Ứng dụng của lăn kim trong thẩm mỹ da liễu

Được đăng bởi Doctor Acnes vào ngày 15/12/2022

Lăn kim là một phương pháp không mang tính ứng dụng cao trong thẩm mỹ da dựa trên nguyên lý tạo các tổn thương giả trên da, kích thích quá trình phục hồi tự nhiên của cơ thể. Hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu về các bằng chứng khoa học của phương pháp này trong lĩnh vực thẩm mỹ da liễu trong bài viết sau đây!

Cơ chế tác động của lăn kim

Lăn kim là một thủ thuật thẩm mỹ xâm lấn tối thiểu bằng cách sử dụng các đầu kim nhỏ vô trùng tác động vào lớp biểu bì tạo ra các điểm tổn thương nhỏ trên da. Sự xuất hiện các vi điểm tổn thương sẽ kích thích sản sinh các yếu tố tăng trưởng, giúp tăng sinh collagen và elastin ở lớp hạ bì, từ đó giúp tái tạo cấu trúc da, làm đầy và phục hồi nếp nhăn.

Liệu trình lăn kim có thể kéo dài từ 10 – 30 phút tuỳ vào độ rộng của vùng da cần can thiệp cũng như tình trạng da của người được thực hiện. Kích thước, chiều dài đầu kim tần suất thực hiện liệu trình sẽ phụ thuộc vào cấu trúc và tình trạng da cũng như tuỳ vào mục đích điều trị.

Với tính chất xâm lấn, đây là liệu trình cần được thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu để đảm bảo hiệu quả và an toàn trong quá trình điều trị.

Cơ chế tác động của lăn kim - Doctor Acnes
Lăn kim là một thủ thuật thẩm mỹ xâm lấn tối thiểu bằng cách sử dụng các đầu kim nhỏ vô trùng tác động vào lớp biểu bì tạo ra các điểm tổn thương nhỏ trên da

Lăn kim khác gì so với các phương pháp xâm lấn da khác?

Khi so sánh với một số biện pháp thẩm mỹ phổ biến khác như laser hay peel da hoá học thì lăn kim được cho là liệu pháp tương đối an toàn, đơn giản và rẻ tiền hơn do chỉ gây tổn thương tối thiểu trên bề mặt và lớp biểu bì da. Do đó, lăn kim sẽ phù hợp với các vấn đề ở bề mặt da như mụn đầu trắng, đầu đen, da không đều màu, thâm sau mụn, trẻ hóa da và sẹo mụn nhẹ.

Trong khi đó, peel da hoá học dựa trên hoạt tính của các hoạt chất có tính acid như BHA, AHA, retinoid hay TCA để hoà tan lớp sừng, phá huỷ có kiểm soát lớp biểu bì, trung bì và có thể đem lại tác động nông hay sâu tuỳ theo hình thức peel da lựa chọn.

Peel bề mặt được sử dụng phổ biến nhất cho các rối loạn da nhẹ như mụn trứng cá, tăng sắc tố sau viêm. Peel trung bình và sâu được sử dụng để trẻ hóa da, trị sẹo rỗ hoặc nếp nhăn.

Laser sử dụng các bước sóng khác nhau tác động lên bề mặt da để kích thích quá trình tái tạo da, kích thích tăng sinh collagen làm trẻ hóa da. So với lăn kim, laser đi sâu hơn vào các lớp da bên trong vì vậy liệu pháp này cũng đem lại tác động ở các lớp da sâu hơn so với lăn kim.

Do đó, laser thường là lựa chọn phù hợp hơn với các vấn đề có nguyên nhân xuất phát ở cả lớp biểu bì và trung bì như nám da, nếp nhăn, sẹo rỗ từ nhẹ đến trung bình.

Lăn kim khác gì so với các phương pháp xâm lấn da khác - Doctor Acnes
Cơ chế chủ yếu của lăn kim dựa trên khả năng tự phục hồi của cơ thể

Ngoài ra, một sự khác biệt nữa nằm ở cơ chế của lăn kim. Lăn kim dựa trên khả năng tự phục hồi của cơ thể chứ không phụ thuộc và tác động của các hóa chất ngoại lai như peel da hay của tia laser. Vì vậy, nếu muốn lựa chọn một liệu pháp an toàn, tiết kiệm chi phí và hiệu quả thì lăn kim là một liệu pháp có thể được cân nhắc.

Lăn kim giúp cải thiện những vấn đề gì trên da?

Lăn kim là một liệu pháp thẩm mỹ được đánh giá là tương đối an toàn và đem lại nhiều hiệu quả. Các ứng dụng của lăn kim trong thẩm mỹ da liễu có thể kể đến như sau:

Làm mờ sẹo 

Ramault Lisa và cộng sự đã tổng hợp các nghiên cứu chứng minh hiệu quả làm mờ sẹo mụn trứng cá, sẹo phì đại và khả năng trị mụn trứng cá của phương pháp lăn kim.

Sự cải thiện lâm sàng của sẹo mụn trứng cá đã được chứng minh bằng những thay đổi mô học trên da và nhờ cơ chế “tự chữa lành” của cơ thể giúp làm đầy các thương tổn trên da do sẹo.

Kết quả của các ca bệnh áp dụng phương pháp lăn kim với tần suất từ 3 đến 5 lần trong khoảng thời gian từ 2 đến 4 tuần thường tạo ra các cải thiện lâm sàng lên đến 70%.

Cải thiện nếp nhăn, trẻ hoá làn da 

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh khả năng cải thiện và trẻ hoá làn da của lăn kim nhờ khả năng tái tổ chức lại các sợi collagen cũ và kích thích tạo collagen mới. Sự tái tổ chức các sợi collagen sẵn có đồng thời tăng sản xuất các thành phần cấu trúc da đã góp phần làm gia tăng sự đàn hồi và săn chắc cho da.

Nghiên cứu của El-Domyati và cộng sự đã cho thấy nồng độ các loại collagen type I, III và VII cùng với tropoelastin đã tăng đáng kể sau 6 liệu trình lăn kim. Một nghiên cứu khác của Fabbrocini và cộng sự đã chứng minh mức độ nghiêm trọng của nếp nhăn quanh miệng được cải thiện 2 điểm trên thang đo 5 điểm đánh giá nếp nhăn sau khi bệnh nhân điều trị với phương pháp lăn kim.

Cải thiện rụng tóc 

Liệu pháp lăn kim đã được chứng minh có khả năng cải thiện tình trạng rụng tóc khi kết hợp với dung dịch minoxidil 5%, dung dịch chứa yếu tố tăng trưởng hoặc huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) dùng tại chỗ ở các đối tượng bệnh nhân bị hội chứng rụng tóc từng mảng (alopecia).

Hỗ trợ đưa dưỡng chất vào da trong điều trị nám hoặc trẻ hóa da

Các vi điểm tổn thương được tạo ra trong quá trình lăn kim ngoài vai trò kích thích khả năng tự hồi phục của cơ thể để tái tạo da thì chúng còn có thể giúp hỗ trợ đưa các dưỡng chất vào da. Các vi điểm tổn thương này đóng vai trò như những kênh dẫn đưa dưỡng chất đi sâu vào da dễ dàng hơn.

Thông thường, lớp tế bào sừng trên da đóng vai trò như một “hàng rào bảo vệ” chỉ cho phép một số chất thân dầu và các hoạt chất có phân tử lượng nhỏ đi qua.

Do đó các hoạt chất thân nước như vitamin C hay tranexamic acid trong điều trị nám sẽ khó thấm qua da đến lớp biểu bì để đạt được hiệu quả cao. Phối hợp lăn kim với hai hoạt chất trên đã được chứng minh cải thiện được hiệu quả bằng cách tạo đường dẫn thông qua lớp tế bào sừng đến trực tiếp lớp biểu bì nơi có chứa sắc tố da melanin và ức chế quá trình sản sinh quá mức loại sắc tố này.

Ngoài ra, vitamin C còn có khả năng chống oxy hoá và ngăn ngừa lão hoá, do đó khi kết hợp với lăn kim sẽ làm tăng khả năng trẻ hoá làn da.

Một số lưu ý khi thực hiện lăn kim

Vì là liệu pháp xâm lấn tối thiểu, mọi người cần biết một số lưu ý trước và sau khi thực hiện lăn kim để đem lại hiệu quả điều trị và đảm bảo an toàn cho sức khoẻ làn da.

Lựa chọn cơ sở uy tín để đảm bảo quy trình đạt chuẩn vô khuẩn

Lăn kim là phương pháp tạo các vết thương hở trên da, đây là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn. Thủ thuật lăn kim không được đảm bảo vô khuẩn sẽ dễ gây nhiễm trùng trên da, các dấu hiệu có thể nhận thấy là nổi mụn li ti có nhân mủ. Vì vậy, việc lựa chọn cơ sở điều trị uy tín có Bác sĩ Da liễu trực tiếp thực hiện là vô cùng cần thiết để đảm bảo kỹ thuật và phòng ngừa nhiễm khuẩn.

Không nên tự ý lăn kim tại nhà nếu có các vấn đề về da chưa được xác định 

Không phải bất kỳ vấn đề da liễu nào cũng có thể xử trí bằng liệu pháp lăn kim. Nếu bạn đang gặp phải các vấn đề về da như viêm da cơ địa, vảy nến, sẹo lồi, vết thương hở, nhiễm nấm, nhiễm khuẩn hay nhiễm Herpes da thì tuyệt đối không được tự ý lăn kim.

Việc tác động trên các vùng da bị tổn thương có thể làm trầm trọng hơn các vấn đề da liễu đang gặp phải và thậm chí là lan rộng sang vùng da khác. Trước khi lăn kim, cần tham vấn với Bác sĩ Da liễu để được xem xét khả năng thực hiện và được chỉ định một liệu trình điều trị phù hợp.

Thăm khám với Bác sĩ Da liễu - Doctor Acnes
Tham vấn với Bác sĩ Da liễu để được xem xét khả năng thực hiện và được chỉ định một liệu trình điều trị phù hợp.

Không tự ý lăn kim đối với những người đang gặp một phải một số vấn đề bệnh lý 

Bệnh nhân đái tháo đường, mắc các rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc kháng đông không được tự ý lăn kim mà không có chỉ định của Bác sĩ Da liễu.

Việc tác động lên bề mặt da ở một số trường hợp như điều trị sẹo, cần lực mạnh để phá vỡ cấu trúc sẹo có thể gây chảy máu trong quá trình thực hiện. Do đó, tự ý thực hiện lăn kim tại nhà có thể gây ra các biến cố về chảy máu không kiểm soát gây nguy hiểm đến sức khoẻ và ảnh hưởng đến kết quả điều trị.

Chăm sóc da đúng cách sau lăn kim

Chăm sóc da đúng cách sau khi thực hiện lăn kim là yếu tố quan trọng góp phần không nhỏ vào kết quả. Làn da sau lăn kim vô cùng nhạy cảm, vì thế việc hạn chế tối đa các tác động ngoại lai như trang điểm, tia UV, khói bụi, mỹ phẩm có tính chất tẩy mạnh là vô cùng cần thiết để tránh làm da bị nhiễm trùng, đau rát và tổn thương lan rộng.

Ngoài ra, tuỳ vào tình trạng da và mục tiêu điều trị mà Bác sĩ Da liễu có thể chỉ định một số sản phẩm chuyên biệt để đẩy nhanh quá trình lành thương và tăng cường hiệu quả điều trị.

Khách hàng lăn kim tại Doctor Acnes - Doctor Acnes
Khách hàng T.Q sau 4 liệu trình điều trị sẹo rỗ kết hợp phương pháp lăn kim tại Phòng khám Doctor Acnes thì tình trạng sẹo đã cải thiện hơn 70%, thâm đỏ đã được giảm bớt

Tóm lại, lăn kim có nhiều ứng dụng trong thẩm mỹ da, giúp cải thiện nhiều vấn đề trên da. Tuy nhiên, không phải vấn đề da liễu hay đối tượng nào cũng có thể sử dụng liệu pháp này. Do đó, trước khi lăn kim, cần được tư vấn bởi Bác sĩ Da liễu để có những chỉ định phù hợp với tình trạng da của mỗi người.

Ngoài ra, khi lăn kim, nên lựa chọn các cơ sở uy tín để đảm bảo quá trình thực hiện vô trùng, đúng kỹ thuật tránh tình trạng nhiễm khuẩn và kích ứng da, giúp đảm bảo kết quả và tránh làm trầm trọng hơn vấn đề về da đang mắc phải.

banner gruop facebook

Tài liệu tham khảo

  1. Hou, Angela BS, BA; Cohen, Brandon MD; Haimovic, Adele MD; Elbuluk, Nada MD. “Microneedling: A Comprehensive Review”. Dermatologic Surgery: March 2017
  2. Angela Hou, Brandon Cohen, Adele Haimovic, Nada Elbuluk. “Microneedling: A Comprehensive Review”. Dermatol Surg. 2017 Mar;43(3):321-339
  3. Tina S Alster, Paul M Graham. “Microneedling: A Review and Practical Guide”. Dermatol Surg. 2018 Mar;44(3):397-404
  4. Lisa Ramaut, Henk Hoeksema, Ali Pirayesh, Filip Stillaert. “Microneedling: Where do we stand now? A systematic review of the literature”. J Plast Reconstr Aesthet Surg. 2018 Jan;71(1):1-14
  5. Robert S. English, Jr.,corresponding author Sophia Ruiz, Pedro DoAmaral. “Microneedling and Its Use in Hair Loss Disorders: A Systematic Review”. Dermatol Ther (Heidelb). 2022 Jan; 12(1): 41–60
  6. TejashreeWaghulea, GautamSinghvia. “Microneedles: A smart approach and increasing potential for transdermal drug delivery system”. Biomedicine & Pharmacotherapy Volume 109, January 2019
  7. Leelavathy Budamakuntla, Eswari Loganathan, Deepak Hurkudli Suresh, Sharavana Shanmugam. “A Randomised, Open-label, Comparative Study of Tranexamic Acid Microinjections and Tranexamic Acid with Microneedling in Patients with Melasma”. J Cutan Aesthet Surg. 2013 Jul;6(3):139-43
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84