất cân bằng chu kỳ nội tiết tố, các vấn đề về da khác.
Ô nhiễm môi trường
Đi kèm với sự phát triển của con người, môi trường sống ngày càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không khí, nước, thức ăn đều bị ô nhiễm, chứa nhiều chất độc hại, ảnh hưởng đến làn da.
Nhiều người làm những công việc đặc thù, phải tiếp xúc trực tiếp môi trường ô nhiễm như nhân viên vệ sinh, công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp… sẽ rất dễ bị mụn. Thậm chí, khi sống ở những khu vực ven các kênh, sông bị ô nhiễm, sử dụng nguồn nước bẩn, chứa nhiều chất tẩy rửa cũng tạo điều kiện thuận lợi cho mụn phát triển.
Xem thêm các bài viết liên quan
Một số lời khuyên để giúp kiểm soát tình trạng mụn ở người trưởng thành
Thay đổi lối sống
- Ngủ đủ giấc: một cá thể nên ngủ khoảng 6 – 8 giờ để quá trình trao đổi chất diễn ra tốt nhất.
- Tăng cường tập thể dục: tập thể dục đều đặn giúp cơ thể thư giãn, tăng tuần hoàn máu, và giải phóng endorphin, dopamine, serotonin, tạo phản ứng tích cực lên các tế bào não, giúp lạc quan và giảm căng thẳng.
- Suy nghĩ tích cực: suy nghĩ tích cực và cười nhiều hơn giúp loại bỏ các phản ứng hóa học xấu trong cơ thể.
- Chế độ ăn lành mạnh: một chế độ ăn lành mạnh thật sự là liều thuốc hữu hiệu trong điều trị mụn. Hạn chế thực phẩm làm tăng lượng đường và insulin như tinh bột, sữa, kem béo, dầu mỡ. Ăn nhiều rau xanh, trái cây, cá, hải sản, thịt trắng giúp thanh lọc cơ thể.
- Hạn chế chất kích thích: tránh sử dụng thuốc lá và rượu bia để cải thiện sức khỏe làn da.
Không tự ý sờ, nặn mụn
Bất kỳ ai bị mụn, dù ở độ tuổi nào đều rất khó chịu và thường tự ý cạy, nặn mụn. Điều đó làm các nốt mụn bị viêm nhiễm, dễ bị vi khuẩn tấn công, gây lây lan mụn, đồng thời để lại thâm và các loại sẹo. Hạn chế hết mức thói quen xấu này đã là bước khởi đầu hiệu quả trong việc điều trị mụn, giúp cải thiện làn da rõ rệt.
Chống nắng
Nhiều bài viết trước đây của Doctor Acnes đã đề cập đến tầm quan trọng của chống nắng trong việc chăm sóc làn da, kể cả da mụn. Nhưng ở nhiều người trưởng thành, đặc biệt người lớn tuổi, không có thói quen chống nắng, do kem chống nắng mới được quảng bá và sử dụng phổ biến trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây.
Việc thay đổi một quan niệm cũ đã theo con người trong khoảng thời gian dài là vô cùng khó, tuy nhiên người trưởng thành cần tập sử dụng kem chống nắng như một bước chăm sóc da bắt buộc nếu muốn tình trạng mụn ở da được cải thiện tốt hơn.
Lựa chọn nơi điều trị mụn phù hợp
Hiện nay có rất nhiều thông tin về các gói liệu trình, phương pháp điều trị mụn trên khắp các mạng xã hội. Giữa ma trận thông tin đó, kiến thức cần trang bị nhất chính là khả năng đánh giá thông tin và lựa chọn một cơ sở điều trị da uy tín.
Tốt nhất là đến các Bệnh viện hoặc Phòng khám Da liễu để được các Bác sĩ tư vấn và điều trị bằng các phương pháp phù hợp cũng như thiết kế cho từng làn da quy trình chăm sóc da mụn tại nhà với các loại dược mỹ phẩm chuyên sâu.
Phải thật tỉnh táo với các quảng cáo trị mụn một lần là khỏi vì thực tế đó chỉ là các chiêu trò kỹ xảo của hình ảnh. Hạn chế tới các spa không có chức năng điều trị các bệnh về da để nặn mụn, sử dụng các loại kem, thuốc trị mụn không rõ nguồn gốc, làm tình trạng mụn ngày càng tệ hơn.
Tóm lại, có thể thấy rằng, mụn ở người trưởng thành không hiếm và không phải là không thể điều trị được. Hy vọng rằng bài viết vừa rồi của Doctor Acnes đã giúp mọi người hiểu rõ hơn về tình trạng ở người trưởng thành và có thêm kiến thức để tự lựa chọn cho mình một chiến lược kiểm soát mụn hiệu quả.
Hãy nhớ rằng, kiến thức và kiên trì là chìa khoá thành công trên hành trình trị mụn. Chúc mọi người luôn có làn da sạch mụn và mịn màng bất kể đang ở độ tuổi nào.
Tài liệu tham khảo
- Laetitia P., “Association Between Adult Acne and Dietary Behaviors: Findings From the NutriNet-Santé Prospective Cohort Study”. JAMA Dermatol. 2020 Aug 1;156(8):854-862
- Holzmann, Shakery. “Postadolescent Acne in Females”. Skin Pharmacol Physiol. 2014;27 Suppl 1:3-8
- Amanda O., Dermatologist, Hamilton. “Adult Acne”. Dermnetnz.org
- Adrienne Santos L. “The Ultimate Guide to Period-Related Breakouts”. Healthline.com
- Rupa P., “Treatment of acne vulgaris in pregnant patients”. Dermatol Ther. Jul-Aug 2013;26(4):302-11
- Pina B., Angela C. “Safety of skin care products during pregnancy”. Can Fam Physician. 2011 Jun; 57(6): 665–667
- Niti K., Krati. “Menopausal Acne – Challenges And Solutions”. Int J Womens Health. 2019 Oct 29;11:555-567
- “Scripps, How Do Birth Control Pills Help with Acne?” Scripps.org
- Kornélia S., Lajos K., “Studying the genetic predisposing factors in the pathogenesis of acne vulgaris”. Hum Immunol. 2011 Sep;72(9):766-73
- Qiang J., Christos C. “Environmental pollution and acne: Chloracne”. Dermatoendocrinol. 2009 May;1(3):125-8
- Christina W., Alison M. “Persistent Acne in Women Implications for the Patient and for Therapy”. Am J Clin Dermatol. 2006;7(5):281-90
- C W Choi., D H Lee. “The clinical features of late onset acne compared with early onset acne in women”. J Eur Acad Dermatol Venereol. 2011 Apr;25(4):454-61
- Hilary B., Jerry T. “Effects of Diet on Acne and Its Response to Treatment”. Am J Clin Dermatol. 2021 Jan;22(1):55-65