Mụn trứng cá là một căn bệnh mà theo thống kê có đến 80-90% các bạn ở độ tuổi dậy thì mắc phải. Mụn đã đáng sợ nhưng những biến chứng mà nó để lại nếu da mụn không được chăm sóc đúng cách như nhiễm trùng, tăng sắc tố, viêm da, teo da, phát ban mụn mủ… còn đáng lo ngại hơn. Vậy nên các bậc phụ huynh cũng như các bạn tuổi thanh thiếu niên luôn dành một sự quan tâm đặc biệt cho căn bệnh này. Bài viết sau đây sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn các biến chứng có thể xảy ra sau mụn ở độ tuổi dậy thì và hướng phòng ngừa đúng cách!
Những biến chứng có thể xảy ra sau cơn bùng phát mụn ở tuổi dậy thì và hướng phòng ngừa
Biến chứng nhiễm trùng và sẹo rỗ do tự ý nặn mụn không đúng cách
Các bạn trẻ thường nghĩ rằng cách nhanh chóng nhất để trị mụn là nặn mụn. Tuy nhiên, trên thực tế việc nặn mụn không đúng cách, nhất là các trường hợp mụn viêm, mụn mủ hay mụn bọc càng làm cho vùng da bị mụn lan rộng hơn, đồng thời đẩy vi khuẩn vào sâu hơn dưới lỗ chân lông, khiến mụn sưng đỏ nặng nề và thậm chí là để lại sẹo rỗ vĩnh viễn rất khó điều trị về sau.
Ngoài ra, một sai lầm mà các bạn trẻ thường hay mắc là dùng tay trần chưa được rửa sạch để nặn mụn. Thói quen này có thể làm cho vi khuẩn từ tay xâm nhập vào sâu dưới da đến hệ thống tĩnh mạch dẫn đến nhiễm trùng huyết. Đây là một dạng nhiễm trùng nghiêm trọng, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách thì có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Hướng phòng ngừa: để tránh các tai biến khi nặn mụn, cần kiên trì bôi thuốc trị mụn và tránh tác động cơ học đến khi nhân mụn gom cồi thì mới dùng lực của tay hoặc dụng cụ chuyên dụng để lấy nhân mụn ra khỏi da, cũng cần nhớ là mang găng tay và tiệt trùng dụng cụ lấy nhân mụn trước khi sử dụng, hoặc cũng có thể đến các phòng khám da liễu để được lấy nhân mụn chuẩn y khoa nhằm đảm bảo an toàn cho quá trình lấy nhân mụn nhé!
Biến chứng kích ứng, giãn mạch, teo da, phán ban mụn mủ do dùng các sản phẩm trị mụn không rõ nguồn gốc
Việc tự ý tìm mua các sản phẩm trị mụn trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên thị trường hiện nay khá phổ biến, đặc biệt là với các bạn trẻ ở độ tuổi dậy thì do kiến thức còn hạn hẹp. Thực tế, đã có rất nhiều bạn trẻ vì không tìm hiểu kỹ đã vô tình sử dụng các thuốc trị mụn chứa corticoid, thủy ngân, chì, cồn công nghiệp…
Đây vốn dĩ là những thành phần đem lại tác dụng trị mụn nhanh chóng đến thần kỳ chỉ trong thời gian ngắn sử dụng, nhưng tác dụng phụ về sau là không thể lường trước được. Đặc biệt, nếu sử dụng lâu dài rất có thể sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm như mỏng da, teo da, giãn mạch da, bùng phát mụn trứng cá, viêm da và thậm chí là ung thư da.
Một ví dụ điển hình gần đây là em P.T.T. (17 tuổi, ngụ tại Hóc Môn, TP. HCM) bị nổi nhiều mụn trứng cá trên mặt. Từ ngày bị mọc mụn T. luôn cảm thấy không được tự tin, muốn điều trị cho hết mụn nhưng em lại không muốn đến bệnh viện để khám. Nghe người thân chỉ cách mua rượu cồn thoa lên những vùng bị mụn da, T. thực hiện theo và kết quả là da T. bị đỏ, bong tróc, phát ban mụn mủ khắp mặt và dị ứng toàn cơ thể.
Qua thăm khám, Bác sĩ cho biết T. bị viêm da tiếp xúc. Thông thường khi thoa các chất có tính gây kích ứng lên da thì chỉ bị dị ứng tại chỗ nhưng trong trường hợp này, phản ứng của cơ thể bệnh nhân mạnh hoặc do độc tính của hóa chất nên T bị viêm da trên diện rộng. Bác sĩ phải dùng phác đồ điều trị giảm ngứa, giải mẫn cảm cho T trong khoảng 3-5 ngày thì mới giảm được triệu chứng nhưng không thể ngăn ngừa hoàn toàn việc để lại vết thâm, tăng sắc tố cho T.
Hướng phòng ngừa: không tự ý mua và sử dụng thuốc trị mụn trên mạng internet hay tại các spa, nhất là các sản phẩm không có bao bì và nguồn gốc rõ ràng. Chỉ nên thoa thuốc đặc trị mụn khi được chỉ định bởi các Bác sĩ Da liễu để tránh các biến chứng nặng nề cho làn da.
Biến chứng kích ứng da do dùng các sản phẩm trị mụn không theo hướng dẫn của Bác sĩ
Nhiều bạn trẻ bị mụn đã biết tìm đến các bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa da liễu để khám với Bác sĩ, tuy nhiên khi về nhà thì lại không thực hiện đúng theo lời dặn của Bác sĩ vì tâm lý nôn nóng, muốn vừa uống hoặc bôi thuốc vào là hết mụn ngay.
Sự nóng lòng này khiến các bạn thoa thuốc với lớp dày hoặc thoa với tầng số nhặt hơn lời dặn của Bác sĩ. Nên nhớ rằng liều lượng đóng vai trò quan trọng đối với hiệu quả của các thuốc trị mụn. Việc tăng số lần sử dụng so với chỉ định của Bác sĩ không đồng nghĩa với việc các nốt mụn sẽ biến mất nhanh hơn, nó còn có thể khiến tình trạng mụn trở nên nặng hơn, da bị kích ứng và khó điều trị sau đó.
Hướng phòng ngừa: cần tuân thủ đúng hướng dẫn sử dụng trong toa thuốc hoặc dặn dò của Bác sĩ khi điều trị mụn.
Biến chứng tổn thương da do làm sạch da mặt quá mức
Rất nhiều bạn trẻ có suy nghĩ rằng nguyên nhân của mụn là do bụi bẩn và vi khuẩn nên thường sử dụng các loại sữa rửa mặt có tính làm sạch sâu và dùng lực chà xát mạnh lên da khi rửa mặt với mong muốn lấy đi hết bụi bẩn và vi khuẩn trên da.
Nhiều bạn còn rửa mặt rất nhiều lần trong ngày với sữa rửa mặt. Sự thật là điều này có thể khiến da xấu đi nhanh chóng vì sẽ làm cho lớp màng tự nhiên bảo vệ da mỏng đi và bị tổn thương, làn da trở nên sần sùi, mất nước và mau khô nhưng lại tiết rất nhiều dầu. Nếu trầm trọng sẽ làm da trở nên kích ứng, thậm chí là ngứa ngáy, bong tróc da và mẩn đỏ, tình trạng mụn cũng trở nên nặng hơn.
Hướng phòng ngừa: không nên rửa mặt quá nhiều lần, kể cả với những ai sở hữu làn da nhiều nhờn mà chỉ nên rửa mặt với sữa rửa mặt dịu nhẹ 2 lần một ngày vào buổi sáng và buổi tối. Khi rửa mặt, cần nhớ là không được chà xát mạnh tay mà chỉ massage da mặt nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương da.
Cần làm gì khi bị mụn ở tuổi dậy thì?
Thường các cô cậu tuổi teen khi phát hiện bản thân bị nổi nhiều mụn sẽ cảm thấy vô cùng lo lắng nhưng không biết phải làm thế nào. Bất kỳ ai rơi vào hoàn cảnh này cũng sẽ như vậy, lo sợ, tự ti và bối rối là điều hiển nhiên. Tuy nhiên các em dưới sự hỗ trợ của phụ huynh cần tìm ra giải pháp hợp lý và hiệu quả nhất:
Bình tĩnh và xác định chính xác nguyên nhân gây ra mụn:
Mặc dù việc thay đổi nội tiết tố đã được xác nhận là nguyên nhân chính gây ra mụn ở tuổi dậy thì và là điều không thể thay đổi được; nhưng có rất nhiều các yếu tố có thể góp phần làm nặng thêm tình trạng mụn ở độ tuổi này như stress, chế độ dinh dưỡng, cách chăm sóc da, thậm chí là kiểu tóc hay quần áo và các yếu tố từ môi trường như bụi bẩn, ánh sáng… Sau khi xác định được các yếu tố này thì việc đầu tiên cần làm là phải làm là điều chỉnh lại lối sống cũng như hạn chế việc phơi nhiễm với các yếu tố gây mụn từ môi trường.
Bắt đầu tìm hiểu và thực hành chăm sóc da mụn:
Nhiều người thường chỉ quan tâm đến việc điều trị sao cho hết mụn mà quên mất việc chăm sóc da mụn đúng cách chiếm đến 50% hiệu quả điều trị và giúp duy trì làn da sạch mụn lâu dài. Chăm sóc da mụn khoa học với các bước tẩy trang, rửa mặt, dưỡng ẩm, thuốc thoa đặc trị mụn, chống nắng như thế nào cho đúng thì mời độc giả xem thêm tại bài viết sau: Bác sĩ Da liễu hướng dẫn cách chăm sóc da mụn tuổi dậy thì
Tạo thói quen sinh hoạt khoa học hơn:
Nhiều bạn trẻ thanh thiếu niên đang còn độ tuổi đến trường thường có thói quen thức khuya học bài. Khoảng thời gian từ 11 giờ đến 2 giờ sáng là thời điểm để da thải độc và tái tạo. Nếu bỏ lỡ cơ hội này, làn da sẽ tích tụ nhiều độc tố dẫn đến nổi mụn và lão hóa nhanh hơn. Vậy nên, thay vì thức đến 1 – 2 giờ sáng làm lỡ mất “thời điểm vàng” của làn da thì hãy đi ngủ trước 11 giờ và hẹn đồng hồ dậy sớm học bài. Nên duy trì giấc ngủ 6 – 8 tiếng để cơ thể khỏe mạnh, khoan khoái và làn da có đủ thời gian để nghỉ ngơi, phục hồi.
Chú ý đến chế độ dinh dưỡng:
Muốn có làn da sạch mụn, chăm sóc da bên ngoài thôi chưa đủ, phải chăm sóc từ bên trong, bắt đầu bằng việc có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý. Giảm đường, sữa, tinh bột, tăng lượng rau, trái cây, uống đủ nước, ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng… là những việc cần làm để duy trì làn da khỏe đẹp.
Thay đổi cách ăn mặc, kiểu tóc:
Mặc quần áo không đúng cách với các loại vải từ sợi polyester và lycra có thể giữ mồ hôi và tế bào da chết trên người. Các tế bào chết bị giữ lại trong thời gian dài sẽ gây bít tắc lỗ chân lông và gây mụn cơ thể, đặc biệt là mụn lưng. Vậy nên hãy chọn các loại vải từ sợi tự nhiên và không nên mặc quần áo bó sát quá lâu.
Bên cạnh cách ăn mặc thì kiểu tóc cũng có thể gây ra mụn. Nhiều thanh thiếu niên, đặc biệt là các bạn nữ rất thích để tóc dài hay xõa tóc mái, thói quen này làm cho lỗ chân lông vùng da bị tóc che phủ dễ bị bít tắc do mồ hôi và tế bào chết bị ứ đọng nên cần lưu ý cột tóc hoặc thay đổi kiểu tóc để vùng da mặt luôn được thông thoáng.
Mụn trứng cá dù ở mức độ nào, giai đoạn nào cũng nên được điều trị càng sớm càng tốt nhằm giảm nguy cơ diễn tiến nặng hơn cũng như các biến chứng có thể xảy ra. Đặc biệt là đối với các bạn ở độ tuổi dậy thì, nên điều trị mụn đúng cách và càng sớm càng tốt để không ảnh hưởng đến tâm lý phát triển ở giai đoạn quan trọng này.
Tóm lại nếu không biết phải xử lý với những nốt mụn đầu đời như thế nào thì hãy đến Phòng khám Da liễu hoặc Bệnh viện Da liễu để có phương pháp điều trị phù hợp nhất với tình trạng mụn hiện có, đừng để các biến chứng sau mụn có cơ hội xảy ra và rồi phải hối tiếc về sau.
Tài liệu tham khảo
- Katlein França and Jonette Keri. “Psychosocial impact of acne and postinflammatory hyperpigmentation”. An Bras Dermatol. 2017 Jul-Aug; 92(4): 505–509
- Kurt Gebauer. “Acne in adolescents”. Aust Fam Physician. 2017 Dec;46(12):892-895
- Zaenglein AL, Pathy AL, Schlosser BJ, et al. “Guidelines of care for the management of acne vulgaris”. J Am Acad Dermatol. 2016;74(5):945-73.e33