Mụn nội tiết ở nữ do đâu và cách điều trị như thế nào hiệu quả

Ngày 13/07/2023. Tham vấn y khoa: Đội ngũ Bác sĩ Phòng khám Doctor Acnes
0
(0)

Mụn nội tiết là một tình trạng thường gặp ở phụ nữ trưởng thành, có liên quan đến bệnh lý hoặc thay đổi về nội tiết tố. Ước tính rằng có tới 50% phụ nữ từ 20 đến 29 tuổi và 25% phụ nữ từ 40 tới 49 tuổi gặp phải tình trạng này. Khác với tình trạng mụn ở thanh thiếu niên hay do chăm sóc da không đúng cách, mụn nội tiết ở nữ trưởng thành vẫn có thể xuất hiện dai dẳng cho dù đã áp dụng các biện pháp chăm sóc phù hợp. Tình trạng mụn này khó điều trị khỏi bằng các biện pháp thông thường và dễ tái phát. Tuy vậy, mụn nội tiết vẫn có những phương pháp điều trị đặc hiệu, bài viết dưới đây sẽ giúp hiểu rõ hơn về mụn nội tiết ở nữ giới và cách điều trị nó như thế nào.

Mụn nội tiết
Mụn nội tiết là một tình trạng thường gặp ở phụ nữ trưởng thành và có nguyên nhân liên quan đến bệnh lý hoặc thay đổi về nội tiết

Đặc điểm của mụn nội tiết

Mụn nội tiết thường xuất hiện ở vùng má hoặc phần dưới của khuôn mặt, đặc biệt là phần viền hàm. Ngoài ra, nó cũng có thể xuất hiện ở các vị trí khác như cổ, lưng, ngực. Với đa số trường hợp, mụn nội tiết ở tuổi trưởng thành thường là mụn viêm, hiếm có nhân mụn và thường để lại sẹo. Trong khi mụn trứng cá thông thường sẽ có nhân mụn, mụn mủ, mụn nang và gặp chủ yếu vùng chữ T (trán, mũi, má, cằm).

Nguyên nhân hình thành mụn nội tiết ở nữ

Mụn nội tiết là sự đáp ứng quá mức của tuyến bã nhờn với nội tiết tố trong cơ thể, gây ra bởi sự thay đổi hormone, gặp trong:

  • Tuổi dậy thì.
  • Thời kỳ hành kinh.
  • Thai kỳ hoặc cho con bú.
  • Giai đoạn mãn kinh.
  • Một số bệnh lý liên quan cường androgen như hội chứng buồng trứng đa nang, u tuyến thượng thận, u nang buồng trứng, hội chứng Cushing…

Sự thay đổi về hormone trong các trường hợp này có thể làm trầm trọng tình trạng mụn do tăng sản xuất bã nhờn gây bít tắc nang lông và phản ứng viêm do sự tăng hoạt động của vi khuẩn Propionibacterium acnes (P. acnes).

viêm da do sự hoạt động của vi khuẩn
Phản ứng viêm do sự hoạt động của vi khuẩn P. acnes

Các phương pháp điều trị mụn nội tiết ở nữ

Tình trạng cường androgen do các tình trạng bệnh lý như hội chứng buồng trứng đa nang, u tuyến thượng thận, u nang buồng trứng, hội chứng Cushing… cần được nghĩ đến khi xuất hiện tình trạng mụn trứng cá trầm trọng kèm với chứng rậm lông hoặc rối loạn kinh nguyệt. Ngoài ra còn có các dấu hiệu khác như béo phì, tăng ham muốn tình dục, bệnh gai đen, rụng tóc do cường androgen… Lúc này, cần được thực hiện các xét nghiệm chuyên biệt để chẩn đoán xác định. Hãy khám Bác sĩ phụ khoa hoặc Bác sĩ nội tiết ngay để điều trị đúng nguyên nhân bệnh lý cường androgen khi có dấu hiệu nghi ngờ.

Còn đối với mụn nội tiết ở nữ không phải do tình trạng bệnh lý trên, khi lựa chọn phương pháp điều trị, cần quan tâm đến nhiều yếu tố như mức độ nghiêm trọng của mụn, khả năng đáp ứng với các phương pháp điều trị, có chống chỉ định hay không, chi phí và thời gian điều trị mong đợi như thế nào… Bởi tình trạng mụn thường nặng, kháng trị và cần thời gian điều trị lâu dài nên lý tưởng nhất sẽ là liệu pháp kết hợp thuốc uống, thuốc thoa và các dược mỹ phẩm hỗ trợ. Sau đây, Doctor Acnes sẽ giới thiệu một vài phương pháp điều trị cho mụn nội tiết ở nữ giới.

Nên thăm khám Bác sĩ
Thăm khám trực tiếp với Bác sĩ Da liễu để được tư vấn và điều trị

Liệu pháp hormone toàn thân

Liệu pháp hormone trong điều trị mụn nội tiết có hai loại chính.

  • Thuốc tránh thai: giúp ức chế buồng trứng sản xuất androgen, với thành phần chứa ethinylestradiol phối hợp với một trong những chất như drospirenone, norgestimate, norethindrone. Nếu có tiền sử có huyết khối, huyết áp cao hay ung thư vú thì thuốc tránh thai không phải là một lựa chọn.
  • Thuốc chẹn thụ thể androgen: giúp ngăn chặn tác dụng của androgen trên tuyến bã nhờn như cyproterone acetate, spironolactone, drospirenone và flutamide.
  • Phối hợp cyproterone acetate với ethinylestradiol được nghiên cứu cho kết quả điều trị hiệu quả trong điều trị hội chứng buồng trứng đa nang cũng như mụn trứng cá từ mức độ trung bình đến nặng ở nữ giới. Tuy nhiên, khi dùng vẫn phải cân nhắc lợi ích và nguy cơ, các tác dụng phụ có thể gặp như thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, đau và làm to vú, buồn nôn, phù nề.
  • Thời gian đáp ứng dao động từ 3 – 6 tháng.

Ngoài ra, còn có glucocorticoid hoặc 5 alpha-reductase nhưng chỉ sử dụng trong các tình trạng bệnh lý chuyên biệt.

Thuốc trị mụn đường uống

  • Kháng sinh: tetracyclin và các thuốc trong cùng nhóm được coi là lựa chọn đầu tay trong kháng sinh đường uống. Ngoài ra, các nhóm kháng sinh đường uống khác cũng có tác dụng trong điều trị mụn trứng cá như beta-lactam, lincosamid, nitroimidazole… Cũng giống như kháng sinh tại chỗ việc sử dụng kháng sinh đường uống nên phối hợp các phương pháp điều trị khác để tránh tình trạng đề kháng kháng sinh.
Kháng sinh đường uống
Kháng sinh đường uống nên sử dụng phối hợp với các hợp chất khác để tránh tình trạng đề kháng kháng sinh
  • Isotretinoin: được chỉ định khi những liệu pháp điều trị thông thường đã thất bại, hoặc tình trạng mụn nặng – rất nặng, hoạt chất này giúp đẩy nhanh chu chuyển tế bào, giảm hoạt động tuyến bã nhờn, diệt khuẩn, giảm viêm và giảm nhân mụn. Đa số mụn trứng cá nặng thường đáp ứng sau 4 – 6 tháng đơn trị liệu. Ngoài ra, cũng cần lưu ý về những vấn đề tác dụng phụ có thể gặp như viêm kết mạc, khô mắt, chảy máu cam, viêm da kích ứng, trầm cảm. Đặc biệt khi sử dụng ở bất kì giai đoạn nào của thai kỳ, nhất là trong 3 tháng đầu có thể gây ra dị tật bẩm sinh nghiêm trọng ở thai nhi. Vậy nên khi điều trị với isotretinoin cần được chỉ định và theo dõi bởi Bác sĩ Da liễu để đánh giá hiệu quả điều trị cũng như tác dụng phụ để có sự điều chỉnh phù hợp.
isotretinoin
Isotretinoin được chỉ định khi những liệu pháp điều trị thông thường đã thất bại

Thuốc trị mụn tại chỗ

Thuốc trị mụn tại chỗ được sử dụng rộng rãi và hiệu quả trong điều trị mụn các loại kể cả mụn nội tiết. Nó có thể dùng đơn độc hoặc phối hợp các thuốc uống để đạt được hiệu quả tối ưu. Các loại thuốc có thể kể đến gồm.

Retinoid

Hiện đã phân thành 4 thế hệ, với trifaroten là thế hệ mới nhất có tính chọn lọc cao nhất. Hai hoạt chất thường được sử dụng trong điều trị mụn trứng cá bao gồm:

  • Adapalene: sử dụng adapalene ở nồng độ 0.3% và 0.1% được nghiên cứu có mang lại kết quả tốt trong quá trình điều trị. Nhưng dạng thuốc này có thể làm khô và khó chịu ở da.
  • Tretinoin: nồng độ 0.025% đến 0.1% mang lại hiệu quả mạnh mẽ trong quá trình điều trị mụn trứng cá.
Retinoid
Retinoid bao gồm adapalen và tretinoin được sử dụng trong điều trị mụn nội tiết
  • Kháng sinh thường không nên sử dụng đơn trị liệu và không được dùng kéo dài quá 3 tháng do khả năng gia tăng chủng P. acnes đề kháng. Thay vào đó kháng sinh được sử dụng kết hợp với benzoyl peroxide hoặc retinoid, hoặc phối hợp retinoid + kháng sinh + benzoyl peroxide đều mang lại những cải thiện đáng kể trong quá trình điều trị.
Kháng sinh
Kháng sinh thường không được sử dụng đơn trị do sự gia tăng chủng P. acnes đề kháng
  • Benzoyl peroxide: đây là hoạt chất có tính diệt khuẩn và kháng viêm, thích hợp cho các trường hợp mụn viêm. Tuy nhiên, benzoyl peroxide thường không an toàn cho da nhạy cảm, gây khô da hơn so với salicylic acid nên có thể dẫn tới kích ứng da nặng hơn.
BPO
Benzoyl peroxide là hoạt chất có tính diệt khuẩn và kháng viêm
  • Azelaic acid: sản phẩm chứa azelaic acid với nồng độ 20% ở dạng gel hay 15% ở dạng kem thoa được khuyến nghị đầu tay trong cả điều trị đơn trị ở mụn viêm và không viêm ở nữ giới bởi tính kháng khuẩn, tiêu nhân mụn và giảm tăng sắc tố sau viêm. Mặc dù azelaic là hoạt chất được xếp loại B đối với thai kỳ (nghĩa là chưa phát hiện nguy cơ gây dị tật ở thai nhi), việc sử dụng cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai và cho con bú cần được cân nhắc và chỉ định bởi Bác sĩ Da liễu.
Azelaic acid
Azelaic acid được khuyến nghị đầu tay trong cả điều trị đơn trị ở mụn viêm và không viêm ở nữ
  • Dapsone: dạng gel 5% dùng 2 lần/ngày có hiệu quả trong việc giảm các tổn thương viêm và không viêm. Tác dụng phụ thường gặp là lột da, khô da và hồng ban. Đây cũng là một phương pháp rất hiệu quả với các loại mụn nội tiết kháng trị hiện nay.

>>> Xem ngay: 8 loại thuốc bôi trị mụn thông dụng và cách sử dụng

Các liệu pháp điều trị thay thế

Peel da hóa học

Các chất được sử dụng trong liệu pháp có tác dụng kiểm soát dầu, tiêu sừng và bong tróc lớp thượng bì rất hữu ích đối với các dạng mụn trứng cá. Người ta thường sử dụng TCA 10% hoặc TCA 20% trong dung môi nước, salicylic 10% – 20% trong dung dịch hydro-alcoholic hoặc polyethylene glycol và acid glycolic 35%.

Peel da
Peel da hóa học có tác dụng kiểm soát dầu, tiêu sừng và bong tróc lớp thượng bì rất hữu ích đối với các dạng mụn trứng cá

Liệu pháp ánh sáng

  • Đèn đi-ốt phát quang (LEDs): có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn P. acnes nằm sâu trong lỗ chân lông. Nên áp dụng phương pháp này sau khi đã lấy mụn để hạn chế tái phát mụn do P. acnes.
  • Liệu pháp ánh sáng xanh (blue light therapy): sử dụng ánh sáng ở bước sóng 409 – 419nm làm giảm đáng kể các tổn thương mụn viêm, ức chế sự sinh trưởng của vi khuẩn P . acnes, được sử dụng trong điều trị mụn nhẹ đến trung bình.
  • Liệu pháp điều trị ánh sáng xung mạnh IPL (intense pulsed light): giúp làm giảm viêm, làm tăng hàm lượng collagen và sợi đàn hồi trong da giúp giảm hình thành sẹo được sử dụng trong điều trị mụn viêm. Ngoài ra liệu pháp này còn tiêu diệt vi khuẩn P. acnes thông qua cơ chế hấp thụ porphyrin, giúp giảm tổn thương của mụn trứng cá và sự hình thành mụn mới.
  • Liệu pháp quang động trị liệu PDT (photodynamic therapy): PDT là phương pháp dùng các hoạt chất nhạy với ánh sáng hoặc ánh sáng xung mạnh IPL kết hợp để sinh ra các gốc tự do. Các gốc tự do này tiêu diệt tuyến bã nhờn trên da làm giảm sự sản xuất bã nhờn và sự tăng trưởng của vi khuẩn. PDT thường được dùng cho tình trạng mụn nặng hoặc không đáp ứng với những liệu pháp điều trị khác.
Liệu pháp ánh sáng
Liệu pháp ánh sáng giúp cải thiện tình trạng mụn

Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống

Các nghiên cứu cho thấy rằng những thực phẩm qua chế biến, các sản phẩm từ sữa, thực phẩm và đồ uống có đường cũng như căng thẳng có thể liên quan tới sự phát triển của mụn và làm trầm trọng thêm về tình trạng mụn nội tiết. Thay vào đó, nên bổ sung rau xanh, uống đủ nước, tránh stress và hạn chế các thực phẩm sau trong chế độ ăn.

  • Sữa và các sản phẩm từ sữa: sữa, phô mai, sữa chua.
  • Thực phẩm chế biến sẵn: đồ ăn nhanh, thực phẩm đông lạnh, đồ ăn vặt, bánh mì trắng.
  • Đồ ăn, thức uống nhiều đường: kẹo, bánh kem, nước ngọt có gas, nước tăng lực.

Những lưu ý khi chăm sóc da bị mụn nội tiết

Bên cạnh các biện pháp điều trị đã được đề cập ở trên, để góp phần loại bỏ mụn nội tiết và ngăn ngừa mụn tái phát thì điều quan trọng là phải thiết lâp được thói quen chăm sóc da phù hợp.

  • Tẩy trang sạch và rửa mặt mỗi ngày bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ, giúp cân bằng độ pH da mặt.
  • Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da có thành phần không gây bít tắc lỗ chân lông (non-comedogenic), không chứa cồn hay các chất gây kích ứng da.
  • Nên sử dụng khăn tắm, khăn lau sạch sẽ và giặt những vật dụng tiếp xúc với mặt thường xuyên.
  • Nên tránh việc đụng vào mặt bằng tay hay nặn mụn.

Ngoài ra việc điều trị cũng làm tăng sự nhạy cảm của da với ánh sáng mặt trời, nên việc sử dụng kem chống nắng cũng là điều quan trong trong việc bảo vệ da tránh bị tổn thương do ánh nắng.

 

Ca lâm sàng điều trị thành công tại Doctor Acnes
Ca lâm sàng điều trị mụn nội tiết thành công tại Doctor Acnes

Mụn nội tiết là một vấn đề da liễu khá phổ biến ở phụ nữ trưởng thành. Nó dai dẳng và dễ tái phát, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuốc sống người bệnh. Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng mụn nội tiết ở nữ giới, đặc biệt ở những thời kỳ có sự thay đổi hormone trong cơ thể hoặc tình trạng bệnh lý khác. Khi điều trị cần xác định chính xác nguyên nhân và cá thể hóa điều trị, tốt nhất cần đến các Phòng khám Da liễu uy tín để được Bác sĩ thăm khám và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp nhất cho tình trạng da của mình.

Tài liệu tham khảo

  1. Tobechi L. Ebede, Emily L. Arch, Diane Berson. “Hormonal Treatment of Acne in Women“. J Clin Aesthet Dermatol. 2009 Dec; 2(12): 16–22
  2. Edileia Bagatin, Thais Helena Proença de Freitas, Maria Cecilia Rivitti Machado. “Adult female acne: a guide to clinical practice“. An Bras Dermatol. 2019 Jan-Feb; 94(1): 62–75
  3. Can you treat acne with a hormonal acne diet?“. MedicalNewsToday
  4. Leanne Cussen, Tara McDonnell, Gillian Bennett. “Approach to androgen excess in women: Clinical and biochemical insights“. Clin Endocrinol. 2022 Aug; 97(2): 174–186
  5. C. A. Morton, R. D. Scholefield, C. Whitehurst. “An open study to determine the efficacy of blue light in the treatment of mild to moderate acne“. Journal of Dermatological Treatment

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Điểm trung bình 0 / 5. Lượt đánh giá 0

banner gruop facebook
Share DMCA.com Protection Status

PHẢN HỒI

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84