Trị sẹo rỗ bằng công nghệ laser CO2 fractional là bước đột phá trong lĩnh vực tái tạo da và điều trị sẹo rỗ hiện nay, đặc biệt với các sẹo rỗ lâu năm. Vậy công nghệ laser CO2 fractional trong điều trị sẹo rỗ có những ưu điểm như thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Sẹo rỗ được định nghĩa là tổn thương da có dạng lõm so với bề mặt da với kích thước và hình dạng không đồng đều. Sẹo rỗ là hậu quả của các bệnh viêm da gây ra tổn thương nhưng không thể phục hồi hoàn toàn collagen ở lớp thượng bì và trung bì của da, từ đó hình thành các vết lõm trên bề mặt. Các nguyên nhân phổ biến nhất của sẹo rỗ đặc biệt ở vùng mặt là mụn trứng cá nặng như mụn nang, mụn bọc, mụn mủ hay bệnh thủy đậu.
Sẹo rỗ có liên quan đến chấn thương tâm lý và sụt giảm sự tự tin cho những ai không may mắc phải. Điều trị thành công những vết sẹo này chính là giải pháp giúp bệnh nhân giải toả được các áp lực nặng nề và cũng là trải nghiệm quý giá cho Bác sĩ điều trị.
Phân loại sẹo rỗ
Các vết sẹo rỗ được phân loại theo hình thái của chúng tức là theo hình dạng và độ sâu của vết sẹo. Theo tác giả Jacob và cộng sự, sẹo mụn dạng rỗ được phân thành ba loại là sẹo rỗ chân đá nhọn (ice pick scar), sẹo rỗ hình lượn sóng (rolling scar) và sẹo rỗ dạng chân hộp (boxcar scar).
Sẹo rỗ hình lượn sóng (rolling scar) được gây ra bởi sự phá hủy chất béo dưới da. Sẹo rỗ chân đá nhọn (ice pick scar) là những tổn thương hẹp, sâu và sắc, chúng kéo dài theo chiều dọc đến lớp hạ bì sâu. Sẹo rỗ dạng chân hộp (boxcar scar) là những vết sẹo lõm nông từ sâu đến trung bình với các cạnh được xác định rõ, miệng sẹo thường có dạng hình tròn hoặc hình bầu dục, hiện diện phổ biến nhất ở má và thái dương.
Điều trị sẹo rỗ với hình thái khác nhau là không giống nhau vì mỗi loại sẹo đáp ứng tốt nhất với một số phương pháp điều trị, có nghĩa là một phương pháp điều trị có thể đạt hiệu quả cao cho hình thái sẹo rỗ này nhưng lại không đạt được hiệu quả tương tự như vậy cho các loại sẹo rỗ khác.
Điều trị sẹo rỗ vừa đến nặng luôn luôn là một thách thức cho các Bác sĩ thẩm mỹ. Một bệnh nhân thường có hơn một loại sẹo rỗ, tức các loại sẹo khác nhau về hình thái và thậm chí với cùng một loại sẹo rỗ thì độ sâu giữa các sang thương cũng khác nhau. Tất cả các yếu tố này làm cho việc cá thể hóa điều trị cho mỗi bệnh nhân là hết sức quan trọng vì không thể có liệu trình điều trị nào là hiệu quả cho tất cả các bệnh nhân.
Tuy nhiên, dù liệu trình điều trị sẹo rỗ như thế nào, phương pháp tái tạo bề mặt da bằng laser CO2 fractional là luôn luôn cần thiết và gần như sẽ có mặt trong tất cả các liệu trình vì hiệu quả mà phương pháp này mang lại là hiệp lực với các phương pháp khác. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ về vai trò và hiệu quả của laser CO2 fractional trong điều trị sẹo rỗ.
Vai trò của laser fractional (phân đoạn) trong tái tạo bề mặt của các vết sẹo
Laser được xem là điều trị tiêu chuẩn trong tái tạo bề mặt da nói chung và bề mặt các vết sẹo nói riêng. Laser trong thẩm mỹ da liễu được chia thành laser xâm lấn (ablative) và laser không xâm lấn (nonablative) mà trong đó laser xâm lấn được chứng minh là có hiệu quả cao hơn rất nhiều so với laser không xâm lấn trong tái tạo bề mặt da, đặc biệt là cải thiện tình trạng sẹo rỗ của da.
Laser xâm lấn (ablative) có tác dụng loại bỏ thượng bì và một phần trung bì của da. Quá trình lành vết thương sẽ kích thích sản xuất collagen tự thân, tái tạo các sợi collagen ở lớp trung bì và tăng sinh tế bào da mới.
Kết quả thu được của quá trình này là giảm nếp nhăn và làm đầy sẹo rỗ, thu nhỏ kích thước lỗ chân lông và cải thiện cấu trúc da đồng thời loại bỏ các tổn thương sắc tố lành tính ở thượng bì. Trong đó laser CO2 và laser Er:YAG là 2 loại laser xâm lấn được sử dụng phổ biến nhất hiện nay trong thẩm mỹ da liễu. Hai loại laser này có cùng đích hấp thu là nước.
Laser Er-YAG là loại laser rắn với hoạt chất là erbium pha với yttrium aluminium garnet (Er:Y3Al5O12). Laser Er-YAG phát ra năng lượng có bước sóng 2.940nm và tác động tới đích hấp thu là nước. Khi tương tác với mô da, tia laser Er-YAG bị hấp thu bởi dịch gian bào, đốt bay mô bằng nhiệt và bốc hơi chất lỏng, truyền nhiệt ra các tổ chức liền kề gây hiện tượng quang đông.
Hệ số hấp thu của nước với laser Er-YAG cao hơn 12-18 lần so với laser CO2 (10.600 nm) nên ngăn cản tia laser Er-YAG xuyên sâu vào da, có nghĩa khả năng đâm xuyên của laser Er-YAG nông hơn, truyền nhiệt ra mô xung quanh ít hơn vì vậy vùng quang đông cũng hẹp hơn, tăng nguy cơ chảy máu khi thao tác.
So với laser CO2 thì laser Er-YAG có ưu điểm là cần thời gian hồi phục sau điều trị ngắn hơn, ít gây đau hơn khi điều trị và ít có tác dụng không mong muốn như đỏ da kéo dài, thay đổi sắc tố da. Tuy nhiên nó cũng có nhược điểm là dễ gây chảy máu và đạt hiệu quả tái tạo bề mặt da kém hơn laser CO2.
Laser carbon dioxide (CO2) là một thiết bị laser tạo ra năng lượng ở vùng hồng ngoại xa với bước sóng 10.600nm. Laser CO2 có cùng đích tác động là nước như laser Er-YAG. Tương tự laser Er-YAG, khi tương tác với mô da, tia laser CO2 bị hấp thu bởi dịch gian bào, đốt bay mô bằng nhiệt và bốc hơi chất lỏng, truyền nhiệt ra các tổ chức liền kề gây hiện tượng quang đông.
Hệ số hấp thu của nước với laser CO2 thấp hơn so với laser Er-YAG nên tia laser xuyên sâu vào da hơn, truyền nhiệt ra mô xung quanh nhiều hơn vì vậy vùng quang đông cũng rộng hơn, giảm tối đa nguy cơ chảy máu. Đây cũng là một đặc điểm giúp laser CO2 được ứng dụng như là một dao mổ cầm máu trong phẫu thuật ngoại khoa.
Trong thẩm mỹ da liễu, laser CO2 đã được chứng minh là đạt hiệu quả cao trong điều trị sẹo rỗ và lão hóa, có thể nói là cao nhất, hơn cả laser Er-YAG. Tuy nhiên, mặc dù laser CO2 được xem là phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho các vết sẹo rỗ nhưng tỷ lệ cao của các tác dụng phụ như nguy cơ tăng sắc tố sau viêm hoặc giảm sắc tố, bùng phát mụn trứng cá, đỏ da và sẹo vĩnh viễn sau điều trị đã làm cho việc sử dụng kỹ thuật này bị hạn chế. Kỹ thuật laser fractional (phân đoạn) là một phát minh được phát triển vào đầu những năm 2000 đã giúp phá vỡ nhiều nhược điểm vừa nêu của laser CO2 truyền thống.
Trong kỹ thuật laser CO2 fractional (phân đoạn) chỉ một phần nhỏ của toàn bộ da bị tia laser tác động và để lại các vùng da không bị xâm lấn nằm xem kẽ. Điều trị bằng laser fractional (phân đoạn) dẫn đến sự hình thành các vùng vi nhiệt dọc microthermal zones (MTZ) trên da.
MTZ là các vùng có độ sâu 1,5 mm, chiều rộng 100–400 μm và có 6.400 particle trên mỗi cm vuông, được phân tách bằng các vùng da khỏe mạnh, không bị xâm lấn với lớp biểu bì còn nguyên vẹn.
Chính những khu vực không bị bóc tách này sẽ giúp da được tái tạo nhanh chóng, đồng thời giảm thiểu tối đa khả năng xuất hiện tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc kéo dài so với các thế hệ laser không phân đoạn trước đây. Kỹ thuật phân đoạn này cũng cho phép Bác sĩ lựa chọn các điều trị với tia laser đi sâu hơn vào da so với laser truyền thống (nonfractional – không phân đoạn).
Độ sâu mà tia laser thâm nhập vào da là một yếu tố rất quan trọng giúp cho việc tái tạo bề mặt da bằng laser phân đoạn đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, các tác dụng phụ gặp phải với laser phân đoạn là thoáng qua và ít nghiêm trọng hơn so với tái tạo bề mặt da không phân đoạn.
Chính nhờ hiệu quả và độ an toàn cao, tái tạo bề mặt bằng laser CO2 fractional (phân đoạn) hiện đang được coi là lựa chọn điều trị hiệu quả nhất đối với sẹo rỗ trên khuôn mặt.
Các lưu ý khi thực hiện tái tạo da bằng laser CO2 fractional (phân đoạn)
Để tái tạo bề mặt bằng laser CO2 fractional (phân đoạn) có hiệu quả, độ sâu mà tia laser thâm nhập vào da là một yếu tố rất quan trọng. Để đạt được hiệu quả tối ưu, Bác sĩ Da liễu phải thăm khám lâm sàng, từ đó dựa vào tình trạng sẹo rỗ của bệnh nhân cũng như mong đợi điều trị của bệnh nhân và Bác sĩ mà quyết định năng lượng điều trị, yếu tố quyết định tới độ sâu tia laser thâm nhập vào da tại các lần điều trị.
Một yếu tố khác có liên quan đến hiệu quả đạt được trong quá trình điều trị bằng laser CO2 fractional (phân đoạn) là mật độ điều trị (số lần chiếu tia cho mỗi vùng da trong mỗi đợt điều trị) và tổng số lần điều trị cần thiết. Laser CO2 fractional cần số lần chiếu tia cho mỗi vùng da trong mỗi đợt điều trị ít hơn laser Er: YAG fractional, nhưng cần thời gian dài hơn giữa các lần điều trị, mỗi lần điều trị cần cách nhau tối thiểu 4 tuần.
Tại Phòng khám Da liễu, Bác sĩ Da liễu là người duy nhất được ra chỉ định thực hiện laser CO2 fractional (phân đoạn) cho bệnh nhân. Bác sĩ phải kiểm tra da đồng thời thăm hỏi kỹ bệnh nhân về bệnh sử toàn diện trong quá khứ và hiện tại vì một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả của phương pháp này.
Cụ thể, các trường hợp sau đây cần thận trọng hoặc có chống chỉ định với phương pháp laser CO2 fractional (phân đoạn):
- Người đang có nhiễm trùng da do vi khuẩn, nấm hoặc virus chống chỉ định với các phương pháp tái tạo da. Bệnh nhân có tiền sử bị herpes cần thận trọng với phương pháp này vì virus Herpes simplex (HSV) có thể được kích hoạt lại sau khi thực hiện laser CO2 và trì hoãn quá trình lành vết thương nếu không được điều trị dự phòng trước khi can thiệp.
- Người đang có tình trạng viêm da như bệnh vẩy nến, bệnh chàm trên khu vực điều trị.
- Người có tiền sử sẹo phì đại hoặc sẹo lồi.
Một số vết đỏ thường xuất hiện sau khi điều trị với laser CO2 fractional và đóng mài trên bề mặt các vùng vi nhiệt dọc MTZ kéo dài trung bình 3-6 ngày trên da trước khi tự tróc.
Tại Phòng khám Doctor Acnes, sau khi thực hiện kỹ thuật laser CO2 fractional, Bác sĩ Da liễu sẽ kê toa cho bệnh nhân thuốc bôi và thuốc uống để giúp kiểm soát sự khó chịu và làm thời gian lành thương diễn ra nhanh hơn, đồng thời tối ưu hiệu quả điều trị. Hầu hết các khuyến cáo đề nghị sử dụng kem bôi có chứa acid retinoic và/hoặc hydroquinone để giảm nguy cơ tăng sắc tố sau khi điều trị với laser.
Các bệnh nhân cũng được khuyến cáo tránh tiếp xúc trực tiếp ánh nắng mặt trời trong 4-5 ngày tiếp theo sau mỗi đợt điều trị. Một mẹo nhỏ để giúp bệnh nhân tuân thủ tốt việc tránh nắng là thực hiện laser CO2 fractional vào thứ sáu để bệnh nhân được nghỉ hai ngày cuối tuần. Kem chống nắng phổ rộng SPF 30 hoặc cao hơn cũng được khuyến khích sử dụng thường xuyên sau đó.
Cũng cần lưu ý rằng sau quy trình tái tạo da bằng laser, không nên sử dụng kháng sinh tại chỗ do nguy cơ viêm da tiếp xúc.
Các bằng chứng lâm sàng của laser CO2 fractional (phân đoạn) trong điều trị sẹo rỗ
Tái tạo bề mặt bằng laser CO2 fractional (phân đoạn) đã được sử dụng trong điều trị sẹo rỗ với rất nhiều các chứng cứ lâm sàng trong nhiều nghiên cứu.
Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2014 bởi tác giả Imran Majid và cộng sự nhằm đánh giá hiệu quả và độ an toàn của việc tái tạo bề mặt da bằng laser CO2 fractional (phân đoạn) trong điều trị các vết sẹo mụn trên da mặt.
Sáu mươi bệnh nhân châu Á bị sẹo mụn dạng rỗ từ vừa đến nặng được tái tạo da với laser CO2 fractional 3-4 lần mỗi 6 tuần. Hầu hết các bệnh nhân đều mắc hơn một loại sẹo rỗ khác nhau. Laser CO2 sử dụng năng lượng trong khoảng 12-20 J/cm2 và mật độ điều trị 150-200 MTZ/cm2 ở tất cả các bệnh nhân.
Đáp ứng với điều trị được đánh giá ở mỗi lần tái khám và lần cuối là 6 tháng sau buổi laser sau cùng. Đáp ứng với điều trị được xem là ‘tuyệt vời’ nếu có sự cải thiện > 50% về độ rõ của sẹo và kết cấu da, cải thiện 25-50% và cải thiện < 25% được lần lượt xem là đáp ứng ‘tốt’ và ‘kém’.
Tại thời điểm đánh giá lần cuối tức 6 tháng sau buổi laser sau cùng, cải thiện sẹo ở mức ‘tuyệt vời’ đã được quan sát thấy ở 26 bệnh nhân (43,3%) trong khi 15 bệnh nhân (25%) và 19 bệnh nhân (31,7%) cho thấy được cải thiện ‘tốt’ và ‘kém’. Sẹo rỗ hình lượn sóng (rolling scar) và sẹo rỗ dạng chân hộp (boxcar scar) đáp ứng tốt nhất trong khi sẹo rỗ chân đá nhọn (ice pick scar) được cải thiện ít nhất với đơn trị liệu bằng laser CO2 fractional.
Tất cả 11 bệnh nhân cho thấy cải thiện sẹo > 75% có loại sẹo chủ yếu là sẹo rỗ hình lượn sóng (rolling scar). Mặt khác, những bệnh nhân đạt điểm cải thiện tối thiểu chủ yếu có sẹo rỗ chân đá nhọn (ice pick scar) hoặc sẹo rỗ dạng chân hộp (boxcar scar) sâu. Tác dụng phụ phổ biến nhất được báo cáo là đỏ da thoáng qua và lớp mài kéo dài trung bình 3-6 ngày, có ba bệnh nhân bị tăng sắc tố da sau viêm kéo dài 8-12 tuần.
Kết quả của nghiên cứu này cho thấy tái tạo bề mặt da bằng laser CO2 fractional (phân đoạn) có hiệu quả trong điều trị sẹo rỗ, đặc biệt là sẹo rỗ hình lượn sóng (rolling scar) và sẹo rỗ dạng chân hộp (boxcar scar) với các tác dụng phụ tối thiểu. Lưu ý là trong nghiên cứu này tái tạo bề mặt da bằng laser phân đoạn được sử dụng đơn trị liệu.
Một số nghiên cứu lâm sàng khác đã ghi nhận hiệu quả điều trị tích cực của việc tái tạo bề mặt bằng laser CO2 fractional ở cả bệnh nhân da trắng cũng như người châu Á.
Chapas và cộng sự, trong nghiên cứu năm 2008 về sẹo mụn trên mặt, đã ghi nhận sự cải thiện 26-50% về kết cấu da và độ rõ của sẹo rỗ ở tất cả các bệnh nhân trải qua hai hoặc ba lần điều trị với laser CO2 fractional, mỗi lần cách nhau 1-2 tháng. Các nhà nghiên cứu cũng sử dụng một hệ thống hình ảnh – Primos để phân tích sự thay đổi về độ sâu của các vết sẹo. Hệ thống này ghi nhận sự cải thiện về độ sâu của từng vết sẹo từ 43% đến 79,9%, với sự cải thiện trung bình là 66,8%. Không có bệnh nhân nào được ghi nhận gặp phải bất kỳ tác dụng phụ lâu dài.
Hedelund và cộng sự, trong một nghiên cứu ngẫu nhiên mù đơn về sẹo mụn, đã chứng minh sự cải thiện đáng kể trong kết cấu da và độ rõ của sẹo rỗ so với giả dược sau 3 buổi laser CO2 fractional hàng tháng. Nghiên cứu được thực hiện trên 13 bệnh nhân và các bệnh nhân đều cho thấy sự hài lòng với lựa chọn điều trị này.
Ở bệnh nhân châu Á, Sung Bin Cho và cộng sự đã chứng minh tính hiệu quả cũng như độ an toàn của việc tái tạo bề mặt da bằng laser CO2 fractional cho các vết sẹo mụn trứng cá. Một nửa trong số 20 bệnh nhân tham gia nghiên cứu này đạt được cải thiện lâm sàng > 50% trong khi 7 bệnh nhân khác đạt được cải thiện 26-50%.
>>> Xem thêm: Laser CO2 fractional có trị được sẹo rỗ lâu năm không
Vì sao bạn cần đến Phòng khám Da liễu để điều trị sẹo rỗ
Kết quả lâm sàng từ các nghiên cứu cho thấy các vết sẹo rỗ hình lượn sóng (rolling scar) đáp ứng tốt nhất với liệu pháp đơn trị liệu laser CO2 fractional (phân đoạn), trong khi sẹo rỗ chân đá nhọn (ice pick scar) đáp ứng ít nhất với kỹ thuật này.
Quan sát này có ý nghĩa quan trọng trong thực hành lâm sàng vì tái tạo bề mặt da bằng laser CO2 đơn trị liệu có thể không mang lại hiệu quả cho tất cả các loại sẹo rỗ. Nghĩa là, nếu sẹo rỗ chân đá nhọn (ice pick scar) hoặc sẹo rỗ dạng chân hộp (boxcar scar) là loại sẹo chiếm ưu thế ở bệnh nhân thì rất khó đạt được hiệu quả điều trị như mong đợi chỉ với liệu pháp tái tạo bề mặt bằng laser CO2 đơn trị liệu.
Trường hợp này, bệnh nhân sẽ cần điều trị bổ sung bằng kỹ thuật cross TCA (tái tạo bề mặt sẹo bằng acid trichloracetic 100%) hoặc các kỹ thuật phẫu thuật như bóc tách đáy sẹo (subcision) hoặc dập nổi (punch incision and elevation) tùy trường hợp.
Tại Phòng khám Da liễu, xác định đúng loại sẹo rỗ mà bệnh nhân mắc phải là yếu tố quyết định để Bác sĩ Da liễu có thể đưa ra phác đồ điều trị phối hợp nhiều kỹ thuật trị sẹo rỗ phù hợp cho từng bệnh nhân.
Cụ thể, bệnh nhân cần được chẩn đoán mắc sẹo rỗ đơn hình thái hay đa hình thái, trong trường hợp đa hình thái thì loại nào là chủ đạo. Có thể nói điều trị sẹo rỗ là một ví dụ điển hình của điều trị cá thể hóa trong y khoa vì phác đồ điều trị sẹo rỗ của từng bệnh nhân với hình thái sẹo khác nhau sẽ không giống nhau.
Tuy nhiên, dù phác đồ điều trị như thế nào, phương pháp tái tạo bề mặt da bằng laser CO2 fractional là cần thiết và gần như sẽ có mặt trong tất cả các phác đồ điều trị sẹo rỗ vì hiệu quả mà phương pháp này mang lại là hiệp lực với các phương pháp khác để làm đầy vết sẹo và cải thiện kết cấu da, bên cạnh đó laser CO2 fractional còn cải thiện tông màu, làm đều màu da, mang đến làn da trẻ trung hơn sau liệu trình điều trị sẹo rỗ thành công.
Bảng giá dịch vụ laser fractional với eCO2 plus tại Phòng khám Doctor Acnes
✅ Phương pháp | ✅ Giá | ✅ Giá HSSV |
⭐Laser fractional eCO2 Lutronic chuẩn FDA (thực hiện bởi Bác sĩ Da liễu) | 1.500.000 | 1.400.000 |
Nếu có nhu cầu trị liệu laser CO2 fractional, bạn có thể đến với Phòng khám chuyên khoa Da liễu Doctor Acnes – Phòng khám chuyên sâu về điều trị mụn vào sẹo mụn hàng đầu và đáng tin cậy nhất hiện nay để thực hiện. Bạn cũng có thể liên hệ trực tiếp với Phòng khám để được hỗ trợ những vấn đề bạn chưa rõ về thủ thuật làm đẹp này bằng cách để lại thông tin của bạn và câu hỏi tại đây.
Tài liệu tham khảo
- Tokuya Omi, Kayoko Numano. “The Role of the CO2 Laser and Fractional CO2 Laser in Dermatology”. Laser Therapy. 2014 Mar 27; 23(1):49–60
- Imran Majid,Saher Imran. “Fractional CO2 Laser Resurfacing as Monotherapy in the Treatment of Atrophic Facial Acne Scars”. J. Cutaneous and Aesthetic Surgery. 2014 Apr-Jun; 7(2):87–92
- Jason Preissig, B.A., Kristy Hamilton, B.A., Ramsey Markus, M.D. “Current Laser Resurfacing Technologies: A Review that Delves Beneath the Surface”. Seminars Plastic Surgery. 2012 Aug; 26(3): 09–116